Bảo vệ môi trường Thủ đô theo nguyên tắc phát triển bền vững
Ưu đãi chuyển đổi phương tiện giao thông sang sử dụng năng lượng sạch
Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, thể chế hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW và Nghị quyết số 06-NQ/TW, trên cơ sở kế thừa Điều 14 Luật Thủ đô 2012, Điều 29 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định di dời cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường kéo dài hoặc thâm dụng lao động, cơ sở y tế có nguy cơ truyền nhiễm, lây nhiễm cao ra khỏi khu vực nội đô lịch sử, đô thị trung tâm.
Đồng thời, cho phép Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ban hành quy định hỗ trợ, ưu đãi thu mua, chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch. Đây là chính sách hiệu quả để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, chống ùn tắc giao thông.
Góp ý vào Dự thảo Luật, PGS.TS Vũ Thị Duyên Thủy - Trường Đại học Luật Hà Nội nhìn nhận, trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), vấn đề bảo vệ môi trường được quan tâm và được đặt ở vị trí ngang hàng với các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội. Điều này là hoàn toàn phù hợp với quan điểm phát triển bền vững - quan điểm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa môi trường và phát triển đang được áp dụng rộng rãi ở tất cả các quốc gia trên thế giới.
Cải tạo môi trường sông Tô Lịch góp phần cải thiện môi trường của Thủ đô. Ảnh: Tuấn Dũng |
Tại Điều 29 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), vấn đề phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn và ứng phó với biến đổi khí hậu đã được xác định là nguyên tắc quan trọng để quản lý và bảo vệ môi trường Thủ đô. Các hành vi bị nghiêm cấm, các hoạt động được khuyến khích hay được hưởng ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước cũng như trách nhiệm của Ủy ban nhân dân Thành phố, Hội đồng nhân dân Thành phố trong việc triển khai các hoạt động quản lý và bảo vệ môi trường đã được quy định khá cụ thể. Điều đó sẽ tạo cơ sở pháp lý thống nhất cho việc triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường song song với quá trình phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô.
Tuy nhiên, để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp hơn với yêu cầu bảo vệ môi trường nói chung và pháp luật bảo vệ môi trường nói riêng, PGS.TS Vũ Thị Duyên Thủy cho rằng, tên điều luật nên sửa đổi để đảm bảo bao quát hết các nội dung được điều chỉnh trong các điều khoản cụ thể.
Đồng thời, khoản 3 Điều luật này nên đề cập vấn đề xã hội hóa, vì đây là một biện pháp đã và đang mang lại hiệu quả trong bảo vệ môi trường tại nhiều quốc gia trên thế giới cũng như Việt Nam. Xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường sẽ cho phép các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, hợp tác xã ngoài khu vực kinh tế nhà nước tự do hóa kinh doanh các hoạt động cung cấp dịch vụ bảo vệ môi trường, cùng với quá trình thu hẹp các lĩnh vực thuộc độc quyền nhà nước.
Điều đó có nghĩa người dân và các đối tượng tiếp nhận lợi ích môi trường sẽ tăng thêm đóng góp tài chính (thuế, cước phí dịch vụ, thậm chí cả một phần vốn đầu tư ban đầu...) và chủ động tham gia giám sát rộng rãi, dân chủ hơn để được thụ hưởng các dịch vụ và tiện ích môi trường đa dạng hơn, chất lượng cao hơn, thuận tiện và phù hợp nhu cầu của mình hơn...
Xử lý cơ bản ô nhiễm môi trường nước các hệ thống sông, hồ
ThS Nguyễn Quốc Phi - Trường Đại học Mỏ - Địa chất góp ý, quá trình phát triển của Thủ đô nói chung cần có sự điều tiết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo đảm an ninh xã hội và bảo vệ môi trường.
Cụ thể, phát triển bền vững về môi trường của Thủ đô gồm những nội dung cơ bản: Một là, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên không tái tạo; Hai là, phát triển không vượt quá ngưỡng chịu tải của hệ sinh thái; Ba là, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ tầng ôzôn; Bốn là, kiểm soát và giảm thiểu phát thải khí nhà kính; Năm là, bảo vệ chặt chẽ các hệ sinh thái nhạy cảm; Sáu là, giảm thiểu xả thải, khắc phục ô nhiễm (nước, khí, đất, lương thực thực phẩm), cải thiện và khôi phục môi trường những khu vực ô nhiễm...
