Xây dựng Tây Hồ thành trung tâm văn hóa, du lịch của Thủ đô
Phát triển không gian văn hóa sáng tạo hồ Tây Hồ Tây bừng sáng với màn trình diễn lễ hội ánh sáng “Rực rỡ Thăng Long” |
Vùng đất giàu tiềm năng
Trong tâm thức của mỗi người dân Thủ đô ngàn năm văn hiến, không ai không biết đến vùng đất Tây Hồ với những giá trị văn hóa lịch sử đặc sắc. Chẳng thế mà, trong nhiều tài liệu còn lưu lại thì nơi đây còn được mệnh danh là mảnh đất “rồng thiêng hội tụ” với thế đất “long phượng trình tường, phượng hoàng ẩm thuỷ”.
Hồ Tây là một thắng cảnh, địa danh văn hóa lịch sử nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội. (Ảnh: T.H) |
Tây Hồ mang trong mình nhiều trầm tích văn hóa đặc sắc. Đó là Hồ Tây mênh mang sóng nước, là hơn 20 di tích lịch sử mang dấu ấn đậm nét của Kinh thành Thăng Long như Chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ, đền Đồng Cổ... cùng với đó là những lễ hội đặc sắc và làng nghề truyền thống: Giấy dó Yên Thái, hoa đào Nhật Tân, quất cảnh Tứ Liên, trồng sen và ướp trà sen Quảng An, xôi Phú Thượng.
Điều lý thú là, trong khi nhiều nơi phát triển nghề truyền thống đi kèm nỗi lo về môi trường, thì các làng nghề của Tây Hồ lại góp phần làm đẹp cảnh quan. Làng hoa đào Nhật Tân là ví dụ. Làng hoa này độc đáo ở chỗ, trong khi nhịp đô thị hóa thường khiến nghề nông mất đi, nhưng ở Tây Hồ nghề vẫn tiếp tục phát triển. Bí quyết nằm ở chỗ, người Tây Hồ chọn cho mình một lối đi riêng. Phần đông người Nhật Tân chuyển sang trồng đào thế. Với nghề truyền thống tích lũy qua nhiều thế hệ, đào Nhật Tân khác biệt hẳn so với những cây đào nơi khác. Và dĩ nhiên, nghề chẳng phụ người, người Nhật Tân “sống khỏe” với nghiệp trồng hoa.
Ông Trần Duy Thuần (vườn đào Tuấn Việt), một người đam mê với nghề trồng đào ở Nhật Tân cho biết: Cây đào thế truyền thống của Nhật Tân luôn có sự cân đối hài hòa về tỷ lệ giữa gốc, cành, cành dăm. Không giống cây nơi khác, đôi khi người ta ghép những cành đào nhỏ vào gốc cây "khủng", khiến cây trông mất cân đối. Kỹ thuật trồng đào Nhật Tân cũng cho những bông đào to, sắc thắm, cánh nở căng. Hơn hết, để giúp người tiêu dùng hiểu hơn về giá trị của đào Nhật Tân, những người trồng đào Nhật Tân đã biết ứng dụng truyền thông để lan tỏa vẻ đẹp, giá trị của cây đào.
Chia sẻ với phóng viên về định hướng phát triển nghề truyền thống hoa đào trong thời gian tới, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cho biết: Quận Tây Hồ sẽ triển khai đầu tư phát triển hạ tầng thuận lợi cho hoạt động du lịch ở làng đào Nhật Tân. Quận cũng động viên, khuyến khích các nhà vườn thiết kế cảnh quan xứng tầm để khách đến thưởng ngoạn; đồng thời, triển khai giới thiệu vẻ đẹp các loại đào, các quy trình trồng, chăm sóc đào… cho du khách. Không chỉ vậy, Nhật Tân cũng được định hướng sẽ kết nối với các danh thắng, các không gian trồng hoa lớn như: Thung lũng hoa, Bãi đá sông Hồng, các di tích, làng nghề trên địa bàn quận Tây Hồ để trở thành tour du lịch hấp dẫn, qua đó, nâng tầm giá trị cho cây đào.
Không ngừng khai phá để phát triển
Thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, quận Tây Hồ đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận Tây Hồ, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, quận Tây Hồ tiếp tục khẳng định vai trò của công nghiệp văn hóa đối với phát triển kinh tế - xã hội của quận. Với mục tiêu đó, trong thời gian qua, cán bộ và nhân dân quận Tây Hồ đã triển khai nhiều biện pháp nhằm phát huy tối đa những thế mạnh là thiên nhiên, lịch sử đã ban tặng cho Tây Hồ.
Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Tây Hồ Trần Thị Thu Hường chia sẻ: Nhận thức rõ tiềm năng, thế mạnh của mình, Quận ủy Tây Hồ đã cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết 09-NQ/TU bằng việc ban hành Nghị quyết số 10-NQ/QU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó, quan điểm xuyên suốt của quận là phát huy nội lực, khai thác mọi tiềm năng, lợi thế để xây dựng quận Tây Hồ thành trung tâm dịch vụ - du lịch, văn hóa của Thủ đô. |
Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân quận Tây Hồ - Lê Thị Thu Hằng cho hay: Ngay từ khi thành lập, Đảng bộ Quận đã xác định “Quyết tâm phát huy nội lực, khai thác mọi tiềm năng, lợi thế, xây dựng quận Tây Hồ thành Trung tâm dịch vụ - du lịch văn hóa của Thủ đô”. Mục tiêu đó đã được cụ thể hóa bằng các chương trình, đề án cụ thể qua các kỳ Đại hội, với những nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt mà trong đó nhiệm vụ “Phát triển toàn diện sự nghiệp văn hóa xã hội; góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân” luôn được Đảng bộ Quận quan tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đồng thời với nhiệm vụ phát triển kinh tế trên địa bàn.
Theo tìm hiểu, tính riêng năm 2023, quận Tây Hồ đã tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa, thể thao lớn trên địa bàn. Đặc biệt, Hội thề Trung hiếu Đền Đồng Cổ đã được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bên cạnh đó, quận cũng phối hợp tổ chức thành công sự kiện Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc thành phố Hà Nội tại Không gian văn hóa sáng tạo quận với điểm nhấn là Chương trình nghệ thuật “Vũ điệu kết đoàn” do hơn 1.200 cán bộ, đảng viên, nhân dân quận biểu diễn. Chương trình cũng xác lập kỷ lục Việt Nam với số lượng người tham dự đông đảo.
Không chỉ vậy, trong kỷ nguyên số, việc tìm kiếm thông tin du lịch văn hóa trong không gian mạng ngày càng chiếm ưu thế. Chính vì vậy, quận Tây Hồ đã triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nền tảng (số hóa) phục vụ công tác bảo tồn văn hóa, quản lý di tích và phát triển du lịch quận Tây Hồ”, nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn, đồng thời thông tin nhanh nhất tới người dân và du khách về văn hóa du lịch quận Tây Hồ. Trong đó, ứng dụng “Tay Ho 360” (trên App Store và CH Play) trang web có địa chỉ truy cập: https://tayho360.vn; https://tayho360.com được triển khai nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu thông tin về du lịch và văn hóa của cả người dân địa phương và du khách.
Với nét đẹp của các di tích lịch sử, các làng nghề truyền thống, quận Tây Hồ thu hút rất đông du khách trong và người nước tới tham quan |
Đặc biệt, để đưa Tây Hồ phát triển thành trung tâm dịch vụ, du lịch của Thủ đô và phát triển Hồ Tây, quận đã đẩy mạnh nhân rộng các không gian văn hóa sáng tạo. Cụ thể, quận đã đổi mới hoạt động của phố đi bộ Trịnh Công Sơn bằng cách mỗi phường, mỗi tổ chức đoàn thể, hội phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên… tổ chức nghệ thuật vào tối thứ 7, chương trình nghệ thuật có sự tham gia của nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp và chính những người dân Tây Hồ. Ngoài phố đi bộ Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ còn tiếp tục đầu tư xây dựng các không gian văn hóa sáng tạo gắn với di sản và công trình có giá trị di sản như: Không gian văn hóa sáng tạo trình diễn nghệ thuật truyền thống và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ (phủ Tây Hồ), không gian văn hóa sáng tạo trải nghiệm nghề làm giấy dó gắn với di tích lịch sử đình Trích Sài, không gian văn hóa sáng tạo trải nghiệm nghề truyền thống xôi Phú Thượng gắn với di tích lịch sử đình Phú Gia...
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, ngành công nghiệp văn hóa đã trở thành động lực, là yếu tố cốt lõi cho sự phát triển kinh tế - xã hội, thu hút nguồn lực hợp tác đầu tư, tạo lợi thế cạnh tranh giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương. Do đó, phát huy những thế mạnh mà thiên nhiên, lịch sử đã ưu đãi cho quận Tây Hồ, trong thời gian tới, quận Tây Hồ cần tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực công nghiệp văn hóa giàu tiềm năng là lợi thế riêng có của quận như: Du lịch văn hóa; làng nghề truyền thống; không gian sáng tạo; nghệ thuật biểu diễn… Đặc biệt, công tác quảng bá các tiềm năng, thế mạnh của quận sẽ giúp nhân dân Thủ đô và du khách quốc tế hiểu hơn về quận. Đây cũng là “bước đệm” cần thiết để đến năm 2025 quận Tây Hồ trở thành Trung tâm dịch vụ - du lịch, văn hóa của Thủ đô.
