Nhà thơ Anh Ngọc và hồi ký những ngày tháng ở chiến trường
Nguyễn Phong Việt trở lại với tập thơ thiếu nhi "Những chiếc ghế trong căn bếp nhỏ" Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm qua đời ở tuổi 69 |
Phóng viên: Năm 1971 nhà thơ mới bắt đầu đi lính nhưng những bài thơ về người lính đã được ông viết từ cách đó rất lâu. Vậy, điều gì đã mang lại cho ông nguồn cảm hứng vô tận về đề tài người lính đến vậy?
Nhà thơ Anh Ngọc. |
Nhà thơ Anh Ngọc: Thật ra, ban đầu tôi không làm báo hay viết văn. Năm 1964 tốt nghiệp khóa 6, Khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp, ra trường, tôi được phân vào dạy ở Trường Trung cấp Thương nghiệp ở Thanh Hóa. Năm 1965, máy bay Mỹ đánh cầu Hàm Rồng cực kỳ ác liệt. Hàm Rồng là nơi mà ông Trinh Đường từng viết: “Người đi qua rơi bút bỏ đi luôn”. Cái bút ngày xưa quý lắm, vậy mà đánh rơi cũng không dám quay lại nhặt. Tôi ý thức được rằng, người sáng tác ngoài tài năng, học vấn buộc phải có thực tế cuộc sống. Vì muốn có mặt ở nơi nóng bỏng nhất, nên năm 1967 tôi xin đi thực tế trên núi Hàm Rồng. Tôi vẫn nhớ chỗ ấy gọi là đồi Ba cây thông, cao điểm 54, sát cạnh bờ Nam của cầu Hàm Rồng. Ở đấy có Đại đội 4, về sau được phong anh hùng, có những người lính về sau cũng trở thành những người cầm bút như Từ Nguyên Tĩnh, Lê Xuân Giang...
Ở trên đó hai, ba tuần liền, tôi viết được bài thơ “Cao điểm” và có thể nó cũng mang khá đậm chất Hàm Rồng. Kể chuyện trên để nói rằng, ngày ấy những ai mê sáng tác văn học, làm thơ phú… đều muốn có mặt ở những điểm nóng. Còn nhớ, ngay từ bài thơ đầu tiên tôi in báo, đầu năm 1965, đã làm thơ về chiến tranh, với cái đầu đề “Hai anh em pháo thủ”, đăng trên báo Cứu quốc.
Phóng viên: Được biết, trong quá trình tham gia chiến đấu, ông đã sáng tác rất nhiều bài thơ, thơ của ông cũng giống như những trang nhật ký viết về các sự kiện diễn ra lúc đó. Vậy với ông, bài thơ nào mang lại cho nhiều cảm xúc nhất?
Nhà thơ Anh Ngọc tên thật là Nguyễn Đức Ngọc. Sinh ngày 1/8/1943. Quê quán: Xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Ông tốt nghiệp khóa 6, Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1961-1964). Ngày 6/9/1971 nhập ngũ, chiến đấu ở Quảng Trị năm 1972, thuộc Đại đội 4, Trung đoàn 132, Bộ tư lệnh Thông tin liên lạc. Từ năm 1973 đến 1979 là phóng viên báo Quân đội nhân dân, tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 ở Nam Trung Bộ và Sài Gòn. Sau ngày 7/1/1979, có mặt ở Campuchia khi đất nước này vừa thoát nạn diệt chủng. Tháng 2/1979, có mặt ở biên giới phía Bắc trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới. Từ tháng 9/1979 đến khi nghỉ hưu, làm biên tập viên và cán bộ sáng tác của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Về hưu năm 2008, với quân hàm đại tá. Các bài thơ tiêu biểu của ông gồm: Cây Xấu Hổ, Sài Gòn đến giao hưởng, Sóng Côn Đảo, Mỵ Châu… - Ông hai lần được Giải thưởng các cuộc thi thơ của báo Văn nghệ (giải nhì năm 1972-1973 và giải A năm 1975). - Giải thưởng văn học sông Mê Công của Hội Nhà văn 3 nước Đông Dương, năm 2009. - Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, năm 2012. |
Nhà thơ Anh Ngọc: Ngày 6/9/1971 tôi vào bộ đội. Luyện quân một thời gian ở Hà Bắc thì được đưa thẳng vào Quảng Trị đúng lúc chiến dịch Quảng Trị nổ ra vào ngày 29/3/1972. Đến tận khi Hiệp định Paris được ký kết vào ngày 27/1/1973 tôi mới được gọi ra Hà Nội để làm báo. Suốt thời gian ở chiến dịch Quảng Trị, tôi là binh nhì, lính thông tin, thuộc Đại đội 4, E132, Bộ Tư lệnh Thông tin, chuyên đi nối dây để đảm bảo liên lạc thông suốt từ phía sau ra tiền tuyến.
