Nam tiến chống dịch với tôi là mệnh lệnh từ trái tim
Phóng viên (PV) báo Lao động Thủ đô đã có cuộc trò chuyện cùng bác sĩ Dương Minh Tuấn xoay quanh câu chuyện Nam tiến chống dịch với nhiều lát cắt, góc nhìn mới mẻ về chuyện đời, chuyện nghề mang tính trải nghiệm thực tế và suy ngẫm của bác sĩ trẻ trên mặt trận tuyến đầu chống dịch Covid-19.
Nhiều người biết tới bác sĩ Dương Minh Tuấn bởi sự trẻ trung, nhiệt huyết, hài hước, dí dỏm và luôn giàu lòng nhân ái |
PV: Trên trang Facebook cá nhân, bác sĩ Tuấn từng viết trong đơn tình nguyện tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 là để “giảm cân”. Có thật đó là để “giảm cân” hay là sự lạc quan trước một trận đánh lớn?
Bác sĩ Dương Minh Tuấn: À, thật ra tôi đã phải viết lại đơn khác đấy, chứ các lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa huyện Minh Hóa đâu có nhận cái lý do “lầy lội” như thế, dù mọi người đọc xong ai cũng phá lên cười vì vốn dĩ tôi cũng mũm mĩm. Còn thực sự, khi đặt bút tình nguyện vào Khu thu dung tập trung quận 10, thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ chống dịch với tôi là “mệnh lệnh từ trái tim”. Tôi chỉ có tâm nguyện là góp một phần sức nhỏ bé cùng các nhân viên y tế chống đại dịch Covid-19.
Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát trở lại nhanh, mạnh và đầy bất ngờ đã khiến cuộc sống của người dân đảo lộn. Thành phố mang tên Bác đang yên bình, bỗng nhiên dịch bệnh ập tới. Đến hôm nay là hơn một tháng Thành phố thực hiện giãn cách xã hội để “dưỡng thương” và có lẽ sẽ còn lâu hơn thế... Là một người đã từng gắn bó, sống và làm việc hơn 2 năm ở thành phố Hồ Chí Minh nên nó như ngôi nhà thứ hai của tôi. Ở đó có người thân, có anh em bạn bè, có rất nhiều kỉ niệm. Nên khi thấy Thành phố “bệnh”, bản thân tôi cũng muốn trở lại làm một điều gì đó để giúp nó “đỡ đau” hơn…
PV: Bác sĩ bước vào trận đánh này bằng “mệnh lệnh trái tim”. Vậy bác sĩ cùng các đồng nghiệp đã chiến đấu với loại “giặc vô hình” như thế nào tại Khu thu dung tập trung quận 10? Trong suốt quá trình làm việc, điều gì khiến bác sĩ suy nghĩ và bận tâm nhất?
Bác sĩ Dương Minh Tuấn: Khu tôi làm việc vốn là khu thu dung và phân loại bệnh, thuộc tầng 1 trong phân tầng điều trị. Vậy mà từ hồi dịch bùng ra, nó cũng chẳng khác gì khu điều trị và cấp cứu bệnh nhân Covid-19. Các viện dã chiến, viện điều trị và hồi sức đều quá tải, thành ra bệnh nhân lẽ ra đã được phân loại và chuyển đi hết, mà cuối cùng ở lại cả. Tại đó, phòng cấp cứu lúc nào cũng hoạt động hết công suất, cảm giác giống như lần mình chờ sân bay ở bên Mỹ, cứ chuyến bay này vừa cất cánh thì chuyến bay khác lại thế chỗ vào, liên tục, liên tục.
