Người dân tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn không được chủ quan, lơ là phòng dịch
Chiều 22/9, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng, Phó Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 Thành phố chủ trì giao ban trực tuyến với Sở Chỉ huy các sở, ngành, quận, huyện, thị xã để triển khai thực hiện Chỉ thị 22 về việc điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố trong tình hình mới.
Báo cáo sơ bộ diễn biến tình hình dịch Covid-19 trong ngày, đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết, tính đến 14h ngày 22/9, toàn thành phố có 6 ca mắc mới, trong đó có 1 ca cộng đồng và 5 ca tại khu cách ly, phong tỏa. Hiện toàn thành phố đang có 31 điểm phong tỏa, cách ly y tế tập trung. Về công tác xét nghiệm, từ 18h ngày 21/9 đến 14h ngày 22/9, Thành phố đã xét nghiệm được 5.278 mẫu, chủ yếu thực hiện tại khu vực phong tỏa, khu vực cách ly tập trung, trong đó có 6 mẫu dương tính.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu kết luận tại cuộc họp giao ban. |
Về công tác tiêm chủng, đến nay Hà Nội đã tiêm được 6.410.072 mũi trong đó tiêm mũi 1 là 5.695.990 mũi (chiếm tỉ lệ 68,6% dân số và so với độ tuổi từ 18 tuổi trở lên là 94,6%). Về công tác cách ly tập trung, hiện nay Thành phố đang cách ly tập trung cho 3.647 người. Tính từ đợt dịch đến nay đã điều trị cho 4.019 bệnh nhân F0, số bệnh nhân hiện nay đang điều trị là 846 người.
Về các biện pháp triển khai trong thời gian tới, Sở Y tế Hà Nội đề xuất các địa phương cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát khi mở cửa trở lại. Kiểm tra dân cư tại các tỉnh về, đặc biệt là từ vùng dịch. Tiến hành rà soát, tiêm ghép mũi 1 cho người chưa được tiêm, tiêm mũi 2 cho người đến kỳ tiêm. Cùng đó tiến hành rà soát biến động dân cư, rà soát các trường hợp ho, sốt cộng đồng để tiến hành điều tra truy vết, kịp thời bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng và điều trị kịp thời.
Báo cáo tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn quận Hà Đông, đại diện quận Hà Đông cho biết, sáng nay quận Hà Đông phát hiện 2 ca F0 tại cộng đồng qua sàng lọc ho sốt. 2 ca dương tính với SARS-CoV-2 là: Anh Đ.V.H., sinh năm 1992, địa chỉ tại số 194, tổ dân phố số 8, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, là nhân viên y tế của Bệnh viện Medlatec - cơ sở HH02 Thanh Hà, quận Hà Đông và N.H.T., sinh năm 2001 cùng địa chỉ trên, là thợ làm tóc tại số 42H Mai Dịch, quận Cầu Giấy. Qua 2 F0 đã truy vết được 28 F1, trong đó có 26 F1 tại quận Hà Đông và 2 F1 tại quận Cầu Giấy.
Báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị 22 của UBND Thành phố, đại diện Công an Thành phố cho biết, Công an Thành phố đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch, nhất là ở 22 chốt ngoài Thành phố cùng 33 chốt các quận, huyện đang phụ trách. Tuy nhiên, hiện nay lượt di biến động của người dân đang ngày một tăng lên. Cùng đó, tại một số chốt chiều ra có dấu hiệu ùn tắc do các địa phương có sự khác biệt trong yêu cầu xét nghiệm Covid-19.
Trong ngày Tết Trung thu, mặc dù lực lượng công an các quận, huyện, thị xã đã tăng cường công tác tuần tra nhắc nhở, tuy nhiên vẫn không thể kiểm soát được hết do người dân ra ngoài nhiều, nhất là tại các quận trung tâm. Theo chỉ đạo của UBND Thành phố, các chốt sát vùng dân cư giữ nguyên nhưng tại một số nơi lại rút, Công an Thành phố đề nghị các quận, huyện kiểm tra lại, yêu cầu chốt sát các khu dân cư để đảm bảo an toàn cho các “vùng xanh”.
