TRỰC TUYẾN: Nâng cao kiến thức về pháp luật lao động và nhận diện tín dụng đen
Đây là hoạt động thiết thực nhằm chào mừng Đại hội Công đoàn các cấp, Tháng Công nhân năm 2023; đồng thời trang bị cho các đơn vị, doanh nghiệp, CNVCLĐ những kiến thức thiết thực liên quan tới pháp luật lao động và nhận diện tín dụng đen.
Tham gia giải đáp câu hỏi của đoàn viên, người lao động tại buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến có các chuyên gia: Ông Tạ Văn Dưỡng - Trưởng ban Chính sách Pháp luật và Quan hệ lao động, LĐLĐ thành phố Hà Nội; Luật sư Nguyễn Văn Hà - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội; Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu - Cục Truyền thông Công an nhân dân, Bộ Công an.
14h00: Bắt đầu buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tiếp
Đến dự buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến, đại biểu thành phố Hà Nội có: Ông Nguyễn Huy Khánh - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội; ông Tạ Văn Dưỡng - Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, LĐLĐ thành phố Hà Nội.
Về phía quận Nam Từ Liêm có các đại biểu: Ông Lâm Quang Thao - Phó Bí thư Thường trực Quận ủy; Trần Thanh Long - Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy, Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận.
Về phía đơn vị tổ chức có các đại biểu: Ông Nguyễn Văn Bình - Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô; ông Đinh Tuấn Anh - Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô; bà Lê Thị Kim Điệp - Chủ tịch LĐLĐ quận Nam Từ Liêm.
Đặc biệt, chương trình có sự tham gia của gần 300 đoàn viên, người lao động quận Nam Từ Liêm.
Các đại biểu tham dự buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến. |
14h05: Phát biểu khai mạc buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh cho biết: Nâng cao kiến thức pháp luật cho người lao động là nhiệm vụ mang tính thường xuyên, liên tục của tổ chức Công đoàn nhằm giúp người lao động giải quyết hài hòa các mối quan hệ xã hội theo pháp luật; hạn chế tình trạng xung đột trong mối quan hệ với người sử dụng lao động.
Có nắm rõ pháp luật thì người lao động mới có thể bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình và người sử dụng lao động không vi phạm pháp luật, không xâm hại các quyền lợi hợp pháp của người lao động, từ đó tạo môi trường hoạt động ổn định phát triển doanh nghiệp.
Với chức năng, nhiệm vụ và thế mạnh của mình, trong nhiều năm qua, Báo Lao động Thủ đô đã phối hợp với các LĐLĐ quận, huyện, Công đoàn ngành tổ chức hàng loạt buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến nhằm tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho người lao động.
Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh phát biểu khai mạc chương trình. |
Bên cạnh nội dung về pháp luật lao động, cuộc đối thoại sẽ đề cập đến một trong những vấn đề đang rất nóng trong xã hội, nhất là với công nhân lao động, đó là nạn tín dụng đen. Vấn nạn đang âm thầm bòn rút sức lao động của không ít người lao động.
“Đồng hành với chúng tôi trong buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến hôm nay có các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực pháp luật lao động và an ninh kinh tế. Tôi mong muốn các đoàn viên, CNVCLĐ đang có mặt ở hội trường hãy nêu nhiều câu hỏi trực tiếp, các bạn đọc ở xa sẽ gửi câu hỏi trực tuyến cho các chuyên gia của chúng tôi để được giải đáp, tư vấn một cách hữu ích”, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô nhấn mạnh.
14h10: Phát biểu tại buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến, Chủ tịch LĐLĐ quận Nam Từ Liêm Lê Thị Kim Điệp cho biết, Việt Nam hiện nay đã hội nhập quốc tế sâu rộng với việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA)... các hiệp định không chỉ đề cập đến khía cạnh thương mại mà còn đề cập tới khía cạnh lao động và môi trường. Để thực hiện tốt các tiêu chuẩn lao động theo cam kết trong các hiệp định thương mại tự do, Công đoàn đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Chủ tịch LĐLĐ quận Nam Từ Liêm Lê Thị Kim Điệp phát biểu tại chương trình. |
Công đoàn là một bên trong quan hệ lao động, đại diện cho người lao động tham gia cùng với người sử dụng lao động và Nhà nước để xây dựng quan hệ lao động lành mạnh, ổn định trên cơ sở xác lập và thực thi các tiêu chuẩn lao động.
