TRỰC TUYẾN: Giải đáp về Đại hội Công đoàn và các chế độ, chính sách liên quan đến người lao động
Báo LĐTĐ tiếp tục tổ chức đối thoại, giao lưu trực tuyến Đối thoại, giao lưu trực tuyến: Chế độ, chính sách mới và chăm sóc sức khỏe cho người lao động |
Đến dự buổi Đối thoại, giao lưu trực tuyến có các đại biểu: Ông Nguyễn Huy Khánh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội; ông Kiều Thanh Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Hà Nội; ông Nguyễn Bá Châu - Ủy viên Ban Thường vụ, Chánh Văn phòng LĐLĐ Thành phố; ông Lê Xuân Trường - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức LĐLĐ Thành phố; ông Tạ Văn Dưỡng - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Chính sách pháp luật và quan hệ lao động.
Đại biểu tham dự buổi giao lưu. |
Về phía Ban Tổ chức có bà Lê Thị Bích Ngọc - Ủy viên Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố Hà Nội, Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô; ông Nguyễn Xuân Hoản - Chủ tịch Công đoàn ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội; ông Nguyễn Văn Bình và ông Đinh Tuấn Anh - Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô.
Buổi Đối thoại, giao lưu trực tuyến còn có sự tham dự của đại diện các ban của LĐLĐ thành phố Hà Nội; LĐLĐ các quận, huyện, Công đoàn ngành, đại diện lãnh đạo doanh nghiệp, các đồng chí là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở và đặc biệt là sự có mặt của gần 200 đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) thuộc Công đoàn ngành NN&PTNT Hà Nội.
Tham gia giải đáp câu hỏi của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội (BHXH), Công đoàn gồm: Ông Tạ Văn Dưỡng - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động LĐLĐ thành phố Hà Nội; ông Lê Xuân Trường - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức LĐLĐ Thành phố; Bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội; bà Phạm Thị Thanh Phương, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH XTVN.
8h40: Phát biểu khai mạc buổi Đối thoại, giao lưu trực tuyến, đồng chí Lê Thị Bích Ngọc - Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô cho biết: Chính sách pháp luật, đặc biệt là Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn vệ sinh lao động… là những chính sách có phạm vi rộng lớn, nhưng lại có sự gắn bó chặt chẽ, liên quan thiết thực tới người lao động. Do đó, tuyên truyền, phổ biến, cung cấp kiến thức pháp luật đến cả chủ sử dụng lao động và người lao động là việc làm hết sức cần thiết.
Đồng chí Lê Thị Bích Ngọc - Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô phát biểu khai mạc buổi đối thoại. |
Bên cạnh đó, trong năm 2023 này, khi các cấp Công đoàn đang tập trung tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2023 - 2028, việc nắm rõ các quy định, quy trình, cách thức tổ chức Đại hội như thế nào để đảm bảo Đại hội được tổ chức thành công, thật sự là đợt sinh hoạt chính trị dân chủ, rộng rãi cũng là điều mà các cán bộ, đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ đang quan tâm.
“Từ những lý do trên, Ban Tổ chức đã quyết định lựa chọn chủ đề của buổi Đối thoại, giao lưu trực tuyến lần này là “Những điều cần biết về Đại hội Công đoàn và chế độ chính sách liên quan đến người lao động”. Với chủ đề này, chúng tôi đã mời các chuyên gia là luật sư, cán bộ công đoàn, cán bộ ngành Bảo hiểm xã hội - những nhà hoạch định và triển khai chính sách; rất am hiểu về pháp luật lao động, các chính sách pháp luật liên quan tới người lao động, nắm vững các kiến thức liên quan công tác tổ chức Đại hội Công đoàn để trả lời các câu hỏi của cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức lao động.
Đây là một cơ hội quý để các cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ có thể cập nhật, trang bị những kiến thức cần thiết cho bản thân trong quá trình triển khai công việc, tham gia quan hệ lao động, vì thế chúng tôi đề nghị người lao động tham gia buổi giao lưu hôm nay sẽ mạnh dạn đặt nhiều câu hỏi với các chuyên gia của chúng tôi để có được những câu trả lời thỏa đáng”, Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô nhấn mạnh.
8h55: Phát biểu tại buổi Đối thoại, giao lưu trực tuyến, Chủ tịch Công đoàn ngành NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Hoản cho biết: Để thực hiện tốt chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho CNVCLĐ, trong những năm qua, Công đoàn ngành NN&PTNT Hà Nội đã bám sát nhiệm vụ chính trị của tổ chức Công đoàn, có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiện quả, đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Ông Nguyễn Xuân Hoản - Chủ tịch Công đoàn ngành NN&PTNNT phát biểu tại buổi giao lưu |
Trong đó, Công đoàn ngành đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền vận động, phổ biến giáo dục và tư vấn pháp luật cho người lao động, nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật, để chủ động tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi giao kết và thực hiện hợp đồng lao động.
Hàng năm, Công đoàn ngành đã phối hợp với Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ Thành phố; Công ty Luật GATACA tổ chức tuyên truyền, đối thoại về chính sách pháp luật về Bảo hiểm xã hội, pháp luật lao động... đối với doanh nghiệp; tuyên truyền phổ biến các chế độ chính sách đối với người lao động (NLĐ) như việc làm, tiền lương, tranh chấp lao động, cổ phần hóa doanh nghiệp và quyền lợi của người lao động... cho cán bộ công đoàn cơ sở và đại diện công nhân lao động.
