TRỰC TUYẾN: Lễ trao tặng Giải thưởng Nguyễn Văn Linh lần thứ III năm 2022: Tôn vinh những cán bộ Công đoàn dám nghĩ, dám làm
Giải thưởng Nguyễn Văn Linh là phần thưởng cao quý của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam trao tặng cán bộ công đoàn các cấp.
Quang cảnh Lễ trao thưởng |
Theo Quy chế Giải thưởng Nguyễn Văn Linh, người được trao Giải thưởng là những đồng chí cán bộ công đoàn tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong lao động, công tác và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ chính trị được giao, tích cực, sáng tạo và đổi mới trong phong trào công nhân, hoạt động công đoàn; có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín và ảnh hưởng sâu rộng, được đoàn viên và người lao động tin tưởng, tín nhiệm; có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, chủ động, sáng tạo, có nhiều sáng kiến, ý tưởng mới được ứng dụng hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn hoặc lập thành tích xuất sắc đột xuất có phạm vi ảnh hưởng và tác động sâu sắc tới phong trào công nhân, hoạt động công đoàn.
Sau thành công của 2 lần tôn vinh trước, năm nay Giải thưởng Nguyễn Văn Linh tiếp tục được triển khai sâu rộng tới các cấp Công đoàn, đối tượng gồm cán bộ công đoàn chuyên trách và không chuyên trách.
Từ 63 đề cử, qua các vòng lựa chọn chặt chẽ, Hội đồng Giải thưởng xét chọn đã đề xuất Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam công nhận và tôn vinh 10 đồng chí cán bộ công đoàn tiêu biểu, trong đó có 6 cán bộ công đoàn cơ sở, 2 cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở và 2 Chủ tịch LĐLĐ tỉnh.
19h50: Văn nghệ chào mừng
20h00: Đại biểu tham dự Lễ trao Giải thưởng Nguyễn Văn Linh lần thứ III - năm 2022
Tới dự lễ trao giải có các đồng chí: Bùi Thị Minh Hoài - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Vũ Đức Đam - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân dân; các đồng chí nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam: Cù Thị Hậu, Đặng Ngọc Tùng.
Đại biểu tham dự buổi lễ. |
Dự chương trình còn có các đồng chí: Tôn Ngọc Hạnh - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Đỗ Việt Hà, - Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; Lê Văn Thanh - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; Vũ Minh Tiến - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Cao Xuân Thu Vân - Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; Ngô Văn Cương - Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Về phía Tổng LĐLĐ Việt Nam, có các đồng chí: Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam; các Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam: Trần Văn Thuật, Phan Văn Anh, Ngọ Duy Hiểu, Thái Thu Xương.
20h05: Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu
Tôn vinh cán bộ công đoàn có nhiều sáng kiến, đổi mới trong hoạt động, vì đoàn viên, người lao động
Thay mặt Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang khẳng định: Trải qua 93 năm xây dựng và phát triển, được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, rèn luyện, Công đoàn Việt Nam không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Công đoàn Việt Nam luôn trung thành với lợi ích của Đảng, của dân tộc, là chỗ dựa vững chắc, gắn bó máu thịt với giai cấp công nhân và người lao động; khẳng định vai trò trung tâm tập hợp, đoàn kết đoàn viên, người lao động phát huy tinh thần tự lực tự cường, gương mẫu, đi đầu trong các phong trào hành động cách mạng, thi đua yêu nước, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân viết nên trang sử hào hùng của dân tộc.
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu tại buổi lễ. |
Trong sự lớn mạnh của tổ chức Công đoàn, có sự đóng góp to lớn, đặc biệt quan trọng của đội ngũ cán bộ công đoàn. Các thế hệ cán bộ công đoàn nối tiếp nhau, gìn giữ, vun đắp truyền thống vẻ vang, rất đỗi tự hào của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Trước yêu cầu cấp thiết của tình hình, với sự phát triển nhanh của đội ngũ công nhân, viên chức, lao động, đội ngũ cán bộ công đoàn hôm nay đang tích cực, chủ động đổi mới, trăn trở tìm tòi, thậm chí không quản ngại hy sinh lợi ích của cá nhân vì quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, để tổ chức Công đoàn có thể làm tốt chức năng, nhiệm vụ, thực sự là chỗ dựa tin cậy, vững chắc của người lao động.
