Phát triển sản phẩm nghề truyền thống không thể mãi "tự bơi"!
Hướng đi phát triển bền vững cho làng nghề truyền thống Phát triển kinh tế xanh từ sản phẩm OCOP Khoảng 200 gian hàng sẽ tham gia Liên hoan làng nghề, phố nghề Hà Nội năm 2022 |
Sản phẩm truyền thống đang “tự bơi”
Bánh kẹo truyền thống Bảo Minh ở Hà Nội được khởi đầu từ nghề truyền thống gia đình từ năm 1989, cho đến nay đã tồn tại và phát triển hơn 30 năm. Bảo Minh có tới 4 nghệ nhân lâu năm và nhiều thợ làm bánh kẹo tay nghề giỏi được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam chứng nhận. Để chuẩn bị cho thị trường bánh Trung thu năm nay, các nghệ nhân, thợ làm bánh đã tạo ra những sản phẩm bằng chính đôi bàn tay khéo léo của mình, được người tiêu dùng yêu thích. Hiện nay, Bảo Minh có 20 sản phẩm được công nhận là sản phẩm đạt OCOP.
Trao đổi với phóng viên, bà Ngô Thị Tính - Nghệ nhân Văn hóa nghệ thuật ẩm thực Làng nghề Việt Nam, Tổng Giám đốc của Công ty CP Bánh mứt kẹp Bảo Minh cho biết, những sản phẩm truyền thống của Bảo Minh là đặc sản Hà Nội và đặc sản vùng miền, được chế biến từ kinh nghiệm truyền thống lâu năm. Tuy nhiên, là một doanh nghiệp đi lên từ nghề truyền thống, tự đầu tư, tự bước đi trên thị trường, nghệ nhân và thợ giỏi mong muốn được sự quan tâm của các cấp ngành, của xã hội để làm sao giữ được nghề, phát triển nghề.
Nghệ nhân Văn hóa nghệ thuật ẩm thực Làng nghề Việt Nam Ngô Thị Tính |
“Nếu như truyền thống cứ giữ mãi như thế sẽ cũ kỹ và lạc hậu, cho nên chúng tôi cũng đưa kỹ thuật tiên tiến hiện đại vào để làm sao vẫn giữ được chất lượng hương vị truyền thống nhưng sản xuất bằng công nghệ khiến cho hương vị đồng đều hơn, chất lượng cao hơn, mẫu mã đẹp hơn, khiến cho người tiêu dùng ở xã hội hiện đại ngày càng yêu quý sản phẩm truyền thống”, bà Ngô Thị Tính chia sẻ.
Bà Ngô Thị Tính cũng cho rằng, xu thế bây giờ người tiêu dùng đang quay lại với sản phẩm truyền thống rất nhiều, doanh nghiệp, làng nghề truyền thống rất mừng và mong muốn các cấp ngành, ưu tiên cho ngành nghề truyền thống bởi kỹ thuật của sản phẩm truyền thống sản xuất không được đồng loạt mà đi vào kỹ xảo nhiều, dẫn đến sản lượng cũng không lớn bằng sản xuất công nghiệp nên lãi xuất thấp. Bởi vậy cần sự hỗ trợ của các cấp ngành để nghề truyền thống phát triển.
“Hiện nay có Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã ưu tiên cho các làng nghề. Đó cũng là mô hình giúp cho sản phẩm truyền thống, sản phẩm làng nghề của chúng tôi càng ngày càng được người tiêu dùng biết đến. Tuy nhiên làng nghề còn nhiều hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm bởi những đặc thù và sự khó tính của sản phẩm. Bởi vậy, rất cần sự quan tâm của các cấp ngành trong việc hỗ trợ làng nghề liên kết, tiêu thụ sản phẩm”, bà Ngô Thị Tính chia sẻ thêm.
Ở Hà Nội, ngoài Cốm làng Vòng ra, thì tại Mễ Trì thuộc quận Nam Từ Liêm cũng có nhiều hộ gia đình còn đang sản xuất kinh doanh cốm; tuy nhiên với các thực khách trong và ngoài nước, nếu nhắc đến món quà quê dân dã này thì người ta luôn nhớ và tâm niệm về Cốm làng Vòng.
