Trực tuyến: Những điểm mới đáng quan tâm về chế độ bảo hiểm xã hội và chính sách việc làm
Buổi giao lưu nhằm cập nhật những quy định mới nhất của pháp luật liên quan đến chính sách bảo hiểm xã hội, việc làm… tới người lao động và là hoạt động thiết thực của Báo Lao động Thủ đô, Liên đoàn Lao động huyện Phúc Thọ hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam (9/11).
Đến dự buổi giao lưu trực tuyến có các đại biểu: Ông Phạm Bá Vĩnh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội; ông Nguyễn Văn Hồng, Phó trưởng phòng Dân vận các cơ quan, ban Dân vận Thành Uỷ Hà Nội; ông Nguyễn Bá Châu, Uỷ viên Thường vụ, Chánh văn phòng Liên đoàn lao động Thành phố; bà Lê Thị Bích Ngọc, Uỷ viên Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô; ông Đoàn Tuấn Anh, Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Phúc Thọ; ông Trần Ngọc Tuyên, Phó trưởng ban Dân vận Huyện uỷ Phúc Thọ; bà Nguyễn Thị Lan Anh, Huyện uỷ viên, Chủ tịch Liên đoàn lao động huyện Phúc Thọ, và đại diện Liên đoàn lao động các quận, huyện, ngành, các Ban của Liên đoàn Lao động Thành phố, cùng gần 300 đại biểu là công nhân viên chức lao động trên địa bàn huyện.
Đại biểu tham dự buổi giao lưu. |
Tham gia giải đáp mọi câu hỏi của cán bộ công chức, viên chức, người lao động có các chuyên gia: Hồ Thị Kim Ngân - Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Vũ Minh Huyền – Phó trưởng phòng Xây dựng Chính quyền, Sở Nội vụ Hà Nội; Trần Thị THu Hà - Phó trưởng phòng chế độ Bảo hiểm Xã hội Hà Nội.
8h30
Phát biểu tại buổi giao lưu trực tuyến, Tổng biên tập báo Lao động Thủ đô Lê Thị Bích Ngọc cho biết, kể từ năm 2010, báo Lao động Thủ đô đã dần hình thành một kênh phổ biến kiến thức pháp luật rất hiệu quả, hữu ích thông qua việc tổ chức các cuộc đối thoại, giao lưu trực tiếp với công nhân, viên chức, lao động. Tại các cuộc này, công chức, viên chức, người lao động đã rất sôi nổi đặt các câu hỏi là những tình huống, khúc mắc trong đời sống hàng ngày. Được các chuyên gia của chương trình cũng là những nhà quản lý, luật sư, những nhà hoạch định và triển khai chính sách, rất am hiểu về pháp luật và các lĩnh vực xã hội giải đáp.
Bà Lê Thị Bích Ngọc Tổng biên tập báo Lao động Thủ đô phát biểu khai mạc buổi giao lưu. |
Kể từ ngày 1/7/2020, Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức (sửa đổi, bổ sung) đã có hiệu lực và từ 1/1/2021 Bộ Luật lao động năm 2019 cũng bắt đầu có hiệu lực. Hai Bộ luật này có rất nhiều quy định mới, bảo đảm tốt hơn quyền, nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động. Góp phần xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hoà, ổn định, phù hợp hơn với điều kiện phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ở Việt Nam. Rất nhiều điểm mới ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của công chức, viên chức, người lao động; tác động trực tiếp đến việc làm và chế độ chính sách BHXH, bảo hiểm y tế, khiến người lao động sẽ gặp phải không ít bất cập, khó khăn trong quá trình áp dụng nếu không hiểu.
“Hôm nay, được sự tạo điều kiện, phối hợp triển khai của Liên đoàn Lao động huyện Phúc Thọ, trong chương trình này, Ban Tổ chức và các chuyên gia đã sẵn sàng truyền đạt, hướng dẫn và giải đáp các khúc mắc mà các đồng chí, các bạn quan tâm. Chúng tôi rất mong các đồng chí, các bạn mạnh dạn, sôi nổi đặt câu hỏi những vấn đề thực tế của mình để các chuyên gia tư vấn, giúp giải đáp”, Tổng biên tập báo Lao động Thủ đô Lê Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.