Để ghi nhận và biểu dương những cán bộ Công đoàn các cấp có thành tích xuất sắc tiêu biểu, có nhiều sáng kiến, sáng tạo, giải pháp đổi mới trong hoạt động công đoàn, vì đoàn viên, người lao động, góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam đã báo cáo và được Ban Bí thư Trung ương Đảng cho phép tổ chức xét chọn và trao tặng Giải thưởng Nguyễn Văn Linh - giải thưởng cao quý của tổ chức Công đoàn Việt Nam mang tên cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, người nổi tiếng với tư duy đổi mới, nói và làm, lý luận và thực tiễn phải đi cùng với nhau, người đã có thời gian giữ cương vị người đứng đầu tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Sau 2 lần trao tặng Giải thưởng vào năm 2019 và năm 2020, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao, được cán bộ Công đoàn các cấp đón nhận, năm nay, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức trao Giải thưởng Nguyễn Văn Linh lần thứ III. Từ 63 đề cử, giới thiệu của các cấp Công đoàn, qua 2 vòng xét chọn, Hội đồng xét chọn đã tìm được 10 cán bộ công đoàn các cấp có thành tích đặc biệt xuất sắc để đề xuất Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam trao tặng giải thưởng.
Với tinh thần hướng về cơ sở, Giải thưởng Nguyễn Văn Linh năm nay tôn vinh 6 cán bộ Công đoàn cơ sở, 2 cán bộ Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và 2 cán bộ LĐLĐ cấp tỉnh, ngành. Mặc dù tuổi đời, tuổi nghề và vị trí công tác của các đồng chí khác nhau, nhưng điểm chung các đồng chí đều là những cán bộ Công đoàn nhiệt huyết, năng động, sáng tạo, gắn bó với người lao động, lăn lộn với cơ sở, lo nỗi lo của đoàn viên, vui niềm vui của người lao động, được đồng nghiệp và người lao động tin yêu, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, đơn vị, doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá.
Thay mặt Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang biểu dương, ghi nhận và chúc mừng những thành tích xuất sắc tiêu biểu của các đồng chí được nhận Giải thưởng Nguyễn Văn Linh hôm nay; đồng thời mong rằng các đồng chí tiếp tục phát huy thành tích, nỗ lực không ngừng, truyền cảm hứng tích cực tới cán bộ Công đoàn các cấp, lan tỏa mạnh mẽ bầu nhiệt huyết vì người lao động để toàn xã hội hiểu rõ hơn vị trí, vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Đình Khang cho biết: Ngày 12/6/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” thể hiện quan điểm nhất quán và xuyên suốt; sự quan tâm của của Đảng trong lãnh đạo xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh và xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh. Trong đó, Bộ Chính trị quan tâm chỉ đạo cần phải xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn bảo đảm về số lượng, chất lượng, có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín, có năng lực đối thoại, dẫn dắt, truyền cảm hứng, tập hợp, đoàn kết người lao động.
Tiết mục văn nghệ "Nguyễn Văn Linh - người đồng chí". |
Các cấp Công đoàn cần tập trung bám sát Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 02/CTr-BCH ngày 21/7/2021 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW để tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động.
Chuẩn bị Đại hội Công đoàn các cấp tiến tới Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, qua thực tiễn hoạt động, đồng chí Nguyễn Đình Khang đề nghị, các cấp Công đoàn cần rà soát đảm bảo không cơ cấu những cán bộ công đoàn không đủ tiêu chuẩn vào các vị trí lãnh đạo trong hệ thống Công đoàn. Mỗi cán bộ công đoàn, nhất là cán bộ công đoàn được trao tặng Giải thưởng Nguyễn Văn Linh cần nỗ lực học tập tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; cần học tập tư duy dám nghĩ, dám làm, tinh thần ”dũng cảm, dám hy sinh quyền lợi của cá nhân mình vì lợi quyền công nhân lao động...”; ”sâu sát với công nhân nắm bắt tình hình và kịp thời biểu dương, phát huy những tài năng mới” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam vững mạnh, xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của đoàn viên, người lao động.
20h15: Phóng sự về Giải thưởng Nguyễn Văn Linh và 10 cán bộ công đoàn tiêu biểu
20h30: Giao lưu với Cán bộ Công đoàn tiêu biểu
*) Đồng chí Nguyễn Văn Cảnh - Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Giang: Sáng tạo, hiệu quả với mô hình “Siêu thị 0 đồng”
Đảm bảo đời sống cho 67.000 công nhân lao động và một bộ phận nhân dân vượt qua khó khăn do đại dịch
Tháng 5/2021, dịch bệnh Covid-19 bùng phát dữ dội tại Bắc Giang. Rất nhanh chóng, tỉnh Bắc Giang đã quyết định phong tỏa 4 khu công nghiệp, dẫn đến việc 67.000 công nhân phải ở lại trong các nhà máy. Đây là áp lực rất lớn trong việc chăm lo, đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm đảm bảo cuộc sống, việc làm, giữ vững tinh thần cho người lao động.