Thông tin tại cuộc họp giao ban, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hà Nội cho biết, ngay khi UBND Thành phố ban hành Chỉ thị 22, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các cơ quan báo chí Hà Nội và Trung ương đưa chỉ thị đến người dân. Theo đại diện Sở Thông tin và Truyền thông, việc triển khai các biện pháp tuyên truyền để cài đặt các nền tảng công nghệ phục vụ công tác giám sát, truy vết sau khi Thành phố nới lỏng giãn cách, Sở đã có văn bản, kết nối với Bộ Thông tin và Truyền thông, các quận, huyện, thị xã để có văn bản hướng dẫn; lấy toàn bộ dữ liệu liên quan tới các thông tin. Hiện đã có 609 tài khoản của các quận, huyện để chuyển thông tin hàng ngày cho các xã, phường nắm và thông qua đó thực hiện công tác kiểm tra, rà soát, vận động.
Sở Thông tin và Truyền thông đề xuất các quận, huyện khi đã cài đặt rồi, cần tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân quét mã. Đồng thời, Sở sẽ cùng các cơ quan báo chí Trung ương và Thành phố, hệ thống thông tin cơ sở để đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân khai báo y tế, quét mã phục vụ truy vết. Các quận, huyện cần tăng cường kiểm tra, hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng…
Trao đổi về một số vấn đề liên quan tới công tác phòng, chống dịch, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh cho biết thành phố Hà Nội đã và đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Nhận định thời gian tới chắc chắn sẽ còn có ca mắc mới trong cộng đồng PGS.TS Hoàng Đức Hạnh đề nghị kiên quyết xử lý triệt để các ổ dịch, giảm các trường hợp mắc Covid-19. Trong đó, quan trọng nhất là việc triển khai công tác xét nghiệm sớm, xét nghiệm nhanh, đánh giá nguy cơ để không để lây bệnh ra cộng đồng và thực hiện nghiêm thông điệp 5K.
PGS.TS Hoàng Đức Hạnh phát biểu tại cuộc họp giao ban. |
Liên quan đến vấn đề “thẻ xanh” đối với người dân đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, ông Hoàng Đức Hạnh cho biết, đến nay Bộ Y tế vẫn chưa có quy định cụ thể về vấn đề này và trên thực tế người dân đã tiêm đủ 2 mũi vắc nhưng vẫn bị mắc Covid-19. Vì thế, ông Hạnh khuyến cáo người dân đã tiêm 2 mũi vắc xin không nên chủ quan vì họ vẫn có thể lây bệnh cho những người xung quanh, đặc biệt là với người có bệnh nền và trẻ nhỏ.
Còn theo PGS.TS Trần Đắc Phu, đến thời điểm này, dịch bệnh của Hà Nội không bùng phát lên là một thành công. Tuy nhiên, để quay trở về thời điểm không có dịch bệnh là rất khó, bởi dịch vẫn còn lẩn khuất trong cộng đồng. Trước ý kiến Hà Nội nên nghiên cứu cấp “thẻ xanh” cho người tiêm đủ 2 mũi vắc xin ông Trần Đắc Phu cho rằng, Hà Nội không nên nóng vội. Để giữ vững thành quả phòng, chống dịch, Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh tiêm vắc xin mũi 2 cho người dân. Đồng thời lưu ý, dịch Covid-19 biến chủng khó lường nên mỗi ngành, mỗi cấp cần có phương án để thích ứng an toàn với dịch bệnh.
Kết luận buổi giao ban, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, từ ý kiến chia sẻ của các chuyên gia y tế cho thấy, việc tiêm vắc xin là cần thiết để tạo miễn dịch cộng đồng, song không vì thế mà người dân đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin lại chủ quan, lơ là. Phó Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh, việc người dân và phương tiện đổ về các tuyến phố trung tâm của Hà Nội để vui Tết Trung thu trong tối 21/9 là hình ảnh không đẹp đối với công tác phòng, chống dịch của Thành phố. Qua việc này cho thấy một số địa phương của Thành phố chưa thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện, thị xã khẩn trương hoàn thành, xây dựng kế hoạch và triển khai Chỉ thị 22 của UBND Thành phố, đảm bảo rõ người, rõ việc, trong đó phải nêu cao trách nhiệm người đứng đầu và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, cần tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch, thông điệp 5K, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết.
