Nhiều kỳ vọng, quyết tâm trong năm học mới
Sẵn sàng tâm thế vào năm học mới Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội dự lễ khai giảng tại Trường THCS Vạn Phúc Tuyệt đối không tổ chức khai giảng tại những nơi mưa lớn có nguy cơ sạt lở, ngập úng |
Chuẩn bị chu đáo
Năm học này, vợ chồng chị Bùi Thanh Nga (phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm) lần đầu tiên có con vào học lớp 1. Là con đầu, cháu sớm nên không chỉ vợ chồng chị mà cả ông bà hai bên nội, ngoại đều dành sự quan tâm đến con. Từ sách vở, đồ dùng học tập, đồng phục cho con vào lớp 1 đều đã được vợ chồng chị chuẩn bị chu đáo. Trong ngày đầu tựu trường, vợ chồng chị đều xin nghỉ phép, dành thời gian đưa con đến trường trong niềm vui và háo hức của con.
Chị Nga cho biết: “Ngày đầu đưa con đến trường, vợ chồng tôi thật sự xúc động. Vậy là con đã chính thức vào học lớp 1, bắt đầu một hành trình mới. Thấy con ngoan ngoãn nghe theo sự hướng dẫn của thầy cô giáo, hòa đồng cùng bạn bè tham gia các hoạt động, vợ chồng tôi đã an tâm phần nào”.
Lễ khai giảng năm học 2024 - 2025 được tổ chức thống nhất trên địa bàn Thành phố vào sáng 5/9. |
Tương tự, càng đến gần khai giảng, không khí gia đình chị Nguyễn Hà Thu (phường Nam Đồng, quận Đống Đa) càng trở nên rộn ràng. “Từ hôm tựu trường, tiếp đó là đến lớp làm quen với thầy cô giáo và các bạn, con tôi chỉ mong nhanh chóng đến khai giảng để ngày nào cũng được đến lớp. Tôi từng lo lắng vì tính con nhút nhát nhưng khi con nói yêu cô, yêu trường, thích đi học, tôi rất mừng và cảm động vì tấm lòng của nhà trường, của thầy cô dành cho các con trong việc chuẩn bị chu đáo điều kiện cho năm học mới”, chị Thu chia sẻ.
Theo ghi nhận, đến thời điểm hiện tại, mọi công tác chuẩn bị cho Lễ khai giảng năm học mới diễn ra thống nhất vào sáng 5/9 đã cơ bản hoàn tất. Các phần việc từ phân công giáo viên, xếp lớp đến chuẩn bị cơ sở vật chất và các nhiệm vụ cho Lễ khai giảng đều đã được các nhà trường có kế hoạch, chủ động thực hiện từ rất sớm.
Tại Trường Trung học cơ sở Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm), nhà trường đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho Lễ khai giảng năm học 2024 - 2025 theo đúng tinh thần chỉ đạo của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) là trang trọng, gọn nhẹ với học sinh là trung tâm, không nặng nề, phô trương. Năm học này, nhà trường đón 440 học sinh vào lớp 6, nâng tổng số học sinh toàn trường lên 1.800 em. Nhà trường xác định tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục; chú trọng đầu tư vào việc giáo dục, trang bị về kỹ năng sống, công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh…
Hay như tại Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng), để chuẩn bị tốt cho Lễ khai giảng, mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đều nêu cao tinh thần tự giác, trách nhiệm trong mỗi công việc dù là nhỏ nhất. Theo đó, trước kỳ nghỉ lễ, nhà trường đã triển khai công tác chuẩn bị cho Lễ khai giảng để bảo đảm ngày lễ khai trường tạo không khí vui tươi, khích lệ học sinh học tập chăm ngoan.
“Thời tiết hôm nay rất nắng nên các hoạt động chuẩn bị diễn ra nhanh gọn, chủ yếu dành thời gian hướng dẫn học sinh nền nếp và các quy định chung. Chương trình Lễ khai giảng ngày mai dành ưu tiên thời gian đón học sinh lớp 1 và tổ chức cho học sinh vui chơi, biểu diễn văn nghệ. Ngay sau Lễ khai giảng, nhà trường thực hiện dạy học theo thời khóa biểu ngày 5/9 và tổ chức cho học sinh ăn bán trú để cha mẹ học sinh yên tâm đi làm. Đây cũng là nếp mà nhà trường thực hiện nhiều năm nay nhằm đáp ứng nguyện vọng của cha mẹ học sinh, giúp các gia đình không phải bố trí đón con về nhà giữa trưa nắng”, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Tuy Nguyễn Phương Hoa thông tin.
Trước thềm năm học mới, Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (quận Ba Đình) đã tổ chức tổng vệ sinh, trang trí lại khuôn viên, lớp học và phổ biến kỹ nội quy, quy định cho học sinh cũng như phụ huynh. Các tiết mục văn nghệ biểu diễn trong Lễ khai giảng được dàn dựng công phu cả về nội dung và hình thức. Đội trống, đội hồng kì, đội dâng hoa được tập luyện kỹ càng, cẩn thận. Các nhóm trang trí cờ, trống cũng đã hoàn tất công việc. Với quan niệm trường là ngôi nhà thứ 2 của mình nên mỗi góc sân, phòng học đều được chăm chút tỉ mỉ. Tất cả đã sẵn sàng để chào đón học sinh đến lớp, làm sao để “mỗi ngày đến lớp là một ngày hạnh phúc”.
