Người đàn bà phiêu cùng hoa
Hà Nội qua mắt nhìn của hoạ sĩ trẻ người Nga | |
Xuống phố Hà Nội cùng hoạ sĩ Phạm Bình Chương |
Những phiêu trình cùng sắc hương
Yêu hoa và muốn gần hoa là một phẩm cách của con người. Đó cũng là cách để con người có cơ hội học được những phẩm cách tốt đẹp của hoa. Yêu hoa nên nhiều văn nghệ sĩ đã viết, vẽ, làm nhạc, nhưng riêng một tập sách viết tỉ mỉ về hoa thì ít có. “Muôn dặm đường hoa” dày hơn 200 trang, họa sĩ Trần Thùy Linh đã vô cùng tỉ mỉ, kỹ lưỡng khi viết, trò chuyện với hoa trong những check out ra khỏi giới hạn để tìm thấy mình và ngẫm nghĩ về cuộc đời.
Họa sĩ Trần Thùy Linh |
Càng đọc sách càng thấy chị đi nhiều. Khi là những mảnh đất dọc sông Hồng, lúc khác là miền sông nước Nam Bộ. Gần hơn là những vùng quê quanh TP Hồ Chí Minh, hoặc những vùng ngoại ô Hà Nội, nơi nuôi dưỡng và thắp cho Thùy Linh những ước mơ. Lúc khác lại là một cảm nghiệm ở xứ người khi tiếp xúc với những loài hoa sang trọng và mê đắm.
Ở tập sách này, chị khiến tôi bất ngờ vì cách dùng từ đầy cảm xúc, rung động, xứng đáng với tư cách là một nhà văn đa cảm đi tìm những vẻ đẹp trong thiên nhiên rộng lớn và cũng rất mực nhân từ. Ngòi bút chị đặc tả từ hoa cỏ dại, hoa rau, bìm bìm, lục bình, hoa cúc, điệp vàng, phượng vỹ, xoan tím, loa kèn… rồi đến những loài hoa sang trọng, mỹ miều như tử đinh hương, cẩm tú cầu, mẫu đơn, poppy đỏ bằng sự run rẩy của một ngòi bút muốn gần cái đẹp, nâng niu, tôn thêm nhan sắc của hoa. Cũng là người yêu hoa, nên tôi cảm thấy chuyến đi nào chị cũng cố gắng trò chuyện với hoa cỏ, thiên nhiên và lắng nghe những sắc hương thủ thỉ.
Trong bài “Rong ruổi theo hoa”, chị viết: “Từ bao giờ không biết hoa đã hiện diện trong muôn mặt của đời sống con người. Từ khi ta sinh ra, trưởng thành, già đi, cả khi đau ốm, bệnh tật tới khi lìa đời, hoa lặng lẽ bên ta như người bạn thủy chung không bao giờ cần đền đáp. Trên những vỉa hè, trong những công viên hiếm hoi nơi trung tâm thành phố, hoa vẫn lặng lẽ nở, như những người công nhân đô thị vẫn ngày ngày lặng lẽ chăm bón cho hoa”.
Rồi ở bài “Hoa kể chuyện xưa”, Trần Thùy Linh có một cách đánh giá gần gũi: “Với tôi, hoa đã không còn chỉ là hoa. Hoa là không gian. Hoa là nơi chốn. Hoa là nỗi nhớ bà, nhớ mẹ cha, nhớ nơi ta đã từ đó mà đi ra thế giới. Bởi thế, hạnh phúc là được sẻ chia cùng những đóa hoa. Như thược dược, violet, cúc su xi, hoa bướm đã là quá khứ, đang là hiện tại và sẽ là tương lai. Là câu chuyện kết nối của người xưa với người nay”.
Ở phần “Mười lăm sắc thái của sen”, Trần Thùy Linh đã đưa ra mười lăm cảm nghiệm tinh tế, như hương sen tỏa ra từ cõi tâm hồn khiến bạn đọc đồng cảm. Chị viết như lên đồng, nhập vào hồn sen. Như thể chị đã vục hai bàn tay mềm mại vào giấc mơ, để nâng lên những cánh sen của ký ức, hiện thực, tương lai và chuyện trò, rồi cầm cọ tô vẽ. Song lại thấy dường như chưa đủ, để tiếp tục đi tìm. Tìm nữa, tìm mãi trong những đóa sen xanh, trắng, tinh tuyền như sương, dịu dàng như mây trắng. Cuối cùng, chị vục tay vào cõi huyền hoặc nhân gian để nâng lên những con chữ sinh động, tặng cho bạn đọc.
