Lo ngại dịch sốt xuất huyết tăng mạnh
Không để dịch sốt xuất huyết bùng phát Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết bùng phát Chú trọng các hoạt động phòng chống dịch sốt xuất huyết |
Gia tăng bệnh nhân nhập viện
Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Thành phố trong tuần qua (tính từ ngày 14 đến 21/10) tiếp tục tăng mạnh với 1.420 ca (tăng 386 ca so với tuần trước đó) và có thêm 38 ổ dịch. Cụ thể, trong tuần qua, có 1.420 ca mắc sốt xuất huyết được ghi nhận tại 30 quận, huyện, thị xã; trong đó bệnh nhân tập trung chủ yếu tại một số quận, huyện như: Đan Phượng, Thanh Oai, Phú Xuyên, Nam Từ Liêm, Đống Đa.
Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã có 8.199 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 3,3 lần so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 5 ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã và 517/579 xã, phường, thị trấn. Cũng từ đầu năm đến nay, Thành phố đã ghi nhận 720 ổ dịch sốt xuất huyết tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Hiện tại còn 156 ổ dịch đang hoạt động tại 25 quận, huyện.
Phó Giáo sư Đỗ Duy Cường đang thăm, khám cho bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại Trung tâm. |
Hiện một số bệnh viện trên địa bàn Thành phố đều ghi nhận ca mắc sốt xuất huyết tăng mạnh, trong đó nhiều ca biến chứng nặng do nhập viện điều trị muộn. Đơn cử, tại Bệnh viện Bạch Mai ghi nhận số bệnh nhân sốt xuất huyết ở Hà Nội và các tỉnh lân cận đang gia tăng mạnh.
Chia sẻ thông tin báo chí, Phó Giáo sư, bác sĩ Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, theo chu kỳ 5 năm, miền Bắc sẽ bùng phát một đợt dịch sốt xuất huyết lớn và dự báo năm nay sẽ có dịch sốt xuất huyết lớn xảy ra (năm 2017 dịch bùng phát, sau 5 năm là năm 2022).
Cụ thể, tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới trong tháng 8, số bệnh nhân sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo phải nhập viện chỉ 70 ca, đến tháng 9, con số này tăng lên 160 ca và từ đầu tháng 10 đến nay, Trung tâm đã ghi nhận 250 ca. Các bệnh nhân ghi nhận đa số tại các huyện ngoại thành, như Đan Phượng, Thường Tín, Hoài Đức và quận Long Biên… sau đó lan vào các quận nội thành như Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai.
Nếu khi thấy sốt rất cao, thậm chí trên 40 độ, đau mỏi người, đau cơ, xuất hiện những cơn đau đầu dữ dội, tiểu cầu giảm nhanh hoặc có biểu hiện xuất huyết chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết ngoài da, rong kinh-rong huyết (nữ giới), cũng như có hiện tượng cô đặc máu như chân tay lạnh, nôn mửa, đau bụng vùng gan, tụt huyết áp, men gan tăng cao... bệnh nhân cần đi khám ngay để được điều trị kịp thời. |
Theo báo cáo của Bộ Y tế, số ca mắc và nhập viện tăng vọt so với những năm trước. “Chúng tôi lo ngại trong tháng 11-12 tới sẽ là đỉnh điểm của sốt xuất huyết và nguy cơ dịch chồng dịch khi Covid-19 vẫn đang tồn tại, thêm vào đó bắt đầu vào mùa của một số bệnh gây dịch mùa đông khác như cúm, sởi, thủy đậu, vi rút adeno...” - Phó Giáo sư Đỗ Duy Cường lo ngại.
Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, trung bình một ngày có 10-20 bệnh nhân nặng có dấu hiệu cảnh báo phải nhập viện. Các bệnh nhân đều đến trong tình trạng tiểu cầu giảm nặng hoặc biểu hiện cô đặc máu, sốc, suy đa tạng... nhiều bệnh nhân tiểu cầu chỉ còn dưới 5G/L. Ngoài ra nhiều bệnh nhân có bệnh nền như bệnh gan, thận, tim, người già hoặc cơ địa phụ nữ có thai, trẻ em cần phải theo dõi điều trị sát sao.
Điển hình, trường hợp bệnh nhân N.M.Đ (39 tuổi, ở Phú Xuyên, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, da xung huyết, men gan tăng, suy gan, ứ đọng đờm dãi, tổn thương phổi, gan, tiểu cầu hạ, cô đặc máu, có dịch ở bụng, suy đa phủ tạng... Ngay lập tức, bệnh nhân được chuyển Khoa Hồi sức tích cực điều trị nhưng đến nay vẫn trong tình trạng nguy kịch. Trước đó, vợ và con bệnh nhân cũng đã mắc sốt xuất huyết. Trước khi vào viện 12 ngày, bệnh nhân có sốt cao, đau mỏi người, có xét nghiệm sốt xuất huyết cho kết quả dương tính, điều trị tại nhà. Sau đó bệnh nhân rét run, tự truyền dịch 2 ngày không đỡ mới đến Bệnh viện Bạch Mai.
