Những người say mê kể chuyện Bác Hồ ở khu di tích Kim Liên
Đông đảo du khách về thăm quê Bác dịp nghỉ lễ Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khánh thành Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh |
Những ngày tháng 5, trong không khí cả nước hướng về kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, dòng người đổ về Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) cứ nối dài với đủ mọi lứa tuổi, từ khắp các vùng miền.
Những câu chuyện kể của các cán bộ thuyết minh với chất giọng Nghệ đầm ấm, sâu lắng đã gợi nhớ về hình ảnh của một vĩ nhân, để lòng kính yêu Bác mãi lan tỏa.
Chị Phùng Thị Hương Giang đã 26 năm gắn bó với công việc thuyết minh vẫn luôn dâng trào cảm xúc khi được giới thiệu về Bác cho các du khách. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN) |
Tự hào khi thuyết minh về Bác
Khu di tích Kim Liên được thành lập từ năm 1956, đến năm 1989 mới tiến hành thi tuyển những hướng dẫn viên chuyên nghiệp đầu tiên. Hiện Khu di tích có 17 thuyết minh viên, tất cả đều là người xứ Nghệ và sở hữu chất giọng nhẹ nhàng, ngọt ngào, ấm áp.
Là thuyết minh viên Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên, chị Phùng Thị Hương Giang (sinh năm 1975) với giọng kể đằm thắm, lúc trầm, lúc bổng, chất chứa đầy cảm xúc đã khiến những du khách trong đoàn tham quan cựu chiến binh đến từ tỉnh Bắc Ninh trào dâng niềm xúc động. Nhiều người không thể kìm được nước mắt khi nghe những câu chuyện rất đời thường về Bác.
Kết thúc câu chuyện với đoàn khách, chị Phùng Thị Hương Giang tâm sự, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Vinh, dù đã có việc làm ổn định, nhưng vì say mê những câu chuyện về Bác, mong muốn được tìm hiểu nhiều hơn về Người, chị quyết định thi tuyển làm thuyết minh viên tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên. Niềm khát khao ấy trở thành hiện thực khi chị vượt qua hơn 100 thí sinh, trúng tuyển trong niềm vui vô bờ.
Chị Phùng Thị Hương Giang xúc động cho biết đến tận bây giờ, chị vẫn không thể quên được cảm xúc ngày nhận tin trúng tuyển vào làm thuyết minh viên tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên. Lúc đó, chị đã khóc vì sung sướng, hạnh phúc bởi vì được kể những câu chuyện về Bác cho các đoàn khách tham quan trên mọi miền Tổ quốc luôn là niềm vinh dự, tự hào.
Gần 26 năm làm thuyết minh viên tại quê Bác, chị Phùng Thị Hương Giang không nhớ nổi mình đã đón và kể chuyện về Bác cho bao nhiêu đoàn khách tham quan. Song, khi hỏi về đoàn khách để lại nhiều ấn tượng nhất, chị Giang nhớ lại, đó là đoàn cựu chiến binh Mỹ, những người từng trực tiếp tham gia chiến tranh tại Việt Nam năm xưa đến tham quan quê Bác từ nhiều năm trước.
Đoàn có 15 người, trong suốt quá trình, tất cả thành viên đều im lặng, lắng nghe một cách chăm chú từng câu chuyện kể về Bác và gia đình Bác. Trước bàn thờ trong ngôi nhà thân thương Bác từng gắn bó, đoàn đứng cúi đầu thật lâu, có người xúc động nghẹn ngào. Lúc này, chị cảm nhận được họ không tin từ ngôi nhà lá bé nhỏ, đơn sơ như thế đã sinh ra một Anh hùng kiệt xuất, Danh nhân văn hóa.
Giống như nhiều thuyết minh viên khác, chị Phùng Thị Hương Giang xúc động chia sẻ mỗi ngày chị thường đón và thuyết minh cho khoảng hơn 20 đoàn khách. Những ngày cuối tuần và ngày lễ, con số này tăng lên nhiều hơn.