Muốn vậy, Công đoàn phải thực hiện tốt vai trò, chức năng của mình trong đại diện bảo vệ người lao động. Để làm được điều đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, tư vấn pháp luật cho người sử dụng lao động, cán bộ, đoàn viên, người lao động là rất cần thiết.
Tìm hiểu pháp luật lao động không chỉ giúp người lao động có thể tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của chính mình mà còn thực hiện đúng trách nhiệm, nghĩa vụ khi tham gia quan hệ lao động và hoạt động Công đoàn.
Toàn cảnh buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến. |
“Buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến hôm nay là dịp lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ quận Nam Từ Liêm được giao lưu, trao đổi, học hỏi nhằm nâng cao kiến thức pháp luật về lao động, nhận diện tín dụng đen...
Ban tổ chức hy vọng rằng, trong buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến ngày hôm nay, các đại biểu sẽ đặt nhiều câu hỏi, nêu những vẫn đề, những tình huống trong thực tiễn xảy ra cần trao đổi làm rõ để các chuyên gia giàu kinh nghiệm trao đổi, hướng dẫn và giải đáp trên tinh thần dân chủ, cởi mở, trao đổi thẳng thắn, để buổi giao lưu thành công tốt đẹp”, Chủ tịch LĐLĐ quận Nam Từ Liêm nhấn mạnh.
Lãnh đạo LĐLĐ Thành phố, Báo Lao động Thủ đô và LĐLĐ quận Nam Từ Liêm tặng hoa các chuyên gia. |
14h15: Các chuyên gia bắt đầu giải đáp câu hỏi, thắc mắc của CNVCLĐ
Các chuyên gia buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến. |
Chị Đoàn Thị Thanh Thủy - Trường Mầm non Mỹ Đình 1 hỏi:
Việc cho vay tín dụng đen là trái quy định pháp luật. Vậy xin hỏi chuyên gia, những đối tượng tổ chức cho vay tín dụng đen sẽ bị xử lý như thế nào?
Thượng Tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu: Tín dụng đen là hiện tượng xã hội tiêu cực, hiện chưa có định nghĩa chính thức về tín dụng đen. Theo tôi, cần nhận diện tín dụng đen với các đặc điểm sau: Đây là hình thức cho vay với lãi suất cao từ tổ chức, cá nhân không đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực cho vay, không được cấp phép, cho vay dưới hình thức vay ngắn gọn, trả góp; thủ tục giải ngân nhanh, không cần tài sản thế chấp.
Thường mức lãi suất cho vay cao hơn 5% so với mức lãi suất được Bộ luật Dân sự cho phép, khoản 1, Điều 468, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định lãi suất cho vay giữa các bên thoả thuận, không được vượt quá 20% của khoản vay đó.
Anh Đỗ Mạnh Tiến - Cơ sở Cai nghiện ma túy số 5 Hà Nội hỏi:
Bố mẹ đẻ có được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng về tai nạn lao động của con không, thưa chuyên gia?
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Theo quy định của Luật An toàn vệ sinh lao động, trường hợp anh đề cập thì tứ thân phụ mẫu là đối tượng được hưởng chế độ tuất. Tuy nhiên, tứ thân phụ mẫu phải thuộc diện không có lương hưu, quá tuổi lao động sẽ được trợ cấp hàng tháng.
Anh Đỗ Mạnh Tiến - Cơ sở Cai nghiện ma túy số 5 Hà Nội đặt câu hỏi. |
Chị Đỗ Thị Liên - Công đoàn phường Mễ Trì hỏi 3 vấn đề:
1, Công ty bạn tôi nợ BHXH đã hơn một năm nay, như vậy bạn ấy có được hưởng trợ cấp gì không?
2, Người lao động bị tạm đình chỉ công việc để điều tra thì có được đóng BHXH, BHYT không?
3, Đối tượng nào được hưởng BHYT 100%?
Luật sư Nguyễn Văn Hà: 1, Trong trường hợp doanh nghiệp nợ BHXH, người lao động sẽ không được hưởng các quyền lợi chính đáng về BHXH. Trường hợp khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động theo đúng quy định pháp luật thì doanh nghiệp có trách nhiệm phải thanh toán đủ số tiền BHXH còn nợ của người lao động.
Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải thực hiện chốt sổ BHXH cho người lao động để người lao động có thể tham gia bảo hiểm khi làm việc tại doanh nghiệp khác. Đối với trường hợp còn nợ tiền BHXH thì người lao động vẫn có thể chốt sổ BHXH cho những tháng đã đóng BHXH.
