Mối quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam: 60 năm đoàn kết, hữu nghị, thủy chung
Tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm trong “Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2022” Hàng vạn người thi tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam |
"Thời gian qua, tình hình khu vực và quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng hai nước Lào-Việt Nam luôn phối hợp chặt chẽ, thống nhất quan điểm trong việc ứng phó và giải quyết, đảm bảo quyền lợi của hai dân tộc… Để phát huy điều đó, chúng ta phải thường xuyên trao đổi, thống nhất quan điểm, kề vai sát cánh, bảo vệ quyền lợi của nhau trên các diễn đàn quốc tế”.
Đây là khẳng định của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHDCND Lào tại Việt Nam Sengphet Houngboungnuang trong cuộc trao đổi với phóng viên VOV nhân kỷ niệm 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977 - 18/7/2022) và 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962 -5/9/2022).
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHDCND Lào tại Việt Nam Sengphet Houngboungnuang |
Vững bền hơn núi, hơn sông
PV: 60 năm là một dấu mốc quan trọng đối với bất cứ mối quan hệ song phương nào. Đặc biệt với mối quan hệ truyền thống tốt đẹp Việt Nam - Lào, Đại sứ đánh giá thế nào về ý nghĩa của dấu mốc lịch sử này?
Đại sứ Sengphet Houngboungnuang: 60 năm là một dấu mốc quan trọng, thể hiện mối quan hệ khăng khít, bền chặt, lâu đời giữa hai nước Việt Nam - Lào. Như chúng ta đã biết, Lào và Việt Nam là hai nước láng giềng anh em thân thiết, uống chung một nguồn nước, cùng dựa lưng vào dãy núi Trường Sơn hùng vĩ, cùng chia ngọt sẻ bùi trong nhiều thập kỉ, cả trong thời kỳ kháng chiến cũng như trong thời kỳ bảo vệ Tổ quốc.
Mối quan hệ Lào - Việt Nam đã trải qua nhiều thử thách và trở thành mối quan hệ đặc biệt, thủy chung son sắt, trong sáng, hiếm có trong quan hệ quốc tế.
Trong suốt 60 năm qua, kể từ khi hai nước chính thức thiết lập mối quan hệ ngoại giao ngày 5/9/1962, mặc dù tình hình khu vực, quốc tế thay đổi không ngừng nhưng mối quan hệ thủy chung, trong sáng, thân thiết giữa nhân dân hai nước Lào - Việt Nam không vì vậy mà bị ảnh hưởng, hơn nữa ngày càng phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, ngày càng hiệu quả và đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước trong mọi lĩnh vực: chính trị, quốc phòng - an ninh, ngoại giao, kinh tế - thương mại, đầu tư, giáo dục - văn hóa…. Đồng thời đẩy lùi âm mưu chống phá mối quan hệ Lào - Việt của các thế lực thù địch, phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn khu vực và quốc tế, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng hòa bình, hữu nghị và hợp tác trong khu vực và thế giới.
Đặc biệt, thời gian ngày càng làm cho mối quan hệ hữu nghị đặc biệt của hai nước chúng ta thêm bền chặt hơn, như Chủ tịch Kaysone Phomvihan từng nói: “Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Lào - Việt Nam sẽ mãi mãi vững bền hơn núi hơn sông”.
PV: “Tình nghĩa, thủy chung, trong sáng”... những tính từ dung dị nhất nhưng chân thật nhất đều đã được dành cho mối quan hệ Việt - Lào anh em. Phải chăng chính những yếu tố này đã góp phần vun đắp mối quan hệ truyền thống “mẫu mực, hiếm có”, là động lực để hai nước cùng nhau vượt qua rất nhiều khó khăn, gian khổ từ thời chiến cho tới thời bình, thưa Đại sứ?