Hay một trường hợp khác là nữ bệnh nhân T.H (26 tuổi, ở Nam Định). Bệnh nhân nhập viện tuyến dưới sau 2 ngày sốt, đau mỏi người. Khi nhập viện, bệnh nhân đã hết sốt nhưng xuất hiện tình trạng đau bụng thượng vị nhiều. Bệnh viện tuyến dưới đã chẩn đoán viêm túi mật cấp, mổ nội soi cắt túi mật. Tuy nhiên, sau mổ bệnh nhân xuất hiện tình trạng giảm tiểu cầu. Ngay lập tức, bệnh nhân được chuyển lên Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, sau khi làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân T.H mắc sốt xuất huyết. Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân đã hồi phục và xuất viện.
Tương tự, tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, số ca mắc sốt xuất huyết vào nhập viện tăng mạnh trong một tháng trở lại đây. Chia sẻ với phóng viên, bác sĩ Đinh Thế Tiến, Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện cho biết, hiện tại bệnh viện đang quá tải với 155 bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị nội trú. Bệnh nhân ở nhiều các độ tuổi từ bệnh nhân nhi tới người lớn. Do Khoa Truyền nhiễm điều trị sốt xuất huyết lúc nào cũng quá tải, nên bệnh nhân phải nằm dải tất cả các khoa.
“Do lượng bệnh nhân đông nên các bác sĩ phải làm việc gấp đôi công suất bình thường, trong đó số lượng bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo, bệnh nhân phải truyền tiểu cầu, hoặc nguy kịch đều nhiều hơn so với những năm trước”- bác sĩ Tiến nhấn mạnh.
Những dấu hiệu nhận biết sốt xuất huyết nhẹ và nặng
Chia sẻ về những sai lầm của người dân, Phó Giáo sư Đỗ Duy Cường, cho biết, nhiều người khi bị sốt thì nghĩ là do Covid-19, cúm hoặc một số bệnh khác, không nghĩ mình mắc sốt xuất huyết. Chỉ đến ngày thứ 4, thứ 5, lúc đó máu bị cô đặc và có biểu hiện tiểu cầu hạ quá thì mới đến viện. Lúc đó bệnh nhân phải truyền tiểu cầu hoặc dung dịch cao phân tử. Một số trường hợp nặng dẫn đến suy đa tạng, men gan tăng, suy gan, suy thận. Tại Trung tâm đã có bệnh nhân suy đa tạng phải lọc máu.
Trước đó, tại Bệnh viện Thanh Nhàn cũng tiếp nhận một số trường hợp bệnh nhân nhầm lẫn giữa Covid-19 và sốt xuất huyết. Thông tin với báo chí, bác sĩ Nguyễn Thu Hường, Trưởng Khoa Bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn thông tin: Đã có trường hợp một nam bệnh nhân nhập viện khi sốt 3 ngày vì chủ quan nghĩ rằng các triệu chứng là do mình mắc Covid-19. Khi nhập viện, bệnh nhân rất mệt mỏi, tiểu cầu giảm nhưng may mắn chưa xuất hiện tình trạng xuất huyết nội tạng, dưới da...
Nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa Đức Giang chăm sóc bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tại viện. |
“Do nghĩ bản thân bị Covid-19 chứ không phải sốt xuất huyết nên khi bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng, lượng tiểu cầu của bệnh nhân đã giảm gần như bằng 0, bị biến chứng tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng tim, xuất huyết nhiều nơi. Dù đã được cứu sống nhưng khó tránh khỏi di chứng lâu dài…” bác sĩ Hường cho biết.
Trưởng Khoa Bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn cũng cảnh báo, có nhiều trường hợp nhập viện thường nhầm lẫn sốt xuất huyết với Covid-19. Khi có biểu hiện sốt, nhiều người nghĩ mình bị Covid-19 nên chủ quan, cho rằng đã tiêm vắc xin rồi chỉ 1-2 ngày sẽ đỡ. Thậm chí có trường hợp test âm tính thì lại càng yên tâm hơn. Đây thực sự là vấn đề rất đáng cảnh báo, vì mắc sốt xuất huyết tiểu cầu giảm nhanh, nếu không được can thiệp thì sẽ rất nguy hiểm…
Theo các bác sĩ, để chẩn đoán chính xác bệnh nhân sốt xuất huyết cũng như mức độ giảm tiểu cầu thì cần làm xét nghiệm máu. Ở người khỏe mạnh, số lượng tiểu cầu trung bình từ 150-450 G/L. Mức nguy hiểm khi tiểu cầu giảm dưới 50 G/L, mức nghiêm trọng là 10-20 G/L.
