Người thắp chữ và tình yêu thương cho các trẻ em nghèo
Lớp học tình thương Ngọc Việt của anh Huỳnh Quang Khải nằm sâu trong con hẻm 30D đường Hiệp Thành 23, phường Hiệp Thành, quận 12, cách trung tâm TP.HCM chừng 20km. Suốt 14 năm qua nơi đây là địa chỉ thân thuộc của rất nhiều trẻ em nghèo, đã xoá mù chữ cho những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện đi học, giúp các em thắp lên ngọn lửa hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn.
Không một nhân xưng như biết bao người thầy người cô đang giảng dạy dưới mái trường, nhưng anh Khải vẫn được các em nghèo và người dân nơi đây gọi với cái tên trìu mến "thầy Khải".
Bán nhẫn cưới để mở lớp học
Chúng tôi đến lớp học tình thương Ngọc Việt vào một buổi chiều giữa tháng 11, lúc này anh Khải cùng học sinh của mình đang tất bật chuẩn bị cho bữa tối. Dáng người thấp tròn, làn da ngăm đen, mái tóc đen óng và lúc nào cũng nở nụ cười trên môi... đó là hình ảnh của "thầy giáo Khải".
"Con chào chú... Con chào chú...", từng đứa trẻ khoanh tay, thay nhau cất tiếng chào lễ phép khi bước vào lớp học tình thương.
Anh Khải cho biết, cứ vào 17h hàng ngày, anh cùng vợ mình chuẩn bị bữa ăn miễn phí cho các em trước giờ học. Những bữa ăn này thường là mì gói kèm với xúc xích, nhưng thỉnh thoảng sẽ là bánh mì, cơm... do các mạnh thường quân đến tài trợ. Có những lần hết xúc xích hay học sinh thèm ăn gì mà anh không đủ tiền mua, anh lại lên mạng xã hội đăng đàn xin hỗ trợ cho các em và không quên kèm theo lời cảm ơn.
"Các em bình thường ở nhà ít khi được ăn uống đầy đủ do hoàn cảnh khó khăn. Đa số các em ban ngày đi bán vé số, rửa chén thuê... tối về lên lớp học. Nhiều em tới lớp với cái bụng đói, lúc nấu mì gói để ăn, các em còn xin nhau miếng nước mì để ăn thêm cho đỡ đói. Tôi thấy vậy nhiều lần nên chạnh lòng lắm, vì thế lúc nào tôi cũng cố gắng chăm lo cho các em tốt nhất có thể", anh Khải chia sẻ.
Vốn là một hướng dẫn viên du lịch tràn trề cơ hội nghề nghiệp, nhưng anh Khải lại gắn bó với nghề "giáo" suốt 14 năm nay, dù không một cơ quan nào công nhận là nhà giáo. Đối với anh, tiếng gọi "thầy Khải" của các trẻ em nghèo cũng đủ khiến anh hạnh phúc.
Chia sẻ cái duyên thành lập lớp học tình thương Ngọc Việt, anh Khải tâm sự: "Vào năm 2008, khi đang là một học sinh lớp 10, tôi thấy nhiều em trong khu phố dù đã lớn tuổi nhưng chưa biết chữ, không có điều kiện đến trường nên nảy ra ý định tập hợp lại để dạy chữ cho các em. Sau đó, tôi cùng một số bạn bè tập hợp được khoảng 7 em, rồi mượn văn phòng khu phố để giảng dạy".
Suốt 14 năm trôi qua, anh Khải vẫn cố gắng duy trì lớp học tình thương dù gặp không ít khó khăn, thử thách. |
Lớp học duy trì đến năm 2013, anh Khải không thể cân bằng được việc giảng dạy và công việc, nên đã đóng cửa lớp học trước sự tiếc nuối của nhiều học sinh nghèo. Đến năm 2014, khi đang đi trên đường, anh Khải bất ngờ gặp vài học sinh cũ của mình đang nhặt ve chai, bọn trẻ năn nỉ "thầy Khải" mở lại lớp khiến anh không thể cầm lòng. Ít lâu sau, anh Khải quyết định mở lại lớp học tại khoảng sân trống trước nhà của mình, lấy tên là "Lớp học tình thương Ngọc Việt".