Thiết thực hỗ trợ công nhân lao động, LĐLĐ tỉnh Bắc Giang đã sáng tạo thành lập mô hình “Siêu thị 0 đồng”. Chia sẻ về mô hình này, đồng chí Nguyễn Văn Cảnh cho biết: Khi dịch bùng phát, nhiều người lao động rất hoang mang, lo sợ. Để đảm bảo hậu cần cho 67.000 người, mỗi ngày dự kiến cần 20 tấn gạo và 5 tỷ đồng để mua hàng hóa, nhu yếu phẩm. Ngay khi đó, LĐLĐ tỉnh đã họp và quyết định thành lập 29 Siêu thị 0 đồng, đồng thời tổ chức quyên góp lương thực, thực phẩm hàng hóa thiết yếu, phân phát đến khu nhà trọ. Kết quả, mô hình này đã đảm bảo đời sống cho 67.000 công nhân lao động và một bộ phận nhân dân vượt qua đại dịch trong thời gian gần 2 tháng.
Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình đi cấp phát lương thực cho công nhân lao động, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Giang cho biết: Khi đi phát lương thực, thực phẩmd, nhiều công nhân lao động không nhận nhiều, chỉ nhận đủ 2-3 để ngày ăn, nhường nhịn cho những công nhân khác. Lay động nhất, đó là trong nửa tháng cách ly, tôi có nhận được điện thoại của công nhân cho biết: Đã ăn cơm với rau, muối vừng nhiều rồi, mong muốn có một bữa cơm bình thường. Khi đó, chúng tôi rất băn khoăn, họp và bàn trong Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh, quyết định hợp đồng mua 20 tấn giò, 7 tấn cá hộp, chia cho công nhân lao động. Sau khi nhận được thực phẩm, công nhân rất phấn khởi, gửi lời cảm ơn tổ chức Công đoàn; và điều đó khiến chúng tôi cảm thấy rất ấm lòng.
Thiết thực với Đề án “Xây dựng nhà trọ công nhân an toàn, văn minh”
Chia sẻ về Đề án “Xây dựng nhà trọ công nhân an toàn, văn minh” do LĐLĐ tỉnh đề xuất và được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, đồng chí Nguyễn Văn Cảnh cho biết: Bắc Giang hiện có trên 300 nghìn công nhân lao động đang làm việc, trong đó có 70 nghìn công nhân lao động đang thuê trọ tại 60 nghìn phòng trọ - đây là lực lượng lao động đông mà tổ chức Công đoàn cần quản lý. Hiện, Bắc Giang không còn nhà trọ xập xệ, nhưng họ vẫn thiếu thốn nhiều thứ, nơi ở chật hẹp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh an toàn… do đó, rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành, trong đó có tổ chức Công đoàn.
Theo đó, LĐLĐ tỉnh đã trình Thường trực Tỉnh ủy, nâng cấp đề án lên thành đề án của Ủy ban nhân dân tỉnh, chỉ đạo các ban, ngành cùng vào cuộc. LĐLĐ tỉnh cũng đã biên soạn 10 điều cần biết của công nhân lao động ở khu nhà trọ, treo ở khu nhà trọ, đồng thời tuyên truyền tại các liên nhà trọ, nhà văn hóa thôn, phối hợp với tuyên truyền về pháp luật lao động, Công đoàn tới người lao động.
*) Đồng chí Trần Thị Thanh Phượng - Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Việt Thắng, Công đoàn Dệt- May Việt Nam: Sáng tạo mô hình Cửa hàng Công đoàn, đi chợ, sơ chế thực phẩm hộ cho người lao động.
Cửa hàng đã phục vụ hàng tấn rau củ quả cho 3.000 công nhân
Chia sẻ về mô hình “Cửa hàng Công đoàn” của Tổng Công ty Việt Thắng, đồng chí Trần Thị Thanh Phượng cho biết: Cách đây 10 năm, khoảng năm 2012, Công đoàn có đề nghị lãnh đạo công ty sắp xếp 1 gian hàng nhỏ để tổ chức cửa hàng.
