Tạo sân chơi bổ ích cho trẻ trong dịp hè
Hà Nội: Nhà trường không tổ chức dạy thêm, dạy trước trong dịp hè Sân chơi bổ ích cho trẻ trong dịp hè |
Nỗi lo thường trực
Cùng với học sinh cả nước, học sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội đã chính thức bước vào kỳ nghỉ hè sau một năm học tập đầy căng thẳng, vất vả. Bên cạnh niềm vui của con trẻ là nỗi lo lắng của phụ huynh trong việc tìm “sân chơi” an toàn, bổ ích cho các em mỗi khi hè về. Để con thỏa sức vui chơi, tự do khám phá trong mỗi dịp hè, nói thì dễ nhưng sắp xếp được rất khó, nhất là trong bối cảnh không gian thành phố chật hẹp, khi nhịp sống ngày càng nhanh và cha mẹ luôn bận rộn.
Các cấp, ngành, địa phương đã, đang nỗ lực triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm giúp các em có một kỳ nghỉ hè thực sự an toàn, bổ ích. |
Chị Lương Quế Lâm (phường Nam Đồng, quận Đống Đa) cho biết: “Vợ chồng tôi có hai cháu. Cháu lớn sắp vào lớp 4, còn cháu bé chuẩn bị vào lớp 1. Tính đi tính lại, vợ chồng tôi vẫn chưa thống nhất được nên cho con về quê hay ở lại. Về quê thì lo ông bà đã có tuổi, bên cạnh vườn nhà lại nhiều ao, sểnh ra một cái thì ân hận. Mà để con ở lại thì hai vợ chồng đều đi làm từ sáng sớm đến chiều muộn. Trẻ nhỏ tự chơi, tự quản, tôi rất lo các cháu lên mạng chơi điện tử, rồi xem tivi cả ngày... Chưa kể đến nguy cơ điện giật, bỏng nước sôi, trượt ngã hoặc tai nạn bất ngờ”.
Chung nỗi lo, chị Nguyễn Thị Cúc (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) bày tỏ: “Con lớn nhà tôi năm nay học lớp 8 nên đã có ý thức giúp đỡ bố mẹ trông em và phụ giúp những việc nhỏ trong gia đình. Tuy nhiên, những lúc bố mẹ vắng nhà, tôi không biết các con làm gì và cũng rất lo các con sẽ sa đà vào việc sử dụng thiết bị điện tử. Làm việc tại cơ quan mà lúc nào cũng lo lắng không nguôi, thường xuyên phải gọi điện thoại về nhà hoặc xem camera. Tôi đang tìm hiểu các khóa trại hè tiếng Anh để các con tham gia, từ đó giúp các con vừa nâng cao được trình độ ngoại ngữ, vừa rèn kỹ năng sống và tránh xa những thiết bị điện tử”.
Từ khi các con được nghỉ hè đến nay, sáng nào chị Đặng Thị Vân (phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm) cũng gọi con dậy từ sớm rồi đưa đến gửi ở nhà ông bà ngoại. Chị Vân chia sẻ: “Hai cháu nhà tôi đang tuổi ăn tuổi nghịch. Nếu không có người lớn quản lý, hở ra là các cháu xem ti vi, chơi điện thoại quên cả ăn uống. Mạng xã hội bây giờ quá nhiều thông tin xấu độc, trẻ con vốn tò mò, không biết làm thế nào để kiểm soát. Tôi đưa con đến nhà ông bà ngoại nhờ trông nom cho yên tâm”.
Để trẻ có kỳ nghỉ hè an toàn, ý nghĩa
Chia sẻ về kế hoạch nghỉ hè của con, anh Đỗ Ngọc Minh (phường Phương Liên, quận Đống Đa) cho biết: “Mỗi năm, khi bước vào kỳ nghỉ hè, vợ chồng tôi thường gửi con về quê nội, quê ngoại chơi một thời gian. Do không gian ở Thành phố chật hẹp, hai vợ chồng cũng không có nhiều thời gian để đưa con đi chơi nên gửi con về quê là lựa chọn được ưu tiên. Con về bên nội, ngoại trước tiên để biết họ hàng, xóm làng; có không gian vui chơi thoải mái, an toàn; đặc biệt là tránh xa các thiết bị điện tử… Con có thời gian khoảng một tháng để trải nghiệm, vui chơi ở quê sau đó trở lại thành phố tham gia các khóa học, trải nghiệm hè tại nhà trường, nhà văn hóa thiếu nhi. Như vậy mùa hè của con vừa được thư giãn, nghỉ ngơi vừa được tham gia hoạt động nhẹ nhàng”.
Theo ghi nhận, để trẻ có một kỳ nghỉ hè thực sự an toàn, bổ ích, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đã, đang nỗ lực triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa. Chẳng hạn, tại quận Hoàn Kiếm, mỗi dịp nghỉ hè, từ quận đến các phường, tổ dân phố đều tổ chức nhiều hoạt động vui tươi, bổ ích, phù hợp với lứa tuổi trẻ em. Hiện tại, các tổ dân phố đã bắt tay triển khai các chương trình dạy tập luyện thể thao, kỹ năng sống... cho trẻ em trên địa bàn. Quận cũng tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, hướng dẫn trẻ em kỹ năng sống, phòng, chống nguy cơ vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội… Đặc biệt, quận tổ chức tốt việc phối hợp giữa nhà trường, gia đình, chính quyền, các đoàn thể ở cơ sở trong công tác quản lý, giám sát, hướng dẫn trẻ em vui chơi, nghỉ hè an toàn, lành mạnh, bổ ích và phòng chống tai nạn thương tích trong dịp hè.
