Xăng giảm 25% trong hơn 1 tháng, giá cả tiêu dùng vẫn "cố thủ"
Người dân mua thực phẩm tại chợ Nam Trung Yên, đêm 2/8. Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN |
Dẫu vậy, giá cả hàng hóa được mua bán tại các chợ vẫn giữ giá, thậm chí nhiều mặt hàng có mức tăng nhẹ.
Khảo sát nhanh trong chiều 11/8 tại các chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội như chợ Mơ, chợ 8/3, chợ Hôm…, giá cả các mặt hàng rau củ, thịt cá vẫn được bán ở mức cao so với thời điểm đầu tháng 7; nhiều mặt hàng tăng giá nhẹ từ 10.000-20.000 đồng.
Cụ thể, giá thịt bò được bán ở mức 240.000-250.000 đồng/kg tùy loại, tăng 20.000 đồng/kg; thịt gà ta làm sẵn giá 180.000 đồng/kg, tăng nhẹ 10.000 đồng/kg; thịt lợn vẫn ở mức cao 130-140.000 đồng/kg, tăng 15.000-20.000 đồng/kg. Các mặt hàng thủy hải sản như tôm giá từ 280.000-380.000 đồng/kg, cá trắm từ 80.000-120.000 đồng/kg, không thay đổi so với đầu tháng 7.
Các mặt hàng rau củ quả được bán tại chợ cũng vẫn ở mức cao: rau cải giá 20.000 đồng/kg, tăng nhẹ 2.000 đồng/kg; rau muống 10.000 – 12.000 đồng/kg; hành lá 50.000 đồng/kg, tăng nhẹ 5.000 đồng/kg; bắp cải 15.000 – 17.000 đồng/kg; khoai tây 25.000 đồng/kg; su su giá 25.000 đồng/kg…
Chia sẻ về nguyên nhân của việc giá xăng đã giảm liên tiếp, nhưng giá các loại thực phẩm vẫn ở mức cao, anh Nguyễn Văn Hậu, chủ tiệm rau củ quả chợ Mơ cho biết, giá xăng không tác động tới giá các mặt hàng rau củ quả, nếu có cũng là rất ít. Giá các mặt hàng này chịu nhiều yếu tố như thời tiết, mùa vụ… Thời gian này, mưa bão nên nguồn cung rau xanh hạn chế hơn, thêm vào đó, xăng giảm nhưng chi phí vận chuyển cũng không giảm. Do vậy, giá bán ra vẫn được các đầu phân phối giữ nguyên khi về các chợ, nhiều loại có tăng nhẹ.
Cùng quan điểm trên, bà Trần Thị Lan, tiểu thương bán thịt bò tại chợ 8/3 cho hay, thời điểm này ngoài việc mưa bão ra thì cũng có nguyên nhân từ nhiều nhà làm Rằm tháng Bảy, lượng tiêu thụ tăng cao. Các sạp hàng hầu như những ngày qua đều đã tăng lượng hàng nhập về bán, nhưng vẫn không đủ nguồn cung. "Nhu cầu tăng cao thì giá vẫn giữ nguyên là điều dễ hiểu".
Bà Lê Thị Lý, chủ quán Bún ốc tại Bạch Mai cho hay:"Nhà nước đã có thông tin kiểm soát giá cả trên thị trường. Nhưng chúng tôi mua vào theo giá bán buôn vẫn ở mức cao. Khách hàng cũng hỏi nhiều về việc vì sao không giảm giá bán theo giá xăng, nhưng thú thật, 5-7 năm nay, cửa hàng không tăng giá bán, từ khi giá xăng dưới mức 20.000 đồng/lít. Nhiều mặt hàng đầu vào như thịt, rau, hành, gas, dầu ăn,… liên tục tăng giá cao từ Tết, khiến cửa hàng cũng phải gồng mình suốt thời gian qua. Nhà nước có chính sách kiểm soát, cung ứng hàng ra sao để giá giảm bớt theo giá xăng được thì tốt cho người dân".
Khi giá xăng tăng, giá hàng hóa tăng lên theo. Nhưng khi giá xăng giảm mạnh, giá cả hàng hóa lại chậm trễ giảm theo với nhiều lý do. Chuyên gia và đại diện các bộ, ngành cho rằng, có nhiều yếu tố tác động đan xen như tác động của giá nguyên vật liệu đầu vào, mức độ tồn kho, năng lực sản xuất, nhu cầu biến động mang tính mùa vụ. Cùng với đó, một số mặt hàng có giá nguyên liệu đầu vào tăng trong một thời gian dài nên chưa thể giảm giá ngay hoặc cần độ trễ sau khi giá xăng dầu giảm.
Không chỉ với hàng hóa tiêu dùng mà ngày với vận tải – lĩnh vực hưởng lợi nhiều khi giá xăng liên tiếp giảm mạnh, giá cước vẫn không giảm.
Đại diện doanh nghiệp vận tải tại Hà Nội cho rằng, mức giá vé hiện nay đang niêm yết được áp dụng từ đầu năm 2022. Từ đó đến nay, trải qua nhiều lần biến động lớn về giá của xăng, dầu; trong đó có nhiều đợt tăng phi mã hồi đầu năm nhưng doanh nghiệp vẫn giữ nguyên mức giá vé. Bởi vậy, hiện nay, dù giá xăng dầu đã giảm hơn 20% so với thời điểm hơn một tháng trước nhưng các nhà xe vẫn giữ nguyên giá vé là phù hợp.
