Chốt đề xuất phương án tăng lương tối thiểu vùng mức 6% từ 1/7/2022: Người lao động bày tỏ vui mừng
Đời sống công nhân còn nhiều khó khăn
Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trong vòng 2 năm qua, nguồn thu nhập của người lao động bị giảm đáng kể. Tiền lương chỉ đủ trang trải chi phí sinh hoạt thường ngày. Không chỉ vậy, hiện nay giá cả các mặt hàng không ngừng tăng lên khiến đời sống của người lao động gặp rất nhiều khó khăn.
Kể từ đầu năm đến nay, chị Hoàng Thị Hoa, công nhân Công ty TNHH Sản xuất Phụ tùng Yamaha Motor Việt Nam luôn phải tìm cách cân đối chi tiêu trong gia đình để không bị thiếu hụt tiền chi phí sinh hoạt cũng như tiền ăn học của các con. Chị Hoa chia sẻ, cả 2 vợ chồng đều là công nhân. Vợ chồng chị có 2 con nhỏ và đang thuê trọ tại Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội).
Công nhân lao động mong muốn Chính phủ sẽ chấp nhận đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022 ở mức 6%. Ảnh: Lương Hằng |
Trong vòng 2 năm qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng rất nhiều đến thu nhập của gia đình chị. Theo đó, tổng thu nhập của 2 vợ chồng lúc ổn định nhất cũng chỉ vào khoảng 17 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền này cũng chỉ đủ trang trải chi phí như: Tiền ăn, tiền nhà, tiền điện nước, chi phí đi lại. Có những tháng vợ chồng chị Hoa còn chi “âm” tiền lương vì con cái ốm đau, bệnh tật.
Tương tự, chị Đỗ Thị Kim Tuyến, công nhân Công ty TNHH Matsuo Industries Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn do chi phí sinh hoạt và các mặt hàng tiêu dùng tăng cao. Theo chị Tuyến, dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến đời sống, việc làm, thu nhập của những công nhân lao động sản xuất trực tiếp như chị. Vợ chồng chị Tuyến đều là công nhân nên thu nhập khá bấp bênh. Tính tổng lương của 2 vợ chồng được khoảng 15 - 20 triệu đồng/ tháng. Trong tình hình giá cả các mặt hàng đều leo thang như hiện tại, với mức thu nhập này vợ chồng chị khó có thể đảm bảo được chất lượng cuộc sống. Không chỉ có tiền nhà, tiền điện nước, tiền ăn, việc mua bỉm sữa, đồ dùng cho con cũng trở thành nỗi lo thường trực của đôi vợ chồng trẻ.
Cùng chung nỗi lo cơm áo gạo tiền của những công nhân lao động xa nhà, anh Nguyễn Văn Thủy, công nhân Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam, cho biết, rời quê Ninh Bình, vợ chồng anh lên Hà Nội kiếm việc để có tiền trang trải cuộc sống. Tính đến thời điểm hiện tại, anh Thủy đã gắn bó với công ty được 10 năm. Theo anh Thủy, khó khăn của người công nhân xa nhà khi làm tại Khu Công nghiệp là chi phí ăn, ở, sinh hoạt. Trong thời gian ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc đi làm bị gián đoạn, thậm chí có thời điểm cả 2 vợ chồng anh phải nghỉ việc tạm thời nên tiền lương không cao, cũng bởi vậy mà “gánh nặng” chi phí ăn ở sinh hoạt nhân lên gấp nhiều lần.
“Lương hàng tháng của tôi và vợ chỉ đủ trang trải chi phí thuê nhà, ăn uống, học hành của các con. Có những tháng vợ chồng con cái bị ốm, thu không đủ chi, vợ chồng tôi phải đi vay mượn người thân, bạn bè để trang trải cuộc sống.”, anh Thủy chia sẻ.
Không chỉ có công nhân lao động tại Hà Nội mà công nhân lao động cả nước cũng đang phải chật vật xoay sở với đồng lương ít ỏi để trang trải cuộc sống. Theo kết quả khảo sát do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện trong tháng 3 năm 2022 với 1.533 người lao động tại 6 tỉnh, thành phố cho thấy: Mức lương người lao động nhận được không đủ trang trải nhu cầu sống tối thiểu của họ và gia đình: Có 46,2% người lao động cho biết họ phải làm thêm giờ với số ngày phải làm thêm giờ trong 1 tháng trung bình là 12,78 ngày/tháng để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống.
Người lao động phấn khởi, chờ Chính phủ sớm quyết định
Trước những khó khăn, vất vả của công nhân lao động, tổ chức Công đoàn đã tham gia thương lượng mức lương tối thiểu vùng cho người lao động. Sau hai phiên họp, thương lượng, sáng 12/4, với đa số phiếu tán thành, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã đồng thuận và chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022 ở mức 6% để trình Chính phủ xem xét quyết định.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, 2 năm qua người lao động dù rất khó khăn nhưng đã hết lòng chia sẻ với doanh nghiệp, đồng hành, nỗ lực cùng với doanh nghiệp để vượt qua mọi khó khăn, dịch bệnh, ổn định tình hình sản xuất kinh doanh. Đời sống của người lao động sau đại dịch tiếp tục khó khăn, một bộ phận khó khăn gay gắt, không thể trở lại doanh nghiệp hoặc lựa chọn nhận bảo hiểm xã hội một lần. Bởi vậy, khi cả nước đang trong giai đoạn bình thường mới, thì việc nâng lương tối thiểu vùng là cần thiết! |
Trả lời báo chí sau cuộc họp, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết: Trên cơ sở đàm phán dân chủ và quyết liệt, Hội đồng đã đưa ra được quyết định thuyết phục được các bên, đó là mức lương tối thiểu vùng năm 2022 được tính từ 1/7/2022 đến hết năm 2023 có mức tăng 6%. “Thực ra, với tư cách đại diện cho người lao động thì chúng tôi mong muốn mức lương tăng cao hơn nữa, nhưng trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn và dịch bệnh còn diễn biến phức tạp thì chúng tôi cho rằng mức này đã thể hiện sự chia sẻ của người lao động, của tổ chức đại diện cho người lao động với doanh nghiệp, chúng ta cùng nắm tay nhau thực hiện tốt chương trình phục hồi phát triển kinh tế của Chính phủ”, ông Ngọ Duy Hiểu nói.