2, Từ tạm đình chỉ có ý nghĩa rất rộng. Do vậy, trong trường hợp người lao động bị tạm đình chỉ công việc không phát sinh quan hệ lao động thì sẽ không phải đóng bảo hiểm. Còn trong trường hợp người lao động vẫn phát sinh quan hệ lao động thì chủ doanh nghiệp vẫn phải đóng bảo hiểm.
3, Điều 14 Nghị định 146/2018 quy định 5 nhóm đối tượng được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh:
Nhóm thứ nhất là các đối tượng là người có công với cách mạng, cựu chiến binh, người được hưởng trợ cấp BHXH hằng tháng, người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn, thân nhân của người có công với cách mạng, người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng.
Nhóm thứ hai sẽ được hỗ trợ 100% chi phí khám chữa bệnh và không áp dụng giới hạn tỉ lệ thanh toán thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế. Các đối tượng này bao gồm những người hoạt động cách mạng trước năm 1945; bà mẹ Việt Nam anh hùng; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh khi điều trị vết thương, bệnh tật tái phát; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỉ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; trẻ em dưới sáu tuổi.
Nhóm thứ ba là những người khám chữa bệnh tại tuyến xã.
Nhóm thứ tư là các trường hợp khi đi khám chữa bệnh có chi phí cho một lần khám chữa bệnh thấp hơn 15% lương cơ sở (mức lương cơ sở hiện nay là 1,49 triệu đồng/tháng).
Nhóm thứ năm là những người tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn sáu tháng lương cơ sở (mức lương cơ sở hiện nay là 1.490.000 đồng).
Chị Đỗ Thị Liên - Công đoàn phường Mễ Trì đặt câu hỏi. |
Chị Nguyễn Thị Thu Hương - Trường Mầm non Mỹ Đình 2 hỏi:
Xin hỏi chuyên gia, trong trường hợp người lao động mắc bệnh hiểm nghèo phải nghỉ để đi chữa bệnh thì hưởng chế độ gì? Nếu không may qua đời thì được hưởng chế độ gì? Thủ tục hưởng thế nào?
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Người lao động có tham gia BHXH nếu mắc bệnh hiểm nghèo phải nghỉ việc điều trị thì được hưởng chế độ ốm đau theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
Nếu không may tử vong, người lao động sẽ được chế độ mai táng phí là 10 tháng lương, được thanh toán chế độ 1 lần tương đương mỗi năm 2 tháng lương và được chế độ tuất cho con dưới 18 tuổi và tứ thân phụ mẫu theo quy định của pháp luật.
Chị Tô Thị Mai Duyên - Công ty TNHH Agrek DNP hỏi:
Thưa chuyên gia, lương tháng thứ 13 được hiểu như thế nào? Người lao động trong thời gian nghỉ việc có được hưởng lương tháng thứ 13 hay không?
Luật sư Nguyễn Văn Hà: Lương tháng 13 thực tế là tiền thưởng chứ không phải lương do doanh nghiệp và người lao động giao kết thỏa thuận với nhau để quy định mức thưởng.
Đoàn viên, người lao động tham gia chương trình. |
Lao động thử việc thời gian căn cứ vào vị trí việc làm của từng người, chức danh quản lý thời gian thử việc 6 tháng, một số công việc khác tùy theo 1 tháng hoặc 2 tháng.
Xét về góc độ pháp luật không có quy định cứng 1 năm phải được thưởng một khoản bằng lương tháng thứ 13 mà do doanh nghiệp và người lao động trong quá trình xây dựng nội quy, quy chế, Thỏa ước Lao động tập thể thoả thuận với nhau để xác định mức độ tiền thưởng là bao nhiêu.
Chị Lê Thị Tươi - Công ty TNHH SFI Việt Nam hỏi:
1, Xin chuyên gia cho biết chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại? Điều kiện và mức bồi dưỡng bằng hiện vật được quy định như thế nào?
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Nhà nước đã ban hành danh mục nghề nặng nhọc độc hại, người lao động sẽ được hưởng các chế độ cao hơn.
Theo quy định pháp luật, ngành nghề nặng nhọc độc hại thì sẽ có quyền lợi cao hơn những người lao động bình thường khác như được hưởng chế độ khám sức khỏe 6 tháng 1 lần, bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật, được nghỉ phép năm dài hơn (14 ngày), nghề đặc biệt độc hại được nghỉ phép 16 ngày/năm.
