Phố cổ Hà Nội: Nên nâng cấp xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt?
Không giãn dân sẽ khó bảo tồn! Phải tạo dựng nơi đến mang đặc trưng tương tự như Phố cổ hiện tại |
Phố cổ Hà Nội là một di sản đô thị có kiến trúc độc đáo, với các phố nghề thủ công truyền thống, nhiều di tích lịch sử, văn hóa gắn liền với lịch sử Thăng Long - Hà Nội. Khu Phố cổ Hà Nội được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia năm 2004. Tại hội thảo “Bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản khu Phố cổ Hà Nội trong tiến trình phát triển Thăng Long - Hà Nội”, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã thống nhất đề xuất cơ quan chức năng sớm xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận Phố cổ Hà Nội là Di tích quốc gia đặc biệt.
Các chuyên gia, các nhà khoa học họp bàn về các giải pháp bảo tồn khu Phố cổ Hà Nội |
Phó giáo sư, tiến sĩ Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia cho rằng, dư luận xã hội có xu hướng phản ứng không tích cực về vấn đề nâng cấp xếp hạng di tích và không thực sự đồng tình với cái gọi là hội chứng chạy theo danh hiệu hay thương hiệu di tích. Tuy nhiên, cần hiểu đúng nội hàm của danh hiệu di sản. Trước hết, danh hiệu không thể tự phong, không thể cứ muốn là có, không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của một cá nhân, một nhóm người hay cả cộng đồng người ở một địa phương cụ thể. Danh hiệu thể hiện giá trị, hình ảnh và sự hấp dẫn tự thân của một sự vật, hiện tượng tự nhiên và xã hội trong đó có di sản văn hóa.
Theo tiên sĩ Đặng Văn Bài, danh hiệu di sản chỉ được thừa nhận trên cơ sở những tiêu chí khoa học được mọi người thừa nhận. UNESCO đưa ra 10 tiêu chí trong đó có 6 tiêu chí liên quan tới di sản văn hóa và 4 tiêu chí liên quan tới di sản thiên nhiên để xem xét giá trị nổi bật toàn cầu của một di sản thế giới. Danh hiệu di sản đô thị hay thành phố di sản được xác định dựa vào các yếu tố cấu thành: Ý tưởng quy hoạch để xây dựng và phát triển một đô thị - cảnh quan thiên hiên hay điều kiện địa lý và văn hóa cơ sở vật chất, môi trường cho sự ra đời của đô thị; Quỹ kiến trúc hay diện mạo kiến trúc được hình thành qua các thời kỳ phát triển đô thị (cấu trúc không gian, đường phố, nhà ở, di tích lịch sử - văn hóa hiện diện trong lòng đô thị); Phong tục tập quán, lối sống của cộng đồng cư dân đô thị (đối với Thăng Long – Hà Nội là nét thanh lịch của người Hà Nội).
Theo quy định tại khoản 3 Điều 2 của Luật di sản văn hóa năm 2001, được sửa đổi, bổ sung năm 2009, Di tích quốc gia đặc biệt là di tích có giá trị đặc biệt tiêu biểu của quốc gia bao gồm: Công trình xây dựng, địa điểm gắn với sự kiện đánh dấu bước chuyển biến đặc biệt quan trọng của lịch sử dân tộc hoặc gắn với anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu có ảnh hưởng to lớn đối với tiến trình lịch sử của dân tộc; Công trình kiến trúc, nghệ thuật, quần thể kiến trúc, tổng thể kiến trúc đô thị và địa điểm cư trú có giá trị đặc biệt đánh dấu các giai đoạn phát triển kiến trúc nghệ thuật Việt Nam; Địa điểm khảo cổ có giá trị nổi bật đánh dấu các giai đoạn phát triển văn hóa khảo cổ quan trọng của Việt Nam và thế giới; Cảnh quan thiên nhiên nổi tiếng hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc, nghệ thuật có giá trị đặc biệt của quốc gia hoặc khu vực thiên nhiên có giá trị về địa chất, địa mạo, địa lý, đa dạng sinh học và hệ sinh thái đặc thù nổi tiếng của Việt Nam và thế giới.
Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam: Giá trị lịch sử văn hóa khu Phố cổ cần được nâng tầm để tiếp tục coi trọng bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị. Công tác bảo tồn khu Phố cổ đúng hướng sẽ kích hoạt hoạt động thương mại, du lịch. Từ kinh nghiệm của các quốc gia trong công tác bảo tồn di sản, tái tạo đô thị và phát triển bền vững cho thấy, quận Hoàn Kiếm nói riêng và Hà Nội nói chung đã và đang có những giải pháp hiệu quả trong việc bảo tồn, hình thành nên chính sách đặc thù - đó chính là bảo tồn di sản văn hóa trong đô thị hiện đại, với sự tham gia của cộng đồng. |
“Với tư cách là một bộ phận cấu thành của Thăng Long – Hà Nội qua suốt hàng ngàn năm hình thành và phát triển mà các dấu ấn lịch sử tiêu biểu là đền Bạch Mã và Ô Quan Chưởng, 48 Hàng Ngang mang dấu tích lưu niệm hai nhân vật lịch sử vĩ đại của đất nước là Đức vua Lý Công Uẩn (giai đoạn định đô và xây dựng kinh đô Thăng Long) và Chủ tịch Hồ Chí Minh (giai đoạn Cách mạng tháng 8/1945 và Bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 02 tháng 9/1945 đánh dấu sự ra đời của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa), chợ Đồng Xuân - di tích cách mạng kháng chiến “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, khu Phố cổ Hà Nội hoàn toàn xứng đáng được nâng cấp xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt”, tiến sĩ Đặng Văn Bài nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cùng với Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, khu Phố cổ và hàng ngàn di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt, cũng như các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu đang có tên trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, khu Phố cổ có vai trò quan trọng như một bộ phận cấu thành của một di sản đô thị.