Nếu khi thấy sốt rất cao, thậm chí trên 40 độ, đau mỏi người, đau cơ, xuất hiện những cơn đau đầu dữ dội, tiểu cầu giảm nhanh hoặc có biểu hiện xuất huyết chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết ngoài da, rong kinh - rong huyết (nữ giới), cũng như có hiện tượng cô đặc máu, chân tay lạnh, nôn mửa, đau bụng vùng gan, tụt huyết áp, men gan tăng cao... bệnh nhân cần đi khám ngay để được điều trị kịp thời.
Tuy nhiên, việc truyền tiểu cầu chỉ tiến hành khi nào xuống thấp dưới 5 G/L hoặc có biểu hiện chảy máu. Sau khi hết sốt vài ngày, tiểu cầu sẽ tăng trở lại bình thường. Người dân khi có biểu hiện sốt nên đến bệnh viện để làm xét nghiệm công thức máu và xét nghiệm chẩn đoán để phát hiện sốt xuất huyết sớm từ những ngày đầu tiên. Nếu đúng sốt xuất huyết sẽ được các bác sĩ theo dõi, tư vấn và điều trị kịp thời. Một số trường hợp có thể điều trị tại nhà, không nhất thiết phải nhập viện nếu không có chỉ định, tránh dẫn đến quá tải bệnh viện.
Một người có thể mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn, vi rút gây bệnh sốt xuất huyết có 4 chủng huyết thanh khác nhau, là: Dengue 1, Dengue 2, Dengue 3 và Dengue 4. Type vi rút gây bệnh sốt xuất huyết được phát hiện trong năm 2022 trên địa bàn thành phố là Dengue 1 và Dengue 2. Nếu một người đã nhiễm với chủng vi rút nào thì chỉ có khả năng tạo được miễn dịch suốt đời với chủng vi rút đó, nhưng chưa có khả năng miễn dịch với những chủng vi rút còn lại. Do vậy, mỗi người có thể sẽ mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời. Nếu mới mắc sốt xuất huyết lần đầu, người đó có thể còn mắc bệnh thêm 3 lần nữa bởi các týp vi rút Dengue còn lại. |
Đồng thời, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cũng lưu ý, hiện một số bệnh dịch khác như Covid-19, cúm, thuỷ đậu… vẫn còn nên dễ chẩn đoán nhầm với sốt xuất huyết. Nếu như vậy có thể dẫn đến điều trị phác đồ sai, nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, bác sĩ các tuyến cũng cần cập nhật hướng dẫn chẩn đoán của Bộ Y tế để xử lý điều trị đúng.
Cũng liên quan tới vấn đề điều trị, hiện tại vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu dành cho bệnh sốt xuất huyết, phương pháp chủ yếu sử dụng là điều trị triệu chứng. Sốt xuất huyết trong những ngày đầu vẫn có thể chăm sóc tại nhà, người dân có thể cặp nhiệt độ hoặc theo dõi các dấu hiệu toàn thân khác.
Nếu đau mỏi người, sốt thì dùng hạ sốt, giảm đau, tránh dùng nhóm thuốc như aspirin, ibuprofen vì nó có thể gây chảy máu; không dùng kháng sinh, không tự ý truyền dịch như đạm, albumin, truyền máu hay dung dịch cao phân tử mà cần sự theo dõi chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa. Bệnh nhân có thể uống nhiều nước, như nước hoa quả hoặc oresol, bù nước đầy đủ, ăn uống nghỉ ngơi. Sau ngày thứ 5 có thể sẽ hết sốt.
Tuy nhiên, nếu bệnh nhân có biểu hiện thoát dịch hoặc cô đặc máu sẽ dẫn đến hiện tượng tụt huyết áp, đau bụng vùng gan, mệt mỏi, tay chân lạnh, nôn, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, đi ngoài ra máu, phụ nữ có thể rong kinh, rong huyết. Đấy là những dấu hiệu cảnh báo cần phải nhập viện.
Bên cạnh đó, do bệnh lây từ người sang người qua muỗi đốt nên biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh là diệt muỗi và hạn chế môi trường sinh sống của muỗi. Bởi vậy, bên cạnh sự vào cuộc chống dịch của các địa phương, ý thức phòng bệnh tại gia đình của mỗi người dân là hết sức quan trọng.
