Liên tiếp bắt các vụ nhập lậu thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc
Thu giữ số lượng lớn thiết bị phòng, chống dịch Covid-19 không rõ nguồn gốc
Thời gian qua, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội liên tiếp phát hiện, thu giữ các mặt hàng thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 như thuốc điều trị Covid-19, máy trợ thở, bộ kit test nhanh Covid-19, bình oxy,... không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Các mặt hàng này chủ yếu là hàng trôi nổi, xách tay, chưa được kiểm định chất lượng và chưa được phép lưu hành tại Việt Nam.
Điển hình, vào khoảng 17h ngày 2/9, tại khu B1 Làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an thành phố Hà Nội) phối hợp cùng Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã khám xét một ô tô con màu đỏ, phát hiện trên xe đang vận chuyển gần 500 hộp thuốc điều trị Covid-19. Tại thời điểm kiểm tra, chủ xe là N.T.H (sinh năm 1979, trú tại quận Cầu Giấy) chưa xuất trình được hóa đơn, chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số thuốc trên. Trên bao bì các sản phẩm đều in chữ do nước ngoài sản xuất, không có tem nhãn phụ tiếng Việt. Trên thị trường, hiện nay, mỗi hộp thuốc như vậy đang được các đối tượng giao dịch với giá dao động từ 3 đến 3,5 triệu đồng tùy loại. Lực lượng chức năng đã niêm phong và thu giữ toàn bộ số thuốc trên để tiếp tục xác minh.
Lực lượng chức năng kiểm đếm số lượng thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc. |
Trước đó, vào ngày 31/8, sau khi kiểm tra đột xuất một điểm tập kết, kinh doanh hàng hóa tại đường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Đội 4 Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (Công an thành phố Hà Nội) và Đội Quản lý thị trường số 6 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) cũng đã phát hiện hàng trăm hộp thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ. Quá trình làm việc với lực lượng chức năng, chủ cơ sở là ông T.V.A (41 tuổi, quê ở Hải Dương) không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan đến nguồn gốc số thuốc. Số thuốc điều trị Covid-19 bị thu giữ gồm 2 loại 40 viên/hộp và 10 viên/hộp.
Công an thành phố Hà Nội đã phát đi cảnh báo về tình trạng thời gian gần đây có một số đối tượng quảng cáo, mua bán các loại thuốc điều trị Covid-19 qua mạng xã hội như ARBIDOl, AREPLIVIR... nhưng hầu hết là hàng trôi nổi, chưa được kiểm định chất lượng, chưa được phép lưu hành tại Việt Nam. |
Trên bao bì các sản phẩm đều in chữ do nước ngoài sản xuất. Ông A. khai nhận bản thân không biết gì về y dược, chủ yếu thu mua các hộp thuốc “trôi nổi” trên mạng xã hội với giá từ 100.000 đến 1 triệu đồng tùy loại, sau đó, rao bán lại trên mạng với giá gấp đôi.
Cách đó không lâu, ngày 27/8, Đội Quản lý thị trường số 15 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Công an quận Hoàng Mai cũng đã phát hiện một lô hàng có nhiều dấu hiệu nghi vấn được đặt trước sảnh tòa CT16 khu đô thị Định Công, phường Định Công, quận Hoàng Mai. Bà N.H.P. (45 tuổi, ở quận Ba Đình, Hà Nội) là người có mặt tại thời điểm đó cùng lô hàng. Nhanh chóng tiến hành kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 50 hộp thuốc hiệu ARBIDOL 10 viên/hộp và 3 hộp thuốc AREPLIVIR 40viên/hộp. Số thuốc này bà P. không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Tại cơ quan công an, bà P. khai thu mua số thuốc trên qua mạng xã hội với giá 180.000 đồng/hộp ARBIDOL và 2,9 triệu đồng/hộp AREPLIVIR. Người phụ nữ cho biết hai loại thuốc này sẽ làm ức chế vi rút, tăng cường đề kháng, giảm lây nhiễm và điều trị Covid-19, được sử dụng nhiều tại Nga.