Đặc biệt, để Đại hội Công đoàn cơ sở và Công đoàn ngành diễn ra đúng quy định, tiến độ, thời gian qua, Công đoàn ngành NN&PTNT Hà Nội đã chú trọng tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ công đoàn ngành và cán bộ công đoàn ở cơ sở.
Hôm nay, Công đoàn ngành NN&PTNT Hà Nội phối hợp với Báo Lao động Thủ đô tổ chức chương trình Đối thoại, giao lưu trực tuyến về “Những điều cần biết về Đại hội Công đoàn và chế độ chính sách liên quan đến người lao động” cho CNVCLĐ ngành NN&PTNT Hà Nội, nhằm giúp cán bộ, đoàn viên công đoàn, người lao động, người sử dụng lao động hiểu rõ hơn về quy định, quy trình, cách thức tổ chức đại hội Công đoàn và các chế độ, chính sách liên quan trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động hiện nay.
Ban Tổ chức tặng hoa các chuyên gia tham gia tư vấn tại chương trình |
9h00: Các chuyên gia bắt đầu trả lời các câu hỏi của đoàn viên, người lao động và bạn đọc
Chuyên gia trả lời câu hỏi của công nhân, viên chức, lao động. |
Anh Dương Xuân Hưng (Công ty Thủy lợi Hà Nội) hỏi:
Hiện nay cơ quan Bảo hiểm xã hội có triển khai ứng dụng VssID, sau khi cài đặt, một số lao động trong Công ty tôi còn cập nhật thiếu năm đóng BHXH (giai đoạn từ năm 2008 trở về trước). Chuyên gia cho hỏi như vậy có ảnh hưởng đến tổng thời gian tham gia đóng bảo hiểm của lao động không? Nếu ảnh hưởng thì phải làm thế nào? Trường hợp mất sổ Bảo hiểm xã hội thì phải làm gì?
Trường hợp trong Công ty tôi có đồng chí công nhân sinh năm 1985, đã có thời gian công tác 16 năm, bị tai nạn rủi ro trong thời gian nghỉ ngơi tại nhà. Hiện nay đã bị liệt mất khả năng lao động, chỉ được hưởng chế độ ốm đau khi có hồ sơ điều trị gửi cơ quan BHXH (thẻ cấp 3 tháng 1 lần). Xin hỏi chuyên gia có thể vận dụng được chế độ chính sách nào nữa để tháo gỡ khó khăn cho đồng chí nói trên?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Ban đầu khi triển khai VssID, trong quá trình triển khai có những điều chưa thống nhất và đồng bộ. Với những trường hợp người lao động đã có thời gian công tác trước năm 2008, chưa được ghi nhận vào sổ có 2 trường hợp.
Trường hợp thứ nhất, đơn vị chưa đồng bộ quyển sổ xanh (quyển sổ cũ) theo Quyết định 4027, người lao động phải nộp lại quyển sổ xanh với BHXH quận, huyện để đồng bộ dữ liệu. Đối với những trường hợp do đơn vị đóng chưa chốt sổ trước năm 2008 vẫn bắt buộc phải phối hợp với đơn vị để chốt sổ để thể hiện trên VssID.
Trường hợp thứ hai, do sơ suất của cơ quan BHXH khi thực hiện, người lao động điều chuyển công tác từ đơn vị này sang đơn vị khác. Tuy nhiên khi chuyển sang đơn vị mới chưa kéo đủ quá trình về, thể hiện trên VssID chưa đủ thì đơn vị chỉ cần liên hệ với cán bộ chuyên quản của đơn vị mình để giải quyết.
Trường hợp mất sổ Bảo hiểm, trên VssID có hướng dẫn, người lao động có thể ngồi ở nhà để làm thủ tục.
Về trường hợp người công nhân sinh năm 1985, đã có thời gian công tác 16 năm, bị tai nạn rủi ro trong thời gian nghỉ ngơi tại nhà, dưới góc độ cơ quan BHXH, người lao động được hưởng chế độ ốm dài ngày. Hoặc để một thời gian, nếu cảm thấy sức khỏe không ổn định, có thể làm thủ tục về hưu trước tuổi (trước 10 tuổi) với điều kiện có làm giám định y khoa.
Chị Nguyễn Thị Hồng Hà (Công ty sông Nhuệ) hỏi: Đơn vị tôi thi thoảng có thay đổi nhân sự, chuyển công tác sang đơn vị khác, do thủ tục nên có quyết định vào cuối tháng, sang đầu tháng sau mới báo giảm được nên BHXH truy thu BHYT của tháng đó. Nhưng đơn vị mới báo tăng cũng vẫn phải đóng BHYT, nhiều khi bị trùng. Điều này BHXH có giải pháp gì không?
Chị Phạm Thị Kim Loan, công tác tại Công ty Sông Nhuệ đặt câu hỏi tại buổi giao lưu. |
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Đối với trường hợp chuyển BHYT khi chuyển đơn vị khi báo giảm muộn thì phải truy thu BHYT. Đây là việc nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Nếu xác định người lao động chuyển đi thì phải báo giảm kịp thời trong tháng, để không bị truy thu tháng sau. Hiện tại trong quy định, đóng BHXH, BHYT là chúng ta phải đóng trong tháng, từ ngày đầu tiên đến ngày cuối cùng của tháng.
Chị Phạm Thị Kim Loan - Công ty sông Nhuệ hỏi: 1: Tôi xin được hỏi tiêu chuẩn đối với nhân sự tham gia Ban Chấp hành, Ủy ban kiểm tra Công đoàn các cấp được thực hiện theo quy định nào?