Nói thêm về tên lớp, anh Khải cho biết: "'Ngọc là viên ngọc còn Việt là lấy từ nghệ danh của tôi khi còn làm dẫn chương trình đám cưới - Việt Khải. Mỗi em học sinh đến đây đều là một viên ngọc quý của tôi. Tôi thương tụi nhỏ như con ruột của mình".
Đến năm 2018, khi lớp đã quá đông, vì không chỉ dạy cho trẻ em nghèo mà anh Khải còn dạy thêm cho các phụ huynh không biết chữ. Thấy không gian lớp học quá nhỏ, anh Khải bàn bạc với vợ rồi quyết định bán nhẫn cưới cùng của hồi môn để xây lớp học mới. Đến nay, lớp học đã rộng rãi hơn, khang trang hơn và dạy được nhiều học sinh hơn, lớp học này cũng như mái nhà thứ 2 của các em học sinh.
Lớp học của anh Khải thỉnh thoảng sẽ được các mạnh thường quân tặng đồ ăn, thức uống. |
Anh Khải cho biết, hiện lớp gồm 46 em từ 8 - 17 tuổi đang học lớp 1 đến lớp 5, đều là con, cháu của công nhân, người lao động từ quê lên TP.HCM sinh sống. Các em không đủ điều kiện đến trường như hoàn cảnh gia đình khó khăn, quá tuổi độ tuổi được học chính quy, bị chậm phát triển...
"Ngày xưa tôi cũng cũng ham chơi, lêu lổng, bỏ bê việc học hành mà gia đình lại nghèo nên tôi bươn chải từ sớm. Chính các em học sinh đã khiến tôi tỉnh ngộ, giúp tôi từ một học sinh cá biệt trở thành một người có ích cho xã hội. Tôi sợ các em sau này sẽ lựa chọn sai con đường như tôi lúc nhỏ, nên tôi thương mấy đứa nhỏ lắm", anh Khải cho biết.
Mái ấm tình thương
Trong con hẻm nhỏ ở quận 12, ngày nắng cũng như ngày mưa, cứ đều đặn 6 buổi/tuần, các em lại đến lớp. Lớp dạy các em từ 19h đến 21h các ngày từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần, do ban ngày, những đứa trẻ ấy còn phải mưu sinh kiếm sống, phụ giúp gia đình. Toàn bộ kinh phí để duy trì lớp học như sách vở, bàn ghế, dụng cụ học tập đều do gia đình anh Khải tích cóp mua sắm. Niềm vui của anh Khải là mỗi ngày nhìn thấy học trò đến lớp đầy đủ, dần biết đọc, biết viết, biết tính những con toán đơn giản đầu đời.
Anh Khải tận tình chỉ dẫn kiến thức cho học sinh trong lớp học. |
“Tình cảm của tôi dành cho các em là không thể đong đếm, nó không thể được quy đổi bằng tiền bạc hay diễn tả bằng một từ ngữ nào. Chỉ biết rằng các em như là một phần trong cuộc sống của tôi, mỗi ngày không được gặp các em, tôi lại cảm thấy bồn chồn như thiếu thốn một điều gì đó quan trọng lắm. Dạy được các em đọc được chữ, tính được toán mà tôi giống như đã đạt được thành tựu gì đó lớn lắm…”, anh Khải bộc bạch.
Chia sẻ về việc giảng dạy, anh Khải cho biết, do chỉ có một phòng học nên anh chia học sinh theo các cụm từ lớp 1 đến lớp 5. Mỗi lớp sẽ có giáo án, phương pháp dạy riêng. Tùy vào từng cấp độ của mỗi học sinh, anh Khải trực tiếp hướng dẫn riêng từng em trong mỗi buổi học. Do dạy ở đây đã lâu nên hầu hết tính tình, khả năng học tập của từng học sinh, anh Khải đều nắm rõ để chỉ dẫn, uốn nắn từng em.