8h40:
Phát biểu tại buổi giao lưu trực tuyến, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Phúc Thọ Nguyễn Thị Lan Anh cho biết, với chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của công nhân viên chức lao động. Trong thời gian qua, các cấp công đoàn huyện Phúc Thọ đã luôn chủ động trong công tác tuyên truyền thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật, qua đó đã góp phần thực hiện đảm bảo chính sách cho cán bộ công nhân viên chức lao động trên địa bàn huyện.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Phúc Thọ Nguyễn Thị Lan Anh phát biểu tại buổi giao lưu. |
“Chương trình giao lưu trực tuyến hôm nay, ngoài việc giải đáp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động liên quan đến những chế độ, chính sách mới, còn là dịp để Liên đoàn Lao động Huyện nói riêng cũng như tổ chức Công đoàn lắng nghe ý kiến phản hồi chính sách từ thực tiễn của đoàn viên, công nhân viên chức lao động để tiếp tục đề nghị các cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện chính sách, pháp luật về các lĩnh vực lao động và các chế độ, chính sách liên quan đến công chức, viên chức, người lao động” – đồng chí Nguyễn Thị Lan Anh cho biết.
8h50
Đến dự và phát biểu chỉ đạo buổi giao lưu trực tuyến, ông Phạm Bá Vĩnh - Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội cho biết, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho công nhân viên chức lao động luôn là một nhiệm vụ được tổ chức công đoàn và các cấp ngành quan tâm thực hiện, thông qua đó nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, từng bước hình thành thói quen hành động theo pháp luật cho người lao động. Đây cũng là cách tốt nhất để người lao động có thể tự bảo vệ mình trong quan hệ lao động và góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa.
Ông Phạm Bá Vĩnh - Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội phát biểu tại buổi giao lưu. |
Thời gian qua báo Lao động Thủ đô và Liên đoàn Lao động huyện Phúc Thọ đã có rất nhiều sáng tạo trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động đến người lao động. Với cuộc giao lưu hôm nay, báo Lao động Thủ đô và Liên đoàn huyện Phúc Thọ lựa chọn chủ đề là “Những điểm mới của chính sách bảo hiểm xã hội, việc làm liên quan đến công chức, viên chức, người lao động” là hết sức thiết thực để giúp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cập nhật được những quy định mới được điều chỉnh của pháp luật, giúp chính sách pháp luật mới sớm đi vào cuộc sống.
“Buổi giao lưu hôm nay với sự tham gia của các chuyên gia giàu kinh nghiệm sẽ là một cơ hội quý giá để người lao động nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật của mình. Tôi mong muốn, với những kiến thức hữu ích được các chuyên gia cung cấp, sau buổi giao lưu trực tuyến ngày hôm nay, các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị và người lao động, các cán bộ, công chức, viên chức sẽ nắm rõ hơn về chính sách, quy định mới về pháp luật, từ đó hiểu rõ hơn về quyền lợi, thực hiện tốt hơn nghĩa vụ của mình khi tham gia quan hệ lao động”, ông Phạm Bá Vĩnh nhấn mạnh.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội, Báo Lao động Thủ đô và huyện Phúc Thọ tặng hoa các chuyên gia. |
9h: Hỏi đáp giữa công nhân, viên chức lao động và các chuyên gia
Anh Bùi Hồng Hạnh - trường Trung học cơ sở Vân Phúc hỏi: Hiện nay, trên địa bàn huyện Phúc Thọ, đa số nhân viên, bảo vệ trong các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở làm việc theo hợp đồng 68, tuy nhiên mỗi trường chỉ bố trí 2 đồng chí do đó lãnh đạo đơn vị phân công luân phiên trực 12 tiếng/ngày. Tôi xin hỏi các chuyên gia, với phân công lao động như thế đối chiếu quy định việc làm thì có phù hợp không? Nếu các nhân viên này được phân công trực vào ngày lễ tết thì chế độ được hưởng như thế nào?
Chuyên gia Vũ Minh Huyền |
Chuyên gia Vũ Minh Huyền: Đối với thành phố Hà Nội, các chỉ tiêu hợp đồng 68 đều được Sở Nội vụ thẩm định, trình Ủy ban nhân dân xét duyệt, ký và giao về các huyện, trong đó có huyện Phúc Thọ. Do chỉ tiêu này chỉ có số lượng nhất định, và quy định về thời giờ làm việc của người lao động chỉ có 8 tiếng/ngày, trong khi nhu cầu công việc thực tế ở một số vị trí như nhân viên bảo vệ, lao công thì cao hơn nên ngoài chỉ tiêu được giao theo hợp đồng 68. Thành phố cho phép các trường được ký hợp đồng lao động thêm với một số vị trí việc làm như lao công, bảo vệ và gần đây là có cả giáo viên, những lao động này sẽ hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp của dơn vị chi trả. Như vậy việc bố trí việc làm cho số lao động hợp đồng này thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân huyện.
Chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân |
Chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân (bổ sung): Theo quy định của pháp luật, thời giờ làm việc bình thường của người lao động không quá 8 giờ trong 1 ngày và không quá 48 giờ trong 1 tuần. Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày, hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết. Như vậy, trên thực tế, do nhu cầu công việc thì đơn vị bạn có thể huy động người lao động làm việc thêm giờ nhưng phải thông báo rõ cho người lao động biết, khi ký hợp đồng lao động, người lao động phải được biết rõ về thời gian làm việc, được quy định trong hợp đồng nếu người lao động đồng ý thì mới ký hợp đồng làm việc, nếu không đồng ý thời gian làm việc kéo dài thì không thực hiện ký hợp đồng. Còn khi đã đồng ý ký hợp đồng và thời gian làm việc kéo dài thì người lao động sẽ được hưởng tiền làm thêm giờ theo quy định của pháp luật.
Anh Bùi Hồng Hạnh (Trường Trung học cơ sở Vân Phúc) đặt câu hỏi? |
Chị Phan Thị Đông - Chủ tịch Công đoàn Trường Trung học cơ sở Liên Hiệp hỏi: Theo Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị về ban hành chính sách cải cách tiền lương thì từ năm 2021 sẽ trả lương theo vị trí việc làm. Vậy đối với những giáo viên đã làm lâu năm trong ngành thì khi cắt thâm niên và trả lương theo vị trí việc làm như vậy thì lương có bị thay đổi nhiều không? Giáo viên có được hưởng phụ cấp nữa không?
Chuyên gia Vũ Minh Huyền: Nếu bình thương theo lộ trình năm 2020 sẽ thực hiện cải cách tiền lương nhưng do tác động về kinh tế xã hội và dịch Covid-19 nên chưa thực hiện, để lùi lại, cho nên các thầy cô giáo vẫn hưởng lương theo hạng chức danh nghề nghiệp và phụ cấp thấp niên nghề, phụ cấp đứng lớp…, khi nào có chỉ đạo của Trung ương thì sẽ thực hiện.
Hiện nay chưa có khái niệm “cắt thâm niên”, các cô giáo vẫn được hưởng mọi phụ cấp bình thường trong khi chờ chỉ đạo của Trung ương. Về vị trí việc làm trong trường học thì được chia thành hai loại vị trí. Đối với giáo viên đứng lớp thì có vị trí như giáo viên dạy văn hóa, giáo viên dạy bộ môn như âm nhạc, thể dục, tin học, tiếng Anh… đều được gọi là “vị trí làm giáo viên”.
Riêng Ban Giám hiệu có hai vị trí là Hiệu trưởng và Phó hiệu trưởng. Chế độ cải cách tiền lương của các vị trí này đang trong quá trình soạn thảo, hiện tại vẫn thực hiện theoluật hiện hành.
Chị Phan Thị Đông - Chủ tịch Công đoàn Trường Trung học cơ sở Liên Hiệp tiếp tục hỏi: 1. Bạn tôi đã đóng bảo hiểm 20 năm nhưng không có điều kiện đóng nữa, hiện bạn tôi muốn về hưu thì chế độ lương hưu được tính như thế nào?
2.Trường hợp doanh nghiệp không khám sức khỏe định kỳ cho người lao động với lý do chi phí này đã có bảo hiểm y tế chi trả, như vậy có đúng không?
Chuyên gia Trần Thị Thu Hà |
Chuyên gia Trần Thị Thu Hà: Theo luật Bảo hiểm xã hội phải có 2 điều kiện cần và đủ để về hưu trong điều kiện làm việc bình thường, đối với nam là 60 tuổi, nữ là 55 tuổi. Điều kiện cần là ít nhất có 20 năm đóng bảo hiểm xã hội.
Trường hợp đã đóng 20 năm, đã đủ điều kiện cần nhưng theo tuổi đời thì đối với các trường hợp muốn về hưu trước tuổi, tính từ năm 2020 thì nam phải đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi sẽ đủ điều kiện giám định y khoa (61% trở lên) để nghỉ hưu. Trường hợp không đủ tuổi đời (ví dụ thiếu 5 năm tuổi đời) thì mỗi năm sẽ trừ đi 20%. Như vậy tiền lương khi về hưu trước 50 tuổi là rất thấp. Vì vậy khuyến khích người lao động nên đi làm cho đến lúc đủ tuổi về hưu để được hưởng mức lương hưu tối đa.
Chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân: Với câu hỏi thứ 2 của chị, theo Luật lao động, Các công ty, doanh nghiệp phải có trách nhiệm khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên, ít nhất 01 lần/năm. Riêng đối với những người làm công việc nặng nhọc, độc hại, người lao động là người chưa thành niên, người cao tuổi, người khuyết tật phải được khám sức khỏe ít nhất 02 lần/năm. Chi phí này do doanh nghiệp trả, không liên quan đến bảo hiểm y tế của người lao động. Người lao động muốn khám bệnh có thể sử dụng bảo hiểm y tế để đi khám không hạn chế số lần.