Nếu làm ngành nghề độc hại, nguy hiểm đủ 15 năm thì chị sẽ được nghỉ hưu sớm 5 năm.
Mức bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất hằng ngày và có giá trị bằng tiền như sau: Mức 1: 13.000 đồng; mức 2: 20.000 đồng; mức 3: 26.000 đồng; mức 4: 32.000 đồng.
2, Tờ khai bảo hiểm cho người lao động theo chứng minh nhân cũ, bây giờ người lao động đã đổi sang căn cước công dân mới, xin hỏi chuyên gia, việc này có ảnh hưởng gì đến các thủ tục giải quyết các chế độ không?
Luật sư Nguyễn Văn Hà: Chứng minh nhân dân 9 số giờ đã chuyển sang thẻ Căn cước công dân. Trong trường hợp này, người lao động có thể đề nghị người sử dụng lao động lập bảng kê tất cả người lao động chuyển đổi số Căn cước công dân theo biểu mẫu của BHXH. Trên cơ sở đó, cơ quan bảo hiểm sẽ cập nhật thông tin, người lao động sẽ không bị cản trở gì trong quá trình thực hiện các chế độ về bảo hiểm.
Chị Chu Thùy Dương - Công ty TNHH Minh Giang hỏi:
Các điều kiện độc hại nào ảnh hưởng đến lao động nữ đang mang thai, nuôi con nhỏ? Xin chuyên gia cho biết những đối tượng nào trong doanh nghiệp bắt buộc phải huấn luyện an toàn vệ sinh lao động? Việc huấn luyện an toàn vệ sinh lao động trong tổ chức, doanh nghiệp được thực hiện như thế nào?
Chị Chu Thùy Dương - Công ty TNHH Minh Giang hỏi. |
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Theo quy định của Luật An toàn vệ sinh lao động và Nghị định 44 của Chính phủ về huấn luyện an toàn vệ sinh lao động tại doanh nghiệp nêu rõ doanh nghiệp phải thực hiện huấn luyện cho tất cả các đối tượng đang làm việc tại doanh nghiệp.
Cụ thể, Luật quy định 6 nhóm phải huấn luyện an toàn vệ sinh lao động: Nhóm thứ nhất là nhóm cán bộ quản lý là giám đốc doanh nghiệp, trưởng bộ phận… sau khi huấn luyện sẽ được cấp giấy chứng nhận và giấy chứng nhận này sẽ có thời hiệu trong 2 năm.
Nhóm thứ 2 là nhóm cán bộ phụ trách an toàn vệ sinh lao động và nhóm này được cấp giấy chứng nhận và giấy chứng nhận này sẽ có thời hiệu trong 2 năm.
Nhóm thứ 3 là nhóm công nhân lao động làm việc trong điều kiện công việc phải tuân thủ nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động thì phải huấn luyện và cấp thẻ an toàn vệ sinh lao động.
Tất cả đối tượng khác sẽ thuộc nhóm 4, chỉ huấn luyện nhưng không cấp chứng chỉ về an toàn vệ sinh lao động.
Ngoài ra còn có nhóm 5 là cán bộ y tế và nhóm 6 là đối tượng an toàn vệ sinh viên cũng thuộc nhóm phải huấn luyện an toàn vệ sinh lao động.
Thẩm quyền huấn luyện là các trung tâm, công ty được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp phép.
Luật sư Nguyễn Văn Hà trả lời câu hỏi của người lao động. |
Luật sư Nguyễn Văn Hà: Theo quy định của Luật Lao động, trường hợp phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ thì người sử dụng lao động khi tuyển dụng phải chấp hành nghiêm quy định của Luật. Với những đối tượng lao động yếu thế này, người sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Chị Nguyễn Thu Huyền - Giáo viên Trường Tiểu học Tây Mỗ hỏi:
Xin các chuyên gia giới thiệu một số app, thủ tục cho vay hợp pháp?
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Theo tôi thì nguồn tín dụng tin cậy nhất là các ngân hàng, các tổ chức tín dụng của Nhà nước.
Ở góc độ tổ chức Công đoàn, tôi xin giới thiệu với các anh chị về một “app”, địa chỉ vay vốn tin cậy là Quỹ Trợ vốn CNVCLĐ nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình. Đây là đơn vị trực thuộc LĐLĐ thành phố Hà Nội, có một trong những chức năng là cho vay vốn, hỗ trợ CNVCLĐ thực hiện các mục đích như: Chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh, tạo thêm việc làm tăng thu nhập; mua sắm phương tiện sinh hoạt, sửa chữa nhà; học nghề… với mức vay từ 40 đến 50 triệu đồng, lãi suất cực kỳ ưu đãi, thủ tục giải ngân nhanh gọn.