Cốm làng Vòng khác biệt rất nhiều so với Cốm ở các nơi, kể cả cốm Mễ Trì, bởi nghệ nhân luôn lựa chọn những loại giống lúa nếp ngon, có độ dẻo vừa phải và được gặt đúng độ để đảm bảo có những mẻ cốm ngon, thơm, mềm và dẻo. Người dân Hà Nội chắc hẳn ai cũng đã từng thưởng thức những hạt cốm thơm ngon và nồng nàn hơi sữa của làng Vòng. Trải qua bao năm tháng hiện nay với tốc độ đô thị hóa nhanh, nghề truyền thống ngày càng bị mai một vì số lượng các hộ kinh doanh và sản xuất cốm không còn nhiều nữa.
Nghề làm cốm đã có ở làng Mễ Trì cách đây hàng trăm năm |
Chị Lê Thị Minh Tâm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Dịch Vọng Hậu cho biết, năm 2017, dưới sự chỉ đạo của Hội LHPN phường Dịch Vọng Hậu, Tổ liên kết phát triển kinh tế Cốm Vòng được thành lập với 17 thành viên là các hộ còn đang sản xuất, kinh doanh cốm trên địa bàn phường; với mục đích hỗ trợ nhau cùng phát triển, tạo thành một khối liên kết, trao đổi và giới thiệu khách hàng cho nhau đồng thời tạo sân chơi cho chị em được tham gia giao lưu, hỗ trợ, chia sẻ những kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh...
5 năm qua, từ Tổ liên kết phát triển kinh tế Cốm Vòng, nay đã được nâng lên là Tổ hợp tác. Các hộ gia đình tại Dịch Vọng Hậu đã luôn giúp đỡ nhau nâng cao thêm kỹ thuật lựa chọn lúa, chọn đất cho phù hợp với giống lúa mình mong muốn để đặt hàng tại các huyện bạn. Ngoài ra, trong các hội chợ quảng bá sản phẩm làng nghề do các cấp các ngành tổ chức, Tổ hợp tác luôn cùng nhau tham gia và hỗ trợ các sản phẩm để vừa đa dạng các mặt hàng, vừa tạo được thương hiệu uy tín đối với thực khách về Cốm làng Vòng.
Tuy nhiên, theo chị Lê Thị Minh Tâm, bên cạnh những thuận lợi là được các cấp, các ngành, cơ quan chức năng quan tâm, hỗ trợ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận nguồn vốn thì Tổ hợp tác cũng gặp không ít những khó khăn khi tham gia liên kết theo chuỗi bởi nhiều nguyên nhân. Đó là với thói quen kinh doanh theo hộ cá thể nên khi tham gia liên kết theo chuỗi nhiều người gặp khó khăn khi phải tuân thủ các quy tắc quy định của tổ hợp tác đưa ra. Việc tạo dựng thương hiệu làng nghề hiện còn nhiều vướng mắc.
“Chúng tôi được biết Ủy ban nhân dân phường Dịch Vọng Hậu đã có đơn trình Sở Văn hóa và Thông tin và Cục đăng ký bản quyền thương hiệu nhưng vẫn chưa có câu trả lời của các cơ quan có thẩm quyền, bởi tại thành phố Hà Nội có 2 làng nghề cốm là Cốm Vòng và Cốm Mễ Trì nên việc được công nhận làng nghề vô cùng quan trọng đối với các hộ kinh doanh cốm Vòng nói chung và các nữ chủ kinh doanh tại Tổ hợp tác Cốm Vòng nói riêng để được bảo đảm chất lượng cũng như uy tín với khách hàng trong và ngoài nước”, chị Tâm trăn trở.
Tăng cường chuỗi liên kết
Tại tọa đàm “Phát huy vai trò của các cấp Hội phụ nữ trong xây dựng mô hình hợp tác xã (HTX)/Tổ hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị trên địa bàn thành phố Hà Nội”, ông Nguyễn Tiến Phong - Phó Chủ tịch Liên minh HTX thành phố Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 21 Liên hiệp HTX với 116 thành viên. Các Liên hiệp HTX đã tổ chức liên kết, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo cơ hội cho nhiều đơn vị thành viên phát triển. Một số Liên hiệp HTX đã có kết quả hoạt động tốt, cung cấp sản phẩm rộng rãi cho toàn Thành phố và các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, đa số Liên hiệp HTX đều gặp khó khăn trong hoạt động, trình độ quản lý điều hành còn thấp, thiếu phương án sản xuất kinh doanh, dịch vụ khả thi, sự liên kết giữa các HTX thành viên chưa được nhiều.