Bác sĩ Tuấn luôn tâm niệm làm bác sĩ sứ mệnh là để chữa bệnh cứu người, giúp đời |
Việc đối mặt với kẻ thù vô hình đã làm cho cuộc sống của người dân bị ngưng trệ, tốc độ lây nhiễm bệnh tăng nhanh chưa từng có. Mỗi ngày, nhân viên y tế ở Khu thu dung tập trung phải làm việc gấp 2-3 lần công việc bình thường, chăm sóc khối lượng bệnh nhân lớn trong nhiều giờ đồng hồ. Trong bộ đồ bảo hộ lỉnh kỉnh, bức bí, tôi và đồng nghiệp làm việc 12 tiếng đồng hồ, từ khám, điều trị cho đến hỗ trợ làm vệ sinh cho bệnh nhân, mồ hôi nhễ nhại mờ cả mắt.
Và khi đã vào guồng công việc là không còn ý niệm về thời gian, bữa ăn dở dang là chuyện thường tình… Đặc biệt, trong Khu thu dung tập trung, nguy cơ phơi nhiễm cũng luôn thường trực. Nơi tôi làm việc đã có y, bác sĩ bị phơi nhiễm Covid-19. Bởi vậy, mỗi tuần một lần, tất cả các nhân viên y tế làm việc tại đây đều phải làm xét nghiệm sàng lọc Covid-19.
Tính đến thời điểm hiện tại đã hơn một tháng vào hỗ trợ Sài Gòn chống dịch, trong quá trình tiếp xúc và điều trị cho bệnh nhân, có nhiều câu chuyện khiến tôi phải bận lòng suy nghĩ. Trong đó, hoàn cảnh thương tâm có, éo le có, đáng ngưỡng mộ cũng có... Nhưng rồi, tại Khu thu dung bận quá nên tôi cũng không có thời gian để lưu tâm hay day dứt nhiều.
Nhưng nếu là nhớ nhất có lẽ là chuyện hai vợ chồng bệnh nhân 79 tuổi mà vẫn xưng hô anh em rất tình cảm, rất yêu thương nhau. Điều khiến tôi ấn tượng là trong những ngày cuối đời, bệnh tật, việc khiến hai ông bà lo lắng không phải là cái chết mà là họ phải xa cách nhau. Tôi vẫn nhớ mãi ngày chuyển ông lên tuyến trên, ông vẫy tôi lại, khẩn thiết: “Tôi cũng không thấy khó thở hay mệt gì nhiều, nếu bác sĩ thấy ổn hay cho tôi ở lại đây với vợ tôi đi!”… Còn bà đến khi bệnh trở nặng vẫn cố nói với tôi không được kể cho ông biết, sợ ông lo lắng. Sau đó, cả hai ông bà đều không chiến thắng được con vi rút quái quỷ này.
Đôi lúc, nghĩ lại câu chuyện của hai ông bà, tôi cũng ước giá có thể tìm được một người bạn đời đồng hành cùng tới những năm tháng trọn vẹn như vậy, là đủ.
PV: Trong những ngày khốc liệt của đại dịch, bệnh nhân có được chiếc giường nằm điều trị là vô cùng khó, chính vì thế mà bác sĩ gọi những chiếc giường điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 là những chiếc giường đắt giá nhất trên đời?
Trong cuộc đời làm nghề Y, đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu nói chung, bác sĩ Tuấn nói riêng sẽ luôn nhớ mãi những chiếc giường đắt nhất trên đời; giường của bệnh nhân Covid-19. (Ảnh: bác sĩ cung cấp) |
Bác sĩ Dương Minh Tuấn: Vâng, đó là cách gọi của Steve Jobs (Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Apple Inc) trong những năm tháng cuối đời ông sống cùng căn bệnh ung thư. Tôi chỉ mượn lại cách gọi của ông thôi. Với Steve thì dù ông có thành công đến mấy, gia sản đồ sộ đến mấy, có thể mua được đủ thứ trên đời nhưng ông nhận ra sẽ chẳng ai tự nhiên bỏ tiền ra để mua giường bệnh cho mình cả, ý là chẳng ai muốn rước bệnh vào thân hết.