Cửa hàng phục vụ thực phẩm thiết yếu như: Lương thực, thực phẩm tươi sống để phục vụ công nhân. Việt Thắng chuyên sản xuất sợi dệt, công nhân phải đi làm ca sáng và ca đêm, bởi vậy khi có cửa hàng, công nhân ghé mua rất tiện lợi, giá cả rẻ, hàng hóa an toàn rõ nguồn gốc, công nhân được mua trả chậm. Đối với công nhân có hoàn cảnh khó khăn, sẽ được làm việc tại cửa hàng để tăng thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
Đến nay, cửa hàng đã duy trì được 10 năm và phát triển lên 4 gian hàng, được người lao động ủng hộ và lãnh đạo Công ty tạo điều kiện. Cũng vào thời gian thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, gian hàng của công ty với hàng trăm mặt hàng tiêu dùng đã giúp rất nhiều người lao động có nguồn hàng hóa gửi về gia đình.
Với mô hình đi chợ hộ cho công nhân, đồng chí Phượng cho biết: Giữa năm 2021, đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát, diễn biến cam go, khoảng tháng 6/2021, thành phố Hồ Chí Minh đóng cửa chợ cóc, chợ truyền thống. Các chợ xung quanh công ty đều đóng cửa, công nhân của công ty muốn đi chợ thì phải đi xa, trong khi đó, giá cả hàng hóa tăng cao; đồng thời, người lao động cũng phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao. Trong khi đó, thời điểm này chưa có vắc xin cũng như thuốc điều trị.
Trước tình cảnh đó, Công đoàn đã nghĩ phải làm gì đó để giúp cho công nhân, giảm nguy cơ lây lan dịch. Nếu công nhân bị F0 bùng dịch trong công ty thì sẽ phải đóng cửa sản xuất, ảnh hưởng tới công việc, thu nhập của người lao động. Sau thời gian đắn đo suy nghĩ, Công đoàn đã quyết định thực hiện mô hình đi chợ hộ cho công nhân ngay cổng công ty.
Từ việc được lãnh đạo công ty giao cho quản lý bếp ăn tập thể, Công đoàn đã kết hợp các chuyến hàng hằng ngày để tiết kiệm chi phí vận chuyển, đồng thời tìm thêm được nguồn hàng từ các trang trại với giá rẻ, an toàn cho người lao động.
Khi bố trí gian hàng, Công đoàn tuân thủ giãn cách theo yêu cầu của Bộ Y tế. Gian hàng được thiết kế hình chữ U và có vạch phân chia khoảng cách. Thời điểm đó, gian hàng đã phục vụ hàng tấn rau củ quả cho 3.000 công nhân.
“Chìa khóa” để đám phán, thương lượng thành công
Không chỉ có những sáng kiến, việc làm thiết thực hỗ trợ về vật chất cho người lao động, đồng chí Trần Thị Thanh Phượng còn có kinh nghiệm trong thương lượng, đối thoại với người sử dụng lao động, nhằm mang lại những phúc lợi lâu dài cho người lao động.
Chia sẻ về “chìa khóa” để có được thành công trong những cuộc đám phán, thương lượng, Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Việt Thắng cho biết: Khi làm cán bộ công đoàn thì phải hiểu Công đoàn là gì, làm công tác công đoàn thì làm gì? Trong quá trình làm việc tại Việt Thắng 36 năm và 13 năm giữ vị trí Chủ tịch Công đoàn cơ sở, tôi nghĩ mình phải tự học tập nâng cao trình độ kiến thức về kinh tế - xã hội. Đặc biệt là nghiệp vụ công tác Công đoàn, kỹ năng tổ chức hoạt động công đoàn, kỹ năng thương lượng, thuyết phục ứng xử.
Trong quá trình hoạt động, cán bộ công đoàn cần phải nắm bắt, cập nhật kiến thức pháp luật, chế độ, chính sách liên quan tới người lao động, tham khảo các đơn vị trong và ngoài ngành; nắm bắt khó khăn, thuận lợi của đơn vị mình, trên cơ sở đó giữ mối quan hệ hài hòa giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Công đoàn thực sự phải là cầu nối giữa người lao động và chủ sử dụng lao động; phải nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động; trên cơ sở đó đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động. Đối thoại theo quy định của pháp luật, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động. Khi thương lượng, phải phù hợp với điều kiện thực tế của doanh nghiệp, nội dung thương lượng phải có lợi cho người lao động.