2. Tại Đại hội Công đoàn các cấp thì Đoàn Chủ tịch Đại hội có quyền hạn, nhiệm vụ gì? Trường hợp tại Đại hội, Ban Chấp hành khóa cũ đã chuẩn bị danh sách nhân sự để bầu cử tại Đại hội nhưng tại Đại hội lại có đại biểu giới thiệu nhân sự, thì trong tình huống này, Đoàn Chủ tịch Đại hội phải xử lý như thế nào?
Chuyên gia Lê Xuân Trường: Tôi xin trả lời các câu hỏi của chị như sau: Đối với câu hỏi thứ nhất, tiêu chuẩn nhân sự tham gia Ban Chấp hành, Ủy ban kiểm tra Công đoàn các cấp được thực hiện trước hết theo các quy định của Đảng, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Thành ủy Hà Nội về công tác cán bộ, trong đó đối với tổ chức Công đoàn thì có 2 văn bản quan trọng là Quyết định 4135 ngày 29/1/2019 của Ban Tổ chức Trung ương ban hành tạm thời danh mục vị trí, việc làm công chức Tổng LĐLĐ Việt Nam và Quyết định 3169 /QĐ-TLĐ của Tổng LĐLĐ Việt Nam ban hành Quy định tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý, Công đoàn các cấp.
Riêng với tiêu chuẩnlựa chọn nhân sự giới thiệu tham gia Ban Chấp hành, Ủy ban kiểm tra Công đoàn các cấp tại Đại hội lần này sẽ có những tiêu chuẩn chung tập trung vào một số nội dung như chính trị, tư tưởng, phẩm chất, năng lực… và những tiêu chuẩn cụ thể đối với mỗi đối tượng cấp trên cơ sở, cơ sở, chuyên trách và không chuyên trách… song được căn cứ theo Hướng dẫn số Số: 13/HD-LĐLĐ ngày 6/9/2022 của Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố Hà Nội về một số nội dung công tác nhân sự Đại hội Công đoàn các cấp tiến tới Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Đối với câu hỏi thứ 2: Theo quy định thì Ban chấp hành Công đoàn khóa cũ có trách nhiệm giới thiệu nhân sự cho Đại hội để tiến hành bầu ra Ban chấp hành Công đoàn khóa mới, song tại Đại hội lại có đại biểu giới thiệu thêm nhân sự thì đó cũng là quyền của đại biểu tham gia Đại hội. Trong trường hợp này, nếu nhân sự được giới thiệu là đại biểu Đại hội thì đã có hồ sơ, Đoàn chủ tịch có thể xem xét, đối chiếu xem đại biểu đó có phù hợp với tiêu chuẩn quy định nhân sự tham gia Ban chấp hành hay không. Nếu người được giới thiệu là đại biểu bên ngoài thì người giới thiệu phải có trách nhiệm cung cấp hồ sơ nhân sự cho Đại hội. Đoàn Chủ tịch căn cứ vào đó để xem xét có đủ tiêu chuẩn tham gia, có phù hợp với đề án nhân sự đã được xây dựng không thì quyết định. Trường hợp người được giới thiệu xin rút thì Đoàn Chủ tịch có quyền quyết định việc có cho rút hay không.
Chị Phạm Thị Kim Loan - Công ty sông Nhuệ hỏi: Người lao động làm việc trong môi trường ô nhiễm nguồn nước của sông Nhuệ, hiện đã có người lao động thực hiện công việc bị nhiễm khuẩn, qua kiểm tra, tra cứu loại vi khuẩn này được nằm trong quy định được hưởng bệnh nghề nghiệp. Vậy trong trường hợp này thì người lao động có được hưởng chế độ độc hại không?
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Người lao động làm việc phải ngâm mình trong nước sông Nhuệ là thuộc danh mục công việc độc hại nguy hiểm thì sẽ được hưởng các quyền lợi như: Được khám sức khỏe định kỳ 6 tháng 1 lần; được bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật; về tiền lương dành cho công việ độc hại thì tùy thuộc vào thỏa ước lao động tập thể do thương lượng; phép năm được hưởng cao hơn.
Nếu làm trong môi trường độc hại mà bị những bệnh tật liên đến công việc mà bệnh tật này có trong danh mục bệnh nghề nghiệp thì được hưởng quyền lợi bệnh nghề nghiệp.
Để được hưởng quyền lợi bệnh nghề nghiệp thì Công đoàn cơ sở giới thiệu người lao động đi khám phát hiện bệnh nghề nghiệp ở các đơn vị y tế có chức năng.
Anh Nguyễn Văn Vinh (Công ty Thủy lợi sông Đáy) hỏi: Công ty tôi đã làm thủ tục cấp sổ BHXH cho người lao động, nay người lao động cung cấp sổ BHXH cũ. Như vậy người lao động có 2 sổ, đơn vị tôi phải làm thủ tục gì?
Anh Nguyễn Văn Vinh, công tác tại Công ty Thủ lợi sông Đáy đặt câu hỏi. |
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Có rất nhiều người lao động khi chuyển đơn vị công tác không báo cho đơn vị mới số sổ BHXH cũ, dẫn đến một người lao động có nhiều số sổ (thường là từ 2 trở lên).
Trong trường hợp này, khi đơn vị tiếp nhận hồ sơ, việc đầu tiên phải phối hợp với cơ quan BHXH để đồng bộ lại dữ liệu cho người lao động, đổi lại số sổ mới theo số sổ đầu tiên được phát sinh và đồng bộ lại cả quá trình của đơn cũ và đơn vị mới của người lao động. Để thực hiện việc này, người lao động sẽ nộp lại hồ sơ cho đơn vị, để đơn vị phối hợp với cơ quan BHXH để thực hiện.