Sẵn sàng bước vào năm học mới
Bên thềm khai giảng, cả nước nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng về cơ bản đã chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ năm học mới 2024 - 2025. Điều dễ thấy, hệ thống cơ sở vật chất các trường được nâng cấp, sửa chữa; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được bồi dưỡng, kiện toàn... Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, đến thời điểm này, toàn Thành phố có 2.913 trường mầm non, phổ thông các cấp (tăng 39 trường mầm non và phổ thông so với cùng kỳ năm trước) với gần 2,3 triệu học sinh và gần 130 nghìn giáo viên; 1 trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục và 29 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên.
Với quan niệm trường là ngôi nhà thứ 2 của mình nên mỗi góc sân, phòng học đều được Trường Tiểu học Phan Chu Trinh chăm chút tỉ mỉ. |
Trước thực tế số học sinh toàn Thành phố mỗi năm tăng từ 40.000 - 60.000 em, chính quyền các cấp cũng như ngành GD&ĐT Hà Nội đã có những giải pháp kịp thời, bảo đảm đủ chỗ học cho mọi học sinh cư trú trên địa bàn. Với mục tiêu không để học sinh nào thiệt thòi, ngay khi kết thúc năm học 2023 - 2024, các quận, huyện, thị xã và các nhà trường đã khẩn trương triển khai nhiều dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cũng như xây dựng bổ sung, nhất là tại các trường ở địa bàn đông dân cư.
Ngoài ra, năm học 2024 - 2025 là năm học mà Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được phủ kín từ lớp 1 đến lớp 12, thay thế hoàn toàn Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Việc đổi mới phương pháp giáo dục chủ yếu từ trang bị kiến thức sang phát triển năng lực và phẩm chất học sinh đã đặt ra những yêu cầu mới không chỉ về cơ sở vật chất mà còn ở đội ngũ cán bộ, giáo viên.
Năm học 2023 - 2024, ngành GD&ĐT quận Hoàn Kiếm đã hoàn thành xuất sắc 13/13 chỉ tiêu nhiệm vụ năm học được giao. Tính đến hết năm học, toàn quận đã có 25.332 học sinh với 32/37 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 86,5% (trong đó có 6 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, 2 trường chất lượng cao). Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn được nâng lên. Công tác giáo dục toàn diện được quan tâm và có những chuyển biến tích cực, thực hiện tốt việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm Trịnh Ngọc Trâm cho biết, chuẩn bị cho năm học mới 2024 - 2025, ngành GD&ĐT quận quyết tâm thực hiện chủ đề năm học “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng GD&ĐT”. Theo đó, quận Hoàn Kiếm xác định tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc đảm bảo an toàn trường học, triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng giáo dục mũi nhọn, tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh…
Là huyện miền núi, địa bàn rộng, nhiều xã còn khó khăn, nguồn thu ngân sách chung còn thấp, việc xã hội hóa đầu tư cho giáo dục hạn chế, Ba Vì đã tập trung nguồn lực đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất hiện có, bảo đảm an toàn trường học và tập trung mua sắm trang thiết bị để thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chuẩn bị đón năm học mới, huyện đã cải tạo, sửa chữa khẩn cấp 5 trường học; sửa chữa chống xuống cấp 5 trường học. Trong đó, huyện đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trường Trung học cơ sở Tản Đà tại địa điểm mới, rộng rãi hơn nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Khuôn viên trường học, lớp học được trang trí đảm bảo mỹ quan, tạo không gian gần gũi, thân thiện. |
Được biết, để chuẩn bị cho năm học 2024 - 2025, tổ chức Lễ khai giảng và triển khai một số hoạt động đầu năm học 2024 - 2025, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có Công văn gửi Trưởng phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã cùng Hiệu trưởng các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông; Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên đề nghị rà soát, kiểm tra, đôn đốc bảo đảm đủ cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục trước thềm năm học mới; thực hiện linh hoạt, bố trí, sắp xếp giáo viên bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đặc biệt là một số môn học như: Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật. Trong trường hợp chưa thể tuyển dụng đủ giáo viên theo định mức thì thực hiện các giải pháp hợp đồng giáo viên theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ để thực hiện chủ trương “có học sinh, phải có giáo viên đứng lớp” phù hợp với tình hình thực tế địa phương.
Cùng đó, các đơn vị, trường học cần triển khai các giải pháp tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước để thực hiện đúng các quy định về thu, chi tài chính, công khai các khoản thu, chi ngay từ đầu năm học; về lựa chọn, cung ứng, sử dụng sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương, tài liệu tham khảo. Xây dựng, triển khai thực hiện phương án hỗ trợ các đối tượng học sinh hộ nghèo, cận nghèo, học sinh thuộc đối tượng chính sách, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế, vùng sâu, vùng xa, địa bàn cách trở, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đủ sách giáo khoa, đồ dùng học tập và các điều kiện thiết yếu khác; không để có học sinh vì hoàn cảnh khó khăn mà không được đến trường.