Cần có chính sách khuyến khích chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch. Ảnh: Đinh Luyện |
Cũng theo ThS Nguyễn Quốc Phi, trong định hướng phát triển của Thủ đô sẽ đẩy mạnh khai thác cảnh quan Sông Hồng và các trục cảnh quan: Hồ Tây - Ba Vì, trục Nhật Tân - Nội Bài, trục Ba Sao - Tam Chúc, trục Bắc - Nam thì các nguyên tắc và điều kiện xây dựng riêng trong khu vực nội đô lịch sử và các đô thị của Hà Nội càng cần phải quan tâm về vấn đề giảm phát thải và bảo vệ môi trường.
Cụ thể, về vấn đề bảo vệ môi trường và giảm phát thải (Điều 29) cần quy định rõ việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí; xử lý cơ bản ô nhiễm môi trường nước các hệ thống sông, hồ; hoàn thành cải tạo môi trường sông Nhuệ - sông Đáy, sông Tô Lịch; thực hiện các chương trình chống úng, ngập; hạ tầng xử lý rác thải, nước thải, cây xanh đô thị... theo quy hoạch.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, hiện tại Thành phố có hơn 770.000 xe ô tô, gần 5,8 triệu xe máy lưu thông hằng ngày, chưa tính đến các phương tiện giao thông của người dân từ các địa phương khác đi qua, trong đó có nhiều phương tiện cũ không bảo đảm tiêu chuẩn khí thải, niên hạn để lưu thông. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Do vậy, hệ thống quan trắc môi trường trên địa bàn Thành phố cần được hoàn thiện một cách đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát chất lượng môi trường. Đồng thời có chính sách khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi và lộ trình thực hiện đối với cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch; thu mua, đổi phương tiện giao thông cũ sang phương tiện giao thông mới sử dụng năng lượng sạch.
Bên cạnh đó, tiêu chuẩn quy hoạch, cấp phép tại Thủ đô cần phải được xây dựng trên cơ sở tư duy phát triển bền vững; tăng cường các ưu đãi về đầu tư trong lĩnh vực trồng, phát triển cây xanh, trồng rừng, xử lý rác thải, nước thải, dịch vụ môi trường; năng lượng tái tạo; và các dự án có sử dụng năng lượng tái tạo, dự án hỗ trợ chuyển dịch năng lượng. Trong các biện pháp bảo vệ Thủ đô, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, cần tính đến việc tăng nặng hình phạt đối với người cấp phép không đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường thân thiện…
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Phường đầu tiên của quận Tây Hồ nhận danh hiệu “Phường đạt chuẩn đô thị văn minh”
Dư âm đẹp từ Giải bóng đá thường niên Tổng Công ty Vận tải Hà Nội năm 2024
Bắt giữ đối tượng "ngáo đá" cướp ô tô, dùng xẻng đánh người
Từ 25/12: Phụ huynh bắt buộc quản lý hoạt động mạng xã hội của trẻ em dưới 16 tuổi
Từ 1/1/2025, ứng dụng ngân hàng không được ghi nhớ mật khẩu đăng nhập
Bắt đầu chiến dịch kiểm tra vận tải hành khách cuối năm
Tỷ giá USD hôm nay 23/11: Giá USD trên thị trường tự do giảm sâu
Tin khác
Sớm cụ thể hóa Luật Thủ đô 2024 để Hà Nội phát triển nhanh, bền vững
Luật Thủ đô 2024 14/11/2024 16:05
Đảm bảo văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi) được ban hành kịp thời
Luật Thủ đô 2024 14/11/2024 15:46
Triển khai Luật Thủ đô: Kiểm soát chất lượng các văn bản quy định chi tiết
Luật Thủ đô 2024 14/11/2024 14:03
Để Luật Thủ đô đến mọi nơi, mọi nhà
Luật Thủ đô 2024 13/11/2024 12:34
Luật Thủ đô năm 2024: Những đột phá trong phát triển văn hóa, thể thao và du lịch
Luật Thủ đô 2024 04/11/2024 22:12
Luật Thủ đô 2024: Thêm cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút đầu tư xã hội
Luật Thủ đô 2024 04/11/2024 17:26
Phát triển nông nghiệp Thủ đô theo hướng nông nghiệp sinh thái, bền vững
Luật Thủ đô 2024 04/11/2024 12:25
Hà Nội xây dựng dự thảo áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước
Luật Thủ đô 2024 04/10/2024 11:56
Hà Nội: Năm 2024, ban hành 39 văn bản thi hành Luật Thủ đô 2024
Luật Thủ đô 2024 05/09/2024 21:53
Nỗ lực đưa Luật Thủ đô (sửa đổi) vào cuộc sống
Luật Thủ đô 2024 03/09/2024 19:08