Nâng cao vị thế của Công đoàn thông qua đàm phán tiền lương
Đó là quan điểm của TS Chang-Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam khi chia sẻ về vai trò của Công đoàn Việt Nam nhân Ngày Quốc tế Lao động 1/5.
Theo TS Chang-Hee Lee, Công đoàn Việt Nam có 92 năm lịch sử. Ra đời vào năm 1929, Công đoàn Việt Nam có một lịch sử đáng tự hào bảo vệ quyền lợi của người dân Việt Nam và người lao động Việt Nam thông qua đấu tranh chống ngoại xâm, vì nền độc lập của dân tộc, thống nhất đất nước và tham gia xây dựng một nền kinh tế mới.
“Những thách thức và sứ mệnh của Công đoàn có thể thay đổi theo thời gian. Nhưng sứ mệnh chủ chốt của Công đoàn, dù ở quốc gia nào, thì không bao giờ thay đổi. Đó là bảo vệ và đại diện cho quyền lợi của người lao động và gia đình họ”, Giám đốc ILO Việt Nam nhấn mạnh.
TS Chang-Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam. |
Ông Chang-Hee Lee cho rằng, hiện nay, trong bối cảnh cải cách kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế sâu rộng, Công đoàn Việt Nam nên hướng sự tập trung vào chức năng căn bản của mình là đại diện và bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Chỉ khi Công đoàn đại diện cho tiếng nói của người lao động một cách hiệu quả, hợp tác chặt chẽ với chủ sử dụng lao động và Chính phủ, lúc đó Công đoàn mới có thể thực sự đóng góp cho sự ổn định chính trị và phát triển kinh tế.
Khẳng định vai trò của Công đoàn trong thương lượng tập thể, qua đó thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền lợi cho người lao động, TS Chang-Hee Lee nhận định: Về Thỏa ước lao động tập thể, so với 10 năm trước đây, tôi có thể thấy sự tiến bộ trong lĩnh vực này. Đã có thêm nhiều doanh nghiệp có Thỏa ước thương lượng tập thể, và có thêm nhiều thỏa ước có các điều khoản ở mức cao hơn so với các yêu cầu tối thiểu của pháp luật. Nhưng có một điểm thường bị thiếu ở phần lớn các Thỏa ước lao động tập thể - đó chính là tiền lương.
Trước tiên, tôi muốn nhắc tới Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương. Đây là một văn bản đặc biệt quan trọng đóng vai trò hướng dẫn các bên tham gia vào quan hệ lao động trong việc quyết định tiền lương và các điều kiện lao động khác.
Có 3 điểm quan trọng trong Nghị quyết này. Thứ nhất, Nghị quyết ghi rõ Nhà nước không tham gia vào quá trình xác lập tiền lương ở cấp doanh nghiệp. Thứ hai, Nghị quyết ghi nhận vai trò quan trọng của lương tối thiểu, nhưng đồng thời nêu rõ hạn chế của lương tối thiểu là chỉ để bảo vệ những người lao động dễ bị tổn thương nhất trên thị trường lao động. Không thể dùng lương tối thiểu để quyết định tiền lương thực tế của mọi người lao động. Thứ ba, Nghị quyết khuyến khích Công đoàn và chủ sử dụng lao động xác lập tiền lương thực tế thông qua thương lượng tập thể.
Nghị quyết 27-NQ/TW đưa ra hướng dẫn rõ ràng về phương thức xác lập, điều chỉnh tiền lương, và hoàn toàn tương thích với các tiêu chuẩn lao động quốc tế của ILO. Tuy nhiên, rất tiếc là Nghị quyết vẫn chưa được áp dụng trên thực tế tại phần lớn các doanh nghiệp. Thỏa ước lao động tập thể có thể bao gồm những lợi ích ít quan trọng hơn như tiền ăn trưa hay tháng lương thứ 13, nhưng thường không đề cập đến tiền lương tháng. Ở tất cả các quốc gia khác, tiền lương là điều khoản quan trọng nhất trong thương lượng tập thể.
