Xem chia cá ăn Tết ở xứ Mường
Cụ già chữa bệnh vô sinh giỏi nhất xứ Mường |
Huyền thoại Hồ Chim
Ngày thường, con đường dẫn vào thôn Lai thênh thang là thế, nhưng ngày cận Tết, nó lại trở nên chật hẹp, bởi người xe nườm nượp. Với người dân gốc nơi đây, dù đi Nam về Bắc, hay ở mãi trời tây, nhưng ai nấy cũng đều cố sắp xếp công việc để về trước ngày 26.12 (âm lịch). Hỏi ra mới biết, người dân khắp nơi đổ về không chỉ để đoàn tụ gia đình mà còn mong muốn được chứng kiến cuộc thi bắt cá và chia cá cho dân làng ăn Tết. Không chỉ những người trẻ háo hức, mà ngay cả các bậc cao niên trong thôn, tục chia cá cho cả làng ăn Tết đã ăn sâu vào tiềm thức của họ từ thuở ấu thơ.
Đứng bên cạnh hồ, hướng mắt dõi theo những trai làng khỏe mạnh đang trần mình dưới dòng nước lạnh để bắt cá, cụ Phạm Văn Mão vui vẻ trò chuyện với phóng viên. Theo cụ Mão, tục lệ chia cá ăn Tết ở đây diễn ra vào ngày 26 tháng chạp hằng năm. Đây là tục lệ lâu đời ở thôn Lai, nhưng đến nay vẫn giữ nguyên được nét đẹp, như sợi dây gắn kết bà con địa phương với nhau…
Đưa tay vuốt chòm râu dài, trắng như cước, ông Mão tiếp tục chia sẻ: “Không ai ở đây biết tục lệ chia cá ăn Tết có từ bao giờ, mà chỉ thấy tương truyền rằng, đã lâu lắm rồi, khu vực Mường Lai này có 99 cái hồ. Cứ đến mùa khô, 98 hồ cạn, chỉ còn một hồ còn nước. Năm ấy, hạn hán gây mất mùa, gần Tết, mà chẳng mấy nhà trong thôn còn gạo để ăn. Một số người lên nương làm rẫy, đi qua hồ thì thấy chim tập trung về đây nhiều một cách bất thường. Thấy lạ, người dân hò nhau ra bắt thì đàn chim vội vút bay lên, lượn quanh hồ 9 vòng, rồi nhả một vật gì đó rất lạ xuống hồ và bay đi”.
Cũng theo ông Mão, khi đàn chim bay đi, người dân tới hồ thì thấy cá lớn, cá bé chen chúc bơi. Người dân vui sướng, hò nhau đem lưới, nơm, vó, rổ rá ra bắt cá. Năm ấy, dân thôn Lai không phải rơi vào cảnh… “mất Tết”. Để ghi nhớ bầy chim lạ, dân làng đã đặt tên là Hồ Chim. Và khi lập hương ước của làng, làng Lai đã lấy ngày 26.12 (âm lịch) đáng nhớ ấy là ngày chia cá hồ.
Nhằm lưu giữ nét văn hóa này không bị mai một bởi kinh tế thị trường, năm nào cũng vậy, lãnh đạo thôn Lai cùng những cao niên có uy tín thường đến tận nhà người dân để kể sự tích Hồ Chim, cũng như nhắn nhủ mọi người gìn giữ nét truyền thống tốt đẹp ấy. Mọi người đều coi Hồ Chim như vị thần che chở cho dân làng, là nơi giao lưu văn hóa, gắn kết tình người. Chính vì thế đã có biết bao đơn vị, cá nhân muốn đấu thầu hồ để kinh doanh, nhưng đều thất bại.
Để giữ gìn hồ cá, người dân thôn Lai còn góp vốn mua cá giống thả xuống hồ, cắt cử người đi kiếm thức ăn… “Cá trong hồ có sẵn, nhưng để có nguồn cá giống chất lượng cao, dân làng thường góp tiền mua về thả thêm. Tuần tự mỗi ngày, 5 hộ gia đình có nhiệm vụ đi kiếm thức ăn cho cá và canh trộm. Hết lượt nhà này lại đến nhà khác, cho đến ngày chia cá thì tạm nghỉ, đến đầu năm mới lại tiếp tục quy trình ấy” - ông Phạm Văn Huân, trưởng thôn Lai chia sẻ.
