Bài cuối: Bắt đầu từ ý thức của mỗi người
Bài 1: Bức tranh giao thông đa sắc màu Bài 2: Chuyện không của riêng ai! Bài cuối: Kỳ vọng vào những khởi sắc trong hạ tầng giao thông |
Mỗi công dân cần góp phần xây dựng văn hóa giao thông, phát huy lối sống làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, có ý thức và trách nhiệm đúng khi tham gia giao thông… điều này không chỉ vì lợi ích của bản thân mình mà còn vì sự an toàn của những người khác.
Bồi đắp văn hóa giao thông
Nói đến nguyên nhân của sự hạn chế về văn hóa giao thông thì có nhiều. Tuy nhiên, tựu chung lại phải kể đến ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông chưa nghiêm. Đây là nguyên nhân chủ quan, đã được chỉ ra, phê phán nhiều lần nhưng vẫn chưa tạo được sự chuyển biến cần thiết.
Dẫn một ví dụ, thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông đã tăng cường "phạt nguội" theo hình ảnh vi phạm được ghi lại qua các camera giám sát giao thông. Riêng ở Hà Nội, danh sách bị "phạt nguội" mỗi tháng lên tới hơn nghìn trường hợp. Đáng buồn là, số vi phạm dường như vẫn được “nối dài”, chưa có xu hướng giảm.
Tham gia giao thông có văn hóa sẽ góp phần giảm thiểu ùn tắc. Ảnh: Đinh Luyện |
Lại một ví dụ khác. Hà Nội đang thí điểm phân làn phương tiện trên đường Nguyễn Trãi. Tuy nhiên, tại đây xe máy, thậm chí cả xe đạp vẫn đi sang làn đường dành cho ô tô và ngược lại ô tô cũng sẵn sàng lấn làn đường sát vỉa hè, vốn dành cho xe máy, xe đạp. Kiểu lưu thông “điền vào chỗ trống”, không ai nhường ai này khiến tuyến giao thông sau một thời gian dài thí điểm vẫn lộn xộn.
Đáng lo ngại, hành vi tham gia giao thông lộn xộn có thể thấy ở nhiều tuyến đường, phố chứ không chỉ trên đường Nguyễn Trãi. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông.
Từ 2 ví dụ kể trên cũng có thể thấy, cùng với việc nghiên cứu, tổ chức giao thông hợp lý thì rất cần xây dựng văn hóa giao thông. Đó là ý thức, thái độ của mọi người khi điều khiển phương tiện, là cách thức ứng xử, chấp hành quy định của pháp luật về giao thông, tuân thủ các chuẩn mực đạo đức khi tham gia giao thông. Trong các hành vi ứng xử, trước hết phải đặt ý thức tự giác lên hàng đầu.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Quốc hội, việc xây dựng văn hóa giao thông hiện tồn tại những khó khăn khách quan nhất định. Dễ thấy, cuộc sống hiện đại có xu hướng gấp gáp chứ không từ tốn, chậm rãi như xưa. Người tham gia giao thông vội vã để đến nơi làm việc.
“Nhịp độ cuộc sống gấp gáp ấy làm người ta vội vàng trong nhiều thứ, từ tư duy, suy nghĩ đến ứng xử đến nói năng và ngay cả trong tham gia giao thông…”, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Dư, chuyên gia giao thông cũng chỉ ra yếu tố mấu chốt dẫn đến tình trạng giao thông “chưa văn hóa”, đó là hạ tầng. Nói cách khác, hiện hạ tầng giao thông Việt Nam nói chung và Thủ đô nói riêng chưa hoàn thiện. Thông thường, một đô thị triệu dân thì hệ thống xe buýt, tàu điện và các phương tiện giao thông công cộng khác cũng phải có quy mô tương ứng, nhưng hiện nay hệ thống này chưa đạt tới mức cần, nên tình trạng chen lấn, ùn tắc và hành vi, lối ứng xử không văn minh của người tham gia giao thông tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi.
Đồng quan điểm này, tại cuộc tọa đàm “Những ứng xử cần tuyên truyền xây dựng văn hóa giao thông”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội, khẳng định, bên cạnh những nguyên nhân khách quan như hạ tầng giao thông yếu kém, chưa đồng bộ khiến các loại phương tiện phải đi chung một làn đường gây ra tình trạng tắc nghẽn giao thông thường xuyên ở các đô thị lớn, còn có nguyên nhân chủ quan do nhận thức của người tham gia giao thông chưa cao, dẫn tới những hành vi thiếu văn hóa khi tham gia giao thông.