Sản phẩm làng nghề cần có sự liên kết để đưa ra thị trường |
"Các mô hình HTX kiểu mới, gắn sản xuất với chuỗi giá trị sản phẩm ngày càng nhiều. Các HTX đã quan tâm tới các hoạt động liên kết thông qua việc: tăng cường trao đổi kinh nghiệm về quản lý điều hành, xúc tiến thương mại; tham gia hội chợ, hội nghị giao thương, tham gia các hoạt động của Câu lạc bộ theo ngành, lĩnh vực; thông qua chương trình liên kết hợp tác giữa Liên minh HTX các tỉnh, thành phố... nhiều HTX đã mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là liên kết trong tiêu thụ sản phẩm giữa các HTX nhằm đa dạng hóa sản phẩm hàng hóa cung cấp ra thị trường. Các HTX đã tạo việc làm và tạo thu nhập ổn định cho thành viên, góp phần từng bước cải thiện nâng cao đời sống cho nhân dân, người lao động”, ông Nguyễn Tiến Phong nhấn mạnh.
Chị Nguyễn Thị Hồi - Giám đốc HTX Sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín) cho biết, làng nghề truyền thống sơn mài Hạ Thái có lịch sử hơn 200 năm. Trải qua hàng thế kỷ hình thành và phát triển, làng nghề sơn mài Hạ Thái đã và đang khẳng định chỗ đứng trên thị trường bằng nhiều sản phẩm, được du khách trong nước và quốc tế ưa chuộng. Đến nay, sản phẩm sơn mài Hạ Thái đã khẳng định được thương hiệu không chỉ nhờ uy tín, chất lượng luôn bóng, mịn, đẹp, độ bền cao mà còn kết tinh dấu ấn của bàn tay khéo léo, sức sáng tạo của những người thợ tài hoa.
Ngày 28/7/2022, HTX Sơn mài Hạ Thái được thành lập, hoạt động theo mô hình cung ứng và tiêu thụ các loại hàng Sơn Mài thủ công mỹ nghệ đảm bảo theo quy định để sản phẩm có chất lượng tốt cung cấp ra thị trường trong và ngoài nước. Không nằm ngoài các khó khăn của một HTX mới thành lập như chưa có kinh nghiệm thị trường, nguồn vốn còn hạn hẹp, cơ sở vật chất còn thiếu thốn,… thì vấn đề tiêu thụ sản phẩm cũng là bài toán khó đối với HTX.
Theo chị Hồi, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, mang lại nhiều hơn nữa lợi ích cho thành viên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các HTX cần tập trung thực hiện một số giải pháp nâng cấp chuỗi giá trị sản phẩm. Trong đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực HTX đáp ứng yêu cầu phát triển của mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng sản xuất, tham gia vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao của chuỗi giá trị sản phẩm. Mở rộng sản xuất, tham gia sâu và rộng hơn trong chuỗi giá trị sản phẩm. Nâng cao năng lực tiếp cận thị trường các yếu tố đầu vào phục vụ chuỗi giá trị sản phẩm. Mở rộng thị trường và xây dựng thương hiệu của các HTX.
Sản phẩm của làng nghề sừng Thụy Ứng (Thường Tín) |
“Các HTX cần liên kết với nhau tăng cường công tác điều tra nghiên cứu nhu cầu thị trường; xây dựng chiến lược sản phẩm; liên kết với các trang thương mại điện tử có uy tín để quảng bá, tiến hành hình thức phân phối sản phẩm. Tự thiết kế kênh phân phối riêng hoặc liên kết với một số HTX, doanh nghiệp khác thiết kế kênh phân phối cho riêng nhóm; sử dụng trung gian thương mại nhưng hạn chế tối đa việc sử dụng thương lái. Chú trọng đến hoạt động thương mại điện tử, quảng cáo, xúc tiến bán hàng...; lựa chọn thị trường mục tiêu, định vị thương hiệu sản phẩm, tạo bản sắc thương hiệu cho sản phẩm. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nữ tăng quy mô, tăng tính đại diện của doanh nghiệp nữ trong các tổ chức kinh doanh nhằm làm cho hoạt động phù hợp hơn với phụ nữ”, chị Hồi chia sẻ.
Cũng theo chị Hồi, cùng với việc thực hiện các giải pháp nâng cấp chuỗi giá trị sản phẩm của HTX, cần tăng cường vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của hệ thống để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền, vận động phát triển HTX về thông tin thị trường đầu vào, thị trường các yếu tố sản xuất và thị trường tiêu thụ, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực, tài chính, tín dụng, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, mở rộng thị trường tiêu thụ và xây dựng thương hiệu; tiếp tục, đẩy mạnh xây dựng mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn với chuỗi giá trị để nhân rộng.