Chị Nguyễn Thị Thuý Hằng (Công ty Thuỷ Lợi Hà Nội) hỏi: Khi đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động đúng pháp luật, người lao động được hưởng các loại trợ cấp và lợi ích nào? Nếu hợp đồng lao động và Thoả ước lao động có một số quy định khác nhau thì phải thực hiện theo văn bản nào?
Luật sư Phạm Thị Thanh Phương: Khi đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động đúng pháp luật người lao động sẽ được hưởng các quyền lợi như sau:
Thứ nhất là được hưởng trợ cấp thôi việc. Trợ cấp thôi việc được chi trả cho người lao động đáp ứng đủ điều kiện sau: Nghỉ việc do chấm dứt hợp đồng lao động theo trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng luật; đã làm việc thường xuyên cho người sử dụng lao động từ đủ 12 tháng trở lên.
Nếu đủ điều kiện thì mỗi năm làm việc, người lao động sẽ được trợ cấp một nửa tháng tiền lương. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian đã làm việc thực tế trừ đi thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 6 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc.
Tiếp theo là được hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng băng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, mức hưởng hằng tháng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở tại thời điểm chấm dứt hợp đồng.
Với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quy định (ngoài nhà nước) thì mức hưởng hằng tháng tối đa không qua 5 lần mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động. Trong thời hạn 14 ngày làm việc, chậm nhất là không quá 30 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền liên quan đến quyền lợi của người lao động.
Cán bộ công đoàn và người lao động tham gia đặt câu hỏi với các chuyên gia |
Số tháng được hưởng trợ cấp thất nghiệp: Đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng. Do đó người lao động có thể hưởng trợ cấp thất nghiệp nhiều lần nhưng tối đa cộng lại cho đến khi đủ tuổi hưu cũng không được hưởng quá 12 tháng/1 người.
Ngoài ra người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn trả các hồ sơ sau cho người lao động: Trả sổ bảo hiểm xã hội khi đã hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động.
Trong thời hạn 14 ngày làm việc, chậm nhất là không quá 30 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền liên quan đến quyền lợi của người lao động.
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng bổ sung: Đối với câu hỏi của chị, nếu hợp đồng lao động và Thoả ước lao động lao động tập thể có một số quy định cao hơn các quy định của pháp luật thì áp thực thực hiện theo Thoả ước lao động tập thể. Điều này đã được quy định rất rõ trong luật.
Thoả ước lao động tập thể có tính pháp lý cao nhất trong trường hợp đối chiếu với các quy định. Chính vì vậy Thoả ước lao động tập thể có vai trò rất quan trọng, Công đoàn cơ sở cần phải làm tốt việc thương lượng với doanh nghiệp để quyền lợi của người lao động cao hơn luật.
Bạn đọc theo dõi trực tuyến hỏi: Xin chuyên gia cho biết, trường hợp nào tổ chức Đại hội, Hội nghị Công đoàn cơ sở?
Chị Phạm Hồng Liên, công tác tại Công ty Thủy lợi Hà Nội đặt câu hỏi |
Chuyên gia Lê Xuân Trường: Khi nào tổ chức Đại hội thì trong Điều lệ Công đoàn Việt Nam đã quy định rất rõ là đối với Công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên cơ sở là hết nhiệm kỳ (hiện nay nhiệm kỳ 5 năm). Đối với những đơn vị thời gian Đại hội chưa hết nhiệm kỳ so với cấp trên cơ sở thì đơn vị đó sẽ tổ chức Hội nghị. Bên cạnh đó, một số đơn vị chưa hết nhiệm kỳ Đại hội nhưng đang tổ chức lại bộ máy, sắp xếp nhân sự, tổ chức sáp nhập… thì sẽ tổ chức Hội nghị.
Chị Nguyễn Thị Hậu (Công ty Thủy lợi Sông Tích) hỏi: Tôi có người thân đã về hưu, được hưởng chế độ BHXH. Tuy nhiên vẫn muốn tiếp tục đi làm, vậy trong trường hợp này có phải tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội nữa không?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Theo quy định của pháp luật, những người đang hưởng lương hưu thì không phải bắt buộc tiếp tục tham gia đóng bảo hiểm xã hội.
Ông Nguyễn Huy Khánh - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội trao quà cho đoàn viên công đoàn trả lời đúng câu hỏi |
Đồng chí Lê Thị Bích Ngọc - Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô tặng quà cho người lao động trả lời đúng câu hỏi trong phần giao lưu. |
Đồng chí Nguyễn Bá Châu - Chánh văn phòng LĐLĐ thành phố tặng quà cho người lao động trả lời đúng câu hỏi trong phần giao lưu. |
Đồng chí Kiều Thanh Hùng - Phó Chủ tịch thường trực Hội nhà báo TP. Hà Nội tặng quà cho người lao động trả lời đúng câu hỏi trong phần giao lưu. |
Chị Nguyễn Thu Hà (Công ty Thuỷ Lợi sông Đáy) hỏi: Tôi có người nhà 53 tuổi, đã làm việc 25 năm 6 tháng, làm công nhân đường dây cao thế 110kv trở lên. Do điều kiện không có việc làm, người nhà tôi đã chấm dứt hợp đồng theo đúng quy định pháp luật. Sau 2 tháng công ty giải thể, vậy người nhà tôi được hưởng những chế độ nào của nhà nước và đủ điều kiện về hưu chưa?
