Tạo đột phá cho Thủ đô phát triển
Hà Nội sắp hoàn tất quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng Hà Nội: Thúc đẩy tiến độ quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống |
PV: Là người theo sát Hà Nội trong công tác quy hoạch, xin ông cho biết việc nghiên cứu quy hoạch hai bên sông Hồng được triển khai thực hiện như thế nào?
Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm |
Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm: Hầu hết các đô thị lớn trên thế giới đều có xu hướng bám ven sông. Kể cả Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cũng là “đất tụ sông”. Đối với Hà Nội chúng ta thấy rất rõ lợi thế của một đô thị lịch sử nghìn năm, nằm ven sông rộng lớn. Thực tế, cả quá trình phát triển của Hà Nội đều gắn liền với khu vực 2 bên sông Hồng, cho nên việc quy hoạch phát triển khu vực này luôn được quan tâm, kể từ thời phong kiến.
Tính từ năm 1954 đến nay, đã 7 lần điều chỉnh quy hoạch Thủ đô, tất cả đều nói đến quy hoạch sông Hồng. Sau khi Hà Nội mở rộng vào năm 2008, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 (tại Quyết định 1259/QĐ-TTg) đã xác định khu vực hai bên sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm của Thủ đô, nơi bố trí các công viên, công trình văn hóa, giải trí lớn để tổ chức những sự kiện có ý nghĩa lớn của Thủ đô. Năm 2012, thành phố Hà Nội đã phê duyệt nhiệm vụ thiết kế quy hoạch phân khu sông Hồng.
Thời gian qua, đã có nhiều tổ chức nghề nghiệp trong nước và một số tổ chức nước ngoài quan tâm nghiên cứu, đề xuất ý tưởng quy hoạch phát triển, với quy mô khác nhau. Năm 1996, dự án Trấn sông Hồng được nhà đầu tư Singapore đề xuất xây dựng ngoài đê khu vực An Dương. Năm 2005, Công ty Indochina Land (Hoa Kỳ) đề xuất dự án khu đô thị khoa học. Đặc biệt là 2 dự án rất quan trọng, một là dự án HAIDEP nằm trong Chương trình phát triển tổng thể Thủ đô Hà Nội giữa Việt Nam - Nhật Bản (năm 2004) trong đó đề xuất khai thác phát huy hai bên sông Hồng; hai là dự án hợp tác quy hoạch cải tạo và phát triển hai bên bờ sông Hồng, đoạn qua Hà Nội (năm 2006) giữa Hà Nội và Seoul (Hàn Quốc)...
PV: Theo ông, đâu là tiềm năng và thách thức khi thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng?
Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm: Sông Hồng có chiều dài gần 1.200km, bắt nguồn từ dãy núi Ngụy Sơn của Trung Quốc, chảy qua tỉnh Vân Nam và vào Việt Nam với chiều dài gần 560km chảy qua 18 tỉnh, thành phố. Quá trình Hà Nội mở rộng, khoảng gần 120km, khu vực hai bên sông Hồng đã là trục không gian lịch sử - văn hóa gắn với quá trình phát triển Thăng Long - Hà Nội, là trục sinh thái, cảnh quan kết nối Thủ đô với vùng, kết nối các huyện, quận của Thành phố, là khu vực tiềm năng lớn của Thủ đô.
Phạm vi nghiên cứu của quy hoạch là khu vực từ cầu Hồng Hà tới cầu Mễ Sở với chiều dài khoảng 40km nằm trong đô thị trung tâm Hà Nội thuộc địa bàn 13 quận, huyện, có diện tích khoảng 11.000ha. Trong đó sông Hồng có diện tích 3.600ha (chiếm 33% tổng diện tích), đất bãi sông có diện tích khoảng 5.480ha (chiếm khoảng 50% tổng diện tích) và 1.190ha còn lại là khu vực đã xây dựng, khu dân cư… Những con số này cho thấy, Hà Nội sẽ có một quỹ đất khá lớn để có thể phát triển hạ tầng phục vụ nhu cầu an sinh xã hội.
