Một bộ luật và 6 luật có hiệu lực từ ngày đầu tiên của năm 2017
Thi hành Luật Dược: Có nhiều điểm mới | |
Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12/2016 |
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật báo chí (sửa đổi) hồi tháng 4/2016. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN) |
Xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền dân sự
Bộ luật Dân sự năm 2015 gồm 27 chương, 689 điều. Điểm nhấn trọng tâm trong sửa đổi Bộ luật Dân sự là sự thay đổi nhận thức trong tư duy lập pháp với việc mở rộng các loại nguồn theo thứ tự ưu tiên.
Để bảo đảm thống nhất trong nhận thức, xây dựng, áp dụng pháp luật dân sự, góp phần hình thành chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân, Bộ luật quy định 8 nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, tạo hành lang pháp lý bảo đảm tất cả quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân được Hiến pháp, pháp luật công nhận đều được tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực hiện. Các quyền này chỉ có thể bị hạn chế trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013, Bộ luật bổ sung các nguyên tắc chung về xác lập, thực hiện, bảo vệ quyền dân sự. Cá nhân, pháp nhân thực hiện quyền dân sự theo ý chí của mình nhưng không được trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, không được vượt quá giới hạn thực hiện quyền dân sự.
Cá nhân, pháp nhân không được lạm dụng quyền dân sự để gây thiệt hại cho người khác; vi phạm các nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của mình; hạn chế cạnh tranh hoặc để thực hiện mục đích khác trái pháp luật.
Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác có trách nhiệm bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân. Quyền nhân thân của cá nhân đã được cụ thể hóa đầy đủ nhằm xác định tư cách chủ thể của cá nhân trong quan hệ dân sự được quy định trong Hiến pháp và Điều ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đặc biệt, vấn đề xác định lại giới tính đã được ghi nhận trong Bộ luật. Đây được xem là một bước tiến cởi mở, bắt kịp xu thế toàn cầu trong hoạt động lập pháp của Việt Nam.
Tạo bước ngoặt mới trong quản lý ngân sách nhà nước
Luật Ngân sách Nhà nước là đạo luật quan trọng, tạo bước ngoặt mới trong quản lý ngân sách nhà nước theo hành lang pháp lý mới đầy đủ, đồng bộ hơn, phù hợp với tình hình thực tế, xu hướng hội nhập quốc tế, góp phần quan trọng vào tiến trình cải cách tài chính công theo hướng hiện đại.
Luật gồm 7 chương, 77 điều, giảm một chương, giữ số điều so với Luật Ngân sách nhà nước năm 2002. Thực hiện quy định của Hiến pháp về việc bảo đảm tính thống nhất của hệ thống ngân sách nhà nước, nền tài chính quốc gia, Luật thể hiện sự thống nhất xuyên suốt trong các quy định về chính sách thu, chi ngân sách, định mức phân bổ ngân sách, bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu và tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa ngân sách các cấp…
Các chính sách, chế độ, tiêu chuẩn về chi ngân sách Nhà nước đều do trung ương ban hành, thực hiện thống nhất trong phạm vi cả nước. Mọi khoản chi ngân sách nhà nước chỉ được thực hiện khi có dự toán được cấp có thẩm quyền giao và đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
Lần đầu tiên Luật Ngân sách nhà nước mới quy định bội chi ngân sách địa phương là một cấu phần trong bội chi ngân sách Nhà nước. Nói cách khác, bội chi ngân sách nhà nước bao gồm bội chi ngân sách trung ương và bội chi ngân sách địa phương. Đây là điểm mới quan trọng để tăng cường kiểm soát bội chi ngân sách nhà nước.
Nêu cao vai trò, trách nhiệm công dân của người làm báo
Luật Báo chí 2016 có 61 điều, tăng 25 điều so với Luật Báo chí 1999, trong đó có 32 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định mới.
Luật quy định cụ thể về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, trong đó, Luật quy định công dân có quyền: sáng tạo tác phẩm báo chí, cung cấp thông tin cho báo chí, phản hồi thông tin trên báo chí, tiếp cận thông tin báo chí, liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí, in và phát hành báo in; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội; tổ chức chính trị-xã hội, nghề nghiệp; tổ chức xã hội; tổ chức xã hội-nghề nghiệp và thành viên của các cơ quan, tổ chức đó.
Về đối tượng thành lập cơ quan báo chí, ngoài các đối tượng thành lập cơ quan báo chí theo luật hiện hành, Luật bổ sung một số đối tượng được thành lập tạp chí khoa học.
Luật quy định cụ thể về trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm; những thông tin cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí.
Để bảo vệ nguồn tin báo chí, quyền tác nghiệp của nhà báo, so với Luật hiện hành, Luật Báo chí mới quy định giới hạn việc cơ quan báo chí, nhà báo chỉ phải tiết lộ người cung cấp thông tin khi có yêu cầu bằng văn bản của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án Nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân, Chánh án Tòa án Nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên có trách nhiệm tổ chức bảo vệ người cung cấp thông tin sau khi tên của họ được tiết lộ.