Để có thể vay vốn từ Quỹ trợ vốn, đoàn viên, người lao động đăng ký qua Công đoàn cơ sở để được bảo lãnh và hướng dẫn về thủ tục.
Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh trao quà cho người lao động tham gia trả lời câu hỏi giao lưu. |
Chị Trần Thị Nụ - Trường Tiểu học Lý Nam Đế hỏi:
Liên quan đến app vay tiền, tôi thấy hiện nay các app cho vay quá nhiều, tại sao vẫn chưa bị xử lý? Một người bạn của tôi vì có kết bạn với 1 người trên Facebook, mặc dù không không họ hàng hay bạn bè thân thiết gì nhưng vì có cùng họ và tên gần giống nên bị những đối tượng liên quan đến tín dụng đen cắt ghép ảnh đồi trụy và gửi hết cho những ai là bạn bè trên Facebook của bạn tôi. Bạn tôi đang rất hoang mang, xin nhờ các chuyên gia tư vấn cách xử lý?
Chị Trần Thị Nụ - Trường Tiểu học Lý Nam Đế nêu câu hỏi. |
Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu: Trên không gian mạng rất nhiều lời chào mời cho vay tiền, nếu chỉ dừng ở hành đông này họ chưa sai, chỉ sai khi thực hiện cho vay với lãi suất cao, cần cơ quan vào cuộc, điều tra làm rõ.
Những người không liên quan khoản vay cũng bị khủng bố, tình trạng này là có. Hiện nay tình trạng quảng cáo cho vay dưới mặt đất như dán trên cột điện… đã giảm, nhưng tình trạng quảng cáo cho vay trên không gian mạng tăng. Chúng ta đang đấu tranh rất mạnh với hiện tượng tiêu cực cho vay lãi nặng.
Khi cho người khác vay tiền, các đối tượng thường kèm theo điều kiện, người vay cho phép đối tượng truy cập đồng bộ vào danh bạ cá nhân, tài khoản mạng xã hội, khi người vay không trả được số nợ, các đối tượng sẽ gọi điện cho các số điện thoại có trong danh bạ để thúc ép đòi nợ. Chuyện các đối tượng quấy rối những người không liên quan để thúc ép đòi nợ là vi phạm pháp luật.
Theo quy định pháp luật, xử phạt 10 - 30 triệu đồng đối với hành vi sử dụng mạng xã hội để lan tỏa, phát tán thông tin sai sự thật. Những tình huống nghiêm trọng chủ thể bị xử lý về tội làm nhục, vu khống người khác. Chế tài đã có nhưng thực tế vẫn xảy ra tình trạng quấy rối như trên.
Khi nhận được những cuộc gọi như vậy, bạn trả lời không liên quan đến khoản vay, khi bị gọi quá nhiều thực hiện chặn số cuộc gọi lạ, khi đối tượng sử dụng ảnh của người vay, người không liên quan đến khoản vay để tung lên mạng, có thể yêu cầu đối tượng gỡ bỏ những hình ảnh bất lợi với mình, khi họ không thực hiện cần thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết. Cần chụp ảnh màn hình, lập vi bằng để xác định tài khoản này, thời điểm này kiểm tra thấy những thông tin vi phạm, gửi thông tin đến Thanh tra Sở Thông tin - Truyền thông hoặc cơ quan công an... để được hỗ trợ giải quyết.
Chị Đinh Thị Thanh Nga - Công Ty TNHH MTV Tư vấn thiết kế C.E.O hỏi:
Xin hỏi chuyên gia, vay tín chấp và tín dụng đen có phải là một không?
Thượng Tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu: Vay tín chấp là phương thức cho vay không có tài sản bảo đảm. Hiện nay chưa có định nghĩa cụ thể nào về tín dụng đen mà chỉ có nhận biết nội hàm. Tín dụng đen hoạt động trên phương thức cho vay tín chấp nhưng không phải mọi tín chấp đều là tín dụng đen. Tín dụng đen là cho vay lãi nặng, quá 5 lần so với mức pháp luật cho phép là 20%/năm của khoản vay.
