Những cây cầu nối quá khứ và hiện tại
Có một Hà Nội đang từng ngày đổi khác Những cây cầu bắc vào tương lai |
1. Thuở còn sinh viên, tôi không ít lần chậm rãi đi trên làn đường nhỏ hẹp của cầu Long Biên. Tôi nhớ, lần đầu tiên qua cây cầu ấy, trong tôi không phải là cảm xúc tự hào, nhung nhớ hay vui vẻ như người ta vẫn thường thể hiện trong các tác phẩm văn học. Thay vào đó là cảm giác sợ. Không sợ sao được khi cầu Long Biên toát lên vẻ già nua, cũ kĩ, và lo lắng hơn cả là hình như cầu... lung lay. Trên suốt cả quãng đường sang sông, không lúc nào tim tôi không đập rộn rã. Tôi ôm ấp một nỗi ám ảnh thường trực là cây cầu này hình như sắp... sập. Thế nhưng, qua biết bao năm tháng, tôi dần già đi, trưởng thành hơn nhưng cầu Long Biên vẫn vững chãi đứng đó. Cây cầu đã hiền từ chứng kiến tất cả những kỉ niệm cũng như đổi thay trong cuộc đời tôi.
Những cây cầu bắc qua sông Hồng giúp thúc đẩy kinh tế - xã hội Thủ đô ngày một phát triển. Ảnh: Luyện Đinh |
Giờ đây, khi bước đi trên cầu Long Biên, thay vào sự non trẻ trong suy nghĩ ngày nào, giờ tôi thấy cầu Long Biên thật đẹp. Ở cây cầu lịch sử ấy, tôi tìm được sự rung cảm khi ánh mặt trời dần lẩn khuất bên những dòng xe. Là ánh đèn rực rỡ, nối nhau dài tít tắp từ những căn nhà cao ốc khang trang phía hai bên bờ sông. Tôi hiểu, nhờ cầu Long Biên mà đời sống người dân phố thị ngày càng được đổi khác.
Tiếc nuối những dư vị của thời gian, giờ mỗi đận ghé cầu Long Biên, tôi cũng mang theo máy ảnh, để ghi lại hình ảnh của tôi, của bạn tôi, của cây cầu, của bãi sông, của những người bán bánh mì giữa dốc, của những cô bán ngô trồng dưới bãi, của con tàu chốc lát lại lao vụt qua... để xem cái gì là thay đổi, còn cái gì là bất biến? Rồi tôi nhận ra rằng, chỉ cái cách người ta cư xử với cây cầu là đôi chút khác đi, còn bản thân nó và những gì thuộc về tự nhiên, về không gian, lịch sử, văn hóa vẫn vẹn nguyên như vậy.
Có những lúc, trên cây cầu ngàn năm tuổi, tôi thấy cách hành xử của người với cầu thật thiếu sự yêu thương và trân trọng. Chẳng là, trong những lần chậm rãi đi trên làn đường nhỏ hẹp của cầu Long Biên, ngắm nhìn các bạn trẻ và cả những người nước ngoài đang vui cười chụp ảnh chợt thấy sao người ta vì vin vào cái cơ mưu sinh mà làm cầu xấu đi nhiều đến thế. Tôi không thích các bà, các cô trải chiếu bán trà chanh, trà đá. Không thích cách người ta ăn uống, buôn bán rồi mang niềm vui trở về, rác rưởi thì bỏ lại… Tôi hi vọng những cư xử với cầu Long Biên sẽ văn minh hơn, để cây cầu mãi là một biểu tượng thiêng liêng, lắng đọng không chỉ trong lòng người Hà Nội.
2.Tại Hà Nội, sự xuất hiện cầu Long Biên vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 đã mở ra một thời kỳ mới của quá trình đô thị hóa Hà Nội lần thứ nhất, cũng như giao thương với các tỉnh phía Bắc và Đông Bắc của đất nước. Cách quãng 83 năm sau, Hà Nội có thêm hai cây cầu, đó là cầu Thăng Long và cầu Chương Dương. Cầu Thăng Long được thiết kế và xây dựng bởi sự giúp đỡ, viện trợ của Liên Xô (cũ). Cầu khánh thành hơn một tháng, thì ngày 30/6/1985, cầu Chương Dương cũng được thông tuyến và đưa vào sử dụng. Đây là cây cầu thép - bê tông đầu tiên hoàn toàn do kỹ sư và công nhân Việt Nam tự thiết kế và xây dựng. Những cây cầu bắc qua sông Hồng này đã trực tiếp kéo khoảng cách giữa các quận trung tâm Thủ đô với vùng ngoại vi. Nối Hà Nội thông thuận với Quốc lộ 1A, Quốc lộ 5…
Tôi còn nhớ, trong ngày khánh thành cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến dự và động viên nhân dân Hà Nội. Ngày khánh thành, Thủ tướng nhấn mạnh, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 là công trình đóng vai trò quan trọng, góp phần giải quyết điểm nghẽn giao thông kết nối giữa hai bờ sông Hồng, nhằm hoàn thiện tuyến đường Vành đai giai đoạn 2 và kết nối với các tuyến vành đai khác của thành phố Hà Nội; tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tạo tiền đề cho việc hình thành chuỗi các đô thị phía Bắc Thủ đô.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn thì nhấn mạnh, Thủ đô Hà Nội là đô thị đặc biệt. Hà Nội có mật độ dân cư lớn, lưu lượng tham gia giao thông ngày một tăng cao. Trong khi đó, kết cấu hạ tầng giao thông chung của Thành phố vẫn còn nhiều bất cập, hệ thống hạ tầng khung bao gồm các đường vành đai, các trục hướng tâm chưa được khớp nối, liên thông đồng bộ... Bởi vậy, cầu Vĩnh Tuy 2 sẽ trực tiếp tăng cường khả năng lưu thông giữa hai bên bờ sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày một tăng nhanh giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía Bắc và Đông Bắc Thành phố. Bên cạnh đó, dự án đảm bảo an toàn giao thông, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng các quận: Hai Bà Trưng, Long Biên nói riêng và Thủ đô nói chung, từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông của Thủ đô theo quy hoạch. Đặc biệt, sau khi hoàn thành giai đoạn 2, cầu Vĩnh Tuy trở thành cây cầu có chiều rộng mặt cắt ngang lớn nhất trong số các cây cầu bắc qua sông Hồng với 8 làn xe ô tô.