Theo đồng chí Trần Thị Thanh Phượng: Một doanh nghiệp nếu ổn định, phát triển thì sẽ có điều kiện chăm lo, đảm bảo việc làm, đời sống cho người lao động. Người lao động nếu được chăm lo về chế độ, chính sách, phúc lợi, họ sẽ cảm nhận được sự quan tâm của doanh nghiệp, từ đó họ sẽ hăng hái tham gia lao động sản xuất, cống hiến cho sự phát triển của công ty.
“Là một cán bộ Công đoàn luôn quan tâm, sâu sát với đời sống của người lao động của công ty mình, cũng như người lao động gần đó, tôi thấy cuộc sống của người lao động còn nhiều khó khăn, do đó, tôi mong người lao động có thu nhập khá để họ trang trải cuộc sống; đồng thời có thêm nguồn tích lũy để trang trải khi gặp sự cố, gia đình khó khăn. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ các nguồn vay cho người lao động để người lao động không bị vướng vào “bẫy tín dụng đen””, Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Việt Thắng chia sẻ.
21h05: Tôn vinh 10 cán bộ công đoàn tiêu biểu được trao tặng Giải thưởng Nguyễn Văn Linh lần thứ III, năm 2022
Lễ tôn vinh và trao Giải thưởng Nguyễn Văn Linh lần thứ III, năm 2022 được Tổng LĐLĐ Việt Nam trao cho 10 cá nhân tiêu biểu, gồm: 1- Đ/c Nguyễn Văn Cảnh - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Giang; 2- Đ/c Nguyễn Thiện Phú - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang; 3- Đ/c Nguyễn Anh Thư - Chủ tịch LĐLĐ huyện Bến Lức (tỉnh Long An); 4- Đ/c Nguyễn Thị Thủy - Chủ tịch LĐLĐ huyện Đan Phượng, (thành phố Hà Nội); 5- Đ/c Doãn Thị Thu Giang - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MCNEX Vina (tỉnh Ninh Bình); 6- Đ/c Trần Thị Thanh Phượng - Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Việt Thắng 1 - Công ty cổ phần, Công đoàn Dệt May Việt Nam; 7- Đ/c Giang Thị Thu Hiền - Chủ tịch Công đoàn Nhà máy Z131 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng); 8- Đ/c Trần Thị Hồng Vân - Chủ tịch Công đoàn Công ty Nissei Electric Việt Nam (thành phố Hồ Chí Minh); 9- Đ/c Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần May Công Tiến, thị xã Gò Công (tỉnh Tiền Giang); 10- Đ/c Phạm Thị Tuyết Nhung - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam (tỉnh Bình Dương). |
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Quyền lợi đặc biệt của lao động nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi
Cách tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng
Tôn vinh giá trị và vị thế của trẻ em gái, thúc đẩy bình đẳng giới
Bắt hai đối tượng bán mật gấu giả
Tài xế sẽ phải kiểm tra lí thuyết, thực hành khi bị trừ hết điểm bằng lái
Hà Nội: Triệt phá đường dây nhập lậu hàng nghìn tấn “khí cười”
Festival Ninh Bình lần thứ III: Hé lộ sân khấu gây choáng ngợp
Tin khác
Tổ chức Hội nghị cán bộ năm 2025 đảm bảo dân chủ, thiết thực
Hoạt động 23/11/2024 18:16
LĐLĐ quận Đống Đa: Nhiều hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn
Vì lợi ích đoàn viên 23/11/2024 16:31
Dư âm đẹp từ Giải bóng đá thường niên Tổng Công ty Vận tải Hà Nội năm 2024
Vì lợi ích đoàn viên 23/11/2024 12:19
Cụm thi đua số 7 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Làm tốt công tác đại diện, bảo vệ người lao động
Vì lợi ích đoàn viên 22/11/2024 21:40
Cụm thi đua số 6 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Thực hiện tốt chức năng đại diện
Hoạt động 22/11/2024 15:21
Cụm thi đua số 5: Nhiều đổi mới, sáng tạo trong hoạt động công đoàn
Hoạt động 22/11/2024 13:01
Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Công đoàn
Hoạt động 22/11/2024 06:06
Nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ Công đoàn Viên chức Việt Nam
Hoạt động 21/11/2024 16:45
Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh
Hoạt động 21/11/2024 15:49
Cụm thi đua số 4 triển khai hiệu quả công tác chăm lo đời sống cho đoàn viên
Hoạt động 21/11/2024 14:15