Chị Cao Thị Bích Duyên (Công đoàn Trường Tiểu học thị trấn Phúc Thọ) đặt câu hỏi? |
Chị Cao Thị Bích Duyên (Chủ tịch Công đoàn trường Tiểu học thị trấn) hỏi:
Câu 1: Bạn tôi là giáo viên tiểu học, 50 tuổi và đã có bằng Cao đẳng, năng lực chuyên môn vững vàng. Tuy nhiên do điều kiện gia đình bạn tôi không thể đi học để lấy bằng cử nhân. Trong thời gian tới thực hiện chế độ chi trả lương theo vị trí việc làm thì bạn tôi có bị ảnh hường gì về thu nhập và chế độ phúc lợi không? Trong trường tôi, một số giáo viên đang có nhu cầu tham gia các lớp cử nhân để nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu về chuẩn của giáo viên tiểu học thì có được hỗ trợ gì về kinh phí không?
Chuyên gia Vũ Minh Huyền: Theo luật Giáo dục sửa đổi từ 1/7/2020, trình độ chuẩn của giáo viên mầm non là Cao đẳng trở lên, Tiểu học và THCS là Đại học trở lên. Trong toàn thành phố hiện nay, trình độ giáo viên mầm non đáp ứng được yêu cầu từ Cao đằng trở lên và đã là viên chức đạt 60%, Tiểu học và THCS thì tỉ lệ này cao hơn. Khi thực hiện Luật, hiện nay Chính phủ đã có nghị định 71 quy định gia hạn về thời gian nâng chuẩn đối với giáo viên. Đối với cô giáo 50 tuổi như trường hợp chị nêu hiện có trình độ Cao đẳng thì sẽ không bắt buộc phải nâng chuẩn. Toàn bộ chế độ chính sách với các thầy cô giáo hiện nay đã là viên chức vẫn thực hiện như bình thường, vẫn hưởng chức danh theo nghề nghiệp, hưởng lương đang hưởng, phụ cấp đứng lớp… và định kì giáo viên hạng 4 là 2 năm tăng lương 1 lần, hạng 3 thì 3 năm tăng lương 1 lần.
Sau khi có nghị định 71 của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Thông tư 24, trong đó có yêu cầu các chuẩn, thời hạn nâng chuẩn đối với giáo viên và cán bộ quản lý. Theo đó, xác định thời gian nâng chuẩn là 5 năm từ 1/7/2020-1/7/2025 và sau khi kết thúc lộ trình 5 năm đó giáo viên nâng chuẩn phải đảm bảo 50% số giáo viên chưa đạt chuẩn, 50% còn lại tiếp tục thực hiện nâng chuẩn trong 5 năm tiếp theo. Về kinh phí, Sở Giáo dục và Đạo đang kết hợp với các sở, ban, ngành xây dựng chi tiết báo cáo Uỷ ban nhân dân và trình Hội đồng nhân dân thông qua. Khi nào có kết quả cụ thể chúng tôi sẽ thông tin sau.
Chị Phan Thị Đông (Chủ tịch Công đoàn Trường Trung học cơ sở Liên Hiệp) đặt câu hỏi? |
Ông Khuất Duy Hải - Chủ tịch công đoàn trường tiểu học Thượng Cốc hỏi: Cháu tôi đã tốt nghiệp đại học, chuyên ngành của cháu được 1 doanh nghiệp rất cần, do vậy sau khi đi học 1 lớp sau đại học, cháu tôi vẫn tham gia ký hợp đồng lao động với một doanh nghiệp và doanh nghiệp này chi trả hoàn toàn tiền học phí cũng như vẫn đảm bảo chế độ tiền lương, thường cho cháu . Khi kí kết hợp đồng lao động, doanh nghiệp này yêu cầu phải làm việc tiếp 7 năm sau khi học xong. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm thì có một doanh nghiệp khác đề nghị ký hợp đồng với cháu và cháu cũng mong muốn làm việc tại doanh nghiệp này. Xin hỏi cháu tôi có được phá hợp đồng với doanh nghiệp đã kí ban đầu hay không và mức đền bù được thực hiện như thế nào?
Chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân: Hiện nay theo quy định Bộ luật lao đông năm 2019 sửa đổi có nhiều điểm mới, cụ thể, theo điều 35, quyền của người lao động về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần lý do, chỉ cần báo trước. Trong trường hợp này là hợp đồng lao động có thời hạn, chỉ cần đảm bảo thời gian trước theo đúng luật.
