Trung tâm Tư vấn pháp luật và Hỗ trợ người lao động Công đoàn Hà Nội: Kênh trợ giúp pháp lý tin cậy cho người lao động
Từ những kết quả đạt được
Vào khoảng đầu những năm 2000, trước thực tiễn trình độ kiến thức xã hội và pháp luật của công nhân lao động còn hạn chế, tình trạng vi phạm pháp luật lao động và các chế độ chính sách của người lao động diễn ra phổ biến, việc bảo vệ người lao động thông qua tuyên truyền, tư vấn, giáo dục pháp luật và trực tiếp can thiệp, trợ giúp pháp lý cho người lao động được LĐLĐ thành phố Hà Nội xác định là một nhiệm vụ quan trọng. Chính vì thế, Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Hà Nội (gọi tắt là Trung tâm) đã được thành lập theo Quyết định số 550/QĐ-LĐLĐ ngày 13/12/2004 của Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố Hà Nội.
Việc ra đời Trung tâm Tư vấn pháp luật và Hỗ trợ người lao động Công đoàn Hà Nội sẽ đáp ứng nhu cầu về trợ giúp pháp lý ngày càng cao của người lao động. |
Bà Vũ Thị Hương - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Hà Nội cho biết, từ khi thành lập tới nay, Trung tâm luôn cố gắng, nỗ lực, cơ bản thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao, nhất là nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến; tư vấn, giải đáp kiến thức pháp luật cho người lao động. Theo đó, Trung tâm thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các ban ngành liên quan và các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật cho đoàn viên, người lao động ngay tại cơ sở.
Tính riêng trong giai đoạn 2018 - 2020, Trung tâm đã phối hợp với các ngành như Lao động -Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội, Tư pháp... cùng các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức 416 cuộc tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho gần 63 ngàn đoàn viên, công nhân, viên chức lao động.
Cùng với tuyên truyền, tư vấn pháp luật lưu động tại cơ sở, Trung tâm cũng thực hiện tốt việc tư vấn pháp luật cho người lao động tại trụ sở với nhiều hình thức đa dạng như: Tư vấn trực tiếp, tư vấn qua hộp thư điện tử, điện thoại… Đến nay, Trung tâm đã tư vấn bằng những hình thức trên cho hơn 6.000 lượt người.
Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp tư vấn giải quyết các tranh chấp lao động tại cơ sở; tư vấn tham gia xây dựng nội quy lao động đối với đơn vị doanh nghiệp chưa có Công đoàn cơ sở; xây dựng quy chế dân chủ tại cơ sở; hỗ trợ tổ chức 25 cuộc đối thoại giữa Công đoàn, công nhân lao động và người sử dụng lao động tại các doanh nghiệp về những quy định của pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và các chính sách pháp luật liên quan đến quyền lợi của người lao động…
“Các hoạt động tuyên truyền, tư vấn pháp luật, hỗ trợ tổ chức đối thoại của Trung tâm đã giúp cho đoàn viên, công nhân lao động được tiếp cận, nâng cao hiểu biết về các kiến thức pháp luật, nhất là những kiến thức pháp luật liên quan trực tiếp đến người lao động như Luật Lao động, Luật Công đoàn, Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp... từ đó có thể bảo vệ quyền lợi của mình khi cần thiết.
Đồng thời, nhờ nắm vững kiến thư pháp luật, đoàn viên, công nhân lao động cũng hiểu rõ và thực hiện tốt hơn trách nhiệm, nghĩa vụ của mình khi tham gia quan hệ lao động, từ đó góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. Cũng có thể khẳng định, các hoạt động mà Trung tâm thực hiện trong thời gian qua đã giúp đưa dịch vụ pháp lý miễn phí của tổ chức Công đoàn đến được với công nhân lao động một cách kịp thời, hiệu quả, thiết thực, tạo niềm tin đối cho công nhân lao động khi gia nhập tổ chức Công đoàn - bà Vũ Thị Hương khẳng định.
Ngoài tuyên truyền, tư vấn, giải đáp pháp luật, trong quá trình hoạt động vừa qua, Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Hà Nội cũng đã nỗ lực, cố gắng và bước đầu thực hiện tốt việc hỗ trợ pháp lý, đại diện bảo vệ người lao động tại Tòa án. Theo đó, Trung tâm đã đại diện người lao động khởi kiện tranh chấp lao động cá nhân cho 38 người lao động về đòi nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội và bồi thường tranh chấp về chấm dứt hợp đồng lao động với số tiền bồi thường 1,45 tỷ đồng.