Đại sứ Sengphet Houngboungnuang: Mối quan hệ Lào - Việt Nam không chỉ là mối quan hệ của hai nước láng giềng như các quốc gia khác mà giống như tình anh em trong một gia đình, là mối quan hệ mẫu mực cho quan hệ quốc tế hiếm có, có một không hai trên thế giới như câu nói của Chủ tịch Kaysone Phomvihan: “Trong lịch sử cách mạng thế giới có nhiều tấm gương về tinh thần quốc tế vô sản, nhưng chưa có ở đâu, và cũng chưa bao giờ có tình đoàn kết, tình liên minh chiến đấu nào đặc biệt, lâu đời, toàn diện như mối quan hệ Lào - Việt Nam”, hay trong bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người viết:
“Yêu nhau mấy núi cũng trèo
Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua
Việt - Lào hai nước chúng ta
Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”
Những câu nói đó đã thể hiện thực tế trong suốt thời kỳ kháng chiến cứu nước cũng như trong thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước ngày nay, hai nước luôn ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh để cùng nhau vượt qua khó khăn, những cản trở quá trình cách mạng và giành độc lập của hai nước chúng ta.
Nay, chúng ta đã trở thành mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân dân hai nước Lào - Việt Nam, trở thành di sản vô giá của hai dân tộc, là quy luật sống còn và sự phát triển của hai nước, là yếu tố quyết định mọi thắng lợi trong cuộc cách mạng của mỗi nước.
Thông điệp về lòng tri ân
PV: Năm nay, ngoài kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước còn kỷ niệm 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào. Nhìn lại cả chặng đường dài đã qua, đâu là những điểm sáng nổi bật nhất trong quan hệ hợp tác giữa hai bên, thưa Đại sứ?
Đại sứ Sengphet Houngboungnuang: Năm 2022, lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước đã phát động Năm Đoàn kết Hữu nghị vào ngày 8/1/2022 nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Khamphan Viphavan.
Trong Năm Đoàn kết Hữu nghị, cả hai nước tổ chức các hoạt động để chào mừng, kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962-5/9/2022); 45 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị, hợp tác giữa hai nước (18/7/1977-18/7/2022). Chắc chắn dịp này, lãnh đạo hai nước sẽ thăm viếng lẫn nhau và cùng nhau tham dự Lễ kỷ niệm được tổ chức tại Hà Nội và Thủ đô Vientiane.
Hai sự kiện lịch sử này có ý nghĩa quan trọng đặc biệt đối với mối quan hệ của hai nước. Bởi lẽ, như chúng ta đã nói, trên thế giới không có mối quan hệ nào đặc biệt, thân thiết như mối quan hệ giữa hai nước chúng ta.
Mối quan hệ này được tạo nên bởi mồ hôi, công sức và xương máu của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ chiến sĩ và nhân dân hai nước cùng nhau cống hiến vì cách mạng, dân chủ, giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.
Kể từ khi hai nước ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác, chúng ta đã bước sang thời kì mới - thời kì của hòa bình, thống nhất, độc lập. Bối cảnh đó càng tạo điều kiện để hai nước giúp đỡ, ủng hộ lẫn nhau không chỉ trong mối quan hệ song phương mà cả trên các diễn đàn quốc tế. Đó là những điểm nổi bật giúp cho mối quan hệ của chúng ta ngày càng được thắt chặt không chỉ trong lĩnh vực chính trị, an ninh - quốc phòng, ngoại giao, kinh tế - thương mại mà cả giáo dục - văn hóa, xã hội…
Trong giai đoạn hơn 35 năm đổi mới, hai nước bước vào mối quan hệ mới với tầm cao mới, cùng phát triển đất nước, giúp đời sống của bà con nhân dân được cải thiện, tiến bộ, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, trật tự an ninh xã hội được đảm bảo. Tất cả những điều đó giúp mối quan hệ của chúng ta ngày một sâu sắc, đáng tin cậy, góp phần vào công cuộc xây dựng hòa bình, thắt chặt các mối quan hệ trên thế giới và khu vực.
PV: Năm 2022 đã được chọn là năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam. Đại sứ đánh giá các thông điệp được gửi gắm qua chuỗi các hoạt động này như thế nào?