Ven sông Hồng, nhờ những cây cầu, đời sống người dân ngày một nâng cao. Nhịp đô thị hóa mạnh mẽ là nét dễ nhận biết khi đứng từ trên các cây cầu nhìn về Hà Nội |
Từ Long Biên đến Vĩnh Tuy 2, những cây cầu lần lượt nối liền hai bờ sông Hồng, nối liền lịch sử hôm qua và hôm nay, đã tạo ra cho mảnh đất ngàn năm văn hiến này những dáng vẻ vừa bề thế lại vừa thâm trầm, vừa vững chãi lại vừa đặc sắc. Hơn hết, những cây cầu đang trở thành động lực chắp cánh cho một Thủ đô cởi mở trong hội nhập, tạo sức vóc mạnh mẽ và bền vững cho Hà Nội hiện tại và tương lai.
3.Tôi ấn tượng mãi với những vần thơ của bạn đọc Đinh Xuân Trường gửi đến Báo Lao động Thủ đô cách đây ít năm. Đó là những vần thơ hay mà dí dỏm nói về những cây cầu - “cánh tay nối dài” của Thủ đô. “Nhật Tân nói với Long Biên/ Chị trăm tuổi vẫn mướt mềm thướt tha/ Vẫn là kiều nữ kiêu sa/ Rạng ngời giữa chốn phồn hoa kinh kỳ/ Long Biên chớp chớp bờ mi/ Nhật Tân trẻ đẹp ai bì được em/ Chương Dương, Thanh Trì thầm ghen/ Thăng Long còn mãi ngước lên mơ màng/ Những chuyện cầu đến rộn ràng/ Sông Hồng sẽ kể tận ngàn năm sau/ Trưa nay nhấm nháp bên nhau/ Bỗng dưng em nhắc qua cầu… áo bay.
Hà Nội xứng đáng là một trung tâm lớn giữa vùng sông nước mênh mang nơi có những cây cầu tỏa ra khắp các phương hướng như những cánh tay thần kỳ mang tới sự phồn vinh và đông vui cho khắp vùng miền. Việc thành phố Hà Nội đã và đang triển khai xây dựng những cây cầu lớn bắc qua sông Hồng, bên cạnh ý nghĩa về giao thông đô thị còn trực tiếp đẩy mạnh liên kết các vùng kinh tế, tạo động lực để Thủ đô phát triển nhanh, bền vững, nâng cao đời sống, xã hội người dân ở ven đô Hà Nội. Nói cách khác, những cây cầu không chỉ đi vào thơ ca, nhạc họa mà đang từng ngày giúp Thủ đô thay da đổi thịt, giúp Thủ đô Hà Nội hội nhập và phát triển.
Luyện Đinh
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Bắt hai đối tượng bán mật gấu giả
Tài xế sẽ phải kiểm tra lí thuyết, thực hành khi bị trừ hết điểm bằng lái
Hà Nội: Triệt phá đường dây nhập lậu hàng nghìn tấn “khí cười”
Festival Ninh Bình lần thứ III: Hé lộ sân khấu gây choáng ngợp
Nguồn sức mạnh nội sinh to lớn để phát triển Thủ đô Hà Nội
Man City 0-4 Tottenham: Thất bại thứ 5 liên tiếp của Man City
Tỷ giá USD hôm nay 24/11: Đồng USD chốt tăng tuần 0,75%, đạt mức 107,49
Tin khác
Nguồn sức mạnh nội sinh to lớn để phát triển Thủ đô Hà Nội
Nhịp sống Thủ đô 24/11/2024 08:24
Hà Nội: Tuyên dương 68 người con hiếu thảo
Nhịp sống Thủ đô 23/11/2024 21:39
Thành đoàn Hà Nội tuyên dương cán bộ công chức, viên chức trẻ xuất sắc
Nhịp sống Thủ đô 23/11/2024 16:17
Phường đầu tiên của quận Tây Hồ nhận danh hiệu “Phường đạt chuẩn đô thị văn minh”
Thủ đô 23/11/2024 12:52
Sơn Tây: Bảo tồn và khai thác hiệu quả nguồn lực tài nguyên văn hóa
Nhịp sống Thủ đô 22/11/2024 18:56
Nâng cao tính minh bạch, hiệu quả và chuyên nghiệp trong hoạt động cải cách hành chính
Thủ đô 22/11/2024 17:25
Kênh thông tin hữu hiệu tuyên truyền sâu rộng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Nhịp sống Thủ đô 22/11/2024 15:13
Sôi nổi Hội thi Bí thư chi bộ giỏi quận Bắc Từ Liêm năm 2024
Nhịp sống Thủ đô 22/11/2024 14:18
Quận Tây Hồ phát huy và bảo tồn giá trị di sản văn hóa
Thủ đô 22/11/2024 10:53
Quận Hai Bà Trưng góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ quận
Nhịp sống Thủ đô 21/11/2024 08:42