Có lần họa sĩ Trần Thùy Linh tâm sự với tôi, nhiều khi đang ở tại nơi đang sống mà chị vẫn thấy mình “đi”. Phần nhiều là nhờ hoa. Rất nhiều lần chị cảm thấy một sức hút vô hình nào đó kéo mình đi, không sao cưỡng lại. Chị luôn thấy, luôn nghe, luôn cảm nhận về một loài hoa, loài cây, loài vật nào đó trên những cung đường, theo kiểu có “sự sắp đặt của bàn tay số phận”. Chị may mắn, bởinhững “chuyến du hành cùng hoa” luôn là những phiêu trình.
Được nhiều thứ
Tôi hỏi, hoa đã cho Trần Thùy Linh điều gì? Chị bảo, với một người đã gắn bó mấy chục năm với hoa, có thể nói, hoa đã cho chị quá nhiều thứ. “Khi ở những phút giây tăm tối tưởng chừng không thể nào vượt qua, tôi lại nhớ tới giấc mơ về bông hoa xanh. Tôi nhớ tới những cảm xúc diệu kỳ không thể so sánh được khi vùi mình giữa hoa cỏ trên thảo nguyên Mông Cổ, hay đạp xe giữa những ruộng cải vàng, hoa mó đỏ ở miền quê Bắc Bộ. Những tăm tối luôn lùi lại phía sau khi những hình ảnh ấy xuất hiện trong suy nghĩ của tôi. Chúng cho tôi sức mạnh đối mặt với những điều tưởng chừng không thể. Khi cơn bão đời qua đi, tôi như được hồi sinh. Những chuyến về miền hoa cỏ tiếp theo lại nạp cho tôi một năng lượng sống tràn trề”, Thùy Linh giãi bày.
Thùy Linh nhấn mạnh: “Quá trình nghiên cứu về các loài hoa của tôi chưa bao giờ dứt, và sau mỗi bộ tranh tôi vẽ, tôi đều phát hiện ra những điểm đặc biệt ở cùng một loài. Tôi học được sự quả cảm, dám đối đầu với khó khăn từ loài hoa poppy đồng nội không cam chịu kiếp cắm bình. Tôi học được sự bền bỉ, can trường từ loài cúc dại “diệp bất ly chi, hoa vô lạc địa” (lá không rời cành, hoa không rụng xuống đất). |
Hoa còn cho chị hàng trăm bức tranh vẽ chân dung hoa cỡ lớn, đặc tả, được trưng bày trong phòng tranh ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Mỗi bức là một cảm xúc không bao giờ lặp lại, là cuộc đối thoại với hoa, cũng là cuộc đối thoại với cái tâm. Việc dùng những bông hoa là chủ thể sáng tạo trong hội họa bắt chị nghiên cứu rất kỹ về từng loại hoa. Những nghiên cứu hàng chục năm về sen cho chị biết và ngưỡng mộ những đặc tính khác với những điều vốn được mặc định về loài hoa này: Cơ chế sinh nhiệt như ở động vật máu nóng. Với chị đó là sức mạnh của bông sen. Hay kết cấu đặc - rỗng trong cuống hoa, lá cho ta sự liên tưởng về tình yêu của con người và bài học về sự thích nghi trước mọi nghịch cảnh của cuộc đời.
Thùy Linh nhấn mạnh: “Quá trình nghiên cứu về các loài hoa của tôi chưa bao giờ dứt, và sau mỗi bộ tranh tôi vẽ, tôi đều phát hiện ra những điểm đặc biệt ở cùng một loài. Tôi học được sự quả cảm, dám đối đầu với khó khăn từ loài hoa poppy đồng nội không cam chịu kiếp cắm bình. Tôi học được sự bền bỉ, can trường từ loài cúc dại “diệp bất ly chi, hoa vô lạc địa” (lá không rời cành, hoa không rụng xuống đất).
Yêu hoa theo cách riêng, người họa sĩ gốc Hà Nội đã không thụ động chờ hoa đến, mà đi tìm hoa, săn tìm những vẻ đẹp trong thiên nhiên rộng lớn. Càng trò chuyện càng hiểu hoa, phẩm tính của hoa. Chị cũng thấy chính hoa đã cải hóa con người. Vì yêu hoa, không ít bạn trẻ vun bồi tình yêu thiên nhiên, yêu hoa bằng cách làm đẹp cuộc sống với những dự án nhân văn, bảo vệ thiên nhiên và sự sống. Lại có bạn nghĩ cho thành phố xanh, biến những khu phố Hà thành xưa kia chỉ chứa rác thành vườn hoa xinh xắn, bằng những vật liệu tái sử dụng.
Nếu ai từng đến nước Anh sẽ biết nơi này có những người làm nghề nói chuyện với hoa. Một cửa hàng bán hoa và cây cảnh lớn, có vài nhân viên làm công việc nói chuyện thì thầm và hát cho hoa nghe. Họ phải tìm hiểu ngôn ngữ của từng loài hoa một để có thể nói chuyện với chúng.