Chị Đinh Thị Thanh Nga - Công Ty TNHH MTV Tư vấn thiết kế C.E.O nêu câu hỏi. |
Luật sư Nguyễn Văn Hà bổ sung: Nếu hoạt động tín dụng bình thường là hoạt động ngân hàng hay cho người dân, doanh nghiệp vay… Cho vay trên 20% nhưng chưa vượt quá 5 lần theo quy định của Bộ luật Hình sự chưa thể nói là tín dụng đen. Khi cho vay vượt quá 100% thì vi phạm pháp luật hình sự, trong trường hợp này tín dụng đen ngoài lãi cao thì còn có hoạt động uy hiếp, cưỡng đoạt tài sản, tống tiền với người đi vay tiền.
Anh Vũ Minh Tuấn - Khách sạn JW Marriott Hà Nội hỏi:
Trong trường hợp đang trên đường đi làm không may bị tai nạn giao thông, bị gãy chân, bó bột cố định, trường hợp này có được coi là tai nạn lao động hay không? Giấy tờ giải quyết như thế nào?
Ông Tạ Văn Dưỡng - Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động LĐLĐ Thành phố trao quà cho người lao động. |
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Theo quy định Luật An toàn vệ sinh lao động, những trường hợp như tai nạn giao thông hoặc các sự cố xảy ra tai nạn trên đường đi làm, với quãng đường và thời gian hợp lý thì được xác định là tai nạn lao động.
Bạn phải chú ý, yếu tố quãng đường và thời gian hợp lý. Bởi vậy, khi xảy ra sự cố tai nạn bạn phải báo cho cơ quan công an (có thể là công an giao thông, công an xã phường…) để họ ghi nhận và xác nhận hồ sơ cho mình.
Khi bạn được xác định là tai nạn lao động thì có thể được hưởng những quyền lợi đó là, doanh nghiệp phải chi trả toàn bộ chi phí điều trị; trả toàn bộ tiền lương khi người lao động điều trị vết thương; thứ ba là doanh nghiệp giao lại hồ sơ, bệnh án… giới thiệu người lao động đi giám định y khoa tại 36 phố Thợ Nhuộm. Sau khi gửi hồ sơ, hội đồng giám định sẽ cho ra kết quả bạn mất sức lao động bao nhiêu %, từ đó có thêm trợ cấp tai nạn lao động.
Công đoàn viên Trường Mần non Xuân Phương hỏi:
Vay tiền qua app mà không trả được có ảnh hưởng gì không?
Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu: Nguyên tắc đã vay phải trả. Theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự, đối với mức lãi suất vượt quá 20% của khoản vay đó thì người vay không có trách nhiệm phải trả vì đây là cho vay vi phạm pháp luật, còn nếu dưới 20% thì người vay phải trả. Không trả nhưng nếu do nguyên nhân khách quan sẽ khác, còn nếu có điều kiện để trả nợ nhưng cố tình không trả thì là chiếm đoạt tài sản.
Công đoàn viên Trường Mần non Xuân Phương đặt câu hỏi. |
Một bạn đọc hỏi:
Mẹ tôi đang hưởng lương hưu và sắp tới có nhận thêm công việc để kiếm thêm thu nhập. Vậy, mẹ tôi có phải tham gia BHXH bắt buộc không?
Luật sư Nguyễn Văn Hà: Những người đang nghỉ hưu khi đủ sức khỏe vẫn có thể đi làm và thực hiện giao kết hợp đồng lao động, trong trường hợp này người lao động không bắt buộc tham gia BHXH?
Chủ tịch LĐLĐ quận Nam Từ Liêm Lê Thị Kim Điệp trao quà cho người lao động tham gia trả lời câu hỏi giao lưu tại chương trình. |
Chị Phạm Thùy Dương - Công đoàn Trường Tiểu học Lê Quý Đôn hỏi:
Người lao động 47 tuổi thì còn bao nhiêu năm nữa đến tuổi nghỉ hưu. Hiện tại người đó nghỉ việc và được hưởng 12 tháng trợ cấp thất nghiệp, như vậy thì có ảnh hưởng gì đến tiền lương hưu sau này không?
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Có 2 điều kiện cho việc nghỉ hưu đó là về số năm tham gia BHXH (Luật hiện hành đang quy định là đủ 20 năm đóng BHXH) và thứ 2 là số tuổi. Theo Bộ luật Lao động 2019, hiện nay chúng ta đang thực hiện lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đến khi nữ đủ 60 tuổi và nam đủ 62 tuổi thì đủ tuổi nghỉ hưu.
