Thúc đẩy và khuyến khích thanh niên, sinh viên khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, bối cảnh kinh tế - xã hội toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng và phức tạp với nhiều thách thức như sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu, suy giảm của nguồn nguyên liệu, gia tăng số doanh nghiệp giảm quy mô hoặc đóng cửa vĩnh viễn; vấn đề già hóa dân số, thiếu hụt lương thực, ô nhiễm tài nguyên hay việc kiểm soát sự phát triển của trí tuệ nhân tạo...
“Tất cả những thách thức đó đòi hỏi sự nỗ lực không phải chỉ của một cá nhân, một tập thể, một quốc gia đơn lẻ, mà phải là sự đồng nhất trong tư duy, hành động của cả thế giới”, ông Nghĩa nói.
Đại biểu Quốc hội Việt Nam Phạm Trọng Nghĩa phát biểu tại hội nghị |
Trong bối cảnh đó, một mặt, các chính sách khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tạo ra môi trường khuyến khích kiến tạo những giải pháp mới, công cụ mới cho việc phát triển con người, phát triển kinh tế - xã hội, mặt khác, cũng tạo ra khuôn khổ phù hợp cho sự phát triển cân bằng, bền vững.
Ông Phạm Trọng Nghĩa nhìn nhận, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng trong bối cảnh hiện nay, là động lực mới cho sự tăng trưởng và phát triển một cách bền vững.
Tại Việt Nam, hiện nay, số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đang tăng dần lên (khoảng 3.000 doanh nghiệp), trong đó, có 3 doanh nghiệp được định giá trên một tỷ USD và 11 doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD. Việt Nam xếp vị trí 48/132 quốc gia, nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), giữ vị trí thứ 4 khu vực Đông Nam Á; hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đứng thứ 54 trên thế giới, thứ 10 khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Việt Nam hiện có hơn 1.400 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó, 196 khu làm việc chung, 69 vườn ươm doanh nghiệp và 28 tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Số lượng quỹ đầu tư mạo hiểm coi Việt Nam là thị trường mục tiêu hoặc có hoạt động tại Việt Nam hiện nay là 108, trong đó có 23 quỹ có pháp nhân Việt Nam.
“Đây là những minh chứng cho một Việt Nam trẻ, năng động với tinh thần và nghị lực khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo được cộng đồng quốc tế ghi nhận”, Đại biểu Quốc hội Việt Nam chia sẻ.
Theo ông Nghĩa, việc phát triển đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Việt Nam khởi phát mạnh mẽ năm 2016, Quốc hội Việt Nam đã ban hành mới, sửa đổi, bổ sung nhiều Luật như: Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Đầu tư, Luật Sở hữu trí tuệ... Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025”. Điều đó thể hiện rõ chủ trương, chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, thu hút, sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Hệ thống các trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã và đang được hình thành; với hơn 20 tỉnh, thành phố xây dựng Đề án, xây dựng kế hoạch thành lập và thành lập các mô hình trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Đã có 60/63 tỉnh thành phố triển khai hoạt động xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp tại địa phương nhằm khai thác những lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh như: nông nghiệp, giáo dục, công nghệ thông tin...
“Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, đổi mới, sáng tạo, hướng tới trở thành một trong những trung tâm cung ứng lương thực, thực phẩm chất lượng cao”, ông Nghĩa nói.
Trong năm 2022, với nhiều nỗ lực trong ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, ngành nông nghiệp đã đạt những kết quả ấn tượng: Lĩnh vực trồng trọt, về sản xuất lúa, sản lượng đạt trên 42,66 triệu tấn, xuất khẩu gần 7,2 triệu tấn (cao nhất trong những năm gần đây), xuất khẩu gạo đạt 3,49 tỷ USD; xuất khẩu thủy sản đạt kết quả kỷ lục gần 11 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay; lĩnh vực lâm nghiệp, xuất khẩu lâm sản đạt 17 tỷ USD, xuất siêu ước đạt 14,1 tỷ USD.
“Những con số này thể hiện tiềm năng dồi dào trong phát triển đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm (hay còn gọi là Foodtech), đây là công cụ góp phần tích cực cho tiến trình thực hiện các mục tiêu Phát triển bền vững, giải quyết vấn đề an ninh lương thực”, ông Phạm Trọng Nghĩa bày tỏ.
