Tự chủ giáo dục đại học: Khai mở “điểm nghẽn” từ chính sách đến thực tiễn
Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả tự chủ giáo dục đại học Tìm giải pháp cho tự chủ giáo dục đại học |
Tạo sức bật cho cơ sở giáo dục đại học phát triển
Thông tin tại Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2020 với chủ đề “Tự chủ trong giáo dục đại học - Từ chính sách đến thực tiễn” vừa được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng một số cơ sở giáo dục đại học tổ chức cuối tháng 11/2020; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, phát triển nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao đã được Đảng và Nhà nước xác định là một trong ba đột phá chiến lược quan trọng hàng đầu của đất nước thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế tri thức và chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ.
Trước những yêu cầu mới của thời đại, giáo dục đại học nước ta cần phải có sự chuyển biến mạnh mẽ, đổi mới sáng tạo. (Ảnh minh họa) |
Trước những yêu cầu mới của thời đại, giáo dục đại học nước ta cần phải có sự chuyển biến mạnh mẽ, đổi mới sáng tạo. Trong đó, tự chủ đại học là điều kiện cần thiết để thực hiện các phương thức quản trị đại học tiên tiến nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo.
Hiện việc thực hiện quyền tự chủ đã được thí điểm tại 23 cơ sở giáo dục đại học theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017. Quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học chính thức được luật hóa, quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, có hiệu lực từ ngày 1/7/2019. Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học được phép tự chủ về hoạt động chuyên môn (mở ngành, tuyển sinh, đào tạo…), tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản. Đây được coi là cơ hội để các cơ sở giáo dục đại học “cởi trói”, tạo sức bật cho các trường phát triển.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho rằng, đến nay, hầu hết các trường tham gia thí điểm tự chủ đều đã có bứt phá trong đào tạo và nghiên cứu, góp phần tạo diện mạo mới cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Một số chỉ số hoạt động của 23 cơ sở này: Tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng gần 10%; tỉ lệ tuyển được trong tuyển sinh đại học/chỉ tiêu tăng từ 87% lên 92%; số chương trình đào tạo được kiểm định tăng từ 1 lên 100, bằng 30% chương trình đào tạo được kiểm định của toàn quốc; số công bố quốc tế (Scopus) tăng 10 lần; tổng thu và tổng chi hằng năm tăng khoảng 1,5 lần (mặc dù ngân sách nhà nước cấp giảm 2,1 lần); có 4 trường lọt vào bảng xếp hạng QS Asia 2021.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, quá trình tự chủ đại học tại Việt Nam vẫn đang có những “điểm nghẽn”. Chẳng hạn, còn nhiều cơ sở chưa có chuyển biến về chất lượng đào tạo, sinh viên còn thiếu kỹ năng, tỉ lệ tuyển sinh ở một số trường thấp… Theo ông Trần Đức Viên (Chủ tịch Hội đồng Học viện, Học viện Nông nghiệp Việt Nam), một trong những nguyên nhân là do nhiều trường vẫn quen được ngân sách “nuôi”, khi thực hiện tự chủ còn lúng túng, chưa sẵn sàng nhập cuộc.
Còn theo bà Vũ Thị Lan Anh (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội), hệ thống quy định về tự chủ chưa đồng bộ nên khó khăn khi thực thi. Một số trường chỉ chú trọng đến vấn đề tự chủ tài chính, bằng mọi giá tăng nguồn thu từ học phí, bỏ qua trách nhiệm xã hội, làm giảm cơ hội học tập của những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn… Ông Nguyễn Hữu Đức (nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, những vướng mắc hiện nay chủ yếu là vấn đề kỹ thuật. Tự chủ không phải đơn thuần là tập trung vào yếu tố tự chủ cho cơ sở giáo dục đại học, tăng quyền cho hiệu trưởng mà cần trao thêm quyền tự chủ cho các nhà khoa học, cho giảng viên...