Các đơn vị, nhà trường thực hiện đầy đủ các nội dung, tiêu chí xây dựng trường học hạnh phúc, trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên; tăng cường công tác phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội để tổ chức chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý, giáo dục trẻ em, học sinh trong và ngoài trường học bảo đảm an toàn, hiệu quả, đặc biệt là phòng ngừa tai nạn thương tích, bạo lực học đường và chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh ngay từ đầu năm học.
Ngoài ra, các đơn vị, nhà trường chủ động phối hợp với các nhà xuất bản, các tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức thực hiện việc cung ứng sách giáo khoa trên địa bàn bảo đảm chất lượng; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chậm, thiếu sách giáo khoa, tài liệu học tập khi năm học mới bắt đầu.
Lễ khai giảng năm học mới 2024 - 2025 được tổ chức thống nhất trên địa bàn Thành phố vào sáng 5/9. Sở GD&ĐT Hà Nội lưu ý, Lễ khai giảng cần được tổ chức gọn nhẹ với học sinh là trung tâm, chú trọng việc tổ chức đón học sinh đầu cấp, đảm bảo thực sự trở thành ngày hội khai trường của học sinh. Sau khai giảng, các đơn vị, nhà trường cần duy trì nền nếp hát Quốc ca trong các buổi sinh hoạt đầu tuần, lễ kỷ niệm, tổng kết, tuyên dương, khen thưởng… Tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh thực hiện hát Quốc ca trong không khí trang nghiêm, đúng lời, đúng giai điệu.
Đối với cấp học mầm non, tổ chức khai giảng theo hình thức “Ngày hội đến trường của bé” một cách linh hoạt, sáng tạo với nội dung phù hợp đặc điểm tâm sinh lý của trẻ nhằm tạo ấn tượng tốt; bảo đảm an toàn, sức khỏe của trẻ và bảo vệ môi trường trong ngày đầu tiên của năm học mới. Thời lượng tổ chức tối đa 60 phút. Thời gian bắt đầu đón trẻ và tổ chức do Phòng GD&ĐT thống nhất, chỉ đạo cơ sở giáo dục mầm non thực hiện cho phù hợp.
Ngay sau Lễ khai giảng, các đơn vị, trường học cần ổn định, duy trì nền nếp học tập; hướng dẫn tổ chức các hoạt động đầu năm phù hợp với lứa tuổi học sinh, điều kiện của nhà trường, gắn với thực tiễn địa phương; chú trọng xây dựng văn hóa học đường, bảo đảm an ninh, an toàn trường học ngay từ những ngày đầu năm học; phối hợp với cha mẹ học sinh để tạo sự đồng thuận, chia sẻ, hỗ trợ ngành GD&ĐT thực hiện tốt nhiệm vụ năm học...
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Đồng Nai: Khởi động dự án Aeon Mall Biên Hòa có vốn đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng
Cán bộ, đoàn viên, người lao động quyết tâm đổi mới ngành Đường sắt
Ấm áp chương trình “Tết Sum vầy - Xuân ơn Đảng” huyện Thường Tín
Bị cáo Trần Đình Triển lĩnh án 3 năm tù
Ông Phạm Trọng Nhân được bầu làm Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương
Lãnh đạo thành phố Hà Nội gặp mặt đại diện các cơ quan báo chí
Chấp thuận việc chuyển nhượng 100% vốn Công ty Tài chính PTF của SeABank cho AEON Financial Service
Tin khác
Cách tính điểm xét tuyển vào lớp 10 THPT từ năm học 2025 - 2026
Giáo dục 10/01/2025 06:18
Chốt phương án tuyển sinh vào lớp 10 THPT
Giáo dục 08/01/2025 08:57
Sở GD&ĐT Hà Nội thông tin về việc giáo viên chưa được hưởng chế độ tiền thưởng theo Nghị định số 73/2024/NĐ-CP
Giáo dục 07/01/2025 16:52
Những trường hợp được cộng điểm khuyến khích trong xét công nhận tốt nghiệp THPT
Giáo dục 06/01/2025 06:25
10 sự kiện nổi bật của ngành GD&ĐT Thủ đô năm 2024
Giáo dục 04/01/2025 13:25
Quy định mới về dạy thêm, học thêm
Xã hội 03/01/2025 18:44
Giáo dục và đào tạo đóng vai trò động lực then chốt để phát triển đất nước
Giáo dục 02/01/2025 19:26
Ban hành Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi
Giáo dục 02/01/2025 16:47
Vật dụng thí sinh được mang vào phòng thi tốt nghiệp THPT
Giáo dục 01/01/2025 06:09
3 trường hợp được đặc cách tốt nghiệp THPT
Giáo dục 01/01/2025 06:02