Đến một số hạn chế
Có thể nói, sau gần 20 thành lập và triển khai thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, hoạt động của Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Hà Nội đã có những bước phát triển quan trọng, góp phần trang bị, nâng cao kiến thức, nhận thức pháp luật cho đoàn viên Công đoàn và người lao động. Thông qua hoạt động của Trung tâm đã tác động không nhỏ tới ý thức chấp hành pháp luật lao động của người sử dụng lao động; nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của công nhân viên chức lao động khi tham gia quan hệ lao động.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá của LĐLĐ thành phố Hà Nội, hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn Hà Nội nói riêng và công tác tư vấn pháp luật nói chung của các cấp Công đoàn Thủ đô vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Trong đó, đối với Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn Hà Nội, mặc dù hình thức, nội dung hoạt động đã được quan tâm, chú trọng đổi mới, bước đầu đã tiếp cận và đáp ứng được một phần nhu cầu, mong muốn của người lao động, song Trung tâm vẫn chủ yếu thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật; số lượng đoàn viên, người lao động được tư vấn còn thấp so với nhu cầu.
Hoạt động hỗ trợ, đại diện người lao động tham gia tố tụng lao động tại Tòa án của Trung tâm còn hạn chế về số lượng so với nhu cầu của người lao động. Ngoài ra, hoạt động tư vấn, hỗ trợ các cấp Công đoàn trong công tác đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức Công đoàn của Trung tâm vẫn còn hạn chế.
Trung tâm Tư vấn pháp luật và Hỗ trợ người lao động Công đoàn Hà Nội là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ chi thường xuyên, trực thuộc LĐLĐ thành phố Hà Nội; trụ sở chính đặt tại số 3 Chu Văn An, Hà Đông, Hà Nội. Trung tâm hoạt động trên phạm vi địa bàn thành phố Hà Nội và các địa phương nơi có đoàn viên, người lao động thuộc phân cấp quản lý của các cấp Công đoàn thành phố Hà Nội. Trung tâm có 3 chức năng chính là: Hỗ trợ Ban Chấp hành Công đoàn các cấp triển khai thực hiện các hoạt động tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đoàn viên Công đoàn và người lao động; Tư vấn, hỗ trợ các cấp Công đoàn trong công tác giải quyết tranh chấp lao động, đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức Công đoàn; hoạt động tài chính Công đoàn; Tư vấn pháp luật, hỗ trợ, cung cấp cho đoàn viên, người lao động các dịch vụ thiết yếu, các chương trình phúc lợi. |
Theo LĐLĐ Thành phố, cơ chế vận hành cũng như một số nội dung hoạt động của Trung tâm hiện nay đã bộc lộ những bất cập, kém hiệu quả, không theo kịp với xu thế phát triển chung của xã hội. Trình độ cán bộ làm công tác tư vấn pháp luật nói chung chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; hình thức tư vấn pháp luật của Trung tâm chưa thực sự phong phú, vẫn sử dụng các phương pháp truyền thống, chưa chú trọng các hình thức tư vấn pháp luật trực tuyến, ít các hình thức chủ động tiếp cận đoàn viên, người lao động; kinh phí hoạt động còn nhiều hạn chế, chưa dành nguồn lực tài chính và nhân lực thỏa đáng cho việc hỗ trợ, đại diện người lao động tham gia tố tụng tại Tòa án...
Do đó, mặc dù Trung tâm đã từng bước nâng cao hiệu quả của hoạt động tư vấn và trợ giúp pháp lý cho đoàn viên Công đoàn, người lao động nhưng vẫn chưa phát huy hết được vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động...
Từ những tồn tại nói trên, việc phát triển, nâng Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Hà Nội lên một “nấc thang” mới để khắc phục những điểm còn thiếu, khuyết trong hoạt động tư vấn pháp luật của tổ chức Công đoàn hiện nay, hướng hoạt động hoạt động tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý của các cấp Công đoàn ngày càng sát hơn với nhu cầu của đông đảo đoàn viên người lao động, tạo bước chuyển biến mạnh về hoạt động tư vấn pháp luật và hỗ trợ công nhân lao động là điều mà lãnh đạo LĐLĐ thành phố Hà Nội trăn trở.