Nhìn từ góc độ di sản đô thị, Phố cổ Hà Nội là bộ phận cấu trúc đô thị điển hình của một đô thị cổ. Với hình thức kiến trúc dân gian, Phố cổ Hà Nội phản ánh dạng thức kiến trúc của nhiều thời kỳ lịch sử của Thủ đô. Lúc đầu là những phường nghề, rồi xuất hiện các phố và ô phố. Các con phố kết nối nhiều phường có chức năng khác nhau thành mạng lưới đường phố - đặc trưng cơ bản của khu Phố cổ. Trong lòng phố cổ còn bảo lưu được kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất phong phú và đa dạng. Nét đặc trưng của phố cổ thể hiện qua các phố nghề gắn kết với nhiều làng nghề nổi tiếng của đồng bằng Bắc Bộ về Thủ đô tập trung lại thành các khu vực chuyên làm nghề với vị tổ nghề riêng được tôn vinh và kính ngưỡng. Với tư cách là vùng đất “hội thủy, hội nhập và hội tụ văn hóa”, Phố cổ Hà Nội có “văn hóa ẩm thực” đặc sắc tạo nên phong vị và sắc thái riêng cho Hà Nội. Lễ hội truyền thống ở phố cổ cũng chiếm vị trí quan trọng và có tác động tích cực, sâu rộng trong đời sống tinh thần của cộng đồng cư dân. Một trong những lễ hội nổi tiếng phải kể đến là Lễ hội Đền Bạch Mã thờ Thần Long Đỗ - một trong Tứ trấn linh thiêng của Thăng Long - Hà Nội…
Phố cổ sẽ là hạt nhân tạo nên di sản đô thị - thành phố di sản của Hà Nội (ảnh: Bảo Thoa) |
Phố cổ Hà Nội còn là trung tâm thương mại, kinh doanh buôn bán sầm uất vào bậc nhất ở Thủ đô. Tại đây, có tới 8.000/13.000 hộ kinh doanh của quận Hoàn Kiếm tạo ra sức sống sôi động cho khu di sản, đồng thời còn là sinh kế bền vững cho cả dân phố cổ; Kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể còn lắng đọng trong khu Phố cổ được đánh giá là loại tài nguyên du lịch có tiềm năng cao, nếu được đầu tư toàn diện, đồng bộ và khai thác đúng mức hoàn toàn có khả năng trở thành động lực phát triển ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô là du lịch văn hóa.
Nhìn tổng quát có thể thấy, cùng với Khu di sản văn hóa thế giới - Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, các di tích lịch sử - văn hóa khu vực nội thị, Khu phố cũ kiến trúc thuộc địa Pháp... Phố cổ sẽ là hạt nhân tạo nên di sản đô thị - thành phố di sản của Hà Nội./.
Bảo Thoa
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Central Retail chung tay bình ổn thị trường cao điểm Tết qua “Lễ hội thịt heo”
Tại sao năm 2025 là năm Ất Tỵ lại được gọi là năm rắn hai đầu?
Công nhân lao động Thủ đô nô nức mua sắm tại “Chợ Tết Công đoàn”
Bảng lương của giáo viên năm 2025
Chuyển đổi năng lượng xanh mở ra tương lai tươi sáng cho Việt Nam
Bất động sản An Gia bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt hành chính hơn 300 triệu đồng
HNX chấp thuận hơn 9,3 triệu cổ phiếu KTT và TKG lên sàn UPCoM ngày 13/1
Tin khác
Cột cờ Hà Nội mở cửa đón khách từ 1/1/2025
Tôi yêu Hà Nội 01/01/2025 15:09
Hà Nội: Chiêm ngưỡng pháo hoa rực rỡ vào thời khắc sang năm mới 2025
Tôi yêu Hà Nội 01/01/2025 12:29
Hoài niệm về Hà Nội xưa qua không gian nghệ thuật ga Long Biên
Tôi yêu Hà Nội 05/12/2024 11:07
Độc đáo di sản cổ tự 2.000 năm tuổi
Tôi yêu Hà Nội 03/12/2024 07:14
Phở - Tinh hoa ẩm thực Hà thành trong kỷ nguyên số
Tôi yêu Hà Nội 03/12/2024 07:06
“Đêm Trúc Bạch” - Trải nghiệm Hà Nội qua lăng kính thời bao cấp
Infographic 28/11/2024 22:32
Báo Lao động Thủ đô giành giải Ba cuộc thi viết về Bảo vệ môi trường Hà Nội năm 2024
Tôi yêu Hà Nội 28/11/2024 10:57
Sông Đáy thuở xưa
Tôi yêu Hà Nội 26/11/2024 08:01
Huyện Thường Tín: Khai thác giá trị văn hóa để phát triển du lịch
Tôi yêu Hà Nội 23/11/2024 21:30
Tổ chức thành công Đại hội Hội Khuyến học quận Bắc Từ Liêm nhiệm kỳ 2024 - 2029
Tôi yêu Hà Nội 22/11/2024 17:29