Chị Nguyễn Thu Hà, công tác tại Công ty Thuỷ lợi sông Đáy đặt câu hỏi. |
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Đối chiếu với quy định của pháp luật, người lao động đã đóng BHXH và đã chốt sổ BHXH, khi đủ điều kiện tuổi đời và đóng BHXH trên 20 năm, người lao động sẽ được giải quyết chế độ lương hưu bình thường. Trường hợp này, khi người lao động chưa đủ tuổi, vẫn tiếp tục đi làm thì vẫn đóng BHXH bình thường.
Về chế độ với ngành nghề lao động nặng nhọc độc hại, đã có quy định: Người lao động được về sớm trước 5 năm đối với ngành nghề độc hại và suy giảm khả năng lao động 61%. Người lao động được về sớm trước 10 năm đối với ngành nghề đặc biệt nặng nhọc, độc hại và suy giảm khả năng lao động 81%.
Chị Ngọc Anh (Công ty Thuỷ lợi Hà Nội) hỏi: Công ty Thuỷ lợi hiện nay đang thực hiện một dự án theo đơn đặt hàng của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Tuy nhiên nguồn kinh phí rất ít không đủ để chi trả phụ cấp độc hại cho người lao động. Như vậy có bị coi là vi phạm pháp luật không?
Chị Ngọc Anh, công tác tại Công ty Thuỷ lợi Hà Nội đặt câu hỏi. |
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Khi đơn vị, doanh nghiệp đã ký hợp đồng lao động với người lao động là phải tuân thủ Bộ luật Lao động. Còn việc phê duyệt tài chính, đấu thầu… là thuộc phạm trù khác. Nếu trong quan hệ lao động giữa trả lương và các chế độ không đảm bảo là đơn vị vi phạm pháp luật lao động.
Một bạn đọc từ Khu công nghiệp Thạch Thất hỏi: Sắp tới công ty tôi sẽ tuyển dụng lao động nước ngoài, vậy cần có những điều kiện gì?
Chuyên gia Phạm Thị Thanh Phương: Theo quy định hiện hành, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam trước tiên phải có quốc tịch nước ngoài, phải có đủ năng lực hành vi dân sự, đủ 18 tuổi trở lên.
Điều kiện để làm việc tại Việt Nam phải đáp ứng kỹ thuật, tay nghề, kinh nghiệm làm việc và đủ sức khỏe để làm việc theo quy định của Bộ Y tế.
Khi làm hồ sơ xin cấp phép lao động tại Việt Nam, người lao động nước ngoài phải có giấy khám sức khỏe của cơ quan y tế có thẩm quyền. Một điều kiện nữa là người lao động nước ngoài tại Việt Nam phải không đang trong thời gian chịu trách nhiệm hình sự, trong thời gian thi hành bản án, chưa được xóa án tích… Người lao động nước ngoài khi lao động tại Việt Nam sẽ được pháp luật nhà nước Việt Nam bảo vệ, đồng thời cũng phải tuân thủ pháp luật của Việt Nam.
Người lao động là công dân nước ngoài khi làm việc tại Việt Nam phải có giấy phép lao động, do cơ quan có thẩm quyền về lao động tại địa phương người lao động làm việc cấp. Việc cấp dựa theo hợp đồng lao động, chương trình làm việc không quá 2 năm.
Anh Nguyễn Thế Được (Công ty Thủy điện Hà Nội) hỏi: Đối với lao động thời vụ có được đóng BHXH không?
Anh Nguyễn Thế Được, công tác tại Công ty Thủy lợi Hà Nội đặt câu hỏi. |
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Hiện nay không còn từ “lao động thời vụ” nên các cơ quan lưu ý để thực hiện ký kết hợp đồng lao động với người lao động. Theo quy định, người lao động có hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên thì bắt buộc phải tham gia đóng bảo hiểm xã hội. Quyền lợi cũng tương đương với những loại hợp đồng lao động có thời hạn khác.
Chị Vương Thị Thanh Xuân (Công ty Thủy lợi Sông Tích) hỏi: Xin chuyên gia cho biết, để tiết kiệm thời gian, có thể tổ chức bỏ phiếu bầu đại biểu chính thức và đại biểu dự khuyết dự Đại hội Công đoàn cấp trên cùng 1 lần được không?
Chị Vương Thị Thanh Xuân, công tác tại Công ty Thủy lợi sông Tích đặt câu hỏi. |
Chuyên gia Lê Xuân Trường: Có thể bỏ phiếu bầu đại biểu chính thức và đại biểu dự khuyết dự Đại hội Công đoàn cấp trên cùng một lần nhưng với nguyên tắc: Bầu đại biểu chính thức và đại biểu dự khuyết dự Đại hội Công đoàn trên cùng một lá phiếu, số đại biểu chính thức sẽ lấy từ trên cao xuống dưới thấp, tỷ lệ phiếu phải đảm bảo đủ số đại biểu chính thức. Còn đại biểu không trúng, có thể lấy là đại biểu dự khuyết nhưng số phiếu của đại biểu không trúng vào đại biểu chính thức phải đạt tín nhiệm vượt trên 50%. Tùy từng trường hợp, từ số lượng đại biểu của mình được bầu để chúng ta có thể thực hiện.
Anh Hoàng Đình Vân (Công ty Thủy lợi Sông Tích) hỏi: Công ty tôi ghi tờ khai bảo hiểm cho người lao động theo chứng minh nhân dân cũ, bây giờ người lao động chuyển sang căn cước công dân mới, vậy sau này có ảnh hưởng gì đến các thủ tục giải quyết các chế độ không?