Tính cấp thiết phải đổi mới để khẳng định vai trò
Ngoài những tồn tại chủ quan, những yêu cầu khách quan trong tình hình mới cũng đòi hỏi sự đổi mới mạnh mẽ, bứt phá trong hoạt động Công đoàn nói chung, công tác tuyên truyền, tư vấn pháp luật của tổ chức Công đoàn nói riêng.
Đó là, hiện nay, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng và thực thi hàng loạt Hiệp định tự do thế hệ mới, một trong những thách thức mà tổ chức Công đoàn phải đối mặt là sự xuất hiện cạnh tranh của tổ chức đại diện người lao động khác sẽ được thành lập trong doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi Công đoàn các cấp phải đổi mới, hướng vào việc thực hiện hiệu quả chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Mặt khác, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có khoảng 2,5 triệu lao động thuộc các thành phần kinh tế. Tính riêng trong khu công nghiệp, khu chế xuất đã đi vào hoạt động có khoảng 170.000 lao động, chủ yếu là lực lượng lao động ngoại tỉnh. Vấn đề an ninh trật tự, nhà ở, nhà trẻ, việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ công nhân lao động là nhu cầu đòi hỏi bức thiết của người lao động.
Thực trạng trên đặt ra cho tổ chức Công đoàn thành phố cần có giải pháp đáp ứng những nhu cầu đó của đoàn viên, người lao động một cách cụ thể, thiết thực như: Tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; sinh hoạt văn hóa, thể thao; tư vấn, hỗ trợ các dịch vụ thiết yếu như kỹ năng sống, sức khỏe sinh sản, tình bạn - tình yêu, chăm sóc con cái, mua bán hàng hóa, giới thiệu việc làm, chọn nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, thuê nhà trọ, tìm trường học cho con, lựa chọn nơi khám chữa bệnh, tiếp cận các tổ chức tín dụng, các hoạt động xã hội, từ thiện, tiếp nhận các hoạt động tình nguyện... và một số hoạt động khác liên quan đến đời sống vật chất và tinh thần của người lao động.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn Thủ đô trong tình hình mới; dưới sự chỉ đạo của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam và Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố Hà Nội đã xây dựng Đề án phát triển Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Hà Nội, thành Trung tâm Tư vấn pháp luật và Hỗ trợ người lao động Công đoàn Hà Nội. Đây là chủ trương hết sức đúng đắn, cần thiết và kịp thời, phù hợp với các chủ trương, nghị quyết của Đảng, tổ chức Công đoàn, nhất là Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.
Sau khi thống nhất chủ trương với Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã có Thông báo số 861-TB/TU ngày 24/8/2022 và Quyết định số 3548-QĐ/TU, ngày 30/8/2022 phê duyệt Đề án của Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố và bổ sung chức năng, nhiệm vụ, đổi tên Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Hà Nội thành Trung tâm Tư vấn pháp luật và Hỗ trợ người lao động Công đoàn Hà Nội.
Đặc biệt, với sự đổi mới toàn diện từ cơ sở vật chất, bộ máy nhân sự, mô hình, nội dung hoạt động, tin rằng, Trung tâm Tư vấn pháp luật và Hỗ trợ người lao động Công đoàn Hà Nội sẽ có bước chuyển biến mạnh về hoạt động tư vấn pháp luật và hỗ trợ công nhân lao động, thực sự là điểm tựa tin cậy của đoàn viên, người lao động khi cần đến sự trợ giúp của pháp luật. /.