Để phòng bệnh sốt xuất huyết, Bộ Y tế và các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân nên dành 10 phút mỗi tuần để vệ sinh, dọn dẹp nơi sinh sống, làm việc và thực hiện các biện pháp để không có lăng quăng gây bệnh sốt xuất huyết; không cho muỗi tiếp xúc với nguồn nước bằng cách che, đậy kín vật chứa nước bằng vật liệu mà muỗi không bay qua được.
Người dân nên thả các loài động vật ăn lăng quăng như cá bảy màu, cá lia thia, bọ nước… vào các dụng cụ chứa nước để tiêu diệt lăng quăng. Cho các chất như muối ăn, vôi bột, bột giặt, dầu ăn… hoặc các hóa chất chuyên dụng như Temephos 1%, Pyriproxyfen 0.5%, Polydimethylsiloxane (PDMS) 78% vào các dụng cụ chứa nước, những khu vực đọng nước để tiêu diệt lăng quăng. Trong công tác vệ sinh môi trường, các gia đình cần lật úp vật chứa, phá bỏ, đục lỗ, khơi thông dòng chảy, làm bằng phẳng các nơi bị đọng nước, che chắn không để các vật chứa nước bị đọng nước tạo môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sản và phát triển.
Tuyệt đối không tự truyền nước tại nhà
Mặc dù các chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo về nguy cơ chuyển nặng khi tự điều trị sốt xuất huyết tại nhà, nhiều người dân vẫn chủ quan “tự làm bác sĩ”, dẫn tới nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Theo bác sĩ Đinh Thế Tiến, Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Đức Giang: Nhiều người khi có biểu hiện sốt, mệt mỏi thường tự truyền nước tại nhà hoặc sử dụng những dịch vụ y tế tại nhà mà không có sự kiểm soát chặt chẽ của nhân viên y tế là điều rất nguy hiểm. Trong đó, khi tự ý truyền dịch tại nhà, bệnh nhân có thể xảy ra sốc phản vệ, nhiễm trùng bội nhiễm và nguy cơ quá tải dịch khi truyền dịch không hợp lý, do sai thời điểm ngày bệnh hoặc lượng dịch truyền quá nhiều.
Theo các chuyên gia y tế, sốt xuất huyết có những giai đoạn có thể và không thể truyền dịch. Trong ngày đầu tiên có thể truyền dịch được, còn những giai đoạn bệnh nhân đang trong tình trạng thoát dịch hoặc tăng tính thấm thành mạch, việc truyền dịch không được kiểm soát rất dễ dẫn tới tình trạng tràn dịch màng phổi, màng tim... gây suy hô hấp, suy tuần hoàn, vô hình trung khiến bệnh trở nặng thêm. Trong điều kiện truyền dịch tại nhà, trang thiết bị y tế như sát khuẩn, bông băng, cồn... không được đảm bảo, nên việc truyền dịch tiềm tàng nhiều nguy cơ mà không thể xử lý kịp như tại cơ sở y tế. Nên tuyệt đối người dân không nên tự ý tự truyền dịch tại nhà. /.
Nên xem
Quyền lợi đặc biệt của lao động nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi
Cách tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng
Tôn vinh giá trị và vị thế của trẻ em gái, thúc đẩy bình đẳng giới
Bắt hai đối tượng bán mật gấu giả
Tài xế sẽ phải kiểm tra lí thuyết, thực hành khi bị trừ hết điểm bằng lái
Hà Nội: Triệt phá đường dây nhập lậu hàng nghìn tấn “khí cười”
Festival Ninh Bình lần thứ III: Hé lộ sân khấu gây choáng ngợp
Tin khác
Kháng thuốc đang đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng
Y tế 22/11/2024 15:22
Nam bệnh nhân mất 1/2 lượng máu trong cơ thể vì sốt xuất huyết
Y tế 22/11/2024 06:03
Thêm giải pháp nâng cao sức khỏe các nhóm yếu thế tại Việt Nam
Y tế 21/11/2024 14:15
Báo động xu hướng trẻ hóa đối tượng nhiễm HIV
Y tế 21/11/2024 07:03
“Chúng tôi đánh giá cao tinh thần học hỏi của đội ngũ FPT Long Châu!”
Y tế 20/11/2024 22:40
Chiến lược đào tạo giúp đội ngũ Long Châu tự tin chăm sóc sức khỏe hơn 20 triệu khách hàng
Y tế 20/11/2024 22:39
Phát hiện sớm, can thiệp kịp thời các vấn đề liên quan đến thính giác ở trẻ em
Xã hội 20/11/2024 15:57
Mỗi ngày phát hiện 70 ca mắc bệnh sởi tại Đồng Nai
Y tế 19/11/2024 21:56
Hạnh phúc "nảy mầm" sau 7 năm hiếm muộn
Y tế 19/11/2024 15:10
Gia tăng tình trạng lây nhiễm HIV ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới
Y tế 18/11/2024 21:00