Đại sứ Sengphet Houngboungnuang: Như tôi đã nói ở trên, lãnh đạo hai nước phát động năm 2022 là năm Đoàn kết Hữu nghị Lào-Việt Nam, Việt Nam-Lào. Sau lễ phát động ngày 8/1/2022, ở khắp các địa phương của cả hai nước đều tổ chức một loạt các hoạt động để kỷ niệm hai sự kiện lịch sử ý nghĩa và quan trọng của hai nước chúng ta.
Các hoạt động đó nhằm mục đích ôn lại truyền thống quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam, là yếu tố quan trọng trong việc quyết định mọi thắng lợi của cuộc cách mạng Lào và Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng đất nước trước kia cũng như trong việc xây dựng phát triển của cả hai nước hiện nay.
Bên cạnh đó, các hoạt động nhằm tuyên truyền, giáo dục cán bộ, công chức, viên chức, bộ đội, công an và nhân dân các dân tộc của hai nước, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu đúng, hiểu sâu và tiếp tục giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp giữa hai nước. Khi chúng ta tổ chức các hoạt động như vậy cũng là tạo cơ hội để các bạn được tham gia, tiếp cận trực tiếp, được tìm hiểu, đặc biệt là các buổi kể chuyện của cựu chiến binh, người cao tuổi từng tham gia cách mạng.
Các hoạt động cũng nhằm tri ân và bày tỏ lòng biết ơn những công lao đóng góp của Đảng, Nhà nước, chiến sĩ và nhân dân hai nước Lào-Việt Nam, đặc biệt là đối với những người đã hy sinh vì sự nghiệp kháng chiến cứu quốc, xây dựng và phát triển đất nước; những đóng góp của lãnh đạo Đảng, Nhà nước các thế hệ của hai nước đã dẫn đường chỉ lối cho việc khuyến khích, thúc đẩy, ủng hộ, giúp đỡ nhau trong suốt thời gian qua.
Kề vai vượt khó
PV: Trong bối cảnh hậu đại dịch Covid-19, triển vọng phục hồi của thế giới và khu vực còn bấp bênh kèm theo nhiều rủi ro, nhất là đối với các nền kinh tế nhỏ và vừa như Việt Nam và Lào. Theo Đại sứ, dựa trên những thành tựu đã đạt được suốt 6 thập kỷ qua, hai nước có thể tập trung phát triển những lĩnh vực nào để có thể đồng hành vượt qua những khó khăn hiện nay?
Đại sứ Sengphet Houngboungnuang: Như chúng ta đã biết, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát cuối năm 2019 đã gây ảnh hưởng nặng nề tới mọi mặt trên toàn cầu và đặc biệt là từ đầu năm 2020 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống kinh tế của Lào và Việt Nam.
Trong thời gian bị ảnh hưởng của dịch bệnh, hai nước vẫn tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau. Đặc biệt, thời điểm đó tình tình trong nước của Việt Nam cũng rất khó khăn vì phải tập trung mọi nguồn lực để đối phó với dịch bệnh, nhưng lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam vẫn cử chuyên gia, ủng hộ thiết bị y tế và hỗ trợ tài chính cho Lào để ứng phó với dịch bệnh.
Trong thời điểm đó, mặc dù không có điều kiện về tài chính, nhưng Lào cũng cố gắng hết sức huy động các nguồn lực cùng với tình cảm của nhân dân Lào để chia sẻ cùng nhân dân Việt Nam, động viên nhau cùng vượt qua giai đoạn khó khăn đó.
Khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, từ giữa năm 2022 này, chắc chắn rằng hai Đảng, hai Nhà nước sẽ tập trung phục hồi kinh tế, làm thế nào để phát triển ổn định trở lại và tiếp tục đà tăng trưởng, đảm bảo đạt mục tiêu hai nước đề ra.