Ông Lê Đình Hùng - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội: Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về hoạt động tư vấn pháp luật LĐLĐ thành phố Hà Nội chủ trương phát triển Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Hà Nội thành Trung tâm Tư vấn pháp luật và Hỗ trợ người lao động Công đoàn Hà Nội nhằm hướng hoạt động của các cấp Công đoàn ngày càng sát hơn với nhu cầu của đông đảo đoàn viên người lao động. Kỳ vọng việc ra đời Trung tâm sẽ tạo bước chuyển biến mạnh về hoạt động tư vấn pháp luật và hỗ trợ công nhân lao động trong thời gian tới. Đây là một mô hình hoạt động mới, vì vậy Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố yêu cầu Ban Lãnh đạo Trung tâm Tư vấn pháp luật và Hỗ trợ người lao động Công đoàn Hà Nội phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, chủ động và năng động sáng tạo trong triển khai các nội dung hoạt động thuộc chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm. Các cấp Công đoàn thành phố cần phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với Trung tâm trong quá trình tổ chức thực hiện, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam và Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, nhất là kỳ vọng của đoàn viên, người lao động về một địa chỉ tin cậy khi cần trợ giúp pháp lý hoặc hỗ trợ khi cần thiết. -------------------------------------- Ông Tạ Văn Dưỡng – Ủy viên ban thường vụ, Trưởng ban Chính sách Pháp luật và Quan hệ lao động LĐLĐ Thành phố: Góp phần bảo vệ tốt hơn quyền lợi người lao động Mặc dù thời gian qua, tình hình quan hệ lao động đã được cải thiện đáng kể, song tình trạng vi phạm chính sách pháp luật, nhất là những chính sách pháp luật liên quan đến quyền lợi của người lao động vẫn diễn ra ở một số doanh nghiệp. Cùng với đó, các văn bản pháp luật của Nhà nước cũng thường xuyên được bổ sung, điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn, vì thế dẫn đến tình trạng vẫn còn những người lao động và cả người sử dụng lao động chưa cập nhật kịp thời những quy định của pháp luật. Những điều này đòi hỏi công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý của tổ chức Công đoàn cần phải được tăng cường hơn nữa, sát với đoàn viên, người lao động và chủ sử dụng lao động hơn nữa. Do đó, chủ trương của LĐLĐ Thành phố về việc phát triển Trung tâm Tư vấn pháp luật và Hỗ trợ người lao động Công đoàn Hà Nội thực sự là rất kịp thời, đúng đắn và cần thiết, giúp tổ chức Công đoàn thực hiện tốt hơn nữa vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động thông qua tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý... -------------------------------------- Bà Vũ Thị Hương - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và hỗ trợ người lao động Công đoàn Hà Nội: Hướng tới “phủ sóng” pháp luật đến người lao động Trình độ hiểu biết pháp luật về lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động còn hạn chế nên thực tế nhiều người lao động chưa tự bảo vệ được mình trong quan hệ lao động. Với 3 chức năng và 10 nhiệm vụ quan trọng được LĐLĐ Thành phố Hà Nội giao, Trung tâm Tư vấn pháp luật và Hỗ trợ người lao động Công đoàn Hà Nội cũng đặt ra một số mục tiêu quan trọng để phấn đấu. Trong đó, Trung tâm phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 70% số vụ việc của đoàn viên, tổ chức Công đoàn có nhu cầu tư vấn, tranh tụng sẽ có đại diện Công đoàn tham gia, Cùng đó, Trung tâm cũng phấn đấu, đến năm 2025 có ít nhất từ 70% trở lên đoàn viên Công đoàn được tiếp cận và được Công đoàn hỗ trợ về các dịch vụ thiết yếu; được tư vấn, hỗ trợ pháp lý khi có nhu cầu./. |
Nên xem
Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn trong tình hình mới
Tập trung chăm lo Tết cho người lao động
Lan tỏa sâu rộng phong trào thi đua trong công nhân
Năm bứt phá ngoạn mục của du lịch Thủ đô
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 24/12: Sáng sớm có sương mù, ngày nắng
10 sự kiện nổi bật của ngành khoa học và công nghệ năm 2024
Về nơi "xứ sở nhà thờ" mùa Giáng sinh
Tin khác
Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn trong tình hình mới
Hoạt động 24/12/2024 07:52
Lan tỏa sâu rộng phong trào thi đua trong công nhân
Hoạt động 24/12/2024 07:42
Sôi nổi Ngày hội văn hóa thể thao khối trường học huyện Đông Anh
Hoạt động 22/12/2024 10:26
Bình Dương: Tuyên dương 183 cá nhân lao động giỏi, sáng tạo
Hoạt động 21/12/2024 08:42
Quận Tây Hồ: Hiệu quả trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức Công đoàn
Công đoàn 21/12/2024 08:42
“Chợ Tết Công đoàn năm 2025” trực tuyến chính thức hoạt động
Hoạt động 20/12/2024 20:32
Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội thành lập mới 11 Công đoàn cơ sở
Hoạt động 20/12/2024 18:50
Công đoàn Y tế Việt Nam: Chú trọng các hoạt động bảo vệ đoàn viên, người lao động
Hoạt động 20/12/2024 18:33
Công đoàn Viên chức Việt Nam tổng kết hoạt động năm 2024
Hoạt động 20/12/2024 18:32
Công đoàn Hà Tĩnh đạt nhiều kết quả nổi bật năm 2024
Hoạt động 20/12/2024 15:44