Hội đồng Đội các cấp Thành phố đẩy mạnh truyền thông thông qua các tài liệu trang bị kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em như: Phòng, chống tai nạn thương tích, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, kỹ năng phòng, chống xâm hại và bảo đảm an toàn cho trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh, kỹ năng sử dụng điện... Các đơn vị cũng tiếp tục sáng tạo và nhân rộng mô hình hay về giải pháp tăng cường hiệu quả sử dụng công nghệ thông tin an toàn với thiếu nhi Thủ đô; tiếp tục vận động nguồn lực xã hội để xây mới, chỉnh trang, nâng cấp sân chơi cho thiếu nhi và phối hợp, hỗ trợ xây dựng bể bơi, trang thiết bị vui chơi, giải trí ở địa bàn dân cư… Các hoạt động này nhằm xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, tạo điều kiện để mọi trẻ em có một mùa hè an toàn, lành mạnh.
Đặc biệt, điểm mới trong công tác tổ chức hoạt động hè năm nay ở Hà Nội là mở cửa trường học, tạo điều kiện để học sinh sử dụng cơ sở vật chất của trường. Thông qua các nội dung hoạt động phong phú, các nhà trường đều có chung mục tiêu giúp học sinh có được một kỳ nghỉ trọn vẹn, không để kỳ nghỉ hè thành “học kỳ III”. Trong dịp hè, Trường Trung học cơ sở Hoàng Mai (quận Hoàng Mai) đẩy mạnh hoạt động thư viện, vừa để học sinh có thêm sân chơi bổ ích, vừa dần hình thành cho các em thói quen đọc sách. Nhằm lôi cuốn học sinh đến thư viện và củng cố kỹ năng đọc cho học sinh, nhà trường sẽ tổ chức các hoạt động như kể chuyện theo sách; viết, vẽ, đọc sách theo chủ đề...
Tương tự, Trường Tiểu học Phong Vân (huyện Ba Vì) cũng thông báo mở cửa thư viện 3 ngày/tuần. Trường quy định mỗi học sinh phải đọc được một số lượng sách nhất định trong dịp hè, đồng thời viết bài giới thiệu về những cuốn sách mình đã được đọc. Trường sẽ khen thưởng những bài giới thiệu sách hay, những học sinh đọc được nhiều sách nhất.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu việc tổ chức hoạt động hè cho học sinh phải được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện, trên tinh thần tăng cường tuyên truyền, vận động, khuyến khích các em tham gia có sự ủng hộ của cha mẹ học sinh. Các hoạt động được tổ chức đồng bộ, thiết thực, đạt hiệu quả giáo dục cao, tạo tâm thế phấn khởi cho các em chuẩn bị bước vào năm học mới.
Phạm Thảo
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Hình thành thế hệ nông dân mới, dám nghĩ, dám làm
Xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại theo hướng phát triển đô thị là một trong những yêu cầu quan trọng đặt ra tại Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn Hà Nội. Để đạt được mục tiêu này, rất nhiều khó khăn, vướng mắc cần phải tháo gỡ, tạo sức bật cho nông dân dám nghĩ, dám làm. Dù khó là vậy nhưng huyện Đan Phượng đã làm được bởi có những cách làm hay, tạo hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp. |
Hà Nội: Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sử dụng đất huyện Mê Linh đến năm 2030
Quy định về ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật trên mạng từ 25/12/2024
Bảng giá đất cũ được áp dụng đến hết 31/12/2025
Phản biện Dự thảo Nghị quyết quy định áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp điện, nước
Đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ việc, vụ án về tham nhũng, tiêu cực
Quận Hoàn Kiếm: Khẳng định vị thế trong hệ thống giáo dục Thủ đô
Tin khác
Tái hiện lời căn dặn của Bác Hồ trong đêm diễn đặc biệt tại Hoàng thành Thăng Long
Văn hóa 14/11/2024 18:19
Bộ Y tế thông tin về điều chỉnh giá khám chữa bệnh theo mức lương cơ sở
Y tế 14/11/2024 15:25
Vinh danh 196 nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo
Giáo dục 14/11/2024 13:55
Hương thu ở phố sương mù
Cộng đồng 14/11/2024 11:31
Tôn vinh nhà giáo Thủ đô tâm huyết, sáng tạo
Giáo dục 14/11/2024 10:13
Nhan sắc Việt thăng hạng trên đấu trường quốc tế
Văn hóa 14/11/2024 09:47
Đông về nhớ vị muối quê
Văn hóa 14/11/2024 07:31
Các bạn trẻ hào hứng với trải nghiệm “siêu xanh, siêu xinh” đến từ Vinamilk
Cộng đồng 13/11/2024 20:04
Phát triển sự nghiệp giáo dục trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Giáo dục 13/11/2024 18:02
Nâng cao năng lực truyền thông chính sách, pháp luật về thực hành kinh doanh
Xã hội 13/11/2024 11:33