Để có thể vượt qua khó khăn, trước tiên, hai nước phải tập trung vào tăng cường hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau. Nhất là phía Việt Nam có thế mạnh hơn và lúc nào cũng hỗ trợ Lào trong quá trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch. Đồng thời, lãnh đạo cấp cao hai nước cũng tổ chức thăm hỏi, trao đổi đoàn, giao lưu không chỉ sau đại dịch mà cả trong giai đoạn dịch bệnh. Đây cũng là một trong những điểm đặc biệt trong mối quan hệ hai nước để trao đổi quan điểm về vấn đề khu vực và quốc tế, học hỏi kinh nghiệm trong việc phòng chống dịch cũng như kế hoạch phát triển kinh tế hậu đại dịch.
Nhờ duy trì trao đổi đoàn thường xuyên nên dù có bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, việc trao đổi hàng hóa, thương mại hai nước vẫn có chiều hướng tăng trưởng. Riêng trong năm nay, tăng trưởng càng có xu hướng tăng nếu so sánh với năm 2021, đặc biệt là 5 tháng đầu năm. Chắc chắn rằng, để có thể phục hồi, chúng ta phải tăng cường hợp tác vào lĩnh vực đầu tư, thương mại. Mặt khác, chúng ta cũng cần tăng cường hợp tác trong lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, giáo dục-văn hóa...
Giáo dục-văn hóa cũng là một trong những lĩnh vực quan trọng xây dựng thế hệ mới trở thành người thừa kế truyền thống tốt đẹp của quan hệ hai nước, hiểu về văn hóa của nhau. Và chắc chắn chúng ta phải tập trung vào việc giáo dục, tuyên truyền về truyền thống mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào cho thế hệ trẻ để các bạn hiểu, kế thừa, phát huy, giữ gìn truyền thống mối quan hệ hữu nghĩ vĩ đại giữa hai nước mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
PV: Bối cảnh địa chính trị phức tạp hiện nay cũng đặt ra những thách thức đối với các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam và Lào. Đều là thành viên của Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế, khu vực như ASEAN, theo Đại sứ, Lào và Việt Nam có thể phối hợp tăng cường tiếng nói, hành động như thế nào để đóng góp vào hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển bền vững của khu vực và toàn cầu?
Đại sứ Sengphet Houngboungnuang: Đối với các diễn đàn khu vực và quốc tế, tôi nghĩ trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, nhanh chóng, khó lường, sự phối hợp giữa hai nước là rất quan trọng.
Trước tiên tôi xin chúc mừng và hoan nghênh năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam 2020. Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, Việt Nam vẫn đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc.
Trong thời gian vừa qua, tình hình khu vực và quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp nhưng hai nước Lào-Việt Nam luôn phối hợp chặt chẽ, thống nhất quan điểm trong việc ứng phó và giải quyết những vấn đề đó, đảm bảo quyền lợi của hai dân tộc.
Trong thời gian tới, tôi nghĩ rằng hơn lúc nào hết, hai nước phải tăng cường phối hợp lẫn nhau không chỉ tại Liên Hợp Quốc mà các tổ chức khác như: Phong trào không liên kết; Cộng đồng Pháp ngữ, ASEAN và các khuôn khổ hợp tác như Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA), Hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC), hợp tác khu vực tiểu vùng sông Mekong (GMS), ACMECS...
Tại các diễn đàn này, rất nhiều vấn đề được nêu ra đều liên quan đến quyền lợi của hai nước chúng ta. Để đảm bảo được quyền lợi của hai dân tộc, chúng ta phải thường xuyên trao đổi, thảo luận, thống nhất quan điểm, kề vai sát cánh cùng nhau bảo vệ quyền lợi của hai dân tộc trên các diễn đàn quốc tế. Tôi nghĩ rằng, đây là cách tốt nhất để đảm bảo quyền lợi của nhau.
Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ
PV: Phát biểu trước Quốc hội Lào nhân chuyến thăm hữu nghị chính thức Lào vào tháng 8/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Một nhiệm vụ vô cùng quan trọng đối với hai Đảng, hai Nhà nước là cần tiếp tục truyền thông, giáo dục về truyền thống quan hệ đặc biệt và hợp tác toàn diện của hai nước, đặc biệt với thế hệ trẻ...”. Vậy nhiệm vụ này cần triển khai thực hiện theo hướng nào để có thể mang lại hiệu quả thiết thực, thưa Đại sứ?