Những ngày tháng ấy tôi ghi nhật ký rất nhiều và làm thơ rất nhiều. Có thể nói là làm thơ chẳng khác gì ghi nhật ký. Thơ tôi viết về sự việc cụ thể, có sự chứng kiến của chính mình. Giống như nhà thơ Yesenin nói “Tiểu sử đời tôi là thơ tôi” thì thơ của Anh Ngọc cũng đúng y như vậy.Chính những bài thơ trong giai đoạn này mà tôi được giải Nhì cuộc thi báo Văn nghệ 1972 - 1973 trong đó có bài thơ “Cây xấu hổ” sáng tác năm 1972 tại mặt trận Quảng Trị. Tôi còn nhớ lúc ấy nhà thơ Xuân Diệu, một thành viên của hội đồng chấm giải đã nói riêng với tôi là “anh chấm bài thơ của em giải Nhất”.
Những ngày sau khi Hiệp định Paris ký kết, chúng tôi hành quân ra Hà Nội, tại đây, tôi về báo Quân đội Nhân dân. Đây chính là môi trường thuận lợi để tôi tiếp xúc và gặp gỡ những con người lịch sử, địa danh lịch sử. Tháng 1/1975, tôi bắt đầu hành quân vào Nam. Những ngày ấy, quân đi như một cơn lốc cuốn. Tôi còn nhớ thời gian giải phóng một ấp, đến một huyện, rồi một tỉnh rất nhanh, chỉ vài tuần. Ngày 1/5 tôi đang ở bãi biển Ninh Chữ (Ninh Thuận), chiều ngày 3/5/1975 tôi mới có mặt ở Sài Gòn. Những ngày ấy, nhật ký còn ghi lại “Đến Sài Gòn chiều qua. Tối ngủ ở Cảnh sát quốc gia. Sáng nay đến chỗ Hải quân ở cảng Bạch Đằng”.
Trong những năm tháng lịch sử đó, bài thơ cho tôi nhiều cảm xúc nhất chính là bài thơ “Sài Gòn đêm giao hưởng”. Bài thơ viết về một đêm sau giải phóng ít lâu, lúc ấy, khi bộ đội giải phóng vào Sài Gòn thì các đoàn văn công của miền Bắc cũng theo vào, trong đó có Nhà hát giao hưởng hợp xướng nhạc vũ kịch. Đêm đó, đoàn ca nhạc đã biểu diễn cho người dân Sài Gòn xem.
Trong không khí âm nhạc đấy, trong tôi trào dâng một cảm xúc đoàn viên, hòa hợp. Cát bụi đường xa khẩu súng ngọn cờ/Ngửa bàn tay gặp bàn tay nhạc trưởng/Mở tấm lòng gặp tấm lòng giao hưởng/Bổng trầm cung bậc tìm nhau/Phút này đây ta dành trọn cho nhau/ Anh dành trọn cho em đến tận cùng ý nghĩ/ Sài Gòn trong ta là trái chín vẹn nguyên/Chiến thắng đặt vào lòng hai đứa/Một nửa anh và em một nửa.
Ngày thống nhất đất nước, không chỉ là thống nhất về mặt lãnh thổ, mà còn sự chiến thắng về văn hóa. Từ sự đoàn viên của hai nửa dân tộc đến sự đoàn viên của gia đình, của tình yêu đôi lứa và đặc biệt là sự đoàn viên trong một con người. Mỗi con người được trở lại sống trọng vẹn với chính mình, bởi thời điểm trước đó, mình chỉ được sống một nửa, nửa đó là chiến tranh, là căm thù, ác liệt. Nay mình có thêm một nửa, là nửa đoàn viên, nửa hi vọng và tin cậy…
Phóng viên: Là nhà thơ trưởng thành trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, sau khi chiến tranh kết thúc ông vẫn rất náo nức với các hoạt động thi ca. Hiện tại ông có đang ấp ủ dự định cho ra đời những tác phẩm thơ mới về người lính và thời kỳ kháng chiến không? Ông nhận xét như thế nào về thơ ca của thế hệ trẻ ngày nay?