Đó cũng là điều chứng tỏ con người luôn muốn gần gũi, hiểu hơn và mong muốn hoa ngày càng tỏa ra những thứ hương thơm nhân ái, giúp nhân lên sự xúc động trước cái đẹp. Ở tập “Muôn dặm đường hoa”, Trần Thùy Linh dù đi nhiều, nhưng không miêu tả ôm đồm và chị làm thêm một việc khiến ta xúc động trước cái đẹp, trước nhan sắc hoa. Chị thích viết theo cách của chị. Giống như vẽ, chị đặc tả, tả kỹ về những “gương mặt hoa”. Theo hội họa, chị đã vẽ hai dòng: Tranh hoa và trừu tượng, cả hai đều tạo được sự khác lạ.
Ở văn chương cũng vậy. Chị đã thành công trong một cuốn tản văn viết về Sài Gòn, sau đó là cuốn du ký “Đi như tờ giấy trắng”. Giờ “Muôn dặm đường hoa”, với chủ đề là du ký cùng hoa. Hoa là động lực để lên đường, điểm tựa và cũng là con đường đưa người trở về. Hoa thành chủ thể trong tất cả những công việc sáng tạo mà chị đang làm: Vẽ, viết, chụp ảnh, trang trí nội thất.
Bạn đọc để ý sẽ nhận ra, hoa là nhân vật chính được Trần Thùy Linh chăm chút bằng xúc cảm. Dù viết về nhiều loại hoa, nhưng chung quy lại đó là một nhân vật lớn, có linh hồn, tính cách, khả năng cải hóa con người, giúp con người thay đổi mình và tiến bộ hơn. Cuốn sách cũng giúp bạn đọc chậm lại để lưu tâm đến xung quanh, không thể thờ ơ, hờ hững với đời.
Đặc biệt, những câu chữ trong tập sách thôi thúc chúng ta hiểu và yêu hoa hơn, nên có khoảng thời gian xếp lại chuyện cơm áo gạo tiền, vượt ra khỏi sự hạn chế, chạm tay và cảm nhận biết bao điều cao đẹp để tạo ra chính những bông hoa trong lòng người, theo cách của mỗi người. Thùy Linh sẽ tiếp tục lên đường, trải nghiệm, trò chuyện và có thêm những cảm nghiệm mới, để tỏa hương cùng hoa, giúp cuộc sống thêm ý nghĩa. Xin nhắc lại một ý trong thơ Hoàng Nhuận Cầm để kết lại bài viết này, rằng con người luôn đuổi theo những thứ xa vời, trong khi ở gần ta luôn có thiên đường, vì quá gần nên… quá tầm tay!
Mộc Lâm
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Quốc hội xem xét công tác nhân sự và thông qua nhiều nội dung quan trọng
Giá xăng dầu hôm nay (25/11): Dự báo giá xăng dầu thế giới và trong nước sẽ tăng mạnh trong tuần mới?
Tỷ giá USD hôm nay 25/11: Tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD hiện ở mức 24.295 đồng
Nền tảng quan trọng để Thủ đô Hà Nội phát triển xứng tầm
Dự báo giá vàng tuần từ 25-30/11: Giá vàng sẽ tăng hay giảm?
Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông trong thanh, thiếu niên
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 25/11: Sáng sớm có sương mù, trưa chiều giảm mây trời nắng
Tin khác
Festival Ninh Bình lần thứ III: Hé lộ sân khấu gây choáng ngợp
Văn hóa 24/11/2024 08:32
Quận Bắc Từ Liêm phát triển công nghiệp văn hóa vươn tầm cùng Thủ đô
Văn hóa 23/11/2024 15:18
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quận Bắc Từ Liêm
Văn hóa 22/11/2024 22:34
Tháng văn hóa đặc sắc kỷ niệm 20 năm Phố cổ Hà Nội được công nhận Di tích Quốc gia
Văn hóa 22/11/2024 18:53
Sân chơi thu hút nhân tài đổi mới, sáng tạo
Văn hóa 21/11/2024 07:02
Đại nhạc hội Hoa tháng Năm - Nơi những phép màu tỏa sáng
Văn hóa 20/11/2024 22:41
Khánh Hoà sẵn sàng đón lượng khách tăng cao dịp Tết Nguyên đán 2025
Du lịch 20/11/2024 17:37
Chuỗi sự kiện kỷ niệm Lịch sử và Tự do của Haiti tại Hà Nội
Văn hóa 19/11/2024 16:22
Tôn tạo di tích đình Đại Áng: Phát huy giá trị văn hoá quý báu của cha ông
Văn hóa 19/11/2024 10:12
Người thắp ngọn đèn tri thức trong tôi
Văn hóa 19/11/2024 09:46