Anh Hoàng Đình Vân, công tác tại Công ty Thủy lợi sông Tích đặt câu hỏi. |
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Hiện tại, chúng tôi đang đề nghị các đơn vị báo lại số căn cước công dân mới. Việc này liên quan đến việc đồng bộ dữ liệu cá nhân. Do vậy đề nghị các đơn vị, khi người lao động cung cấp lại số căn cước công dân mới thì phải báo cho cơ quan BHXH để đồng bộ lại dữ liệu.
Việc này, nhiều đơn vị hỏi thêm có phải cấp lại sổ không thì không phải cấp lại sổ vì không làm thay đổi tất cả những gì liên quan đến người lao động. Ví dụ như quá trình tham gia bảo hiểm xã hội, tên, tuổi, ngày tháng năm sinh… Người lao động chỉ cần cung cấp số căn cước công dân mới để đồng bộ lại.
Một người lao động hỏi: Nếu năm nay người lao động muốn về nghỉ hưu thì tuổi nghỉ hưu quy định như thế nào?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Nếu người lao động muốn về nghỉ hưu trong năm nay thì nam phải là 60 tuổi 9 tháng và nữ là 56 tuổi.
Chị Lê Thị Thu Thủy (Công ty Cổ phần giống vật nuôi Hà Nội) hỏi: Công ty cổ phần giống vật nuôi Hà Nội trước kia thuộc khối hành chính nhân sự. Chúng tôi không được hưởng phụ cấp độc hại, tuy nhiên hiện nay, tôi thấy chăn nuôi có trong danh mục nghề độc hại. Vậy chúng tôi cần làm gì để được hưởng?
Chị Lê Thị Thuy Thủy, công tác tại Công ty cổ phần Giống vật nuôi Hà Nội đặt câu hỏi. |
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Nhà nước ban hành danh mục nghề nặng nhọc, độc hại nguy hiểm. Nên người lao động cứ vào tra theo danh mục đó, nếu có đối tượng, chức danh, công việc thuộc nghề nặng nhọc, độc hại nguy hiểm thì người lao động sẽ không phải làm thêm đề nghị hay thủ tục gì vẫn được nhận phụ cấp độc hại và các quyền lợi đối với công việc đặc thù.
Nghề độc hại, nguy hiểm sẽ được hưởng quyền lợi cao hơn bình thường. Ví dụ như bổi dưỡng độc hại bằng hiện vật; chế độ nghỉ phép cao hơn so với công việc bình thường; được khám sức khỏe ít nhất 6 tháng 1 lần…
Tuy nhiên, người lao động cũng cần chú ý trên hồ sơ, hợp đồng lao động phải ghi đầy đủ chức danh nghề, theo đúng danh mục đã được ban hành. Từ đó các chế độ sẽ được giải quyết đơn giản.
Anh Đỗ Thái Hòa (Công ty Thủy lợi Hà Nội) hỏi: Các hợp đồng thử việc có được đóng BHXH không? Hiện nay trên thẻ BHXH và căn cước công dân gắn chíp có mã QR, tôi xin hỏi người dân được hưởng lợi gì từ điều này?
Anh Đỗ Thái Hòa, công tác tại Công ty Thủy lợi Hà Nội đặt câu hỏi. |
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Theo Luật bảo hiểm xã hội, không có quy định về việc thử việc phải đóng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, trong hợp đồng lao động có nhiều loại. Có trường hợp khi sử dụng dụng hợp đồng lao động thời gian thử việc nằm trong hợp đồng lao động.
Ví dụ khi người lao động có thời gian thử việc 1 tháng nằm trong thời gian 12 tháng thì những hợp đồng lao động 1 tháng trở lên bắt buộc phải tham gia BHXH. Do vậy hợp đồng thử việc tách rời hợp đồng chính thì hợp đồng đó không phải tham gia bảo hiểm xã hội. Còn hợp đồng thử việc nằm trong hợp đồng chính có thời hạn 1 tháng trở lên thì phải tham gia bảo hiểm xã hội.
Hiện trên thẻ BHXH và căn cước công dân gắn chíp có mã QR rất tiện lợi bởi người dân không cần mang giấy tờ tùy thân có ảnh. Vì trong thẻ căn cước công dân đã có đầy đủ thông tin của người dân.
Anh Cao Tiến Mạnh (Công ty Thuỷ lợi Sông tích) hỏi: Được biết công tác chuẩn bị Đại hội Công đoàn nhiệm kỳ mới có nhiều thay đổi, chuyên gia có thể cho biết rõ hơn những điểm mới trong công tác tổ chức Đại hội nhiệm kỳ này?
Chuyên gia Lê Xuân Trường: Công tác tổ chức Đại hội lần này có rất nhiều điểm mới. Trước hết, về tiến độ, so với các nhiệm kỳ trước thì nhiệm kỳ này Đại hội cơ bản tổ chức trọn vẹn trong năm 2023. Đối với với một số Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có đông Công đoàn cơ sở hoặc một số Đại hội điểm thì có thể tổ chức sớm hơn vào cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023, nhưng căn bản là tổ chức trọn vẹn trong năm 2023.
Anh Cao Tiến Mạnh, công tác tại Công ty Thuỷ lợi sông Tích đặt câu hỏi |
Thứ 2, về chủ đề Đại hội năm nay là “Đổi mới, dân chủ, đoàn kết, phát triển”. Đổi mới ở đây trước hết là đổi mới trong cách thức, lựa chọn cách thức, chủ đề tổ chức Đại hội phù hợp với từng loại hình Công đoàn cơ sở, hành chính làm sao phù hợp với sự quan tâm của đa số đoàn viên tại đơn vị, tập trung vào chủ đề mà đoàn viên tại đơn vị quan tâm
Thứ 3, về thảo luận tại Đai hội thì mỗi cấp Công đoàn sẽ lựa chọn chủ đề mà đoàn viên, người lao động quan tâm nhất để đưa vào thảo luận sâu tại Đại hội, trên cơ sở đó đề ra phương thức, nội dung hoạt động phù hợp trong nhiệm kỳ tới. Còn tất cả các cấp Công đoàn nhìn chung sẽ tập trung thảo luận sâu về vấn đề đổi mới mạnh mẽ của tổ chức Công đoàn, nhiệm vụ cốt lõi của tổ chức Công đoàn là gì, giải pháp thực hiện ra sao từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn trong nhiệm kỳ tới.