Còn với tôi, giữa cảnh đại dịch đang bùng ra ở miền Nam, khi mà máy móc thiết bị, nhân lực lẫn vật lực đều thiếu thốn, quá tải y tế ở mức báo động thì việc tìm được một chiếc giường bệnh thật là điều quá nan giải. Dù là người chức cao vọng trọng hay tiền bạc rủng rỉnh thì kiếm được một chiếc giường bệnh để nằm trong thời điểm này đều thực sự khó. Nên tự dưng nó trở thành những chiếc giường đắt giá nhất trên đời, muốn có cũng không được, mà có được rồi đôi khi nằm trên đấy sẽ phải trả một cái giá còn đắt hơn nữa, đó chính là sinh mạng.
PV: Trong suốt quá trình hỗ trợ điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, chứng kiến sự sống và cái chết của bệnh nhân mong manh và chỉ cách nhau trong gang tấc, điều mà bác sĩ cảm thấy khó nói với bệnh nhân nhất là gì?
Bác sĩ Dương Minh Tuấn: Với tôi, chưa bao giờ việc giải thích tình trạng tử vong cho thân nhân người bệnh lại phải liên tục và khó khăn đến thế. Có gia đình liền lúc 3-4 người cùng vào nhập viện, có khi cả một đại gia đình đều có quan hệ thân thiết gần gũi nhau. Mà trong quá trình điều trị có người ở lại, có người bị căn bệnh quái ác đưa đi rất nhanh.
Nhiều khi bác sĩ chúng tôi cũng muốn giấu lắm nhưng không giấu nổi. Nên phải làm sao cố gắng nói được một cách nhẹ nhàng nhất với bệnh nhân của mình rằng ba mẹ họ, vợ chồng họ, anh chị của họ, con cái của họ... đã không còn trong cuộc đời này nữa. Lại còn phải liên tục giải thích ngày này qua ngày khác, có những gia đình mất đến 3-4 mạng người, đau lòng lắm.
Bác sĩ Tuấn cùng đồng nghiệp tổ chức sinh nhật cho bệnh nhi |
PV: Mọi người luôn biết đến Dương Minh Tuấn là một bác sĩ trẻ trung, yêu đời, khôi hài và giàu năng lượng, nhưng tại sao có lúc chính bác sĩ lại tự nhận mình như một “cọng rau muống héo hon đầy luống cuống”?
Bác sĩ Dương Minh Tuấn: Yêu đời, khôi hài, giàu năng lượng đến mấy thì tôi cũng chỉ là con người thôi mà; có lúc cũng phải cạn năng lượng, phải buồn, phải đau chứ. Có hôm, quá trưa, hay tin một đồng nghiệp nữa lại ngã xuống vì Covid-19, trong khi con trai anh mới mất cách đó vài ngày, vợ và con gái anh vẫn đang nằm điều trị… tự dưng tôi thấy rõ trong lòng mình, mọi thứ trùng xuống như một “cọng rau muống héo hon đầy luống cuống”.
Hay câu chuyện của nữ đồng nghiệp cả gia đình đều mắc Covid-19, rồi lần lượt từng người mãi ra đi. Bình thường, nữ đồng nghiệp của tôi được gọi là thủ lĩnh tinh thần của cả cái block vì giữa bao căng thẳng, người đàn bà bé như cái kẹo lúc nào cũng hừng hực năng lượng và vui tính một cách khó hiểu. Vậy mà giờ chị ngồi thẫn thờ, tay bủn rủn, môi run run. “Dăm ba cái con vi rút vớ va vớ vẩn, cười cái là nó đi hết ấy mà!” - Câu cửa miệng chị hay đùa với bệnh nhân. Và giờ chị còn chẳng mở được lời mà nói gì với gia đình mình.