Trong trường hợp này khi kí hợp đồng lao động có nội dung về việc cam kết sau khi học sẽ tiếp tục công tác. Trong điều kiện hợp đồng đã quy định mức bồi thường thì phải thực hiện đúng theo hợp đồng, bởi vì khi kí hợp đồng là người lao động đã tự nguyện thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, nếu không quy định sẽ được thực hiện theo luật dân sự, theo mức thỏa thuận giữa 2 bên.
Ông Khuất Duy Hải (Chủ tịch Công đoàn trường Tiểu học Thượng Cốc) đặt câu hỏi |
Chuyên gia Trần Thị Thu Hà: Người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện: Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc; đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 3 tháng (dương lịch) kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật…
Anh Nguyễn Mạnh Lâm, Công đoàn Quỹ tín dụng Tam Hiệp hỏi: Lao động nữ nghỉ thai sản 6 tháng và tiếp tục xin nghỉ thêm 2 tháng không lương. Sau 2 đó, lao động này xin nghỉ luôn và không quay lại làm việc nữa, vậy lao động đó có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không?
Sau khi kết thúc chế độ thai sản, trường hợp anh hỏi đã có 2 tháng nghỉ việc không lương, dừng đóng bào hiểm thất nghiệp do đó không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Chị Khuất Thị Thìn (Công ty Cổ phần cồn giấy rượu Hà Tây) đặt câu hỏi? |
Chị Khuất Thị Thìn. Công ty Cổ phần cồn giấy rượu Hà Tây hỏi: Tôi xin hỏi các chuyên gia một số câu hỏi như sau: Thứ nhất, Công ty không ký hợp đồng lao động thì bị xử phạt như thế nào? Trong công ty hiện nay có lao động đang thử việc được 6 tháng nhưng chưa được ký hợp đồng lao động, việc công ty chưa ký hợp đồng lao động như vậy có bị vi phạm quy định pháp luật không?
Câu thứ hai: Người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp có đóng đầy đủ các loại bảo hiểm, người này đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở Bệnh viện đa khoa huyện Phúc Thọ, khi bị va trạm giao thông (ngoài giờ làm việc, không trên đường về nhà), người này bị tai nạn ngã chấn thương vùng đầu, gãy xương Quai xanh đến cấp cứu ở bệnh viện Quân đội 105 (gia đình trình thẻ BHYT luôn khi vào viện): khi hết thời gian cấp cứu Bác sỹ cho ra viện và được Bệnh viện thanh toán 48% chi phí khám chữa bệnh, còn các khoản: Chụp, chiếu, xét ngiệm ban đầu khi mới vào cấp cứu thì phải nộp 100%. xin hỏi: Bệnh viện thanh toán cho người này như vậy có đúng không? Tại sao cấp cứu lại không được hưởng 80%? Trường hợp như thế nào thì gọi là cấp cứu? Câu hỏi 3: Người lao động này khi ra viện được hưởng quyền lợi về Bảo hiểm như thế nào: Giấy ra viện thì được thanh toán trợ cấp ốm đau Ngoài ra còn được hưởng khoản bảo hiểm nào nữa không?
Chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân trả lời: Doanh nghiệp không thực hiện ký hợp đồng lao động với người lao động là vi phạm pháp luật. Những vi phạm về hợp đồng lao động được quy định tại Nghị định 28/2020/NĐ-CP ngày 01/3/2020. Theo đó, người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền khi có một trong các hành vi: Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động; giao kết hợp đồng lao động không đầy đủ các nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động; giao kết hợp đồng lao động trong trường hợp thuê người lao động làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn của Nhà nước không theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Các chuyên gia tham gia trả lời tại buổi giao lưu. |
Chuyên gia Trần Thị Thu Hà: Đối với câu hỏi thứ 2 của chị, tôi xin trả lời: trường hợp người lao động bị va chạm giao thông ngoài giờ làm việc, không trên đường về nhà và nếu như đang thực hiện nhiệm vụ do chủ sử dụng lao động phân công thì được tính là tai nạn lao động và được giải quyết chế độ tai nạn lao động, nhưng nếu không phải là đang thực hiện nhiệm vụ do người sử dụng lao động phân công thì không được coi là tai nạn lao động, như vậy thì sẽ không được giải quyết chế độ tai nạn lao động.