Đinh Luyện - Nguyễn Hoa
Phát triển Hồ Tây đúng nghĩa là “báu vật” quốc gia Hồ Tây là một thắng cảnh, địa danh văn hóa lịch sử nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội. Bởi vậy, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý và khai thác Hồ Tây, từ đó phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của Hồ Tây là một trong những nhiệm vụ cấp bách đặt ra tại thời điểm này. Với gần 530ha mặt nước, Hồ Tây là thắng cảnh nổi tiếng, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế mỗi khi đến với Hà Nội. Bên cạnh đó, vùng phụ cận Hồ Tây được bồi đắp bởi bề dày trầm tích văn hóa phong phú với 71 di tích, trong đó có 41 di tích đã được xếp hạng và trở thành điểm đến nổi tiếng như: Phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc; các làng nghề truyền thống trồng hoa, cây cảnh… Để khai phá những tiềm năng từ Hồ Tây, UBND thành phố Hà Nội cũng ban hành danh mục 10 loại hình dịch vụ được hoạt động gồm: Kinh doanh dịch vụ vận chuyển khách du lịch bằng phương tiện thuỷ: Thuyền, cano, mô tô nước, xe đạp nước… (không lưu trú qua đêm); Kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và nghệ thuật biểu diễn; Kinh doanh sân tập golf trên mặt nước; Hoạt động bơi thuyền, ca nô, xe đạp nước, lướt ván, ván buồm; Tổ chức các lễ hội truyền thống, các giải đua thuyền; Hoạt động bơi, lặn; Xe điện bánh lốp, xe đạp, xích lô du lịch trên các tuyến đường dạo xung quanh hồ Tây; Biểu diễn nhạc nước; Khinh khí cầu; Bay dù lượn. Đánh giá về vấn đề này, trao đổi với Báo Lao động Thủ đô, ông Nguyễn Đình Khuyến - Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ thông tin: UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định Quy định quản lý và khai thác hồ Tây cho phép 10 danh mục kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và vui chơi giải trí trên khu vực hồ Tây, đây là những danh mục mang tính chất định hướng, khi đủ điều kiện sẽ triển khai. Quận Tây Hồ sẽ triển khai các danh mục theo lộ trình chứ không triển khai ồ ạt, những điểm đủ điều kiện sẽ làm trước với nguyên tắc đảm bảo môi trường, đảm bảo an toàn, phù hợp với không gian, thực tế của Hồ Tây. Thực tế, để khai thác bền vững giá trị Hồ Tây thì công tác bảo vệ môi trường đóng vai trò hết sức quan trọng. Với vấn đề này, hiện quận Tây Hồ đang triển khai xây dựng Đề án “Quy hoạch, quản lý, bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị của Hồ Tây và vùng phụ cận”. Đề án được xây dựng trên nguyên tắc bền vững và dài hạn, dựa trên ba trụ cột là kinh tế - xã hội và môi trường, tầm nhìn đến năm 2050. Dự kiến cuối quý II/2024, quận Tây Hồ sẽ báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, trong đó có nội dung liên quan tới việc quản lý các hoạt động văn hóa, du lịch và dịch vụ khu vực hồ Tây đi kèm với những yêu cầu cụ thể về việc bảo đảm vệ sinh môi trường, an ninh trật tự theo quy định của pháp luật hiện hành… Tại buổi làm việc của Thường trực Thành ủy Hà Nội với Ban Thường vụ Quận ủy Tây Hồ về tình hình, kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị giai đoạn 2020 - 2023; nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2024 - 2025 và những năm tiếp theo trên địa bàn quận Tây Hồ diễn ra tháng 1 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã đồng ý chuyển giao việc quản lý hồ Tây về cho quận Tây Hồ thay vì 8 sở, ngành cùng quản lý như trước đây. Cùng với đó, Bí thư Hà Nội yêu cầu các sở, ngành cần chung tay cùng quận Tây Hồ quản lý hồ Tây theo chức năng nhiệm vụ để địa danh này thực sự phát triển, trở thành một điểm đến văn hóa, du lịch tiêu biểu của Thủ đô. Đ.L - N.H |
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 24/12: Sáng sớm có sương mù, ngày nắng
10 sự kiện nổi bật của ngành khoa học và công nghệ năm 2024
Về nơi "xứ sở nhà thờ" mùa Giáng sinh
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
Tin khác
Hoài niệm về Hà Nội xưa qua không gian nghệ thuật ga Long Biên
Tôi yêu Hà Nội 05/12/2024 11:07
Độc đáo di sản cổ tự 2.000 năm tuổi
Tôi yêu Hà Nội 03/12/2024 07:14
Phở - Tinh hoa ẩm thực Hà thành trong kỷ nguyên số
Tôi yêu Hà Nội 03/12/2024 07:06
“Đêm Trúc Bạch” - Trải nghiệm Hà Nội qua lăng kính thời bao cấp
Infographic 28/11/2024 22:32
Báo Lao động Thủ đô giành giải Ba cuộc thi viết về Bảo vệ môi trường Hà Nội năm 2024
Tôi yêu Hà Nội 28/11/2024 10:57
Sông Đáy thuở xưa
Tôi yêu Hà Nội 26/11/2024 08:01
Huyện Thường Tín: Khai thác giá trị văn hóa để phát triển du lịch
Tôi yêu Hà Nội 23/11/2024 21:30
Tổ chức thành công Đại hội Hội Khuyến học quận Bắc Từ Liêm nhiệm kỳ 2024 - 2029
Tôi yêu Hà Nội 22/11/2024 17:29
Lan tỏa những hành động nhân ái từ cộng đồng
Tôi yêu Hà Nội 20/11/2024 16:19
Cầu nối giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp với các nhà đầu tư
Tôi yêu Hà Nội 17/11/2024 21:01