Bên cạnh dạy chữ, anh Khải cũng chú trọng dạy đạo đức làm người cho học sinh của mình, đúng với câu nói “Tiên học lễ, hậu học văn”. Trên thực tế, nhìn các học sinh lễ phép, ăn cơm xong biết dọn dẹp bàn ghế gọn gàng, xếp hàng ngay ngắn trước khi vào lớp, học tập trật tự và đặc biệt lễ phép chào hỏi mỗi khi gặp người khác chính là trái ngọt do tấm lòng của anh Khải uốn nắn thời gian qua.
Trò chuyện với chúng tôi, học sinh trong lớp đều dành tình cảm sâu sắc với anh Khải. Các em xem anh Khải như một người thầy, người cha thứ hai của mình. Xuất phát từ những suy nghĩ lệch lạc về cuộc sống, qua sự dạy dỗ của anh Khải, các em đã xác định được ước mơ và cách sống của riêng mình. Các học sinh của anh Khải đều mong muốn một ngày sẽ trở thành một người có tấm lòng bao dung như "thầy Khải”, để có thể giúp những hoàn cảnh khó khăn xung quanh.
Ngoài việc dạy học, anh Khải còn đưa các học sinh tham gia các hoạt động từ thiện. |
Em Nguyễn Văn Long (15 tuổi, quê Đắk Lắk) vào lớp học của anh Khải được khoảng 4 năm, từ chỗ không biết đọc, biết viết nay Long đã học đến chương trình lớp 4. Dù gia đình khó khăn, ba mẹ đều phải chật vật mưu sinh mỗi ngày, riêng Long ban ngày đi bán bánh mì để kiếm sống, nhưng em vẫn chịu khó học tập.
“Em cảm thấy rất may mắn khi được học với thầy Khải, thầy đã chỉ dạy em và các bạn rất nhiều. Thầy dạy em dù hoàn cảnh khó khăn thế nào thì cũng không được bỏ cuộc mà phải vươn lên. Em mong sau này sẽ có công việc ổn định để chăm sóc gia đình và hỗ trợ cho thầy Khải chăm sóc các em học sinh có hoàn cảnh giống em”, em Long tâm sự.
Khi được hỏi “Vào ngày 20/11, anh muốn học sinh tặng quà gì?”, anh Khải khựng lại trong giây lát, rồi nói tiếp: “Có một món quà mà tôi đã ‘xin’ các học sinh rất nhiều lần và hay nhắc lại để cho các em nhớ. Là sau này các em hãy trở thành một người tốt, một người có ích cho xã hội… chỉ cần như vậy với tôi cũng là một món quà to lớn rồi”.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Quyền lợi đặc biệt của lao động nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi
Cách tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng
Tôn vinh giá trị và vị thế của trẻ em gái, thúc đẩy bình đẳng giới
Bắt hai đối tượng bán mật gấu giả
Tài xế sẽ phải kiểm tra lí thuyết, thực hành khi bị trừ hết điểm bằng lái
Hà Nội: Triệt phá đường dây nhập lậu hàng nghìn tấn “khí cười”
Festival Ninh Bình lần thứ III: Hé lộ sân khấu gây choáng ngợp
Tin khác
Dự kiến một số điểm mới trong quy định thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ
Xã hội 23/11/2024 18:17
Học bổng ABG Future Leaders cho các nhà lãnh đạo trẻ
Giáo dục 23/11/2024 15:25
Lịch thi đánh giá năng lực năm 2025 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Giáo dục 22/11/2024 19:28
Trao giải cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024
Giáo dục 22/11/2024 19:01
Cô giáo mầm non với nỗ lực giữ gìn nét đẹp dòng tranh dân gian Hàng Trống
Giáo dục 22/11/2024 06:05
Chung tay nâng cao chất lượng giáo dục Thủ đô
Giáo dục 21/11/2024 07:42
Nền tảng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục
Giáo dục 20/11/2024 16:21
Lời tri ân gửi đến những người “lái đò” thầm lặng
Giáo dục 20/11/2024 06:36
Hà Nội: Biểu dương nhiều nhà giáo lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp
Giáo dục 19/11/2024 22:02
Ba Đình: Tuyên dương điển hình tiên tiến, nhà giáo tiêu biểu năm 2024
Giáo dục 19/11/2024 18:50