Người quê trong lòng phố
Hà Nội chung sức, đồng lòng, không để ai bị bỏ lại phía sau Lao động tự do chật vật mưu sinh trong cơn "bão" dịch |
Ông An trở về căn nhà trọ vào cuối chiều sau một ngày dài rong ruổi khắp phố phường với lời rao quen thuộc: “Ai mài dao mài kéo không?”.Dù tiết trời đã sang thu nhưng vẫn còn khá oi bức khiến tấm lưng ông vẫn ướt đẫm mồ hôi cùng chiếc áo đã bạc màu. Là người Thái Bình, thế nhưng ông An đã gắn bó với mảnh đất Hà thành gần 20 năm.
Cuộc sống ngày càng hiện đại và thay đổi không ngừng, có thể sẽ đến một lúc nào đó người ta sẽ không còn thấy bóng dáng họ, thế nhưng sẽ nhớ lắm những con người mộc mạc, chân chất giữa phố xá hoa lệ. Ảnh: M.Phương |
Ngày ấy, cuộc sống khó khăn, ông đã theo người làng lên Thủ đô lao động kiếm sống. Trải qua nhiều công việc, nhưng có lẽ mài dao mài kéo lại hợp với ông hơn cả khi nghề này không cần quá nhiều vốn liếng. Thêm nữa, ông cũng từng biết qua nghề này. Mỗi ngày, trên chiếc xe đạp đã tróc sơn và bao đồ nghề, ông đi qua từng con phố, các ngõ ngách. Chính vì vậy, ít có khu vực nào ở trong nội thành mà ông chưa đặt chân đến. Hôm nay, đi tuyến đường này, hôm sau, đi tuyến đường khác, cứ thế ông miệt mài trên từng ngõ, phố.
Ông An kể, để có con dao bén, sáng, phải qua 3 công đoạn: Mài bằng máy, đánh bóng và mài lại bằng đá mài dao. “Người làm nghề này chẳng có gì đặc biệt cả. Bao đồ nghề cũng quanh quẩn với những dụng cụ tự chế thường thấy. Khác chăng nghề này đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ, cẩn thận và không được vội vàng, hấp tấp. Với dao, kéo thì phải căn cứ vào chất thép để mài cho đúng lực. Mài sắc ngọt thôi chưa đủ mà phải tính toán làm sao để dao lâu bị cùn”, ông cho biết.
Trước đây, mài một con dao được trả công 5.000 đồng. Nhưng nay, tiền công đã tăng lên 10.000 đồng. Dù vậy, thu nhập của những người làm nghề như ông cũng chẳng đáng là bao. Khách hàng của ông chủ yếu là các “mối lớn”, đó chính là các quán ăn, nhà hàng, chợ. Nhưng “năm thì mười họa”, mới có một mối, còn lại người ta toàn tự mài. Vì vậy, ngày nào “được” thì ông kiếm khoảng 100 - 200 nghìn đồng, có ngày ít chỉ chưa đến 100 nghìn đồng. Tiền trọ, tiền ăn uống đã chiếm khoản lớn, cuối tháng ông lại chắt chiu từng đồng gửi về cho gia đình.
Cùng là người quê mưu sinh ở đất Hà thành nhưng chị Thanh lại chọn buôn bán chổi và các loại dép đi trong nhà… để kinh doanh. Trên chiếc xe đạp cũ kỹ, chị Thanh thong dong len vào từng con ngõ nhỏ. Khách hàng của chị thường là những bà nội hoặc những người lớn tuổi. Với đặc trưng công việc như vậy, nên những chị em bán hàng dạo thường có làn da sạm đi vì nắng. Hàng hóa cồng kềnh, nên người bán chủ yếu là đẩy xe. Thế nên, những hôm trái gió trở trời, đôi chân càng trở nên đau nhức.
Giữa phố xá đông đúc, dòng người tấp nập, những phận đời cứ thế lướt qua nhau. Ấy vậy mà vẫn còn đó nhiều người làm những nghề đặc biệt, họ như những con thoi gắn kết người và người giữa phố, giữa những khu nhà cao tầng hay những con ngõ sâu. Cuộc sống ngày càng hiện đại và thay đổi không ngừng, có thể sẽ đến một lúc nào đó người ta sẽ không còn thấy bóng dáng họ, thế nhưng sẽ nhớ lắm những con người mộc mạc, chân chất giữa phố xá hoa lệ.
