Người hồi sinh nghề đậu bạc ở Định Công
Làng nghề mây tre đan Phú Vinh hôm nay | |
Bí mật ở làng nghề dát vàng duy nhất Việt Nam |
Nức tiếng một thời
Anh Quách Phan Tuấn Anh chia sẻ, nghề đậu bạc ở Định Công hình thành từ thế kỷ VII. Có ba anh em họ Trần là Trần Điền, Trần Điện và Trần Hòa sớm phải ly tán do loạn lạc, trong thời gian tha hương, họ đều cùng học nghề làm trang sức. Sau khi trở về, họ truyền nghề cho những người dân ở làng Định Công.
Xưởng đậu bạc của nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh vẫn hàng ngày chế tác ra những sản phẩm đậu bạc tinh xảo. |
Với kỹ thuật chế tác tinh xảo, Định Công trở thành làng nghề làm bạc nổi tiếng, là một trong bốn nghề thủ công tinh hoa nhất đất Kinh kỳ xưa, được dân gian lưu truyền “Lĩnh hoa Yên Thái, gốm Bát Tràng, bạc Định Công, đồng Ngũ Xã”. Cũng vì thế mà nhiều người thợ trong làng được tuyển lựa vào cung làm đồ trang sức cho vua chúa.
Trong nghề kim hoàn, người ta sử dụng 4 kỹ thuật chính là: Trơn (làm nhẵn bóng); Đấu (nối); Chạm (chạm trổ trên sản phẩm) và Đậu (ghép nhiều chi tiết nhỏ thành sản phẩm). Nghệ nhân làng Định Công nức tiếng cả nước bởi kỹ thuật đậu kim hoàn, vì thế dân trong nghề gọi làng Định Công là “hàng đậu”. Sau này, khi bạc trở thành nguyên liệu chính để chế tác sản phẩm, lúc đó nghề đậu bạc cũng ra đời, gắn liền với người dân làng Định Công. Trước thời Pháp thuộc, có hơn một nửa số gia đình ở Định Công theo nghề truyền thống. Sau này, do thiếu nguyên liệu sản xuất, rất nhiều thợ bạc ở đây phải chuyển sang làm nông nghiệp và một số công việc khác, nghề đậu bạc dần bị rơi vào quên lãng.
Trăn trở giữ nghề
Nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh |
Sau hơn 30 năm “ngủ quên”, đến khoảng những năm 80 của thế kỷ trước, khi bạc nguyên liệu dồi dào, một số nghệ nhân nhận thấy đây là thời điểm tốt để khôi phục lại nghề tổ truyền, từ đó họ lại cùng nhau miệt mài làm ra những sản phẩm truyền thống. Là một trong số rất ít người trẻ có tình yêu với nghề thủ công của ông cha để lại, anh Quách Phan Tuấn Anh mong muốn có thể mở rộng xưởng đậu bạc, một phần để phục dựng lại nghề, một phần để giới thiệu nghề truyền thống của địa phương cho nhiều người biết đến, không chỉ giới hạn người làng nghề Định Công mà còn cả người ở những nơi khác, hướng tới mục tiêu khôi phục lại nghề đậu bạc Định Công nức tiếng xưa. Cũng với mong muốn đó, anh sẵn sàng dạy nghề miễn phí cho những người có chung niềm đam mê với nghề đậu bạc.
Kỹ thuật đậu bạc đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ rất cao, khi làm phải đều tay, các chi tiết phải hài hòa, cân xứng. Đầu tiên là nấu chảy bạc nguyên liệu thành các thanh, khi đổ thanh phải đều, trơn và không bị vón cục để khi cán không bị “dớp” (gãy, vỡ vụn). Sau đó đưa vào máy cán phải đảm bảo phẳng, mịn, không đứt đoạn, quá trình cán phải được “nướng” thường xuyên cho mềm. Xong công đoạn cán là rút chỉ, tùy vào từng mẫu mã mà người thợ có thể rút các sợi “chỉ” có kích thước khác nhau, loại chỉ mảnh nhất có thể kéo đạt kích thước 0,26mm. Hai sợi chỉ như thế se lại với nhau để thành sợi chỉ se bạc.
Công đoạn tiếp theo là dựng hình sản phẩm, tùy theo sản phẩm, người thợ sẽ dựng khung xương trước để định hình. Tiếp đó là sử dụng các sợi chỉ se để tạo hoa văn, họa tiết và ghép lại với nhau tạo thành từng mảng. Nhiều mảng như thế được đắp vào khung xương và cố định bằng các mối hàn. Sản phẩm hoàn thiện phải đạt độ tinh xảo, các mối hàn không được “via” (lộ nếp), sản phẩm không bị xô lệch khi cầm, đảm bảo độ nhẵn bóng theo yêu cầu. Hơn thế, mỗi sản phẩm không chỉ dừng lại ở sự tinh xảo, độ chi tiết, mà thực sự là một tác phẩm nghệ thuật, không chỉ đẹp về hình thức mà còn phải có hồn.