Bên cạnh đó, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp và công nghệ thực phẩm ở Việt Nam cũng đang đi theo xu hướng của thế giới, với nhiều giải pháp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt và trong việc khai thác tài nguyên bản địa, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tạo ra sản phẩm dịch vụ mới. Các doanh nghiệp lớn, tập đoàn tại Việt Nam cũng đã quan tâm nhiều tới tiêu chuẩn Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG), đã tham gia sâu hơn vào hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp vì mục tiêu phát triển bền vững.
Quang cảnh phiên thảo luận chuyên đề 2 về “Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp” |
Với vai trò là những Nghị sĩ trẻ, đại diện cho các cơ quan lập pháp trên toàn thế giới, cùng nhau chung tay để thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ở phạm vi toàn cầu, ông Phạm Trọng Nghĩa đề xuất Quốc hội tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho việc đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học và công nghệ; hỗ trợ những mô hình đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp (sandbox); đặc biệt là, cần tôn trọng, khuyến khích và chuyển tải những tư duy đồng hành, hỗ trợ các chủ thể của đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong xây dựng và thực thi các chính sách, pháp luật.
Bên cạnh đó, ông Nghĩa cũng đề nghị các thành viên IPU xem xét thiết lập mạng lưới các nghị sĩ trẻ toàn cầu về đổi mới sáng tạo để đồng hành cùng chính phủ các nước hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ tốt hơn cho phát triển bền vững thông qua đổi mới sáng tạo.
Phát triển các sáng kiến, hoạt động, tổ chức có năng lực kết nối, hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp ở phạm vi nhiều quốc gia, khuyến khích, hỗ trợ các dự án, doanh nghiệp thực hành đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Từ đó, tạo môi trường đào tạo và thực hành tốt nguồn nhân lực tương lai cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vì mục tiêu phát triển bền vững. “Trung tâm của đổi mới sáng tạo, của khởi nghiệp phải được xác định là con người, là thế hệ trẻ. Các chính sách cần hướng tới thúc đẩy và khuyến khích các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong thanh niên, sinh viên”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Hà Nội: Quan tâm, nâng đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn
Long trọng kỷ niệm 100 năm thành lập thị xã Sơn Tây
Techcombank tiên phong triển khai dịch vụ xác thực điện tử qua VneID
Hà Nội giành giải Nhất toàn đoàn tại Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2024
Bế mạc Giải Bóng bàn tranh Cúp Báo Hànộimới lần thứ XI năm 2024
Cô giáo hết lòng vì học sinh thân yêu
Báo Kinh tế & Đô thị trao tặng nhà cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại Hà Giang
Tin khác
Mở rộng đối tượng tham gia, linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp
Sự kiện 09/11/2024 21:45
Tạo điều kiện cho nhà giáo được phát triển nghề nghiệp suốt cuộc đời
Sự kiện 09/11/2024 21:31
Luật Nhà giáo: Đề xuất các chính sách ưu tiên, hỗ trợ, thu hút nhà giáo
Sự kiện 09/11/2024 14:45
Sửa Luật Việc làm: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Sự kiện 09/11/2024 10:40
Đại biểu lo ngại việc lộ, lọt dữ liệu, xâm phạm quyền riêng tư ngày càng gia tăng
Sự kiện 08/11/2024 18:26
Rõ nhiệm vụ của các bộ, cơ quan, địa phương với hoạt động quảng cáo
Sự kiện 08/11/2024 16:26
Đại biểu Quốc hội: Cần có cơ chế tính giá điện linh hoạt theo giờ, vị trí, nguồn cấp
Sự kiện 07/11/2024 21:53
Quốc hội điều chỉnh Chương trình Kỳ họp thứ 8
Sự kiện 07/11/2024 16:42
Tháo gỡ điểm nghẽn trong lĩnh vực tài chính, ngân sách
Sự kiện 07/11/2024 16:40
Hôm nay (7/11), Quốc hội thảo luận về dự án Luật Điện lực (sửa đổi)
Sự kiện 07/11/2024 09:42