Trong một dịp ngồi uống trà cùng nhà văn Chu Lai, ông bảo rằng người Hà Nội, trừ những ai chôn nhau cắt rốn ở đây, còn lại đa phần là dân tứ xứ đến sinh cơ lập nghiệp. Và trong số hơn 8 triệu dân, phía sau những bộ trang phục, lớp son phấn, những chức vụ hay danh xưng ai mà chẳng có gốc gác từ một làng quê, thôn xóm nào đó. Từ Bắc xuôi Trung vào Nam, từ núi cao xuống đồng bằng, từ những vùng chiêm trũng đến những làng chài nghèo khó… đâu đâu chẳng có những người cha người mẹ vất vả cấy cày, đào mương khơi lạch... Họ vun trồng, gặt hái, cuốc rẫy, chài lưới... chắt mót từng đồng cho thế hệ con cháu được học hành, được đi xa hơn ra bên ngoài cổng làng, thấy những thứ cao rộng hơn bầu trời bên trên lũy tre, được giũ bùn phèn nứt nẻ mà mang lên phố một niềm tin đổi đời mạnh mẽ. Để rồi, Hà Nội trở thành quê hương thứ hai sau nhiều năm rời quê lên phố, bắt nhịp với sự tất tả mưu sinh, những đứa con mang hồn quê giữa phố ấy đôi khi lại thèm đến nao lòng được bỏ hết gánh nặng trên vai, trở về với gốc gác chân quê bình dị trong chính con người mình…
Mỗi nơi mỗi nết. Nhưng đa phần người quê tính tình đơn giản, hồn nhiên, hào sảng, phóng khoáng. Người quê ăn nói rổn rảng, thật thà, chân chất. Người quê quý tình làng nghĩa xóm, biết thương yêu đùm bọc nhau ở nơi đất khách quê người. Lên phố, sấn mình vào cuộc mưu sinh tưởng chừng đã chai sạn, song, lắm khi giữa một đám đông không quen biết giữa Hà Nội đông nghịt người, xe, chợt nghe một giọng “quê mình” cất lên mà rưng rưng muốn khóc…
Ảnh: M.Phương |
Và thế là, Hà Nội may mắn làm chốn dưỡng nuôi cho những người con tha hương mang gốc quê đi tứ xứ nhưng vẫn mang đậm cái hồn dân dã hệt như Hoài Thanh – Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam đã từng đúc kết đúng đến từng con chữ: “Ở mỗi chúng ta đều có một người nhà quê. Cái nghề làm ruộng và cuộc đời bình dị của người làm ruộng cha truyền con nối từ mấy nghìn năm đã ăn sâu vào tâm trí chúng ta”. Để rồi những người con xa xứ ấy lại tiếp tục thương nhau, yêu nhau, cưới nhau, tạo lập nên những mái ấm ngay tại Hà Nội. Và những thế hệ thứ hai, thứ ba... sinh ra trên phố thường tròn xoe mắt ước ao khi nghe ông bà, cha mẹ kể về tuổi thơ từng nô đùa cùng chúng bạn trên những cánh đồng cò bay thẳng cánh, có cánh diều chao liệng trên một khoảng trời xanh ngắt đi vào cả những giấc mơ bé bỏng. Rồi tụi nhỏ chợt nhen lên nỗi thèm và muốn trở về mảnh đất đơn giản mang tên “quê nội”, “quê ngoại” nơi ông bà, cha mẹ chúng đã sinh ra, đã lớn lên, đã tưới tắm tuổi thơ mình nơi ấy, ao ước được gặp những người họ hàng “nhà quê” mà cha mẹ chúng thường nhắc đến với niềm xúc động thương nhớ…
Thậm chí khi cuộc sống chốn Hà thành ngày càng khó khăn, khi phải kèn cựa nhau từng mét vuông đất để sống, để làm việc, để mưu sinh hay thậm chí là bay đến những phương trời xa xôi nào khác thì chính phần nhà quê đó giữ cho chúng ta một nguồn cội bình yên để nương náu trong tâm trí, nơi ta được guồng chân chạy mải miết có những cánh đồng làng xanh mướt, nơi có cái giậu mồng tơi mơn mởn, nơi ta được xõa tung cánh diều trên những triền đê lộng gió, được ùm mình vào lòng sông quê vỗ về yên ổn và múc một gáo nước lu mát lạnh sau chái nhà tưới mát cho những gốc quê…
Thế nên năm nào cũng vậy, sau những ngày hội hè, lễ lạt, những con người quê ấy sau khi tưới tắm phần hồn nhiên nhất của mình lại tất tả lên phố, lao vào cuộc mưu sinh hồn nhiên, hiền lành với nụ cười không tắt. Chính họ đã làm nên linh hồn của thành phố này với hàng triệu triệu nhịp đập ấm nồng toát ra từ cuộc sống cuồn cuộn như một dòng chảy sôi nổi, hòa cùng khí chất hào sảng khó lẫn của người quê tứ xứ đã “lỡ” trở thành người Hà Nội và gắn bó với vùng đất này bằng một tình yêu bất tận, khôn nguôi!./.
Hà Phong
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Bắt hai đối tượng bán mật gấu giả
Tài xế sẽ phải kiểm tra lí thuyết, thực hành khi bị trừ hết điểm bằng lái
Hà Nội: Triệt phá đường dây nhập lậu hàng nghìn tấn “khí cười”
Festival Ninh Bình lần thứ III: Hé lộ sân khấu gây choáng ngợp
Nguồn sức mạnh nội sinh to lớn để phát triển Thủ đô Hà Nội
Man City 0-4 Tottenham: Thất bại thứ 5 liên tiếp của Man City
Tỷ giá USD hôm nay 24/11: Đồng USD chốt tăng tuần 0,75%, đạt mức 107,49
Tin khác
Gen Z mùa deadline cuối năm: Đa nhiệm, stress nhưng vẫn luôn tận hưởng cuộc sống
Cộng đồng 23/11/2024 15:27
Từ 25/12: Phụ huynh bắt buộc quản lý hoạt động mạng xã hội của trẻ em dưới 16 tuổi
Cộng đồng 23/11/2024 08:12
“Manifest” được chọn là từ của năm 2024
Cộng đồng 22/11/2024 23:24
Nhân lên giá trị tri thức, giá trị văn hóa trong đời sống xã hội
Xã hội 22/11/2024 15:51
Phụ nữ Hà Nội chung tay thu hẹp khoảng cách giới
Cộng đồng 22/11/2024 15:38
Đượm nồng bếp củi mùa đông
Cộng đồng 21/11/2024 11:00
Ngôi nhà nghĩa tình của các thương, bệnh binh
Cộng đồng 21/11/2024 07:43
30 lời chúc ý nghĩa nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Cộng đồng 18/11/2024 19:34
Liên hoan văn hóa “Phụ nữ dân tộc thiểu số hành động vì bình đẳng giới” năm 2024
Cộng đồng 16/11/2024 13:19
Care For Việt Nam cùng dấu ấn doanh nghiệp vì cộng đồng 2024
Cộng đồng 15/11/2024 17:21