Đại sứ Sengphet Houngboungnuang: Như tôi đã chia sẻ, quan hệ Việt Nam-Lào không chỉ là quan hệ đối tác giữa hai nước mà đó là quan hệ đặc biệt giống như anh em trong một gia đình. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thonglun Sisulith luôn nhấn mạnh về mối quan hệ đặc biệt của chúng ta, phải làm thế nào để thế hệ trẻ hiểu được nguồn gốc của mối quan hệ đặc biệt này.
Mối quan hệ này được gây dựng nên trong bối cảnh cả hai nước cùng nhau kháng chiến chống kẻ thù chung. Chính vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Suphanuvong và Chủ tịch Kaysone Phomvihan gây dựng nên mối quan hệ này và nhân dân hai nước biết bao thế hệ đã dày công vun đắp trở thành mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện.
Nhân dịp chuyến thăm hữu nghị Lào vào tháng 8/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có dịp phát biểu tại Quốc hội Lào và bàn giao công trình Nhà Quốc hội - quà tặng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam dành tặng cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào, đồng chí cũng đã khẳng định như vậy.
Vậy muốn giữ gìn và phát huy truyền thống đó một cách hiệu quả nhất, chúng ta cần phải làm bằng cách nào? Đây là một câu hỏi mà chúng ta cần cùng nhau tìm câu câu trả lời rõ ràng để cho thế hệ trẻ tiếp tục giữ gìn và phát huy mối quan hệ này giống như thế hệ cha anh đã thực hiện.
Tôi nghĩ rằng, việc tổ chức Năm Đoàn kết Hữu nghị để chào mừng hai sự kiện lịch sử 5 năm một lần cũng là một cách để tuyên truyền về lịch sử mối quan hệ của chúng ta. Các hoạt động đó sẽ góp phần quan trọng vào việc giáo dục bồi dưỡng cho thế hệ trẻ học tập và trao đổi suy nghĩ, kinh nghiệm.
Ngoài ra, tôi nghĩ rằng Đài Tiếng nói Việt Nam cũng như Đài Phát thanh quốc gia Lào là những phương tiện đóng góp rất nhiều vào công cuộc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, phản ánh chân thật và sinh động các hoạt động hợp tác, đầu tư, tình hình phát triển kinh tế xã hội và chất lượng cuộc sống của bà con nhân dân hai nước Việt - Lào. Qua đây có thể thấy vai trò lãnh đạo quyết liệt của hai Đảng, hai Nhà nước để đưa hai đất nước chúng ta tiến lên Xã hội chủ nghĩa.
Vì vậy, tôi nghĩ rằng, hai bên cần phối hợp trao đổi nhau để tăng cường tuyên truyền tin, bài qua các kênh phát thanh và cả truyền hình nhiều hơn nữa để nhân dân hai nước hiểu nhau nhiều hơn nữa, nắm được tình hình phát triển của nhau và chính họ là những cầu nối góp phần vun đắp mối quan hệ hữu nghĩ vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào-Việt Nam ngày một sâu sắc, bền chặt hơn nữa.
PV: Trên cương vị Đại sứ Lào tại Việt Nam, Đại sứ dự định sẽ có những kế hoạch nào để tiếp tục vun đắp và phát huy mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước Việt - Lào?
Đại sứ Sengphet Houngboungnuang: Tôi rất vinh dự và tự hào khi được Đảng, Nhà nước Lào tin tưởng và giao nhiệm vụ là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHDCND Lào tại Việt Nam. Kể từ khi tôi và gia đình đặt chân tới Việt Nam, chúng tôi đã nhận được sự đón tiếp nồng hậu, ấp áp từ các bạn Việt Nam như anh em của một gia đình, cảm giác như được đến quê hương của mình.