Thời gian qua, Hà Nội đã đẩy mạnh xây dựng và phát triển hạ tầng giao thông, tuy nhiên vẫn "đuối hơi" so với sự phát triển của phương tiện giao thông cá nhân. Ảnh: Đinh Luyện |
Để giải quyết vấn đề này, công tác giáo dục, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, vai trò và trách nhiệm của các nhà quản lý là không thể thiếu. Tuy nhiên, trước mắt, để giảm tối đa tai nạn, ùn tắc giao thông, rất cần có tinh thần thượng tôn pháp luật và đặc biệt là cần phải giáo dục văn hóa giao thông. Văn hóa giao thông phải được xây dựng từ trong mỗi gia đình, trong nhà trường, đến ngoài xã hội, phải bắt đầu từ mỗi đứa trẻ…
Bắt đầu từ sự nêu gương
Thực tế cho thấy, thời gian qua các cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động nhằm nâng cao văn hóa giao thông. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia là ví dụ. Với vấn đề này, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức hàng loạt hoạt động, kế hoạch nhằm nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân. Trong số đó, có thể kể đến chương trình đi bộ kêu gọi hành động: “Đã uống rượu, bia thì không lái xe”, “Toàn dân đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi đi xe máy”; các cuộc thi “Giao thông học đường”, “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai”...
Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch cũng ban hành tiêu chí văn hóa giao thông đường bộ. Trong đó, có các tiêu chí chung về văn hóa giao thông, bao gồm: Tự giác chấp hành pháp luật về giao thông; thực hiện nghiêm nhiệm vụ, tác phong chuẩn mực, văn minh; tôn trọng, nhường nhịn, giúp đỡ mọi người khi tham gia giao thông; có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng khi tham gia giao thông; đi đúng làn đường, phần đường quy định; không tham gia đua xe và cổ vũ đua xe trái phép; tuân thủ pháp luật khi xử lý và bị xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông; tạo dựng kết cấu hạ tầng giao thông chuẩn mực, an toàn; có ý thức xây dựng môi trường giao thông thân thiện, an toàn...
Xây dựng văn hoá giao thông trong trường học sẽ góp phần vun bồi và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật ngay từ thế hệ trẻ. Ảnh: Đinh Luyện |
Tại Hà Nội, một trong những hình thức truyền thông tích cực trên địa bàn Thành phố không thể không kể đến đó là Cuộc thi trắc nghiệm về an toàn giao thông trên internet nằm trong chuỗi chương trình truyền thông “Vì An toàn giao thông Thủ đô”. Cuộc thi được diễn ra hằng năm và luôn được đông đảo học sinh, sinh viên cũng như nhiều tầng lớp nhân dân tham gia. Từ cuộc thi này, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của mọi người đã có những chuyển biến tích cực.
Để kiềm chế, giảm thiểu ùn tắc cũng như tai nạn giao thông, qua đó góp phần xây dựng xã hội văn minh, bên cạnh những giải pháp mạnh tay liên quan đến công việc quản lý, điều tiết phương tiện thì công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm bồi đắp ý thức chấp hành pháp luật, ứng xử văn hóa, trong đó có văn hóa giao thông, qua đó hình thành, bồi đắp nhân cách cao đẹp cho mỗi công dân rất cần được tăng cường, duy trì ở mọi nơi, mọi lúc, trong nhà trường, ngoài xã hội và đặc biệt là từ mỗi gia đình.
Nêu quan điểm về vấn đề này, Nhà văn Nguyễn Văn Học - người giành giải Nhì cuộc thi viết “Vì an toàn giao thông Thủ đô” do Ban An toàn giao thông Thành phố và Sở Giao thông vận tải Hà Nội phối hợp tổ chức cho biết, để nâng cao ý thức tham gia giao thông cho đối tượng học sinh, điều quan trọng phải bắt nguồn từ bản thân mỗi gia đình.
“Gia đình là tế bào của xã hội. Một xã hội muốn tốt thì mỗi tế bào phải tốt. Việc phụ huynh học sinh không chấp hành luật lệ an toàn giao thông như hành vi không đội mũ bảo hiểm để đưa con em đi học có tác động xấu đến nhận thức của đối tượng này. Thực tế trẻ em như một tờ giấy trắng. Các cháu không chỉ học ở thầy cô, bạn bè, nhà trường mà còn học từ chính những người cha, người mẹ, người thân thiết ở xung quanh. Nếu chúng ta không nghiêm chỉnh chấp hành, thì có thể khiến các cháu thấy việc không đội mũ bảo hiểm là bình thường”, Nhà văn Nguyễn Văn Học chia sẻ.
Ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cho rằng, bản thân mỗi người đều có thể là một phần giải pháp, là một phần giúp kéo giảm tai nạn. Dẫn chứng điều này, ông Trần Hữu Minh chia sẻ, nếu trong một tổ chức, người đứng đầu quan tâm xây dựng văn hóa giao thông thì ý thức của đội ngũ nhân viên sẽ tốt. Tương tự, nếu bố mẹ là tấm gương sáng trong tuân thủ, chấp hành pháp luật về an toàn giao thông thì con cái cũng sẽ là “hạt giống” tốt.
“Ngoài các cơ quan chức năng thì mỗi tổ chức, cá nhân đều có vai trò, trách nhiệm trong xây dựng văn hóa giao thông, tham gia giao thông an toàn. Mỗi chúng ta đều là một phần của giải pháp. Mỗi người dân hãy trở thành một người tham gia giao thông có văn hóa và có trách nhiệm trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông để mang đến một xã hội giao thông an toàn”, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhấn mạnh.
Hạ tầng giao thông chưa đồng bộ khiến các loại phương tiện phải đi chung một làn đường gây ra tình trạng tắc nghẽn giao thông thường xuyên ở các đô thị lớn. Ảnh: Đinh Luyện |
Ở góc độ nào đó có thể thấy, văn hóa giao thông, bộ mặt giao thông thể hiện sự văn minh của một xã hội. Khi chúng ta ra đường, mọi người có văn hóa nhường nhịn nhau là thể hiện của một xã hội phát triển. Ý thức đó thấm đẫm từ nếp nhà đến nếp trường và đến xã hội, cơ quan mới tạo được văn hóa. Văn hóa ở đây đơn giản chỉ là những thói quen nhường nhịn nhau, giúp đỡ nhau mà còn đi lại có trật tự, tuân thủ pháp luật, tuân thủ quy chế, nội quy.
Thực tế cũng chỉ ra, muốn có một nền văn hóa trong giao thông thì phải tạo văn hóa trong xã hội, văn hóa trong nếp sống của mọi người. Giáo dục ý thức giao thông từ gia đình, nhà trường và người lớn là tấm gương cho trẻ em. Cùng đó, chế tài cần được áp dụng một cách quyết liệt. Nếu mỗi người đều có ý thức, mỗi gia đình đều có ý thức thì chúng ta sẽ gây dựng được văn hóa, văn minh giao thông.
Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” xác định mục tiêu phát triển văn hóa, con người Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống nghìn năm văn hiến và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Đáng chú ý, công tác xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh tiếp tục được triển khai sâu rộng từ thành phố tới cơ sở... với những cách làm đa dạng, phong phú. Việc xây dựng văn hóa giao thông vì Thủ đô văn minh, hiện đại góp phần xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch; từ đó lan tỏa hình ảnh đậm nét về văn hóa, con người Việt Nam nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng. |
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Thành phố Hà Nội giảm 53 đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp
Vietjet SkyJoy được vinh danh tại ASOCIO DX Award 2024
Hương thu ở phố sương mù
“Thần tốc” tinh gọn bộ máy
Hà Nội xem xét các Nghị quyết thi hành Luật Thủ đô
Đa dạng hoạt động chăm lo
Tôn vinh nhà giáo Thủ đô tâm huyết, sáng tạo
Tin khác
Chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật độc đáo tại Ga S8 - Cầu Giấy
Giao thông 14/11/2024 06:43
Bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa dịp cuối năm
Giao thông 14/11/2024 06:22
Hà Nội: Phòng ngừa vi phạm giao thông cho học sinh, sinh viên
Giao thông 13/11/2024 14:37
Dự kiến nhà ga T3 Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ hoàn thành vào ngày 30/3/2025
Giao thông 13/11/2024 09:47
Nhiều dự án giao thông trọng điểm tại TP.HCM giải ngân vốn đạt thấp
Giao thông 12/11/2024 18:11
Hà Nội: Danh sách "phạt nguội" tháng 10/2024, hơn 500 phương tiện vi phạm
Giao thông 11/11/2024 20:32
Đa dạng hình thức tuyên truyền an toàn giao thông cho học sinh
Giao thông 11/11/2024 17:05
Khi người tham gia giao thông cố tình vi phạm
Giao thông 11/11/2024 16:53
Va chạm trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, hai ô tô biến dạng
Giao thông 10/11/2024 13:55
Phụ nữ Thủ đô thượng tôn pháp luật, xây dựng văn hóa giao thông an toàn
Giao thông 09/11/2024 15:50