Tranh thủ giờ nghỉ trưa đọc báo điện tử, chị Hoàng Thị Hoa được biết Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã đồng thuận và chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022 ở mức 6% để trình Chính phủ xem xét quyết định. Trước thông tin trên chị Hoa không khỏi phấn khởi, vui mừng. “Với công nhân chúng tôi thời điểm hiện tại tiền lương tăng 1 đồng cũng là đáng quý. Tôi mong rằng Chính phủ sẽ đồng ý chấp nhận mức đề xuất trên để chúng tôi có thêm thu nhập ổn định cuộc sống, vượt qua khó khăn sau dịch Covid-19”- chị Hoa phấn khởi bày tỏ.
Cùng chung niềm vui với chị Hoa, chị Đỗ Thị Kim Tuyến gửi lời cảm ơn chân thành tới tổ chức Công đoàn đã tham gia đàm phán, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho người lao động, cụ thể là đã thỏa thuận đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 6% cho người lao động. Chị Tuyến mong muốn trong những năm tới, khi các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất trở lại, mức lương tối thiểu vùng sẽ được nâng lên theo các năm để nâng cao đời sống cho công nhân lao động.
Còn với anh Nguyễn Văn Thủy, việc tăng lương tối thiểu vùng trong thời điểm hiện tại là việc làm vô cùng cần thiết đối với người lao động. “Đối với việc tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động, tôi rất đồng tình, ủng hộ và mong muốn Chính phủ chấp thuận đề xuất trên. Việc tăng lương tối thiểu vùng không chỉ giúp công nhân vơi bớt khó khăn trong cuộc sống mà còn cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động và tạo động lực cho công nhân lao động tích cực làm việc, đóng góp hơn vào sự phát triển của công ty.”, anh Thủy nói.
Trên cương vị là Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Matsuo Industries Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng Long cho biết, qua khảo sát về việc tăng lương tối thiểu vùng tại công ty, người lao động rất vui mừng và phấn khởi trước đề xuất tăng lương tối thiểu vùng. Theo ông Long, 2 năm vừa qua, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 Chính phủ chưa tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động. Mặc dù công ty vẫn tăng lương cho người lao động dựa vào tình hình kinh doanh của công ty, nhưng chỉ tăng được khoảng 200-500 nghìn đồng/1 người lao động tùy thuộc vào vị trí công việc.
“Khi tuyển dụng lao động, mặc dù công ty đã để lương đầu vào cao hơn lương tối thiểu vùng nhưng nhiều công nhân lao động vẫn nghỉ việc để tìm các công việc khác mà không quan tâm đến lợi ích được hưởng lâu dài. Khi có mức lương tối thiểu vùng mới thì công nhân lao động mới được tuyển sẽ được hưởng mức lương tối thiểu vùng cao hơn. Với mức lương tối thiểu vùng đó, người lao động sẽ yên tâm làm việc và gắn bó lâu dài với công ty”, ông Long chia sẻ./.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Tài xế sẽ phải kiểm tra lí thuyết, thực hành khi bị trừ hết điểm bằng lái
Hà Nội: Triệt phá đường dây nhập lậu hàng nghìn tấn “khí cười”
Festival Ninh Bình lần thứ III: Hé lộ sân khấu gây choáng ngợp
Nguồn sức mạnh nội sinh to lớn để phát triển Thủ đô Hà Nội
Man City 0-4 Tottenham: Thất bại thứ 5 liên tiếp của Man City
Tỷ giá USD hôm nay 24/11: Đồng USD chốt tăng tuần 0,75%, đạt mức 107,49
Arsenal 3-0 Nottingham: Chấm dứt chuỗi 4 trận không biết mùi chiến thắng
Tin khác
Yêu cầu các địa phương báo cáo thưởng Tết trước ngày 15/12
Đời sống 07/11/2024 16:30
Hà Nội: 30 nhà giáo tham gia Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2024
Đời sống 30/10/2024 22:30
Đề xuất tiêu chí xác định người lao động có thu nhập thấp
Đời sống 23/10/2024 16:06
Trình Thủ tướng phương án nghỉ Tết Âm lịch 9 ngày
Đời sống 23/10/2024 06:00
Giá điện, giá chung cư đều tăng: Người lao động càng thêm gánh nặng!
Lao động 12/10/2024 21:01
Thu nhập của người lao động tiếp tục được cải thiện
Đời sống 08/10/2024 06:17
Hàn Quốc ân hạn với lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp tự nguyện về nước
Đời sống 05/10/2024 11:45
Hà Nội: Hộ gia đình nuôi 2 con học đại học, cao đẳng được hỗ trợ vay vốn chính sách
Đời sống 04/10/2024 15:49
Đề nghị bỏ đề xuất sinh viên làm thêm không quá 24 giờ mỗi tuần
Đời sống 25/09/2024 22:33
Từ 1/7/2025, tạm dừng hưởng lương hưu với người xuất cảnh trái phép
Đời sống 23/09/2024 10:31