Cũng theo ông Bùi Danh Liên, đại diện Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội, các thủ tục điều chỉnh giá vé phức tạp, thời gian kéo dài khiến cho thời gian qua, doanh nghiệp chưa thể cân đối, tính toán thực hiện điều chỉnh giá.
Như với doanh nghiệp vận tải taxi, muốn điều chỉnh giá cước phải thực hiện theo lộ trình. Mỗi lần điều chỉnh giá cước trung bình cần từ nửa tháng đến cả tháng mới có thể triển khai, do phải trải qua các công đoạn, như đề xuất mức giá cước mới, chờ thủ tục đồng ý từ 5-7 ngày, sau đó, liên hệ với các cơ quan đăng kiểm để tổ chức kiểm định đồng hồ tính tiền. Chưa kể chi phí cho việc kiểm định này không nhỏ, với mức phí 100.000 đồng/đồng hồ.
"Doanh nghiệp điều chỉnh giá tại thời điểm này, nhưng đến một tháng sau, khi các công đoạn xong, nếu giá xăng bật tăng mạnh trở lại sẽ là rất khó để quay đầu giảm lại", ông Liên nói. Tuy vậy, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp vận tải cũng nên có các giải pháp, cân đối điều chỉnh giá cước phù hợp theo thị trường, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.
Để giải quyết vấn đề này, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, có thể đẩy mạnh cải cách hành chính ở lĩnh vực vận tải, bởi doanh nghiệp muốn tăng giảm giá nhanh phải phụ thuộc vào thủ tục. Do vậy, cải tiến các thủ tục kê khai giá, dán tem nhanh, vừa đáp ứng mong mỏi người tiêu dùng, cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.
Câu hỏi đặt ra là người dân sẽ phải chờ "độ trễ" bao lâu để giá tiêu dùng cũng như cước vận tải giảm theo giá xăng.
Để tránh việc lợi dụng xu hướng tăng giá xăng dầu từ đầu năm hoặc cố tình kết cấu thêm những khoản chi phí ngoài giá để tăng giá bất hợp lý, mới đây, Thủ tướng Chính phủ có công điện chỉ đạo các bộ, ngành địa phương kiểm soát chặt giá các hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng dầu giảm mạnh trong các kỳ điều hành vừa qua.
Theo đó, tăng cường tổ chức rà soát kê khai giá các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu như dịch vụ vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, logistics, để đánh giá việc điều chỉnh giá và phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng dầu trong yếu tố hình thành giá.
Đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, chịu ảnh hưởng gián tiếp từ giá xăng dầu, có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và ảnh hưởng đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Thủ tướng cũng yêu cầu, tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về giá, các biện pháp kê khai, niêm yết giá; xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý...
Hi vọng rằng, với việc giá xăng tiếp tục giảm cùng với các biện pháp kiểm soát mạnh mẽ từ cơ quan chức năng, bình ổn thị trường, giá cả các mặt hàng sẽ hạ nhiệt thời gian tới, giảm áp lực chi phí sinh hoạt cho người dân.
Theo Đức Dũng (TTXVN)
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Tài xế sẽ phải kiểm tra lí thuyết, thực hành khi bị trừ hết điểm bằng lái
Hà Nội: Triệt phá đường dây nhập lậu hàng nghìn tấn “khí cười”
Festival Ninh Bình lần thứ III: Hé lộ sân khấu gây choáng ngợp
Nguồn sức mạnh nội sinh to lớn để phát triển Thủ đô Hà Nội
Man City 0-4 Tottenham: Thất bại thứ 5 liên tiếp của Man City
Tỷ giá USD hôm nay 24/11: Đồng USD chốt tăng tuần 0,75%, đạt mức 107,49
Arsenal 3-0 Nottingham: Chấm dứt chuỗi 4 trận không biết mùi chiến thắng
Tin khác
Đặc sắc các sản phẩm tại Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024
Tiêu dùng 22/11/2024 23:33
Hà Nội và Hà Giang: Kết nối vì sự phát triển bền vững của nông thôn mới
Tiêu dùng 22/11/2024 12:37
Đưa nông sản OCOP Hà Giang đến người tiêu dùng Thủ đô
Tiêu dùng 21/11/2024 16:47
Xăng RON 92 giảm xuống còn 19.343 đồng/lít từ chiều 21/11
Tiêu dùng 21/11/2024 16:33
Online Friday 2024: "Điểm hẹn" mua sắm trực tuyến hàng Việt chất lượng cao
Tiêu dùng 21/11/2024 11:55
Xanh hóa ngành giấy để đạt “kỳ tích” xuất khẩu
Tiêu dùng 14/11/2024 09:26
Ngành Công Thương triển khai hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
Tiêu dùng 12/11/2024 14:52
Online Friday 2024: 60 giờ săn khuyến mãi "khủng" toàn quốc
Tiêu dùng 11/11/2024 22:31
Những điều cần biết để săn sale 11/11 hiệu quả
Tiêu dùng 09/11/2024 08:26
Hà Nội: Doanh thu bán lẻ hàng hóa 10 tháng 2024 tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước
Tiêu dùng 07/11/2024 21:36