Nhà thơ Anh Ngọc: Tôi làm thơ từ tuổi 14,15, in thơ từ tuổi 20, từ ngày đi lính, làm khá nhiều và dù có làm gì thì cũng bị/được xếp vào dòng thơ chống Mỹ... Và thực sự là nghiệp nên không cách nào bỏ nghề được, kể cả lúc chán nản nhất, thấy nghề này quá bất lực và chẳng giúp gì được cho ai... Tuổi tác dĩ nhiên làm khả năng sáng tác kém đi, nhưng bù lại, sức nghĩ và kinh nghiệm sống giàu có hơn, viết có chất cổ điển hơn, gần với thơ đích thực và vĩnh cửu hơn.
Thời gian này tôi không còn viết thơ nhiều nữa. Mỗi ngày tôi thường dành thời gian đọc trên mạng, gửi bài và giao lưu với bạn bè trên Facebook, viết chút ít theo yêu cầu, nói năng hay làm gì đó cho truyền thông... còn thơ thì chỉ viết khi có ý tứ thật thích thú... Tôi cũng đang chơi Facebook và hay đăng lại các bài thơ cũ của mình cùng những bài bình các bài thơ của thời Thơ mới và thơ kháng chiến, đó cũng là việc nên làm. Đồng thời, tôi đang dịch lại các bài thơ trong bản thảo nhật ký bằng thơ của mình (viết trong những năm tháng chiến tranh) và gửi tới một số đơn vị, dự kiến sẽ xuất bản trong thời gian tới đây.
Về thơ ca của thế hệ trẻ, thi thoảng, tôi có đọc thơ của các bạn và nhận xét, góp ý. Các bạn trẻ có nhiều sáng tạo, có nhiều ý tưởng và tôi cũng mong các bạn trau dồi thật nhiều để viết hay hơn. Thế hệ của các bạn khác với chúng tôi rất nhiều, nhưng để làm thơ thì ai cũng vậy, cần sự nghiêm túc và không ngừng tìm tòi, khám phá.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn nhà thơ!./.
Nên xem
Tăng mức hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở đối với người có công
Quyền lợi đặc biệt của lao động nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi
Cách tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng
Tôn vinh giá trị và vị thế của trẻ em gái, thúc đẩy bình đẳng giới
Bắt hai đối tượng bán mật gấu giả
Tài xế sẽ phải kiểm tra lí thuyết, thực hành khi bị trừ hết điểm bằng lái
Hà Nội: Triệt phá đường dây nhập lậu hàng nghìn tấn “khí cười”
Tin khác
Festival Ninh Bình lần thứ III: Hé lộ sân khấu gây choáng ngợp
Văn hóa 24/11/2024 08:32
Quận Bắc Từ Liêm phát triển công nghiệp văn hóa vươn tầm cùng Thủ đô
Văn hóa 23/11/2024 15:18
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quận Bắc Từ Liêm
Văn hóa 22/11/2024 22:34
Tháng văn hóa đặc sắc kỷ niệm 20 năm Phố cổ Hà Nội được công nhận Di tích Quốc gia
Văn hóa 22/11/2024 18:53
Sân chơi thu hút nhân tài đổi mới, sáng tạo
Văn hóa 21/11/2024 07:02
Đại nhạc hội Hoa tháng Năm - Nơi những phép màu tỏa sáng
Văn hóa 20/11/2024 22:41
Khánh Hoà sẵn sàng đón lượng khách tăng cao dịp Tết Nguyên đán 2025
Du lịch 20/11/2024 17:37
Chuỗi sự kiện kỷ niệm Lịch sử và Tự do của Haiti tại Hà Nội
Văn hóa 19/11/2024 16:22
Tôn tạo di tích đình Đại Áng: Phát huy giá trị văn hoá quý báu của cha ông
Văn hóa 19/11/2024 10:12
Người thắp ngọn đèn tri thức trong tôi
Văn hóa 19/11/2024 09:46