Các làng nghề, làng nghề truyền thống của Hà Nội đã và đang góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế nông thôn, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho lao động tại các địa phương, tạo tiền đề thực hiện thành công chương trình OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố. Mặc dù đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên công tác phát triển, bảo tồn nghề và làng nghề trên địa bàn Thành phố vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.
Nghề làm kẹo dồi truyền thống ở làng Cổ Hoàng (Phú Xuyên) |
Hầu hết, các doanh nghiệp ở các làng nghề trên địa bàn đều hoạt động với quy mô nhỏ, tự phát và gặp phải không ít những khó khăn như thiếu mặt bằng để sản xuất tập trung, thiếu đội ngũ lao động có tay nghề cao, thiếu vốn để đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị máy móc nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh thấp, nguồn nguyên liệu không ổn định, chưa tạo nhiều thương hiệu hàng hoá, sức tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế; một số sản phẩm truyền thống bị mai một, suy giảm.
Có thể thấy, trong xu hướng kinh tế hội nhập như hiện nay, việc gắn kết các thương nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã làng nghề với nhau để chia sẻ thông tin và tiêu thụ sản phẩm là tất yếu. Cùng với đó là sự vào cuộc của các cấp ngành, địa phương để tổ chức hội chợ, triển lãm, giúp đỡ, hướng dẫn doanh nghiệp, làng nghề tham gia. Các sản phẩm làng nghề cũng cần được chuyên môn hóa cao, có sản lượng lớn. Vì vậy các ban, ngành của Thành phố cũng cần tập trung giúp đỡ, hướng dẫn, áp dụng tiêu chuẩn quốc gia, cấp giấy chứng nhận chất lượng theo tiêu chuẩn để tạo sức cạnh tranh cao trên thị trường. Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề sẽ giúp sản phẩm làng nghề được mở rộng phạm vi phân phối trên thị trường nhờ uy tín sản phẩm.
Để các làng nghề bứt phá vươn lên trong xu thế hội nhập cần có sự liên kết chặt chẽ giữa hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp; sự liên kết giữa các làng nghề với nhau để nhân lên sức mạnh thương hiệu. Nhà nước cần hỗ trợ mạnh mẽ trong việc xúc tiến và đưa sản phẩm của làng nghề ra thị trường trong nước và quốc tế.
Bảo Thoa
Nên xem
Cách tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng
Tôn vinh giá trị và vị thế của trẻ em gái, thúc đẩy bình đẳng giới
Bắt hai đối tượng bán mật gấu giả
Tài xế sẽ phải kiểm tra lí thuyết, thực hành khi bị trừ hết điểm bằng lái
Hà Nội: Triệt phá đường dây nhập lậu hàng nghìn tấn “khí cười”
Festival Ninh Bình lần thứ III: Hé lộ sân khấu gây choáng ngợp
Nguồn sức mạnh nội sinh to lớn để phát triển Thủ đô Hà Nội
Tin khác
Thành phố Hồ Chí Minh: Kết nối hỗ trợ hơn 2,3 triệu tỷ đồng cho doanh nghiệp khởi nghiệp
Doanh nghiệp 23/11/2024 15:19
Tiếp sức cho doanh nghiệp
Doanh nghiệp 21/11/2024 07:42
Gỡ vướng cơ chế để doanh nghiệp bứt tốc trong chuyển đổi số
Doanh nghiệp 19/11/2024 20:00
Vạn Phúc City nhận cú đúp giải thưởng tại lễ trao giải PropertyGuru Vietnam Property Awards 2024
Doanh nghiệp 16/11/2024 10:18
Nỗ lực để 100% doanh nghiệp công nghiệp chủ lực được thụ hưởng chính sách hỗ trợ
Doanh nghiệp 10/11/2024 19:52
Hà Nội: Nâng cao hiệu suất quản trị về chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Doanh nghiệp 10/11/2024 15:16
Để tránh việc ra sân bay bị hoãn xuất cảnh, người nộp thuế cần làm gì?
Doanh nghiệp 09/11/2024 06:39
Hơn 40 doanh nghiệp Đức tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh Đồng Nai
Doanh nghiệp 07/11/2024 17:55
Để FTA không “ngủ quên” với doanh nghiệp nội
Doanh nghiệp 07/11/2024 06:10
Dấu ấn khác biệt của Vinamilk với hành trình 16 năm liền là thương hiệu Quốc gia
Doanh nghiệp 05/11/2024 15:06