Đối với câu hỏi về thanh toán chi phí cũng như bảo hiểm điều trị tai nạn thì do người lao động đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại Bệnh viện đa khoa Phúc Thọ nhưng lại đi khám tại Bệnh viện quân đội 105, tức là điều trị trái tuyến nên sẽ không được thanh toán 100% chi phí bảo hiểm. Bệnh viện quân đội 105 có quy định khám chữa bệnh theo đặc thù của quân đội, do đó việc bệnh viện chỉ chi trả 48% chi phí khám chữa bệnh, theo tôi là thực hiện đúng quy định. Còn để hiểu rõ hơn tại sao các chi phí khác người lao động không được thanh toán thì người lao động nên chuyển toàn bộ giấy tờ, chi phí khám chữa bệnh đến Bảo hiểm xã hội huyện Phúc Thọ để có những đối chiếu với quy định cụ thể và có hướng dẫn cụ thể.
Câu hỏi cuối cùng của chị thì tôi xin trả lời, người lao động điều trị nội trú, khi ra viện, có giấy ra viện thì được thanh toán trợ cấp ốm đau, ngoài ra không có thanh toán chế độ nào khác.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Phạm Bá Vĩnh tặng quà cho công nhân, viên chức, lao động tham gia giao lưu. |
Chị Hà Thị Thu Hương – Chủ tịch Công đoàn trường Mầm non Long Xuyên hỏi: Viên chức ký hợp đồng lao động từ 1/7/2020 có được hưởng chế độ viên chức suốt đời không? Khi bỏ biên chế suốt đời thì người lao động có cần phải tham gia vào các kỳ thi công chức, viên chức để được làm việc tại cơ quan nhà nước hay không? Việc thay đổi chế độ như vậy có ảnh hưởng gì đến việc tuyển dụng của các cơ quan nhà nước không?
Chuyên gia Vũ Minh Huyền: Theo quy định của Luật viên chức sửa đổi năm 2020, thì không có hợp đồng không xác định thời hạn. Trường hợp được tuyển dụng vào viên chức sau ngày 01/7/2020 mà không làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, thì chỉ được ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn.
Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn chỉ còn áp dụng với 3 đối tượng: Hiện tại người đã thực hiện xong hợp đồng làm việc xác định thời hạn; Cán bộ, công chức chuyển thành viên chức. Từ 01/7/2020, hợp đồng làm việc áp dụng đối với: Viên chức được tuyển dụng trước ngày 1/7/202; Cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức; Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Có nghĩa, theo Luật mới, viên chức được tuyển dụng từ ngày 01/7/2020 trở đi, không thuộc 2 trường hợp đặc biệt nêu trên, hết hợp đồng xác định thời hạn sẽ không được ký hợp đồng không xác định thời hạn mà ký tiếp hợp đồng xác định thời hạn nếu đáp ứng được các yêu cầu đối với viên chức theo quy định của pháp luật.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Phúc Thọ Nguyễn Thị Lan Anh tặng quà cho công nhân, viên chức, lao động trả lời đúng câu hỏi giao lưu. |
Về câu hỏi: Khi bỏ biên chế suốt đời thì người lao động có cần phải tham gia vào các kỳ thi công chức, viên chức để được làm việc tại cơ quan nhà nước hay không? Việc thay đổi chế độ như vậy có ảnh hưởng gì đến việc tuyển dụng của các cơ quan nhà nước không? tôi xin trả lời như sau:
Theo quy đinh của Luật Viên chức không có khái niệm sát hạch, nếu vẫn làm vị trí cũ thì sẽ có đánh giá của đơn vị, thủ trưởng đơn vị sẽ tiếp tục ký hợp đồng xác định thời hạn 5 năm.
Nếu chuyển sang vị trí việc làm khác không giống vị trí việc làm tuyển ban đầu, v dụ như một cô gáo văn thư mầm non có nhu cầu chuyển sang làm nhân viên kế toán nếu có văn bằng phù hợp + đã từng có thời gian công tác ở vị trí kế toán trước đó thì sẽ phải thông qua một cuộc sát hạch.
Nếu viên chức có nguyện vọng muốn tham gia vị trí của công chức thì phải thực hiện sát hạch để được tiếp nhận.
Chị Hà Thị Thu Hương hỏi: Luật quy định lao động nam khi vợ sinh con, người lao động nhận nuôi con dưới 6 tháng, lao động nữ mang thai hộ và người lao động là người mẹ nhờ mang thai hộ được nghỉ việc, hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Xin hỏi trường hợp cả 2 vợ chồng là viên chức hay lao động hợp đồng ở 2 đơn vị khác nhau thì 2 vợ chồng được hưởng chế độ thai sản theo quy định hay không?
Chánh Văn phòng Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Bá Châu tặng quà cho công nhân, viên chức, lao động. |
Chuyên gia Trần Thị Thu Hà: Theo đó, Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về việc đóng bảo hiểm của lao động nữ sinh con, lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ, người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi như sau:
Đối với lao động nữ sinh con, lao động nữ mang thai hộ, người mẹ nhờ mang thai hộ, người lao động nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi: Phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước sinh hoặc nhận con nuôi.
