Nếu có bệnh cứ đi khám, đừng “ngại” dịch!
Cấp cứu thành công bệnh nhân viêm ruột thừa cấp có phủ tạng đảo ngược Những dấu hiệu cảnh báo viêm ruột thừa ít người để ý đến |
Biến chứng vỡ ruột thừa
Các bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thời gian gần đây số lượng trẻ được chẩn đoán viêm ruột thừa do nhập viện muộn gây biến chứng thành viêm phúc mạc có xu hướng gia tăng. Hầu hết các trường hợp nhập viện muộn đều do gia đình có tâm lý e ngại đi viện mùa dịch, nhiều phụ huynh đã trì hoãn việc đi khám, hoặc cho rằng bệnh của trẻ chưa đến mức phải khám và điều trị ngay nên đã tự ý mua thuốc về cho con sử dụng khiến bệnh càng trầm trọng hơn.
Với các trường hợp viêm ruột thừa biến chứng nặng, bắt buộc các bác sĩ phải chuyển sang phẫu thuật mổ mở để đảm bảo an toàn cho bệnh nhi. |
Đơn cử, vừa qua, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận bệnh nhi T.C.T (7 tuổi, ở Hà Nội), vào viện trong tình trạng đau bụng liên tục, sốt, đi ngoài, nôn. Gia đình cho biết, trẻ bắt đầu có biểu hiện đau bụng từ khoảng một tuần trước đó, tuy nhiên do lo ngại dịch bệnh Covid-19, khu vực sinh sống hạn chế đi lại nên gia đình chưa cho con đến bệnh viện. Trẻ vốn có tiền sử trào ngược dạ dày nên khi thấy con đau bụng, gia đình đã tự mua thuốc chống trào ngược và men tiêu hóa để điều trị tại nhà nhưng tình trạng không thuyên giảm, dẫn đến tình trạng trẻ sốt, đi vệ sinh không tự chủ.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, các bác sĩ xác định trẻ bị viêm ruột thừa giai đoạn muộn, biến chứng ruột thừa đã vỡ, gây viêm nhiễm lan tràn trong ổ bụng, đòi hỏi phải mổ cấp cứu.
Chia sẻ về ca bệnh này, thạc sĩ, bác sĩ Vũ Mạnh Hoàn, Phó trưởng Khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thông thường, viêm ruột thừa có thể phẫu thuật bằng phương pháp nội soi, tuy nhiên, tình trạng nhiễm trùng trong ổ bụng của bệnh nhi T.C.T rất nặng, nguy cơ chảy máu, tổn thương đường tiêu hóa rất lớn. Nhằm đảm bảo an toàn cho bệnh nhi, các bác sĩ đã bắt buộc phải chuyển sang phương pháp mổ mở mới có thể xử lý triệt để tổn thương. Sau phẫu thuật, bệnh nhi tiếp tục được theo dõi và điều trị tích cực. Hiện tại tình trạng của trẻ đã có những bước tiến triển thuận lợi.
Một trường hợp khác tương tự là cháu N.H.A (6 tuổi, ở Hà Nội). Nhân dịp nghỉ hè, cháu được bố mẹ cho về quê chơi, nhưng ngay sau đó là thời gian giãn cách xã hội, gia đình không kịp đón con về. Ở xa bố mẹ, trẻ xuất hiện triệu chứng đau bụng khoảng 1 tuần nhưng không được đi khám tại cơ sở y tế mà chỉ theo dõi tại quê. Đến khi tình trạng đau bụng ngày càng tăng, kèm sốt 38,5 độ, bụng chướng, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa,... trẻ mới được đưa đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, trẻ được xác định chẩn đoán có tình trạng áp xe ruột thừa trong ổ bụng. Nguyên nhân do ruột thừa đã vỡ thành một khối áp xe, đường ruột và các cơ quan khác trong ổ bụng dính xung quanh. Bệnh lý này hay gặp ở các trường hợp viêm ruột thừa chưa được điều trị và đến muộn trong vòng 5-7 ngày.
Rất may mắn là các bác sĩ đã phẫu thuật được cho trẻ bằng phương pháp nội soi, gỡ dính, cắt ruột thừa, hút rửa sạch ổ áp xe. Tuy nhiên, bệnh nhi vẫn phải trải qua thời kì điều trị hậu phẫu với ống dẫn lưu dịch tiết ra khỏi ổ bụng, sử dụng nhiều loại kháng sinh và đòi hỏi quá trình phục hồi chức năng tiêu hóa tích cực. Sau 7 ngày điều trị, trẻ đã được xuất viện.
Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp trẻ đến viện muộn trong đợt dịch này. Trước đó, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận và điều trị cho nhiều bệnh nhi bị viêm màng não, hoặc bị bệnh Kawasaki nguy hiểm với những triệu chứng ban đầu như sốt cao liên tục, nổi ban…
Tránh bỏ qua “thời gian vàng” điều trị
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Duy Hiền - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương kiêm Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp, viêm ruột thừa là một trường hợp cấp cứu ngoại khoa thường gặp nhất ở trẻ em. Nguyên nhân gây viêm ruột thừa thường chưa rõ ràng, có thể có liên quan yếu tố tắc nghẽn cơ học của lòng ruột thừa như sỏi phân, nang bạch huyết, hoặc kí sinh trùng, dị vật, hạt hoa quả,…
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Điển – Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương: Dịch Covid-19 nguy hiểm và có nhiều diễn biến phức tạp, tuy nhiên các biện pháp bảo vệ, phòng và chống dịch được Bệnh viện thực hiện nghiêm chỉnh, quyết liệt để đảm bảo tuân thủ an toàn, phòng tránh nguy cơ lây nhiễm ở mức cao nhất. Người bệnh và gia đình người bệnh không nên quá hoang mang khi đến Bệnh viện khám, chữa bệnh mà vô tình gây nên hệ lụy xấu đến sức khỏe và tính mạng của trẻ. Khi đến bệnh viện, người bệnh và người nhà cần tuân thủ đảm bảo 5K, hạn chế tối đa số người đi cùng, chỉ một người nhà đi cùng trẻ và làm theo hướng dẫn của nhân viên y tế. |
Các triệu chứng thường gặp của viêm ruột thừa gồm có: Đau bụng quanh rốn hoặc ở vùng hố chậu phải, nôn, sốt. Một số ít bệnh nhân có thể có biểu hiện đi ngoài phân lỏng (thường gặp ở trẻ nhỏ), dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý nhiễm khuẩn đường tiêu hóa. Ở trẻ em, ruột thừa không cố định ở bụng dưới bên phải như người lớn mà có thể ở nhiều vị trí, gây nên các đặc điểm đau khác nhau, ví dụ như gây đau quanh rốn hoặc thượng vị giống tình trạng đau dạ dày hoặc rối loạn tiêu hóa thông thường. Chính vì thế mà đôi khi cha mẹ không lưu ý hoặc chủ quan trước những triệu chứng ban đầu của trẻ.
Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tình trạng viêm nhiễm từ chỗ chỉ trong phạm vi ruột thừa sẽ tiến triển đến giai đoạn căng chứa mủ, tiết dịch ra xung quanh, hoại tử, vỡ,… từ đó lan rộng trở thành viêm phúc mạc. Nhiễm trùng từ khu trú thành lan tràn, thậm chí có thể gây nhiễm trùng máu, sốc nhiễm khuẩn, đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân.
Hiện nay, phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa viêm là phương pháp tiêu chuẩn cho điều trị viêm ruột thừa cấp. Việc phẫu thuật được thực hiện an toàn và hiệu quả, thời gian điều trị ngắn (nằm viện 2-3 ngày), tỉ lệ biến chứng rất thấp. Tuy nhiên, với các trường hợp viêm ruột thừa biến chứng thành viêm phúc mạc ruột thừa, việc điều trị trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Vì lý do an toàn cho bệnh nhân, các bác sĩ đôi khi cũng không thể thực hiện việc phẫu thuật hoàn toàn qua nội soi mà phải kết hợp với mổ mở mới có thể điều trị triệt để tổn thương. Chính vì vậy, thời gian nằm viện của bệnh nhi kéo dài hơn (có thể lên đến 10-15 ngày), việc chăm sóc sau phẫu thuật cũng phức tạp hơn.
“E ngại phải đến bệnh viện khi tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến vô cùng phức tạp là tâm lý dễ hiểu. Tuy nhiên với trẻ nhỏ, các biểu hiện bệnh thường mơ hồ hoặc diễn biến nhanh, phức tạp. Việc các bậc phụ huynh quá hoang mang, lo sợ dịch Covid-19 hoặc lơ là, chủ quan mà trì hoãn đưa trẻ đến bệnh viện có thể vô tình gây hại cho trẻ.
Cha mẹ cần chú ý, chủ động theo dõi và nhận diện những dấu hiệu bất thường để kịp thời đưa trẻ đi khám, tránh bỏ qua “thời điểm vàng” trong chẩn đoán xác định và điều trị bệnh cho trẻ” – Phó Giáo sư Phạm Duy Hiền khuyến cáo./.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Hà Nội: Triệt phá đường dây nhập lậu hàng nghìn tấn “khí cười”
Festival Ninh Bình lần thứ III: Hé lộ sân khấu gây choáng ngợp
Nguồn sức mạnh nội sinh to lớn để phát triển Thủ đô Hà Nội
Man City 0-4 Tottenham: Thất bại thứ 5 liên tiếp của Man City
Tỷ giá USD hôm nay 24/11: Đồng USD chốt tăng tuần 0,75%, đạt mức 107,49
Arsenal 3-0 Nottingham: Chấm dứt chuỗi 4 trận không biết mùi chiến thắng
Giá xăng dầu hôm nay (24/11): Giá dầu thế giới tuần bật tăng gần 6%
Tin khác
Kháng thuốc đang đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng
Y tế 22/11/2024 15:22
Nam bệnh nhân mất 1/2 lượng máu trong cơ thể vì sốt xuất huyết
Y tế 22/11/2024 06:03
Thêm giải pháp nâng cao sức khỏe các nhóm yếu thế tại Việt Nam
Y tế 21/11/2024 14:15
Báo động xu hướng trẻ hóa đối tượng nhiễm HIV
Y tế 21/11/2024 07:03
“Chúng tôi đánh giá cao tinh thần học hỏi của đội ngũ FPT Long Châu!”
Y tế 20/11/2024 22:40
Chiến lược đào tạo giúp đội ngũ Long Châu tự tin chăm sóc sức khỏe hơn 20 triệu khách hàng
Y tế 20/11/2024 22:39
Phát hiện sớm, can thiệp kịp thời các vấn đề liên quan đến thính giác ở trẻ em
Xã hội 20/11/2024 15:57
Mỗi ngày phát hiện 70 ca mắc bệnh sởi tại Đồng Nai
Y tế 19/11/2024 21:56
Hạnh phúc "nảy mầm" sau 7 năm hiếm muộn
Y tế 19/11/2024 15:10
Gia tăng tình trạng lây nhiễm HIV ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới
Y tế 18/11/2024 21:00