Ngoài ra, với lịch sử hình thành và phát triển hơn 1.000 năm, đô thị Hà Nội còn lưu giữ trong mình rất nhiều hình ảnh và dấu tích của quá khứ, đặc biệt tại khu trung tâm thành phố nơi con sông Hồng cận kề, đó là khu phố cổ, khu phố cũ, các công trình tôn giáo tín ngưỡng, di tích lịch sử văn hoá, hệ thống không gian xanh, mặt nước sông hồ… là tiềm năng cho phát triển du lịch ven sông, công viên văn hóa; cũng là khu vực có thuận lợi về giao thông thủy vận tải hàng hóa, kết nối với cả vùng.
Quy hoạch phân khu hai bờ sông Hồng tạo động lực cho Thủ đô phát triển. Ảnh: KTDT |
Mặc dù là khu vực tiềm năng lớn để phát triển Thủ đô, song đây cũng là khu vực đang đối diện với không ít thách thức cần phải giải quyết. Đó là việc tiềm ẩn nguy cơ lũ lụt, mực nước cạn kiệt ảnh hưởng đến nguồn nước tưới phục vụ nông nghiệp cho cả vùng. Môi trường trên dòng sông, bãi sông ngày càng suy giảm. Hiện tượng khai thác cát, đổ phế thải gây ô nhiễm môi trường. Giao thông thủy chưa phát huy khả năng. Bên cạnh đó, các khu dân cư hiện chưa đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, chưa kiểm soát được biến động dân số và chưa xác định rõ các khu dân cư ổn định, khu cần di dời để đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sống.
PV: Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa thông qua về chủ trương Dự thảo đồ án Quy hoạch phân khu đô thị hai bên sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000, để xin ý kiến các bộ, ngành liên quan, dự kiến phê duyệt trong tháng 6/2021. Theo ông, bản quy hoạch lần này có gì khác so với những lần trước đó?
Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm: Lần này, quy hoạch phân khu sông Hồng thực hiện theo đúng lộ trình, được kiểm soát chặt chẽ hơn, “đi chậm nhưng chắc hơn”. Với những kết quả đạt được, khẳng định bước tiến vượt bậc về công tác quy hoạch và cụ thể hóa các quy hoạch chung xây dựng Thủ đô từ trước đến nay, nhằm định hướng, tạo công cụ pháp lý cho phát triển, quản lý.
Bản quy hoạch lần này đã kế thừa toàn bộ những thành quả của các nghiên cứu trước đó, như: Nghiên cứu tuyến thoát lũ sông Hồng đoạn qua Hà Nội của Viện Nghiên cứu khoa học thủy lợi (1997) và gần đây (2020) là nghiên cứu đề xuất chỉnh trị sông Hồng qua trung tâm Hà Nội (chương trình nghiên cứu khoa học 08/16 - 20); Dự án giao thông thủy sông Hồng đoạn qua Hà Nội của Ban Quản lý đường thủy, Bộ Giao thông vận tải (1997 - 1998); Nghiên cứu phát triển du lịch hai bên sông Hồng (đề tài nghiên cứu khoa học của Hà Nội 2001); Quy hoạch chi tiết khai thác sử dụng đất và phân bố dân cư hai bên sông Hồng đoạn qua Hà Nội (2004); Dự án thí điểm cải tạo xây dựng một khu dọc sông Hồng tại quận Tây Hồ; một số thí điểm kè bờ sông… Bên cạnh đó, chúng ta đã có bài học kinh nghiệm như phát triển khu vực hai bên sông Hàn của Seoul (Hàn Quốc), khu vực sông Seine của Paris (Pháp), khu vực sông Tiền Đường của Hàng Châu (Trung Quốc), kinh nghiệm xây dựng nhà chống lũ của nhiều nước…
Cùng với các nghiên cứu khoa học, bản quy hoạch lần này cũng dựa vào các cơ sở pháp lý đã được ban hành như: Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều 06/2020/QH14; Quyết định 257/QĐ-TTg tháng 2/2015 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình; Luật Xây dựng; Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.