Dù công việc thuyết minh chiếm hầu hết thời gian, đặc biệt là vào ngày lễ, Tết, nhưng chị Giang luôn tự hào và ngày càng yêu quý công việc hơn. Chị tâm niệm phải trau dồi kiến thức và tâm huyết với nghề. Không chỉ chỉnh tề trang phục, dung nhan, chị còn luôn cố gắng luyện giọng sao cho thật truyền cảm và đặc biệt là khả năng ứng biến linh hoạt với những đoàn khách khác nhau.
Đặc biệt, mỗi khi cơ quan, địa phương tổ chức cuộc thi kể chuyện về Bác Hồ, chị đều đăng ký tham gia. Những lần như thế, không chỉ học hỏi được cách dẫn chuyện, chị còn được tìm hiểu thêm nhiều câu chuyện về Bác và gia đình Bác. Điều đó giúp ích rất nhiều cho công việc của chị.
Lan tỏa tình yêu, kính trọng Bác
Gắn bó với công việc thuyết minh tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên 12 năm, chị Phạm Thị Oanh luôn cảm nhận được sự gần gũi, hơi ấm của Bác còn vương bên những mái nhà tranh, nơi Bác đã sinh ra và sống những tháng ngày thời niên thiếu. Mỗi đoàn khách đến tham quan, bằng chất giọng của mình, chị lại truyền hơi ấm, tình yêu bao la của Bác đến đồng bào trên mọi miền Tổ quốc.
Thuyết minh viên say sưa kể chuyện về Bác Hồ cho du khách. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN) |
Chị Phạm Thị Oanh chia sẻ được làm việc ở quê hương Bác là niềm vinh dự và tự hào. Chị rất vui khi được đưa du khách trở về thế giới tuổi thơ của Bác, đắm mình trong không gian văn hóa của một miền quê hiền hòa, mộc mạc với lũy tre xanh, mái nhà tranh đơn sơ, giản dị… Chứng kiến tình cảm của đồng bào dành cho Bác chính là động lực để các thuyết minh viên luôn cố gắng, nỗ lực hết mình làm mới nội dung và hình thức thuyết minh.
Suốt thời gian dài thuyết minh về Bác, chị Phạm Thị Oanh đã tiếp đón và thuyết minh cho nhiều đoàn du khách. Mỗi đoàn một sắc thái, nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau đã để lại cho chị nhiều cảm xúc riêng. Qua cách truyền đạt của chị, nhiều người đã òa khóc, thương và nhớ Bác.
Những tình cảm yêu mến mà đồng bào cả nước dành cho Bác là động lực để chị Oanh và các cán bộ thuyết minh xua đi những mệt mỏi của những ngày hè oi bức, những buổi trưa thông tầm hay một chút chạnh lòng vào những ngày lễ, Tết.
Nhiều người có suy nghĩ, nghề thuyết minh viên chỉ nói lại một câu chuyện, dễ sinh nhàm chán. Tuy nhiên, với chị Phùng Thị Hương Giang, chị Phạm Thị Oanh và những thuyết minh viên khác ở Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên, những câu chuyện được kể tuy có sự lặp lại nhưng cảm xúc thì rất khác, hạnh phúc đến khó tả.
Trong kho tàng của mình, các chị đã có rất nhiều kỷ niệm về các lần tiếp các đoàn khách khác nhau tại nhà Bác, đó là tài sản vô giá và rất đỗi tự hào. Chất giọng xứ Nghệ đằm thắm, ân tình của các chị vẫn ngày ngày đưa du khách về với Làng sen của những ngày xa xưa, lịch sử. Âm thầm, lặng lẽ, các chị góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn, gìn giữ những tài sản thiêng liêng về vật chất và tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Theo chị Phạm Thị Oanh, mỗi lần được kể chuyện về Bác đều khiến chị trào dâng một cảm xúc khó tả. Tùy từng đối tượng, các thuyết minh viên lựa chọn phương pháp truyền đạt khác nhau, làm sao để tái hiện chân thật nhất tuổi thơ của Bác qua những kỷ vật đơn sơ, bình dị.