Các địa phương cần tiếp tục duy trì các chốt kiểm soát tại khu dân cư để nắm tình hình di biến động. Chỉ thị 22 cũng nêu rất rõ, các quận, huyện phải triển khai nghiêm túc, tăng cường kiểm tra, giám sát, hậu kiểm, xử lý các trường hợp vi phạm; nhất là tại các trung tâm thương mại, các cửa hàng, dịch vụ trong trung tâm thương mại chỉ được hoạt động theo đúng danh mục tại Chỉ thị 22 và cần đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch, giữ khoảng cách, thực hiện 5K, phải có quét mã QR, cơ sở nào vi phạm kiên quyết yêu cầu dừng hoạt động.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát, triển khai kế hoạch tiêm vắc xin. Đặc biệt, cần đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa, tác dụng của tiêm vắc xin, tránh chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch sau khi đã tiêm vắc xin theo khuyến cáo của các cơ quan y tế.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng cũng nhấn mạnh yêu cầu phải nâng cao ý thức, trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức, bởi đây là yếu tố hết sức quan trọng trong công tác phòng, chống dịch. Các địa phương, đơn vị tiếp tục triển khai đưa phần mềm quản lý xét nghiệm đến 11 quận, huyện còn lại; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quét mã QR phục vụ công tác quản lý, truy vết.
Đồng chí cũng đề nghị các địa phương, đơn vị căn cứ Chỉ thị 22 của UBND Thành phố, tổ chức kiểm tra theo các tiêu chí đảm bảo an toàn đối với từng loại hình đơn vị, công ty, công sở. Các sở, ngành cần cụ thể hóa, tham mưu với Thành phố để hoàn thiện bộ tiêu chí an toàn phòng, chống Covid-19 đối với từng loại hình, từng ngành nghề trên địa bàn.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Cách tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng
Tôn vinh giá trị và vị thế của trẻ em gái, thúc đẩy bình đẳng giới
Bắt hai đối tượng bán mật gấu giả
Tài xế sẽ phải kiểm tra lí thuyết, thực hành khi bị trừ hết điểm bằng lái
Hà Nội: Triệt phá đường dây nhập lậu hàng nghìn tấn “khí cười”
Festival Ninh Bình lần thứ III: Hé lộ sân khấu gây choáng ngợp
Nguồn sức mạnh nội sinh to lớn để phát triển Thủ đô Hà Nội
Tin khác
Nguồn sức mạnh nội sinh to lớn để phát triển Thủ đô Hà Nội
Nhịp sống Thủ đô 24/11/2024 08:24
Hà Nội: Tuyên dương 68 người con hiếu thảo
Nhịp sống Thủ đô 23/11/2024 21:39
Huyện Thường Tín: Khai thác giá trị văn hóa để phát triển du lịch
Tôi yêu Hà Nội 23/11/2024 21:30
Thành đoàn Hà Nội tuyên dương cán bộ công chức, viên chức trẻ xuất sắc
Nhịp sống Thủ đô 23/11/2024 16:17
Phường đầu tiên của quận Tây Hồ nhận danh hiệu “Phường đạt chuẩn đô thị văn minh”
Thủ đô 23/11/2024 12:52
Sơn Tây: Bảo tồn và khai thác hiệu quả nguồn lực tài nguyên văn hóa
Nhịp sống Thủ đô 22/11/2024 18:56
Tổ chức thành công Đại hội Hội Khuyến học quận Bắc Từ Liêm nhiệm kỳ 2024 - 2029
Tôi yêu Hà Nội 22/11/2024 17:29
Nâng cao tính minh bạch, hiệu quả và chuyên nghiệp trong hoạt động cải cách hành chính
Thủ đô 22/11/2024 17:25
Kênh thông tin hữu hiệu tuyên truyền sâu rộng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Nhịp sống Thủ đô 22/11/2024 15:13
Sôi nổi Hội thi Bí thư chi bộ giỏi quận Bắc Từ Liêm năm 2024
Nhịp sống Thủ đô 22/11/2024 14:18