Thời gian tính theo ngày. Từ lúc mọi người trong gia đình chị khỏe re, cười nói động viên chị phớ lớ. Đến lúc ba chị mất, rồi mẹ, rồi anh trai chị. Chị đem lại tiếng cười, đem lại niềm vui cho rất nhiều người. Vậy mà còn gia đình mình thì… Nghe tiếng chị khóc nấc lên trong điện thoại. Tôi ở đầu dây bên kia cũng chẳng biết động viên chị thế nào…
Hơn một tháng vào Nam hỗ trợ chống dịch, cũng là từng đó thời gian chứng kiến từng ấy mất mát, từng ấy nỗi thiếu thốn đau khổ mà bảo mình không “héo hon luống cuống” thì là nói dối rồi. Chỉ là “héo hon” đến bao giờ, “luống cuống” đến bao giờ. Tôi chỉ coi đó như những giây phút cần có và nên có trong cuộc đời mình, nhưng không để nó chiếm lấy mình quá lâu, phải nạp lại năng lượng ngay để còn tiếp tục giúp đỡ mọi người. Nên là tôi luôn đón nhận mọi cảm xúc dù tích cực hay tiêu cực của bản thân thay vì chối bỏ, có lẽ nhờ thế mà mọi người thấy tôi lạc quan chăng?
Những lời chúc tràn ngập yêu thương của bạn nhỏ gửi tới bác sĩ Tuấn trong Khu thu dung tập trung |
PV: Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 đầy căng thẳng và áp lực, có giây phút nào yếu lòng bác sĩ từng hối hận vì cãi lời mẹ không ở nhà mở phòng khám tư an phận và yên ổn hay không?
Bác sĩ Dương Minh Tuấn: Khi bố tôi còn sống, ông vẫn dạy các con “hãy dùng cuộc đời để yêu thương”. Bởi vì lời dạy ấy, nên khi Bộ Y tế phát động “Chương trình đưa bác sĩ trẻ về vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo”, tôi đã quyết định nộp đơn lên đường. Ngày viết đơn tình nguyện vào bệnh viện huyện vùng cao Minh Hoá, bỏ lại cuộc sống sung túc nơi phố thị, bỏ cả cơ hội đi du học… đồng nghĩa với việc tôi cũng từ chối lời đề nghị của mẹ ở nhà mở phòng khám tư cho an phận và ổn định. Nhưng với tôi, làm bác sĩ sứ mệnh là để chữa bệnh cứu người, còn nếu để kiếm tiền, tôi sẽ lựa chọn một công việc khác.
Và tôi chưa bao giờ hối hận với những quyết định của bản thân cho đến bây giờ. Bởi với tôi, mọi quyết định dù đúng dù sai đều là những bài học quý giá giúp tôi trưởng thành và vững bước hơn trên cuộc đời này.
PV: Trong tình hình dịch diễn biến phức tạp và khó lường như hiện nay, vì sao nghe mẹ chửi với bác sĩ Tuấn lại là một điều hạnh phúc? Và điều bác sĩ mong mỏi nhất thời điểm này là gì?
Bác sĩ Dương Minh Tuấn: Bố tôi mất rồi, em trai thì đang du học ở Úc, nên mẹ chính là điều khiến tôi lấn cấn nhất khi viết đơn vào Nam hỗ trợ chống dịch. Vào đây làm, tôi cũng chỉ cố gắng cẩn trọng hết mức có thể thôi nhưng không thể dám chắc được điều gì cả. Lỡ đâu một ngày nào đó chính bản thân tôi nhiễm Covid-19 rồi mất đi, lỡ đâu một ngày nào đó nhận được tin mẹ nhiễm Covid-19 rồi mất đi, tôi luôn suy nghĩ và đặt ra những kịch bản tệ nhất như vậy. Rồi thì khi ấy điều mình mong muốn nhất là gì, chẳng phải chỉ cần được nghe tiếng mẹ chửi mắng cũng là hạnh phúc lắm rồi đấy sao.