Hoàn thiện hành lang pháp lý
Để tháo gỡ căn bản những “điểm nghẽn” trong quá trình tự chủ, tại Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2020, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đề xuất, Quốc hội, Chính phủ rà soát, từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản đồng bộ cho việc thực hiện cơ chế tự chủ; đồng thời tăng tỷ trọng đầu tư ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học. Bộ Giáo dục và Đào tạo có cơ chế giám sát các cơ sở giáo dục thực hiện việc tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, coi trọng trách nhiệm giải trình với người học, với xã hội về chính sách chất lượng và cam kết bảo đảm chất lượng; công khai điều kiện bảo đảm chất lượng, kết quả kiểm định, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm...
“Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tự chủ; tăng cường công tác thanh tra, giám sát và quản lý chất lượng đào tạo đại học, quyết tâm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện trong việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn chia sẻ.
Cũng tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, tự chủ đại học phải xây dựng một mô hình quản trị tiên tiến, luôn luôn phải gắn liền với giải trình với toàn xã hội. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc lại, có 2 việc rất quan trọng để thực hiện tự chủ theo đúng hướng và đúng quy luật. Thứ nhất, phải có Hội đồng trường thực quyền theo đúng quy định của pháp luật. Hoạt động theo cơ chế tập thể, Hội đồng trường sẽ ngăn chặn được những ý kiến cực đoan, nguy cơ sai phạm trong quá trình thực hiện tự chủ đại học. Thứ hai, các trường đều phải xây dựng một bộ quy chế hoạt động đầy đủ, chi tiết theo quy định của pháp luật giống như “một bộ luật của trường” và phải công khai cho sinh viên, giáo viên, người lao động trong trường, và người dân quan tâm có thể cho ý kiến và giám sát. Hiện tại, đã có những trường như: Đại học Bách khoa, Đại học Kinh tế quốc dân… xây dựng bộ quy chế hoạt động và các trường khác có thể tham khảo.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Chính phủ sẽ chắt lọc và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền để tiếp tục điều chỉnh về hành lang pháp lý, cơ chế chính sách, tổ chức kiểm tra giám sát trong quá trình thực hiện tự chủ đại học. Những vấn đề liên quan đến sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học cần có sự chuẩn bị rất kỹ cả về nội dung, thời gian và các bước thực hiện, đánh giá tác động. Còn đối với những vấn đề dưới luật, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo theo tinh thần khuyến khích, thúc đẩy tự chủ đại học, đẩy nhanh việc điều chỉnh, sửa đổi những bất cập, hạn chế trong các văn bản dưới luật./.
Phạm Thảo
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Tăng mức hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở đối với người có công
Quyền lợi đặc biệt của lao động nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi
Cách tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng
Tôn vinh giá trị và vị thế của trẻ em gái, thúc đẩy bình đẳng giới
Bắt hai đối tượng bán mật gấu giả
Tài xế sẽ phải kiểm tra lí thuyết, thực hành khi bị trừ hết điểm bằng lái
Hà Nội: Triệt phá đường dây nhập lậu hàng nghìn tấn “khí cười”
Tin khác
Dự kiến một số điểm mới trong quy định thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ
Xã hội 23/11/2024 18:17
Học bổng ABG Future Leaders cho các nhà lãnh đạo trẻ
Giáo dục 23/11/2024 15:25
Lịch thi đánh giá năng lực năm 2025 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Giáo dục 22/11/2024 19:28
Trao giải cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024
Giáo dục 22/11/2024 19:01
Cô giáo mầm non với nỗ lực giữ gìn nét đẹp dòng tranh dân gian Hàng Trống
Giáo dục 22/11/2024 06:05
Chung tay nâng cao chất lượng giáo dục Thủ đô
Giáo dục 21/11/2024 07:42
Nền tảng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục
Giáo dục 20/11/2024 16:21
Lớp học tiếng Anh miễn phí dành cho các học viên khiếm thị
Xã hội 20/11/2024 14:20
Lời tri ân gửi đến những người “lái đò” thầm lặng
Giáo dục 20/11/2024 06:36
Hà Nội: Biểu dương nhiều nhà giáo lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp
Giáo dục 19/11/2024 22:02