Đối với lao động nữ sinh con đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền: Phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian là 12 tháng trước khi sinh con.
Người lao động đủ cả 2 điều kiện trên mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước khi sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định.
Khi đáp ứng đủ thuộc vào các trường hợp được hưởng chế độ thai sản và quy định về đóng bảo hiểm theo Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì bạn đáp ứng đủ các điều kiện để hưởng chế độ thai sản.
Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
Với trường hợp nam giới được nghỉ khi vợ sinh con, phải đang đóng BHXH. Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc. Chỉ được nghỉ hưởng chế độ trong vòng 30 ngày kể từ ngày vợ sinh con, nếu có nghỉ những ngày trước khi vợ sinh con thì tính là nghỉ không lương, nghỉ phép.
Chị Hà Thị Thu Huơng (Chủ tịch Công đoàn Trường mầm non Long Xuyên) đặt câu hỏi? |
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Công đoàn thị trấn Phúc Thọ hỏi : Em tôi ký hợp đồng thử việc với doanh nghiệp 3 tháng, sau 3 tháng thử việc e tôi vẫn làm việc tại công ty nhưng không được đóng bảo hiểm xã hội. Như vậy có đúng quy định của pháp luật không? Cán bộ, công chức cấp xã có được nghỉ phép 12 ngày/năm không? Nếu không nghỉ phép thì cán bộ, công chức được hưởng chế độ như thế nào?
Chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân: Trường hợp người lao động thử việc nếu ký hợp đồng thử việc thì sẽ không phải đóng bảo hiểm xã hội, vì hợp đồng thử việc không phải là hợp đồng lao động. Nhưng nếu thời gian thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà hợp đồng lao động đó thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, thì người sử dụng lao động và người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho cả thời gian thử việc.
Chuyên gia Vũ Minh Huyền: Cán bộ công chức cấp xã vẫn được thực hiện thời gian nghỉ phép theo quy định tại Bộ Luật Lao động như các cán bộ công chức khác. Cũng theo quy định của pháp luật, nghỉ phép là quyền lợi bắt buộc để người lao động tái tạo năng lượng vì thế, nếu người lao động không nghỉ phép thì cũng không được doanh nghiệp chi trả.
Ông Nguyễn Ngọc Long (Công đoàn Trường Tiểu học Ngọc Tảo) đặt câu hỏi? |
Ông Nguyễn Ngọc Long – Chủ tịch công đoàn trường Tiểu học Ngọc Cảo hỏi:
Câu 1: Tôi nhìn thấy trên thẻ Bảo hiểm y tế bắt buộc có ghi thời hạn đủ 5 năm đóng bào hiểm y yế, điều này có ý nghĩa như thế nào? Nếu đã đóng đủ 5 năm liên tiếp thì khi tham gia bảo hiểm y tế quyền lợi được hưởng có khác gì so với người đóng bảo hiểm y tế chưa đủ 5 năm?
Chuyên gia Trần Thị Thu Hà: Trường hợp đã đóng bảo hiểm y tế 5 năm liên tục, căn cứ luật Bảo hiểm y tế, giá trị thẻ 5 năm liên tục sẽ thể hiện trên thẻ từ thời điểm nào đến thời điểm nào, khi tham gia 5 năm liên tục sẽ phải thỏa mãn 2 điều kiện để được hưởng chế độ cao hơn so với những người khác: thứ nhất, trên thẻ phải hiên thị đã đóng bảo hiểm xã hội 5 năm liên tục; thứ 2, khi phát sinh chi phí khám chữa bệnh đúng tuyến trong năm tài chính lớn hơn 6 tháng tiền lương cơ sở, quy định tại thời điểm người lao động tham gia khám chữa bệnh thì sẽ được hưởng chi phí trong lần sau 100%. Ví dụ, khi đi khám y tế hiện nay sẽ được hưởng 20% bảo hiểm y tế chi trả, tuy nhiên, nếu như bảo hiểm đã đóng 5 năm liên tục, trong năm tài chính ấy đã vượt quá 20% của 6 tháng lương cơ sở sẽ được hưởng chi phí khám chữa bệnh 100%.
Câu 2: Con trai tôi tham gia Bảo hiểm y tế bắt buốc từ cấp 1 đến cấp 3, khi đỗ đại học, giấy nhập học là 5/10; tuy nhiên 28/9 cháu mắc bệnh, khi đi khám, bệnh viện trả lời là chưa đóng bảo hiểm tiếp theo, nên gia đình phải đóng toàn bộ tiền viện phí. Vậy theo quy định có đúng hay không?