Cùng với việc quy định rõ quyền hạn, nghĩa vụ đối với nhà báo, nêu cao vai trò của nhà báo, trách nhiệm công dân của người làm báo, Luật bổ sung, luật hóa những quy định bắt buộc về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.
Để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị báo chí thông tin sai sự thật, Luật bổ sung một số quy định mới về cải chính như báo chí điện tử, ngoài việc đăng, phát lời cải chính, xin lỗi còn phải gỡ bỏ ngay thông tin sai sự thật đã đăng, phát.
Các cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử tổng hợp đã đăng, phát thông tin của cơ quan báo chí khác có nội dung phải cải chính, xin lỗi cũng phải thực hiện đăng lại cải chính, lỗi của cơ quan báo chí vi phạm; đồng thời quy định cụ thể vị trí cải chính đối với từng loại hình báo chí...
Quản lý giá thuốc theo cơ chế thị trường
Với 14 chương, 116 điều, Luật Dược (thay thế cho Luật Dược 2005) quy định các lĩnh vực tập trung ưu tiên, gồm: nghiên cứu, sản xuất nguyên liệu làm thuốc từ nguồn dược liệu sẵn có tại Việt Nam để phục vụ công nghiệp bào chế, sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền; sản xuất thuốc ngay khi hết hạn bằng sáng chế hoặc các độc quyền có liên quan; vắc xin, sinh phẩm, dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc hiếm; phát triển nguồn dược liệu, vùng nuôi trồng dược liệu; bảo tồn nguồn gen và phát triển những loài, chủng loại dược liệu quý, hiếm, đặc hữu.
Luật quy định chính sách ưu tiên sử dụng thuốc trong nước đối với thuốc mua từ nguồn vốn nhà nước, quỹ bảo hiểm y tế, nguồn thu từ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và các nguồn thu hợp pháp khác của cơ sở y tế công lập; quy định trách nhiệm cụ thể của Bộ Y tế trong quản lý nhà nước về công nghiệp bào chế thuốc, phát triển sản xuất vắc xin, sinh phẩm, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền và nguồn dược liệu làm thuốc, Bộ Công Thương quản lý nhà nước về công nghiệp hóa dược; bổ sung các chính sách ưu tiên đối với thuốc generic; chính sách sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả; đẩy mạnh hoạt động dược lâm sàng và cảnh giác dược.
Luật quy định nguyên tắc quản lý giá thuốc theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá của doanh nghiệp, bảo đảm công khai, minh bạch, Nhà nước chỉ can thiệp nhằm bình ổn giá đối với thuốc thiết yếu khi giá thuốc có biến động bất thường, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế-xã hội; phân công cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước về giá thuốc.
Cơ chế quản lý giá thuốc rõ ràng hơn, đặc biệt là quy định đàm phán giá đối với thuốc biệt dược, thuốc mới, thuốc trong thời gian còn độc quyền sáng chế, đấu thầu thuốc tập trung và chính sách ưu đãi trong chọn nhà thầu là cơ sở sản xuất thuốc trong nước...
Tạo hành lang pháp lý đồng bộ trong quản lý phí, lệ phí
Luật Phí và lệ phí là một đạo luật quan trọng, có ý nghĩa là bước ngoặt, tạo hành lang pháp lý mới đầy đủ, đồng bộ hơn trong quản lý phí, lệ phí. Luật gồm 6 chương, 25 điều, quy định đối tượng áp dụng là các cơ quan Nhà nước, bao gồm cả cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức, cá nhân liên quan đến thu, nộp, quản lý, sử dụng phí, lệ phí.
Để khuyến khích xã hội hóa, một số khoản phí trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Pháp lệnh phí và lệ phí được chuyển sang cơ chế giá. Một số dịch vụ mặc dù đã chuyển sang cơ chế giá nhưng Nhà nước vẫn cần quản lý giá. Như vậy, 213 khoản phí, 103 khoản lệ phí và 17 dịch vụ chuyển từ phí sang giá dịch vụ do nhà nước định giá.
Các trường hợp thuộc diện miễn, giảm phí, lệ phí gồm: trẻ em; hộ nghèo; người cao tuổi; người khuyết tật; người có công với cách mạng; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã đặc biệt khó khăn theo quy định pháp luật và một số trường hợp đặc biệt khác...
Để tăng cường phân cấp quản lý phí, lệ phí, Luật bổ sung thêm nội dung: Chính phủ quy định cụ thể đối tượng được miễn, giảm đối với từng loại phí, lệ phí thuộc thẩm quyền. Bộ Tài chính, Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể đối tượng được miễn, giảm đối với từng loại phí, lệ phí được phân cấp trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật.
Nâng cao hiệu quả, chất lượng kế toán
Luật Kế toán năm 2015 sửa đổi một số điều với mục tiêu tăng cường hiệu quả quản lý, giám sát chặt chẽ, liên hệ mật thiết từ người dân đến các doanh nghiệp, nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng kế toán dựa trên nguyên tắc công khai, minh bạch trong toàn xã hội. Luật gồm 6 chương, 74 điều.