Một vấn đề nữa cũng cần quan tâm thảo luận sửa đổi Điều lệ Công đoàn Việt Nam tại Đại hội là về phân định nhiệm vụ mối quan hệ giữa các cấp Công đoàn để tránh sự chồng chéo.
Điểm mới nữa là Đại hội này mở rộng hơn nữa tính dân chủ, việc bầu Ban chấp hành có số dư từ cơ sở trở lên. Ngoài ra nếu như nhiệm kỳ trước thí điểm bầu trực tiếp bầu Chủ tịch Công đoàn cơ sở tại Đại hội thì nhiệm kỳ này phấn đấu ít nhất 30% đơn vị thực hiện bầu Chủ tịch tại Đại hội, qua đó đề cao vai trò uy tín của cán bộ Công đoàn cơ sở.
Trong thực tế chỉ đạo Đại hội của LĐLĐ Thành phố Hà Nội thì có những đơn vị thực hiện 100% Công đoàn cơ sở bầu trực tiếp Chủ tịch Công đoàn cơ sở tại Đại hội.
Một bạn đọc đặt câu hỏi: Tại Đại hội Công đoàn đã tiến hành bầu Ban Chấp hành, đại biểu đi dự đại hội cấp trên và đại biểu dự khuyết. Còn ủy ban kiểm tra, các chức danh khác thì bầu khi nào?
Chuyên gia Lê Xuân Trường: Trong Điều lệ và hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam đã quy định rõ. Tại Đại hội sẽ bầu Ban chấp hành. Hội nghị lần thứ nhất của Ban chấp hành sẽ bầu ra Ban thường vụ, các chức danh như Chủ tịch, Phó Chủ tịch; bầu Ủy ban kiểm tra, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra; còn Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra thì tại phiên họp thứ nhất của Ủy ban kiểm tra sẽ tiến hành bầu. Các đồng chí có thể tham khảo thêm điều lệ để nắm rõ.
Một bạn đọc hỏi: Người lao động khi tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện có nguyện vọng được hưởng chế độ thai sản vì vậy tôi mong muốn Bảo hiểm Xã hội nghiên cứu phương thức, cách thức để người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ được hưởng chế độ thai sản.
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Nguyện vọng của chị cũng là vấn đề nhiều người lao động quan tâm, nhưng giải quyết nguyện vọng này lại không thuộc thẩm quyền của Bảo hiểm xã hội, mà cái này phải đề nghị với Chính phủ.
Chị Nguyễn Thị Thu Dung, công tác tại Công ty Thủy lợi Hà Nội đặt câu hỏi. |
Hiện nay, Dự thảo Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi đang đưa ra lấy ý kiến rộng rãi dự luận có nhiều điểm mới bổ sung thêm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội như: giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu; bổ sung chế độ thai sản cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện v.v…
Tôi mong muốn các cấp Công đoàn sẽ tích cực hướng dẫn đoàn viên, người lao động nghiên cứu tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Dự thảo Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi lần này, từ đó tăng thêm quyền lợi cho người lao động.
Chị Phạm Thị Giang - Chủ tịch Công đoàn Trường Cao đẳng kinh tế công nghệ Hà Nội hỏi: Tôi muốn hỏi, sinh viên đã nộp bảo hiểm cho nhà trường, nhà trường đang trong quá trình nộp lên quận, nhưng do số lượng nhiều chưa xử lý được, trong thời gian đó, sinh viên bị bệnh và yêu cầu được hưởng chế độ bảo hiểm. Vậy trong trường hợp này phải xử lý như thế nào?
Chị Phạm Thị Giang - Chủ tịch Công đoàn Trường Cao đẳng kinh tế Công nghệ Hà Nội đặt câu hỏi. |
Chuyên gia Dương Thị Minh: Nếu đơn vị đã nhận tiền cho sinh viên nên tách ra để nộp bảo hiểm. Chúng ta tách danh sách báo tăng nhiều lần. Lớp nào hoàn thiện, nộp riêng lớp đó, tránh chậm muộn bảo hiểm cho sinh viên, Về phía cơ quan bảo hiểm xã hội, các trường hợp đã thu tiền của người lao động, sinh viên, chúng ta cứ báo tăng. Hiện không cần phải in thẻ báo tăng mà sử dụng ứng dụng VssID.
Chỉ cần sử dụng ứng dụng VssID là giá trị thẻ tự động gia hạn trên ứng dụng, chúng ta sử dụng ngay hình ảnh thẻ trên VssID là đi khám chữa bệnh được. Các đơn vị trong quá trình đóng nộp bảo hiểm xã hội lưu ý được báo tăng, giảm đóng bảo hiểm nhiều lần, chứ không phải chỉ báo tăng, giảm 1 lần trong tháng.
Một bạn đọc hỏi: Xin chuyên gia cho biết, số lượng bầu nhân sự Ban chấp hành Công đoàn cơ sở được quy định như thế nào?