Nhưng rất tiếc là trong thời gian công tác tại Việt Nam lại bị ảnh hưởng rất nhiều bởi dịch bệnh Covid-19 và tôi gặp không ít khó khăn trong việc đi lại, tổ chức các hoạt động tại Việt Nam... Nhưng tôi vẫn cố gắng tham gia các hoạt động tại Việt Nam để phát huy mối quan hệ 2 nước từ Trung ương đến địa phương, cố gắng đi xuống các tỉnh, các địa phương của Việt Nam để ra mắt, làm quen gặp gỡ, nói chuyện với nhân dân Việt Nam nhiều nhất có thể; từ đó hiểu nhân dân Việt Nam và thúc đẩy các mối quan hệ giữa địa phương Việt Nam và Lào, để mối quan hệ Lào-Việt Nam của chúng ta ngày càng phát triển khăng khít hơn.
Chắc chắn rằng, trong thời gian tới, mặc dù thời gian công tác tại Việt Nam không còn nhiều nhưng tôi luôn cố gắng hết sức mình vào các hoạt động thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện của hai Đảng, hai Nhà nước, Quân đội và nhân dân hai nước ngày càng thắt chặt, bền vững.
Đặc biệt, năm 2022 là Năm Đoàn kết Hữu nghị để kỷ niệm 2 sự kiện lịch sử của hai dân tộc, tôi sẽ góp hết sức mình vào các hoạt động mà hai nước cùng nhau tổ chức để thúc đẩy, góp phần vun đắp và tuyên truyền về lịch sử, truyền thống của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, nhất là các hoạt động liên quan đến các bạn trẻ, học sinh, sinh viên.
Tôi sẽ cố gắng tham gia nhiều nhất có thể để thúc đẩy, khuyến khích các bạn tìm hiểu về lịch sử, có hiểu biết sâu rộng về quan hệ hai nước và kế thừa truyền thống tốt đẹp của thế hệ cha anh hai nước trong việc vun đắp tình đoàn kết đặc biệt Lào - Việt Nam.
PV: Trân trọng cảm ơn Đại sứ!./.
Theo Phương Hoa-Nguyễn Xuyến/VOV1
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Tỷ giá USD hôm nay 24/11: Đồng USD chốt tăng tuần 0,75%, đạt mức 107,49
Arsenal 3-0 Nottingham: Chấm dứt chuỗi 4 trận không biết mùi chiến thắng
Giá xăng dầu hôm nay (24/11): Giá dầu thế giới tuần bật tăng gần 6%
Giá vàng hôm nay 24/11: Vàng nhẫn tiếp đà tăng, tiến sát mốc 87 triệu đồng/lượng
Hỗ trợ tối đa cho người nộp thuế và các sàn thương mại điện tử
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 24/11: Đêm và sáng trời lạnh
Hà Nội: Lính cứu hỏa nhường mặt nạ dưỡng khí cho thai phụ trong đám cháy
Tin khác
Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)
Sự kiện 23/11/2024 21:36
Quốc hội thông qua Nghị quyết về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội
Sự kiện 23/11/2024 21:34
Luật Công nghiệp công nghệ số: Luật hóa trí tuệ nhân tạo, tài sản số
Sự kiện 23/11/2024 15:24
Đánh giá kỹ tác động khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường
Sự kiện 22/11/2024 21:31
Quốc hội xem xét tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia, thuốc lá
Sự kiện 22/11/2024 15:25
Phát động Giải báo chí toàn quốc về ngành Tư pháp lần thứ I
Sự kiện 22/11/2024 14:19
Đề xuất các quan điểm, giải pháp xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh
Sự kiện 22/11/2024 09:49
Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược
Sự kiện 21/11/2024 16:55
Đại biểu Quốc hội: Không thể để một công chức nếu không chi tiêu gì mất cả hơn trăm năm mới mua được nhà
Sự kiện 21/11/2024 14:14
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói về thời điểm thích hợp xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Sự kiện 20/11/2024 21:08