Ban Chấp hành Công đoàn tham gia thương lượng Thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp |
“Tiền lương là kết quả của thương lượng tập thể, có vai trò quan trọng không chỉ giúp cải thiện điều kiện làm việc, điều kiện sống của người lao động và gia đình họ, mà còn giúp chia sẻ phồn thịnh trong toàn xã hội và nền kinh tế. Khi tiền lương được xác lập thông qua thương lượng tập thể, người lao động có thể dành được phần phân chia lớn hơn từ việc tăng năng suất lao động của công ty, nhờ có được năng lực thương lượng mạnh hơn, so với trường hợp tiền lương không được xác lập thông qua thương lượng tập thể. Điều này đảm bảo sự phân chia công bằng hơn về thành quả kinh tế giữa chủ sử dụng lao động và người lao động”, Giám đốc ILO Việt Nam nhấn mạnh.
Ông Chang-Hee Lee phân tích thêm: Việt Nam có tham vọng vươn lên từ một quốc gia thu nhập trung bình thấp trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao. Để đạt được vị thế đó, Việt Nam không thể chỉ dựa vào đòn bẩy xuất khẩu, mà còn phải dựa cả vào động cơ quan trọng là tiêu dùng nội địa để phát triển kinh tế.
Cầu nội địa đến từ tiêu dùng nội địa bởi người dân Việt Nam, mà phần lớn là người lao động. Vì thế sức mua của người lao động tăng cao hơn đóng vai trò quan trọng, và sức mua cao hơn đến chính từ tiền lương cao hơn.
Với Covid-19, ngành du lịch Việt Nam đã khám phá lại được giá trị của khách du lịch nội địa. Việt Nam cần khám phá lại tầm quan trọng của người lao động không chỉ ở cương vị của người làm ra sản phẩm, mà còn ở cương vị người tiêu dùng. Họ chính là một trong hai động cơ của phát triển kinh tế song hành với động cơ còn lại là người tiêu dùng nước ngoài mua hàng xuất khẩu của Việt Nam.
“Quay trở lại vai trò của Công đoàn, nếu Công đoàn có thể đại diện cho tiếng nói của người lao động tốt hơn, đàm phán tiền lương tốt hơn, Công đoàn có thể góp phần tạo ra một thị trường nội địa lớn hơn, và sự phát triển kinh tế cân bằng hơn, dẫn tới sự phồn thịnh được chia sẻ công bằng”, TS Chang-Hee Lee nêu quan điểm.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Hà Nội: Lính cứu hỏa nhường mặt nạ dưỡng khí cho thai phụ trong đám cháy
Hà Nội: Tuyên dương 68 người con hiếu thảo
Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)
Trộm xe của bạn "cắm" lấy tiền trả nợ, chơi game
Quốc hội thông qua Nghị quyết về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội
Huyện Thường Tín: Khai thác giá trị văn hóa để phát triển du lịch
Dự kiến một số điểm mới trong quy định thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ
Tin khác
Tổ chức Hội nghị cán bộ năm 2025 đảm bảo dân chủ, thiết thực
Hoạt động 23/11/2024 18:16
LĐLĐ quận Đống Đa: Nhiều hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn
Vì lợi ích đoàn viên 23/11/2024 16:31
Dư âm đẹp từ Giải bóng đá thường niên Tổng Công ty Vận tải Hà Nội năm 2024
Vì lợi ích đoàn viên 23/11/2024 12:19
Cụm thi đua số 7 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Làm tốt công tác đại diện, bảo vệ người lao động
Vì lợi ích đoàn viên 22/11/2024 21:40
Cụm thi đua số 6 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Thực hiện tốt chức năng đại diện
Hoạt động 22/11/2024 15:21
Cụm thi đua số 5: Nhiều đổi mới, sáng tạo trong hoạt động công đoàn
Hoạt động 22/11/2024 13:01
Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Công đoàn
Hoạt động 22/11/2024 06:06
Nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ Công đoàn Viên chức Việt Nam
Hoạt động 21/11/2024 16:45
Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh
Hoạt động 21/11/2024 15:49
Cụm thi đua số 4 triển khai hiệu quả công tác chăm lo đời sống cho đoàn viên
Hoạt động 21/11/2024 14:15