Một người thợ để đạt được mức lành nghề thường phải mất từ 2 năm trở lên, tùy theo sự chuyên tâm và độ khéo léo của đôi tay cũng như óc thẩm mỹ. Chính vì thế, không nhiều người có thể thành công sau thời gian học nghề. Một số ít những người thợ có đủ sự kiên trì để theo nghề, anh nhận họ ở lại xưởng để cùng làm việc. Đến nay, xưởng của anh có hơn chục nhân công lành nghề, có thể làm việc độc lập để cho ra những sản phẩm với yêu cầu kỹ thuật cao.
Cũng bởi tất cả các công đoạn đều phải làm thủ công nên thông thường, để làm ra một sản phẩm như chế tác một bức tranh đậu bạc cỡ nhỏ nhất cũng phải mất một ngày. Tùy theo kích thước có thể mất vài ngày, thậm chí cả tuần. Sản phẩm càng nhiều họa tiết thì người thợ cũng sẽ phải dành nhiều công sức hơn. Vì mất nhiều thời gian, cùng với nguyên liệu bạc không hề rẻ nên giá của những sản phẩm đậu bạc cũng tương đối cao. Mỗi sản phẩm đậu bạc bán ra có giá từ khoảng 1 triệu đồng đến vài triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng.
Một sản phẩm đậu bạc từ xưởng của nghệ nhân Quach Phan Tuấn Anh |
Nhờ có đôi tay léo và óc thẩm mỹ, anh có thể sáng tạo ra rất nhiều sản phẩm độc đáo, được người tiêu dùng ưa chuộng, một số tác phẩm được trưng bày tại các triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ. Năm 2007, nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh trở thành đại diện duy nhất của nghề kim hoàn Việt Nam dự chương trình trao đổi văn hóa do Chính phủ Hàn Quốc tổ chức. Tại cuộc thi sáng tác mẫu quà tặng thủ công mỹ nghệ chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (năm 2010), sản phẩm Trâu vàng của anh cũng được trao giải “Sản phẩm thủ công tinh xảo”.
Anh Tuấn Anh cho biết, ngoài xuất phát từ niềm đam mê, anh nhận thấy nghề đậu bạc hiện đang có tiềm năng để khôi phục. Nếu trước đây những người thợ làm nghề có mối lo về "đầu ra" thì đến nay thị trường tiêu thụ đã tương đối ổn định. Các sản phẩm hiện đang được sản xuất chủ yếu là mặt hàng trang trí, bên cạnh đó còn có đồ trang sức. Nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân khắp trong Nam ngoài Bắc biết đến sản phẩm của anh, đã tìm đến đặt hàng để làm quà tặng cho khách hàng, đối tác, người thân…ở trong nước và cả nước ngoài. Hiện tại, xưởng của anh sản xuất không đủ cung cấp cho thị trường. Dịp gần tết, xưởng phải hoạt động thêm giờ để kịp tiến độ.
Để khôi phục được nghề đậu bạc truyền thống, những nghệ nhân làng Định Công như anh Tuấn Anh đã mất nhiều thời gian và công sức. Trên hết, bằng những tâm huyết và sự sáng tạo không ngừng, họ không chỉ giữ nghề, mà còn phát triển nghề đậu bạc lên một tầm cao mới, từ đó tìm lại chỗ đứng cho sản phẩm của làng nghề đã từng một thời thịnh vượng.
Cao Tiến
Nên xem
Tăng mức hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở đối với người có công
Quyền lợi đặc biệt của lao động nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi
Cách tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng
Tôn vinh giá trị và vị thế của trẻ em gái, thúc đẩy bình đẳng giới
Bắt hai đối tượng bán mật gấu giả
Tài xế sẽ phải kiểm tra lí thuyết, thực hành khi bị trừ hết điểm bằng lái
Hà Nội: Triệt phá đường dây nhập lậu hàng nghìn tấn “khí cười”
Tin khác
Nguồn sức mạnh nội sinh to lớn để phát triển Thủ đô Hà Nội
Nhịp sống Thủ đô 24/11/2024 08:24
Hà Nội: Tuyên dương 68 người con hiếu thảo
Nhịp sống Thủ đô 23/11/2024 21:39
Huyện Thường Tín: Khai thác giá trị văn hóa để phát triển du lịch
Tôi yêu Hà Nội 23/11/2024 21:30
Thành đoàn Hà Nội tuyên dương cán bộ công chức, viên chức trẻ xuất sắc
Nhịp sống Thủ đô 23/11/2024 16:17
Phường đầu tiên của quận Tây Hồ nhận danh hiệu “Phường đạt chuẩn đô thị văn minh”
Thủ đô 23/11/2024 12:52
Sơn Tây: Bảo tồn và khai thác hiệu quả nguồn lực tài nguyên văn hóa
Nhịp sống Thủ đô 22/11/2024 18:56
Tổ chức thành công Đại hội Hội Khuyến học quận Bắc Từ Liêm nhiệm kỳ 2024 - 2029
Tôi yêu Hà Nội 22/11/2024 17:29
Nâng cao tính minh bạch, hiệu quả và chuyên nghiệp trong hoạt động cải cách hành chính
Thủ đô 22/11/2024 17:25
Kênh thông tin hữu hiệu tuyên truyền sâu rộng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Nhịp sống Thủ đô 22/11/2024 15:13
Sôi nổi Hội thi Bí thư chi bộ giỏi quận Bắc Từ Liêm năm 2024
Nhịp sống Thủ đô 22/11/2024 14:18