Luật bổ sung các quy định, hướng dẫn về nguyên tắc, nội dung áp dụng các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp đối với người làm kế toán, kế toán viên hành nghề, doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán.
Đại biểu Quốc hội tiến hành biểu quyết dự án Luật kế toán (sửa đổi). (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN) |
Các quy định mới này góp phần đảm bảo tính tuân thủ khi hành nghề kế toán của người làm kế toán, kinh doanh dịch vụ kế toán. Luật giao Bộ Tài Chính quy định chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán trên cơ sở chuẩn mực quốc tế phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Luật quy định chứng từ điện tử được coi là chứng từ kế toán khi được thể hiện dưới dạng dữ liệu điện tử, được mã hóa mà không bị thay đổi trong quá trình truyền qua mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc trên vật mang tin, như: băng từ, đĩa từ, các loại thẻ thanh toán.
Trường hợp khi chứng từ bằng giấy được chuyển thành chứng từ điện tử để giao dịch, thanh toán hoặc ngược lại, chứng từ điện tử có giá trị để thực hiện nghiệp vụ kinh tế, tài chính đó, chứng từ bằng giấy chỉ có giá trị lưu giữ để ghi sổ, theo dõi và kiểm tra, không có hiệu lực để giao dịch, thanh toán. Chứng từ điện tử được quản lý như tài liệu kế toán ở dạng nguyên bản mà nó được tạo ra, gửi đi hoặc nhận nhưng phải có đủ thiết bị phù hợp để sử dụng.
Tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tuân thủ các điều kiện đầu tư kinh doanh
Ngoài việc bổ sung ngành "kinh doanh pháo nổ" là ngành cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại điều 6 Luật Đầu tư, Luật sửa đổi, bổ sung danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Theo đó, Luật quy định bãi bỏ 20 ngành, nghề không phù hợp với tiêu chí, mục đích quy định về ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nêu tại Luật Đầu tư hoặc ngành nghề có thể quản lý bằng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc các ngành nghề qua rà soát được xác định không phải ngành nghề kinh doanh.
Luật bổ sung 15 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện phù hợp với tiêu chí, mục đích quy định tại Luật Đầu tư, đáp ứng yêu cầu mới phát sinh trong thực tiễn quản lý Nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh.
Hệ thống hóa, tách, hợp nhất một số ngành, nghề có cùng tính chất, mục tiêu nhằm bảo đảm tính thống nhất trong quản lý Nhà nước; sửa đổi tên một số ngành, nghề để phản ánh chính xác, đầy đủ điều kiện đầu tư kinh doanh đối với các ngành, nghề đó, nhằm nâng cao tính minh bạch, khả thi của hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi để người dân, doanh nghiệp tuân thủ các điều kiện đầu tư kinh doanh.
Luật có hiệu lực từ 1/1/2017, trừ quy định về 2 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện có hiệu lực từ 1/7/2017, gồm: "kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị" và "sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô."
Để thực hiện quy định về bãi bỏ ngành "kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng về đấu thầu" và "kinh doanh dịch vụ lập, thẩm tra xây dựng dự án đầu tư, xây dựng, Luật bãi bỏ khoản 1 Điều 19 của Luật Đấu thầu và Điều 151 Luật Xây dựng...
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Đề xuất chuyển nhiệm vụ sát hạch, cấp bằng lái xe sang Bộ Công an
Đưa tuyến phố Tống Duy Tân quận Hoàn Kiếm thành "trung tâm" ẩm thực của Thủ đô
TRỰC TUYẾN: Công nhân, viên chức, lao động Thủ đô vui đón "Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng"
Giá vàng hôm nay (11/1): Giá vàng thế giới tăng mạnh
Tỷ giá USD hôm nay (11/1): Đồng USD tiếp tục tăng mạnh
Quận Hai Bà Trưng: Cấp miễn phí 24.950 chữ ký số
Hà Nội: Phát hiện trên 13 tấn thực phẩm bán cho trẻ em không rõ nguồn gốc
Tin khác
Lãnh đạo thành phố Hà Nội gặp mặt đại diện các cơ quan báo chí
Tin mới 10/01/2025 13:49
TP.HCM: Ra quân thực hiện năm an toàn giao thông 2025
Tin mới 10/01/2025 12:08
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thăm, tặng quà Tết tại Đồng Nai
Tin mới 09/01/2025 18:13
Bình Dương: Nhiều hoạt động chăm lo Tết cho người dân có hoàn cảnh khó khăn
Tin mới 09/01/2025 16:42
Quy định cụ thể với thủ tục hành chính đang được xử lý khi thực hiện sắp xếp
Tin mới 09/01/2025 16:12
Thông cáo báo chí Kỳ họp thứ 53 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Tin mới 08/01/2025 19:18
Thống nhất nhận thức và hành động tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế
Tin mới 08/01/2025 16:48
Chính phủ cam kết phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2025
Tin mới 08/01/2025 16:28
Tổng Bí thư Tô Lâm dự Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương
Tin mới 08/01/2025 11:28
Thủ tướng yêu cầu tập trung nguồn lực cao nhất hoàn thiện các dự án luật
Tin mới 07/01/2025 21:41