Đáng chú ý, quy hoạch lần này đã đặt ra vấn đề lấy trục sông Hồng làm trục cảnh quan trung tâm của Thành phố. Như vậy, phải phát triển sông Hồng chảy giữa thành phố, các vùng đều phát triển đồng bộ. Sắp tới, sẽ có một số huyện như Gia Lâm, Đông Anh thành quận, vấn đề này đòi hỏi phải có hệ thống giao thông đi lại phát triển hơn, việc xây thêm các cây cầu có tác dụng rất lớn để tạo động lực cho khu vực tả ngạn (phía Bắc sông Hồng) phát triển, giúp giãn dân nội đô, tạo nên diện mạo mới cho Hà Nội.
Hà Nội sẽ còn phải đi tiếp một chặng đường dài, để sông Hồng thật sự trở thành một nguồn lực của Thành phố cả về cảnh quan, sinh thái, du lịch. Song với những thuận lợi, kinh nghiệm và nhất là sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Thành phố, hy vọng quy hoạch sớm được phê duyệt. Khi đó sẽ tạo đột phá cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khai thác tiềm năng lợi thế của Thủ đô. Đồng thời, giúp quản lý dân cư có hiệu quả, nâng chất lượng sống cho người dân và chắc chắn rằng đây sẽ là điểm đến hấp dẫn cho nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước đã chờ đợi từ nhiều năm nay.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Khởi nghiệp sáng tạo có thể tạo ra những thay đổi đột phá
Ngày 1/12, Đại học Bách khoa Hà Nội mở đăng ký thi đánh giá tư duy
Quỹ Phát triển Tài năng Việt trao tặng hồ bơi thứ hai cho trẻ em nghèo
Bảo đảm đầy đủ các yếu tố cần thiết phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT
6 học sinh Hà Nội tham dự kỳ thi Olympic khoa học trẻ quốc tế năm 2024
Trao đổi kinh nghiệm để nâng cao chất lượng giáo dục
Luật Công đoàn (sửa đổi) duy trì mức đóng kinh phí công đoàn 2%
Tin khác
Truy tố cựu Chủ tịch tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và đồng phạm
Nhịp sống Thủ đô 26/11/2024 21:52
Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á 2024 sắp diễn ra tại Hà Nội
Thủ đô 26/11/2024 21:52
Lãnh đạo Mặt trận thành phố Hà Nội thăm hỏi gia đình 4 nạn nhân tử vong tại Chương Mỹ
Nhịp sống Thủ đô 26/11/2024 19:28
Thanh niên quận Bắc Từ Liêm với chuyển đổi số, văn minh - an toàn
Nhịp sống Thủ đô 26/11/2024 18:15
Tạo đột phá mới, bước vào kỷ nguyên vươn mình: Bắt đầu từ nêu gương, dám nghĩ, dám làm
Nhịp sống Thủ đô 26/11/2024 10:00
Chuyển đổi số - xây dựng quận Bắc Từ Liêm thông minh phát triển xứng tầm
Nhịp sống Thủ đô 25/11/2024 22:00
Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Đỗ Anh Tuấn tiếp Đoàn đại biểu Tổng Công hội Bắc Kinh
Nhịp sống Thủ đô 25/11/2024 16:34
Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông trong thanh, thiếu niên
Nhịp sống Thủ đô 25/11/2024 06:18
Nguồn sức mạnh nội sinh to lớn để phát triển Thủ đô Hà Nội
Nhịp sống Thủ đô 24/11/2024 08:24
Hà Nội: Tuyên dương 68 người con hiếu thảo
Nhịp sống Thủ đô 23/11/2024 21:39