Tại cơ quan công an, một số đối tượng khai nhận thu mua thuốc điều trị Covid-19 từ nhiều nguồn khác nhau để về bán kiếm lời dù biết các loại thuốc này không được các cơ quan y tế cấp phép lưu hành. |
Ngày 16/8, Đội Quản lý thị trường số 24 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, Công an huyện Hoài Đức đã kiểm tra xe ô tô mang BKS 12C-062.98 đang giao nhận hàng hóa tại đường nội bộ - khu đất dịch vụ thuộc xã An Khánh, huyện Hoài Đức, phát hiện trên xe có một số lượng lớn hàng hóa gồm 50 thùng, mỗi thùng có 20 bộ van máy thở với tổng cộng 1.000 sản phẩm do nước ngoài sản xuất, không rõ chất lượng. Tại thời điểm kiểm tra, toàn bộ số thiết bị này đều không có nhãn phụ tiếng Việt, chưa có đăng ký tiêu chuẩn chất lượng và chưa được cấp phép lưu hành, không xuất trình được hóa đơn chứng từ liên quan đến hàng hóa.
Ngày 3/8, qua tuần tra kiểm soát dịch tại khu vực Khu đô thị Ciputra, Bắc Từ Liêm, Đội Cảnh sát kinh tế (Công an quận Bắc Từ Liêm) cũng đã phát hiện đối tượng P.A.T (sinh năm 1992, trú tại Thái Nguyên) đang giao hàng là các bộ test nhanh SARS-CoV-2 do nước ngoài sản xuất có nhiều dấu hiệu nghi vấn. Qua điều tra và kiểm đếm, bước đầu xác định lô hàng có 1.000 bộ test nhanh SARS-CoV-2. Đặc biệt, tại cơ quan công an, đối tượng P.A.T đã khai nhận nguồn gốc số test nhanh SARS-CoV-2 được thu mua gom về Việt Nam từ nhiều nước và không có hóa đơn chứng từ, không được các cơ quan y tế cấp phép lưu hành.
Vào tháng 7, Đội Quản lý thị trường số 14 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Đội Chống buôn lậu - Phòng PC03 (Công an thành phố Hà Nội) kiểm tra và tạm giữ hàng nghìn que test nhanh Covid-19 do nước ngoài sản xuất, chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ tại 2 cơ sở kinh doanh trên địa bàn quận Hoàng Mai và quận Thanh Xuân.
Người dân cần hết sức thận trọng trước những loại thuốc điều trị Covid-19 không bảo đảm các yêu cầu cấp phép của Bộ Y tế. |
Theo Trung tá Nguyễn Thành Trung - Phó Đội trưởng Đội 4 - Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an thành thành phố Hà Nội), hiện nay, lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, một số người đã nhập lậu các mặt hàng y tế không qua kiểm định, không đảm bảo chất lượng vào thị trường, không bảo đảm các yêu cầu cấp phép của Bộ Y tế, nếu tiêu thụ ra thị trường sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Anh Hà - Phó Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 6, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng cho biết, để qua mắt lực lượng chức năng, các đối tượng thường lợi dụng mạng xã hội làm nơi buôn bán, sau đó, tìm những địa điểm đang xây dựng, địa hình đi lại khó khăn, sâu trong các ngõ nhỏ để làm nơi cất giấu hàng hóa.
Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thuốc dùng trong phòng, chống dịch Covid-19
Ngày 1/9, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có công văn gửi sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc dùng trong phòng, chống dịch Covid-19 về việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thuốc dùng trong phòng, chống dịch Covid-19.
Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra túi thuốc phát cho người mắc Covid-19. |
Theo Cục Quản lý dược, qua kiểm tra thực tế và phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng, thời gian qua vẫn xảy ra hiện tượng một số tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc dùng trong phòng, chống Covid-19 không rõ nguồn gốc, thuốc giả; thông tin, quảng cáo thuốc không đúng quy định, quảng cáo quá công dụng của thuốc, đặc biệt trên các trang thông tin điện tử và các nền tảng mạng xã hội; lợi dụng tình hình dịch Covid-19 ngày càng phức tạp để tăng giá thuốc bất hợp lý nhằm trục lợi.
Vì vậy, nhằm tiếp tục góp phần làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung, đặc biệt là thực hiện tốt công tác quản lý, sử dụng thuốc dùng trong phòng, chống Covid-19, Cục Quản lý dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng cáo các thuốc dùng trong phòng, chống Covid-19. Xử lý nghiêm những trường hợp kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ; thông tin, quảng cáo thuốc không đúng quy định, quảng cáo quá công dụng của thuốc; tăng giá thuốc bất hợp lý. Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm có dấu hiệu hình sự thì kịp thời lập hồ sơ chuyển cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định.