Báo hiếu tổ tiên
Cả năm, không ai được phép bắt cá ở Hồ Chim, dù chỉ là một con cá nhỏ. Đúng đến ngày bắt cá, thôn thường chia thành 3 đội, tùy năm để chia theo xóm hay chia theo dòng họ, mỗi đội 20 người. Những người được tuyển chọn vào đội bắt cá là người có kinh nghiệm chài lưới, sức cường tráng. Khi các đội đã sẵn sàng, trưởng thôn hoặc một vị cao niên đánh một hồi chiêng dài. Dứt tiếng chiêng, các đội vào cuộc thi tài bắt cá.
Người dân phấn khởi với số cá lớn đánh bắt được sau mỗi năm chăm sóc, nuôi dưỡng. |
Dưới nước, các đội liên tục thi chuyển “binh pháp”, lùa cá vào lưới, kéo thật nhanh vào góc hồ. Trên bờ, người khua chiêng, người gióng trống, người thổi tù và, vỗ tay, hò reo cổ vũ khiến cái tiết lạnh được xua tan.
Cuộc thi diễn ra từ sáng sớm, đúng 12 giờ trưa thì kết thúc. Cá của từng đội được để riêng rẽ, cân lên tính điểm. Đội nào bắt được nhiều cá to và cân nặng nhiều hơn sẽ được trao thưởng bằng một số lượng cá tượng trưng. Sau đó, đội thắng cuộc chọn một số cá to, khỏe, cúng thần nước, thần sông. Toàn bộ số cá của 3 đội bắt được sẽ được cân lên chia đều cho mọi nhân khẩu của làng, trừ con to nhất. “Từ xưa đến nay, con cá to nhất luôn được làng giữ lại để xẻ thịt. Số thịt này sẽ được chia cho một số cụ cao niên và gia đình có công với cách mạng. Dù số thịt cá được chia rất ít, nhưng ai được nhận cũng đều hãnh diện vì thấy được sự tôn trọng, ghi nhận công sức của thế hệ sau. Còn với dân làng, dù được chia cá ít hay nhiều, nhưng cứ có cá Hồ Chim cúng tổ tiên trong dịp Tết thì tất thảy đều vui vẻ, bởi họ cảm thấy rằng đã báo hiếu được với cha ông, hứa hẹn năm mới gặp nhiều may mắn…” - ông Huân vui vẻ tâm sự.
Tuấn Anh
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Tăng mức hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở đối với người có công
Quyền lợi đặc biệt của lao động nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi
Cách tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng
Tôn vinh giá trị và vị thế của trẻ em gái, thúc đẩy bình đẳng giới
Bắt hai đối tượng bán mật gấu giả
Tài xế sẽ phải kiểm tra lí thuyết, thực hành khi bị trừ hết điểm bằng lái
Hà Nội: Triệt phá đường dây nhập lậu hàng nghìn tấn “khí cười”
Tin khác
Tôn vinh giá trị và vị thế của trẻ em gái, thúc đẩy bình đẳng giới
Xã hội 24/11/2024 13:32
Gen Z mùa deadline cuối năm: Đa nhiệm, stress nhưng vẫn luôn tận hưởng cuộc sống
Cộng đồng 23/11/2024 15:27
Từ 25/12: Phụ huynh bắt buộc quản lý hoạt động mạng xã hội của trẻ em dưới 16 tuổi
Cộng đồng 23/11/2024 08:12
“Manifest” được chọn là từ của năm 2024
Cộng đồng 22/11/2024 23:24
Nhân lên giá trị tri thức, giá trị văn hóa trong đời sống xã hội
Xã hội 22/11/2024 15:51
Phụ nữ Hà Nội chung tay thu hẹp khoảng cách giới
Cộng đồng 22/11/2024 15:38
Đượm nồng bếp củi mùa đông
Cộng đồng 21/11/2024 11:00
Ngôi nhà nghĩa tình của các thương, bệnh binh
Cộng đồng 21/11/2024 07:43
30 lời chúc ý nghĩa nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Cộng đồng 18/11/2024 19:34
Liên hoan văn hóa “Phụ nữ dân tộc thiểu số hành động vì bình đẳng giới” năm 2024
Cộng đồng 16/11/2024 13:19