Chị Phạm Thị Thùy Dương - Công đoàn Trường Tiểu học Lê Quý Đôn đặt câu hỏi. |
Đối với trường hợp bạn hỏi, nếu đó là lao động nữ, và có đủ 20 năm đóng BHXH rồi nhưng mới có 47 tuổi thì phải chờ thêm 13 năm nữa mới đủ điều kiện nghỉ hưu, còn nếu là nam thì phải chờ 15 năm nữa mới đủ điều kiện nghỉ hưu.
Về câu thứ 2 bạn hỏi, việc người lao động hưởng 12 tháng trợ cấp thất nghiệp không ảnh hưởng gì đến tiền lương hưu sau này vì đây là 2 quỹ khác nhau.
Chị Nguyễn Thị Quang Hoà - Trường Mầm non Mỹ Đình 2 hỏi:
Xin hỏi chuyên gia, lãi suất cho vay bao nhiêu thì được cho là bất hợp pháp?
Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu: Theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015, lãi suất cho vay là do các bên tự thỏa thuận và không được vượt quá 20%/năm của khoản vay đó. Nếu như trường hợp lãi suất quá 5 lần mức 20%/năm là cấu thành tội cho vay lãi nặng.
Chị Đinh Thị Thanh Nga - Công ty TNHH MTV Tư vấn thiết kế C.E.O hỏi:
Xin các chuyên gia cho biết LĐLĐ thành phố Hà Nội đã có những hoạt động gì để giúp công nhân lao động tránh xa tín dụng đen?
Chị Đinh Thị Thanh Nga, Công Ty TNHH MTV tư vấn thiết kế C.E.O đặt câu hỏi |
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Với chức năng đại diện cho người lao động, khi tín dụng đen bùng phát, tổ chức Công đoàn Thủ đô đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua nhiều hình thức để giúp công nhân lao động nhận diện được tín dụng đen, tránh xa vào bẫy của tín dụng đen.
Bên cạnh đó, như tôi đã nói, LĐLĐ Thành phố đã thành lập và duy trì hoạt động Quỹ Trợ vốn CNVCLĐ nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình với mục đích hỗ trợ vốn vay cho người lao động, ưu điểm của Quỹ trợ vốn là lãi suất thấp, thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chóng, thuận tiện, rất hợp với CNVLĐ.
Ngoài ra, tổ chức Công đoàn cũng triển khai Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm cho người lao động nghèo vay vốn, tạo việc làm tăng thêm thu nhập. Đặc biệt, LĐLĐ thành phố Hà Nội và các cấp Công đoàn Thủ đô thường xuyên đẩy mạnh hoạt động chăm lo, hỗ trợ cho người lao động bằng tiền mặt để giúp san sẻ phần nào với khó khăn của người lao động.
Hàng năm, LĐLĐ thành phố Hà Nội thường chi từ 100 - 200 tỷ đồng để hỗ trợ người lao động khó khăn, riêng trong tháng 5 - Tháng Công nhân năm nay, LĐLĐ Thành phố đã chi 3 tỷ đồng để hỗ trợ cho người lao động khó khăn.
Chị Nguyễn Phương Hà - Công ty cổ phần Thú y Xanh Việt Nam hỏi:
1, Trong hồ sơ làm thủ tục thanh toán tai nạn lao động có biên bản, tôi xin hỏi, đoàn kiểm tra về tai nạn lao động tại cơ sở gồm những thành phần nào?
2, Bạn tôi ký hợp đồng thử việc với công ty 2 tháng, tuy nhiên tính tới thời điểm hiện tại, bạn tôi đã làm việc được 5 tháng nhưng chưa được ký hợp đồng. Công ty lấy lý do chưa có chỉ tiêu thêm nhân sự nhưng cũng không yêu cầu bạn tôi nghỉ việc. Bạn tôi làm thế nào để bảo vệ quyền lợi của mình?
3, Gia đình bạn tôi có người thân đang hưởng chế độ lương hưu những không may qua đời, những người thân còn lại đi làm ăn xa, không ai làm chế độ tử tuất. Đã qua 1 năm rồi, có được làm chế độ tử tuất để người thân được hưởng không?
Bà Nguyễn Phương Hà - Công ty cổ phần Thú y Xanh Việt Nam đặt câu hỏi. |
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Theo Luật An toàn lao động, thẩm quyền điều tra tai nạn lao động, nếu tai nạn lao động chết người, bị thương nặng từ 2 người trở lên thuộc thẩm quyền điều tra cấp Thành phố gồm 3 cơ quan: LĐLĐ Thành phố; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Y tế.