Hạnh phúc của bác sĩ Tuấn là những phút giây được bên mẹ khi dịch bệnh chưa xảy ra. |
Mẹ tôi có một niềm tin khá kỳ lạ là khi mất đi rồi mà hoả thiêu thì linh hồn sẽ thấy rất đau đớn, nên mẹ thường bảo tôi sau này mẹ có đi thì nhớ là phải đào sâu chôn chặt. Mình thì không tin lắm nhưng mẹ thích thì tôi sẽ chiều vậy thôi. Thành ra đi chống dịch nhớ mẹ, thương mẹ nhiều lắm. Chứng kiến những nỗi đau cứ ập đến liên tục vậy còn thấy buồn, thấy thương hơn. Nên mỗi lần nhắn hay điện về cứ phải dặn đi dặn lại mẹ cho cẩn thận: “Mẹ ở yên một chỗ rồi đảm bảo 5K đấy nhé! Không lỡ có chuyện gì người ta đem đi hoả thiêu đấy chứ không có chuyện đào sâu chôn chặt đâu đấy! Xong lại nghe mẹ chửi cho một trận, thấy mình sao mà còn may mắn thế”.
Hàng ngày dù công việc có áp lực đến mấy, vất vả đếm mấy nhưng tôi cũng phải viết Facebook như một thông báo ngầm với mẹ rằng tôi vẫn ổn, vẫn khỏe mạnh bình thường, nếu không mẹ sẽ nghĩ tôi bị mắc Covid-19 rồi.
Và từ sâu trong tâm khảm, điều tôi mong mỏi nhất thời điểm này là thành phố Hồ Chí Minh chóng khỏe, miền Nam chóng khỏe, đất nước sớm hết dịch để về với mẹ, với Hà Nội. Để sáng khoác tay mẹ đi ăn một bát phở thật nóng thơm lừng, rồi ngồi cà phê tâm sự với mẹ, rồi đi gặp bạn bè, rồi lượn lờ khắp hang cùng ngõ hẻm Hà Nội thân thương,… Với tôi, ước mong hiện tại chỉ có vậy thôi!
PV: Xin cảm ơn bác sĩ, chúc bác sĩ nhiều sức khoẻ và bình an!
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Tăng mức hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở đối với người có công
Quyền lợi đặc biệt của lao động nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi
Cách tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng
Tôn vinh giá trị và vị thế của trẻ em gái, thúc đẩy bình đẳng giới
Bắt hai đối tượng bán mật gấu giả
Tài xế sẽ phải kiểm tra lí thuyết, thực hành khi bị trừ hết điểm bằng lái
Hà Nội: Triệt phá đường dây nhập lậu hàng nghìn tấn “khí cười”
Tin khác
Tôn vinh giá trị và vị thế của trẻ em gái, thúc đẩy bình đẳng giới
Xã hội 24/11/2024 13:32
Festival Ninh Bình lần thứ III: Hé lộ sân khấu gây choáng ngợp
Văn hóa 24/11/2024 08:32
Dự kiến một số điểm mới trong quy định thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ
Xã hội 23/11/2024 18:17
Gen Z mùa deadline cuối năm: Đa nhiệm, stress nhưng vẫn luôn tận hưởng cuộc sống
Cộng đồng 23/11/2024 15:27
Học bổng ABG Future Leaders cho các nhà lãnh đạo trẻ
Giáo dục 23/11/2024 15:25
Quận Bắc Từ Liêm phát triển công nghiệp văn hóa vươn tầm cùng Thủ đô
Văn hóa 23/11/2024 15:18
Từ 25/12: Phụ huynh bắt buộc quản lý hoạt động mạng xã hội của trẻ em dưới 16 tuổi
Cộng đồng 23/11/2024 08:12
“Manifest” được chọn là từ của năm 2024
Cộng đồng 22/11/2024 23:24
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quận Bắc Từ Liêm
Văn hóa 22/11/2024 22:34
Lịch thi đánh giá năng lực năm 2025 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Giáo dục 22/11/2024 19:28