Chuyên gia Lê Xuân Trường: Số lượng bầu nhân sự Ban chấp hành Công đoàn cơ sở được quy định tại Điều 11 Điều lệ Công đoàn Việt Nam, và khoản 9 Hướng dẫn số: 03/HD-TLĐ của Tổng LĐLĐ Việt Nam về thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
So với nhiệm kỳ trước thì số lượng nhân sự Ban Chấp hành nhiệm kỳ này có giảm nhưng có những mức cụ thể cho từng cơ sở. Ví dụ, Công đoàn cơ sở có dưới 30 đoàn viên thì bầu 3 ủy viên Ban Chấp hành, có từ 30 - 150 đoàn viên thì bầu 7 ủy viên Ban Chấp hành.
Câu hỏi bạn đọc: Xin hỏi các chuyên gia, người lao động có hợp đồng không xác định thời hạn, khi nghỉ việc thì cần thông báo cho chủ sử dụng lao động trước thời gian nghỉ là bao lâu?
Chuyên gia Phạm Thị Thanh Phương: Đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn thì người lao động phải báo trước ít nhất 45 ngày.
Chuyên gia Tại Văn Dưỡng bổ sung: Điều mới nhất của Bộ luật Lao động đó là người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần lý do, chỉ cần báo trước và cũng không cần xin, viết đơn đợi chủ sử dụng lao động ký duyệt. Hợp đồng lao động không xác định thời hạn thì người lao động phải báo trước ít nhất 45 ngày; hợp đồng lao động từ 12 tháng đến 36 tháng là báo trước 30 ngày; dưới 1 năm là báo trước 3 ngày. Thời gian 30-45 ngày bao gồm cả những ngày nghỉ, lễ, Tết.
Chị Nguyễn Thị Thu Dung Công ty Thủy lợi Hà Nội hỏi bổ sung: Về trường hợp người lao động mới ký hợp đồng 12 tháng, đến báo gặp Trưởng phòng nhân sự báo nghỉ. Tuy nhiên, một thời gian sau, giám đốc gọi điện bảo như thế là sai luật, phải bồi thường, là đúng hay sai?
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Về nguyên tắc là người lao động phải báo với người trực tiếp ký hợp đồng lao động với mình. Tuy nhiên trong doanh nghiệp, tùy vào nội quy lao động của doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động có thể phân cấp cho bộ phận cấp dưới; người lao động có thể báo bằng miệng, hoặc văn bản. Trường hợp được chấp nhận hay không chấp nhận phải xem lại nội quy của doanh nghiệp.
Phát biểu bế mạc buổi Đối thoại, giao lưu trực tuyến, bà Lê Thị Bích Ngọc - Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô cho biết, đây là buổi đầu tiên trong chuỗi 20 cuộc giao lưu, đối thoại trực tuyến năm 2023 về giải đáp chính sách pháp luật cho đoàn viên công đoàn, người lao động. “Chính sách pháp luật, đặc biệt là Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn vệ sinh lao động… là những chính sách có phạm vi rộng lớn, nhưng lại có sự gắn bó chặt chẽ, liên quan mật thiết tới người lao động. Do đó, tuyên truyền, phổ biến, cung cấp kiến thức pháp luật để cả chủ sử dụng lao động và người lao động là việc làm hết sức cần thiết”, bà Lê Thị Bích Ngọc nhấn mạnh. |
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Hà Nội: Lính cứu hỏa nhường mặt nạ dưỡng khí cho thai phụ trong đám cháy
Hà Nội: Tuyên dương 68 người con hiếu thảo
Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)
Trộm xe của bạn "cắm" lấy tiền trả nợ, chơi game
Quốc hội thông qua Nghị quyết về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội
Huyện Thường Tín: Khai thác giá trị văn hóa để phát triển du lịch
Dự kiến một số điểm mới trong quy định thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ
Tin khác
TRỰC TUYẾN: Tuyên truyền phổ biến Luật Thủ đô năm 2024 và một số chính sách mới
Giao lưu, trực tuyến 30/10/2024 09:00
TRỰC TUYẾN: Chuyên đề “An toàn lao động và chăm sóc sức khỏe cho người lao động”
Giao lưu, trực tuyến 11/10/2024 08:43
TRỰC TUYẾN: Tôn vinh 100 gương sáng kiến, sáng tạo và 10 doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động
Giao lưu, trực tuyến 02/10/2024 08:39
TRỰC TUYẾN HÌNH ẢNH: Giai cấp công nhân - Tổ chức Công đoàn Thủ đô tự hào quá khứ, xây dựng tương lai
Chỉ đạo - Điều hành 26/09/2024 09:05
Tọa đàm trực tuyến: “Giai cấp Công nhân - Tổ chức Công đoàn Thủ đô: Tự hào quá khứ, xây dựng tương lai”
Chỉ đạo - Điều hành 26/09/2024 09:04
TRỰC TUYẾN: Biểu dương gia đình, khích lệ con công nhân, viên chức, lao động Thủ đô tiêu biểu
Hoạt động 28/08/2024 08:25
TRỰC TUYẾN: Trang trọng Lễ kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam và tôn vinh cán bộ Công đoàn tiêu biểu
Hoạt động 28/07/2024 08:15
Trực tuyến: Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Sự kiện 25/07/2024 07:31
TRỰC TUYẾN: Chuyên đề "Phổ biến chính sách mới về pháp luật lao động và nhận diện lừa đảo qua mạng xã hội"
Giao lưu, trực tuyến 20/06/2024 14:22
TRỰC TUYẾN HÌNH ẢNH: Phổ biến chính sách mới về pháp luật lao động và nhận diện lừa đảo qua mạng xã hội
Giao lưu, trực tuyến 20/06/2024 14:21