Chuyên gia Trần Thị Thu Hà: Trường hợp học sinh, kết thúc năm học vào khoảng tháng 5,6 và bắt đầu năm học vào khoảng tháng 9, 10 thì có 3 tháng rỗng không đóng bảo hiểm, trước đây có thể tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện làm sao để bảo hiểm được liên tục. Tuy nhiên, hiện nay, có thể đóng ngược trở lại, nhưng không quá 3 tháng, nếu quá 3 tháng thì không được tính là liên tục. Do vậy, trong trường hợp của con anh, đã quá 3 tháng, do vậy, gia đình phải đóng hoàn toàn chi phí. Đây cũng là lời khuyên cho các gia đình có con đang trong giai đoạn chuyển cấp, phải đảm bảo để bảo hiểm được đóng liên tục, đảm bảo chế độ ốm đau cho các cháu.
Chị Nguyễn Thị Mến, Trường mầm non Liên Hiệp hỏi: Xin chuyên gia cho biết cách tính lương cho giáo viên đã được xét thăng hạng giáo viên mầm non hạng 3 lên 2, giáo viên mầm non hạng 4 lên 3? Nếu chưa hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ tính lương như thế nào? Nếu đang hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ tính lương như thế nào? Nếu tổng hệ số lương và phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ngạch cũ lớn hơn bậc cuối trong ngạch mới sẽ được tính lương như thế nào?
Chuyên gia Vũ Minh Huyền: Theo quy định tại thông tư 02 năm 2007 của Bộ Nội vụ thì có cách tính như sau: Lương hiện hưởng sau khi có kết quả nâng hạng sẽ được xếp lên hạng cao hơn và hệ số lương sẽ được xếp lên bậc lương cao hơn liền kề.
Đối với trường hợp giáo viên mầm non trung cấp có bậc 7 hệ số 3,06 nâng lên là bậc 5 hệ số 3,34 như chị hỏi, thời gian xếp nâng lương tính từ thời điểm xếp vào lương bậc 7. Với trường hợp cụ thể này thời gian nâng lương lần sau sẽ tính từ ngày xếp lương bậc 7 của chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng 4. Thời gian hưởng của các cô giáo trong đợt thi nâng hạng vừa rồi là từ ngày 1/8/2020.
Đối với các giáo viên có phụ cấp thâm niên vượt khung thì toàn bộ tổng hệ số lương bậc cuối và phụ cấp thâm niên vượt khung sẽ được tính vào để xét lên bậc liền kề của hạng vừa trúng tuyển.
Đối với các trường hợp tổng số phụ cấp vượt khung và hệ số lương tại bậc cuối cùng ngạch chức danh đang hưởng mà lớn hơn bậc cuối cùng của chức danh nghề nghiệp vừa đỗ xét nâng hạng sẽ được tính bậc lương cuối cùng của hạng chức danh đó cộng với phần phụ cấp chênh lệch.
Nên xem
Bắt hai đối tượng bán mật gấu giả
Tài xế sẽ phải kiểm tra lí thuyết, thực hành khi bị trừ hết điểm bằng lái
Hà Nội: Triệt phá đường dây nhập lậu hàng nghìn tấn “khí cười”
Festival Ninh Bình lần thứ III: Hé lộ sân khấu gây choáng ngợp
Nguồn sức mạnh nội sinh to lớn để phát triển Thủ đô Hà Nội
Man City 0-4 Tottenham: Thất bại thứ 5 liên tiếp của Man City
Tỷ giá USD hôm nay 24/11: Đồng USD chốt tăng tuần 0,75%, đạt mức 107,49
Tin khác
Tổ chức Hội nghị cán bộ năm 2025 đảm bảo dân chủ, thiết thực
Hoạt động 23/11/2024 18:16
Cụm thi đua số 6 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Thực hiện tốt chức năng đại diện
Hoạt động 22/11/2024 15:21
Cụm thi đua số 5: Nhiều đổi mới, sáng tạo trong hoạt động công đoàn
Hoạt động 22/11/2024 13:01
Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Công đoàn
Hoạt động 22/11/2024 06:06
Nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ Công đoàn Viên chức Việt Nam
Hoạt động 21/11/2024 16:45
Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh
Hoạt động 21/11/2024 15:49
Cụm thi đua số 4 triển khai hiệu quả công tác chăm lo đời sống cho đoàn viên
Hoạt động 21/11/2024 14:15
Tổng LĐLĐ Việt Nam tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ tham mưu công tác truyền thông Công đoàn
Hoạt động 21/11/2024 10:27
Nâng cao hiệu quả công tác nữ công công đoàn
Hoạt động 21/11/2024 08:42
Tạo môi trường làm việc xanh - sạch - đẹp
Hoạt động 21/11/2024 08:42