Cùng với đó, Sở Y tế các địa phương chỉ đạo hệ thống các cơ quan giám sát chất lượng thuốc trên địa bàn tăng cường lấy mẫu kiểm tra chất lượng đối với các thuốc dùng trong phòng, chống Covid-19; trong quá trình kiểm tra, lấy mẫu kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật về sản xuất, kinh doanh thuốc, đặc biệt là các thuốc dùng trong phòng, chống Covid-19.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc dùng trong phòng, chống dịch Covid-19, Cục Quản lý dược đề nghị thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh thuốc; tuân thủ đầy đủ các quy định về thông tin, quảng cáo thuốc; thực hiện bình ổn giá các thuốc dùng trong phòng, chống dịch Covid-19, không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá thuốc bất hợp lý nhằm trục lợi.
Cần tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế Bác sĩ Nguyễn Công Định công tác tại Bệnh viện 30/4, người trực tiếp điều trị cho nhiều bệnh nhân Covid-19 khuyến cáo, về thuốc điều trị Covid-19, người dân cần tuyệt đối tin tưởng vào Bộ Y tế, không tự ý mua sử dụng những loại thuốc trôi nổi trên thị trường. "Thay vì mua các loại thuốc trôi nổi trên thị trường, người dân hãy tuân thủ và thực hiện theo các hướng dẫn đã được ngành y tế công bố. Trong đó, có một số loại thuốc có thể sử dụng tại nhà như: Thuốc hạ sốt, thuốc nâng cao thể trạng (vitamin, chất dinh dưỡng vi lượng), thuốc kháng vi rút và các thuốc kháng viêm corticoid và kháng đông dạng uống trong một số tình huống có chỉ định,... Cần lưu ý, chỉ định sử dụng thuốc kháng viêm corticoid và kháng đông dạng uống trong trường hợp người bệnh có triệu chứng sớm của suy hô hấp và chưa liên hệ được nhân viên y tế để được hướng dẫn, hỗ trợ", bác sĩ Nguyễn Công Định nhấn mạnh. Cũng theo bác sĩ Nguyễn Công Định, người dân cần tỉnh táo trước những lời quảng cáo từ môi trường mạng internet về thuốc điều trị Covid-19. Bởi hiện nay, phương pháp phòng, chống Covid-19 tối ưu nhất chính là “5K + vắc xin”. |
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Quyền lợi đặc biệt của lao động nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi
Cách tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng
Tôn vinh giá trị và vị thế của trẻ em gái, thúc đẩy bình đẳng giới
Bắt hai đối tượng bán mật gấu giả
Tài xế sẽ phải kiểm tra lí thuyết, thực hành khi bị trừ hết điểm bằng lái
Hà Nội: Triệt phá đường dây nhập lậu hàng nghìn tấn “khí cười”
Festival Ninh Bình lần thứ III: Hé lộ sân khấu gây choáng ngợp
Tin khác
Vì sao Chứng khoán Smart Invest bị phạt tiền tỷ?
Điều tra - bạn đọc 23/11/2024 15:04
Công an tỉnh Kiên Giang phản hồi đơn tố cáo của bạn đọc báo Lao động Thủ đô
Điều tra - bạn đọc 02/11/2024 14:22
Liên quan đến loạt bài “Xâm phạm hồ Trị An”: Huyện Định Quán mắc mớ gì mà chưa báo cáo?
Điều tra - bạn đọc 14/10/2024 10:44
Liên quan đến loạt bài “Xâm phạm hồ Trị An”: Chỉ có Tỉnh uỷ Đồng Nai mạnh mẽ vào cuộc
Điều tra - bạn đọc 19/09/2024 09:12
Cần nghiêm trị những "bảo mẫu" có hành vi xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của trẻ em
Điều tra - bạn đọc 05/09/2024 15:50
Công an xã Văn Đức (Gia Lâm): Không có căn cứ để thiết lập hồ sơ theo đơn thư phản ánh
Điều tra - bạn đọc 28/08/2024 10:24
Xâm phạm hồ Trị An - Bài 3: Hàng nghìn bè nuôi cá và nguy cơ ô nhiễm nguồn nước
Điều tra - bạn đọc 15/08/2024 09:45
Xâm phạm hồ Trị An - Bài 1: Đua nhau lấn chiếm lòng hồ
Điều tra - bạn đọc 08/08/2024 13:55
Đề nghị xem xét lại giá bồi thường đất nông nghiệp
Điều tra - bạn đọc 09/07/2024 08:48
Huyện Gia Lâm: Hàng chục nghìn mét vuông đất nông nghiệp sử dụng sai mục đích?
Điều tra - bạn đọc 17/06/2024 18:44