Trường hợp tai nạn lao động bị thương nặng từ 1 ngưởi trở lên thì thẩm quyền thuộc doanh nghiệp. Khi xảy ra tai nạn lao động giám đốc doanh nghiệp ra quyết định thành lập đoàn điều tra tai nạn lao động gồm: Giám đốc hoặc người được uỷ quyền làm trưởng đoàn; Chủ tịch Công đoàn; cán bộ phụ trách an toàn lao động; cán bộ kỹ thuật và những người liên quan. Sau khi thành lập đoàn kiểm tra phải chụp ảnh, lấy lời khai, có biên bản kết luận điều tra tai nạn lao động, đây là cơ sở để giải quyết chế độ tai nạn lao động cho người lao động.
Theo quy định của Bộ luật Lao động, thời gian thử việc trong vòng 15 ngày phải thông báo kết quả thử việc và giao kết hợp đồng lao động với người lao động. Trường hợp này đã quá 3 tháng mà doanh nghiệp không giao kết hợp đồng lao động là vi phạm.
Theo quy định quan hệ lao động này được xác lập, người lao động có thể đề xuất với người sử dụng để ký hợp đồng lao động với mình theo đúng pháp luật.
Luật sư Nguyễn Văn Hà: Về chế độ tử tuất thì bạn của bạn nên mang giấy chứng tử của người thân ra nơi người thân hưởng lương hưu để làm thủ tục giải quyết chế độ.
Phát biểu bế mạc buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh nhấn mạnh: Sau thời gian hơn 2 giờ đồng hồ, với trên 30 câu hỏi trực tiếp và hàng chục câu hỏi gửi qua hòm thư điện tử, tập trung liên quan đến các chế độ, chính sách đối với người lao động như: Hợp đồng lao động, tiền lương, tiền thưởng, thu nhập, BHXH, an toàn lao động, đặc biệt là loại hình tội phạm tín dụng đen... là những vấn đề được người lao động hết sức quan tâm và thiết thực, gần gũi. Do thời lượng có hạn vẫn còn nhiều câu hỏi của bạn đọc chưa được trả lời hết tại buổi giao lưu, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô mong muốn đoàn viên, người lao động sẽ tiếp tục gửi câu hỏi, Báo Lao động Thủ đô sẽ là cầu nối gửi tới các chuyên gia, các cơ quan chức năng và trả lời bạn đọc qua chuyên mục tư vấn pháp luật trên Báo Lao động Thủ đô. |
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Triển khai các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong hình phạt tù
Rà soát các công trình chậm tiến độ, gây lãng phí trên địa bàn Đồng Nai
Dự kiến nhà ga T3 Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ hoàn thành vào ngày 30/3/2025
Hải Phòng: Hơn 1.000 người diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cấp Thành phố năm 2024
Hải Phòng: Huyện An Dương biểu dương phong trào thi đua “Hai tốt” năm học 2023 - 2024
Tỷ giá USD hôm nay (13/11): Đồng USD thế giới tiếp tục tăng
Giá xăng dầu hôm nay (13/11): Vẫn duy trì mức thấp
Tin khác
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy làm Chủ tịch Công đoàn Cơ quan LĐLĐ thành phố Hà Nội
Hoạt động 12/11/2024 18:45
Rèn luyện sức khỏe cho người lao động qua thể thao
Hoạt động 12/11/2024 12:47
Phối hợp hiệu quả giữa ngành Thuế và tổ chức Công đoàn
Hoạt động 12/11/2024 12:43
Đổi mới để thực hiện tốt thương lượng tập thể
Hoạt động 12/11/2024 10:54
Công đoàn Ngân hàng Việt Nam thăm, làm việc với Công đoàn Ngân hàng Malaysia
Hoạt động 11/11/2024 14:28
Sôi nổi Hội thao ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Thạch Thất năm học 2024 - 2025
Hoạt động 10/11/2024 20:17
Nghệ An: Sôi nổi Giải bóng chuyền kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam
Hoạt động 09/11/2024 21:03
Công đoàn ngành Dệt May Hà Nội: Khẳng định vai trò, vị thế vững chắc
Hoạt động 08/11/2024 22:14
Nâng cao năng lực cho cán bộ tuyên giáo Công đoàn
Hoạt động 08/11/2024 16:30
LĐLĐ quận Hoàn Kiếm tuyên truyền về pháp luật lao động và phòng chống ma túy
Hoạt động 07/11/2024 19:52