Yêu quý và tự hào về Bác, mọi người luôn cố gắng trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, học tập và tìm hiểu các thông tin đa dạng về con người và sự nghiệp vĩ đại của Bác để có thể truyền tải một cách sinh động đến du khách trên mọi miền Tổ quốc khi về thăm quê Bác.
Ông Nguyễn Bảo Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên cho biết, mỗi năm có hàng triệu lượt khách đến tham quan quê Bác. Điều đó cho thấy tình cảm, sự ngưỡng mộ của đồng bào, du khách trong và ngoài nước với lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Đáp lại tình cảm đó, cán bộ tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên nói chung và cán bộ trực tiếp làm công tác thuyết minh nói riêng luôn nỗ lực hết sức để tiếp đón, phục vụ khách tham quan. Đặc biệt, các cán bộ thuyết minh luôn có ý thức học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, yêu nghề, trách nhiệm với công việc, nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân, du khách.
Trong thời gian tới, Ban Quản lý Khu di tích chú trọng đào tạo tiếng nước ngoài cho các cán bộ thuyết minh để làm tốt hơn công tác tiếp đón du khách quốc tế khi về tham quan quê Bác. Hiện đã có 6 cán bộ thuyết minh thành thạo tiếng Anh, một cán bộ thuyết minh tiếng Pháp và đang đào tạo 5 cán bộ thuyết minh tiếng Lào./.
Theo Tá Chuyên (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/nhung-nguoi-say-me-ke-chuyen-bac-ho-o-khu-di-tich-kim-lien/791217.vnp
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Cải tạo một loạt chung cư cũ góp phần hạ nhiệt giá nhà
Gắn kết tự nhiên và phát triển bền vững nhờ nông nghiệp sinh thái ở Tây Bắc
Chấn chỉnh lái xe buýt vi phạm Luật Giao thông đường bộ
Doanh nhân Vũ Minh Châu được vinh danh vì sự nghiệp phát triển ngành mỹ nghệ kim hoàn đá quý Việt Nam
Đêm nay, Hà Nội cấm lưu thông trên đường Văn Khê
Trận đấu Việt Nam và Singapore, vừa mở bán đã cháy vé
Tết sớm trên phố: Đã thấp thoáng đào, quất
Tin khác
Đám cưới xưa và nay: Kỳ 2: Văn hóa như cái phễu, cần thời gian gạn đục khơi trong
Văn hóa 21/12/2024 13:40
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Một năm bội thu
Văn hóa 21/12/2024 10:20
"Con đường lịch sử": Bức tranh sử thi về 80 năm Quân đội anh hùng
Văn hóa 20/12/2024 16:54
Hội hoa xuân Ất Tỵ 2025 TP.HCM có chủ đề "Non sông gấm hoa, vui xuân an hòa”
Văn hóa 20/12/2024 15:49
Đám cưới xưa và nay: Kỳ 1: Cốt lõi trong hôn nhân chính là hạnh phúc của con người
Văn hóa 20/12/2024 15:17
Điểm sáng của bức tranh Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thủ đô năm 2024
Văn hóa 18/12/2024 20:42
Dấu ấn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2024
Văn hóa 18/12/2024 12:11
Múa rối nước: Giữ hồn dân tộc trong đời sống đương đại
Văn hóa 17/12/2024 20:05
Trưng bày chuyên đề "Gan vàng dạ sắt": Kết nối và truyền cảm hứng cho giới trẻ
Văn hóa 17/12/2024 09:40
Hà Nội đêm trầm lắng, bình yên!
Văn hóa 17/12/2024 09:07