Chưa hết dịch, sao đã bỏ khẩu trang?
Hà Nội xử phạt người không đeo khẩu trang tại phố đi bộ Hồ Gươm Hà Nội đề xuất phạt "nguội" người không đeo khẩu trang Tổ chức phát khẩu trang miễn phí cho hành khách tham gia đi xe buýt |
Thời gian vừa qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, để hạn chế dịch lây lan trong cộng đồng, Thành phố đã yêu cầu người dân tuyệt đối không chủ quan, lơ là, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như: Rửa tay, đeo khẩu trang ở những nơi công cộng, nơi tập trung đông người. Tuy nhiên, sau gần 2 tháng không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới lây lan trong cộng đồng, một bộ phận người dân Thủ đô bắt đầu lơ là, chủ quan, tình trạng người dân không đeo khẩu trang hoặc đeo kiểu đối phó diễn ra khá phổ biến, cần sớm chấn chỉnh.
Nơi lơ là, nơi nghiêm ngặt
Hiện nay, hầu hết người dân đều nắm được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, sau gần 2 tháng không ghi nhận ca mắc mới lây lan trong cộng đồng, một bộ phận người dân bắt đầu lơ là, chủ quan, phớt lờ những cảnh báo nguy cơ lây nhiễm Covid-19.
Qua ghi nhận tại một số hàng quán, chợ dân sinh, khu vực công cộng ở Hà Nội cho thấy rõ sự chủ quan trong phòng chống dịch khi nhiều người vẫn không đeo khẩu trang khi tiếp xúc gần. Đáng lưu ý, có cả những người cao tuổi, trường hợp cần phải "phòng vệ" cao trong phòng chống dịch Covid-19, nhưng cũng không đeo khẩu trang.
Lực lượng chức năng làm công tác kiểm tra phòng dịch tại phố đi bộ. Ảnh: Lê Thắm |
Tại chợ Linh Lang, quận Ba Đình, dù Ban Quản lý chợ có đặt bảng thông báo nhắc nhở người dân phải đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn trước khi vào chợ nhưng nhiều người đi chợ phớt lờ. Một số tiểu thương dù có khẩu trang trên mặt nhưng chỉ đeo lấy lệ bởi chiếc khẩu trang luôn bị kéo xuống thấp phía dưới cằm. Những tiểu thương này chủ quan cho rằng: “Dịch bệnh cơ bản đã được khống chế nên chúng tôi chỉ đeo khi có lực lượng chức năng đến kiểm tra. Đeo khẩu trang kín mặt rất ngột thở, còn gây cản trở khó nghe trong quá trình giao tiếp với khách hàng”...
Tương tự tại chợ Ngã Tư Sở, vẫn còn tình trạng có người không đeo khẩu trang, hoặc có người đeo khẩu trang trong quá trình đến chợ nhưng khi hỏi mua hàng - tiếp xúc với tiểu thương lại bỏ khẩu trang xuống cằm để giao tiếp... Qua quan sát có thể thấy rất nhiều người kinh doanh và khách hàng không đeo khẩu trang thoải mái nói chuyện, mua bán hàng hóa. Nhiều người đeo khẩu trang nhưng không đúng quy chuẩn nên không có tác dụng phòng, chống dịch bệnh, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19.
Không chỉ ở các chợ dân sinh, tại các khu vực công cộng khác như Công viên Cầu Giấy, Bến xe khách Mỹ Đình, Bệnh viện Việt Xô, các điểm trung tâm thương mại..., nhiều người dân cũng vô tư không đeo khẩu trang cũng như thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Mặc dù, trước cửa của những khu vực này đều có dán băng rôn tuyên truyền và các chai nước sát khuẩn nhưng rất ít người sử dụng.
Trái ngược với không khí “lơ là” của một số địa điểm, trong 2 ngày cuối tuần (25, 26/10), dù số lượng du khách đổ về khu vực hồ Hoàn Kiếm rất lớn nhưng việc tuyên truyền, nhắc nhở người dân đeo khẩu vẫn diễn ra hết sức nghiêm túc. Tại mỗi điểm đi vào phố đi bộ các phường đều dựng pano tuyên truyền đồng thời cắt cử Công an phường và dân quân tự vệ đứng túc trực. Theo đó, mỗi khi có người dân hay du khách đi vào khu vực phố đi bộ, lực lượng chức năng sẽ nhắc nhở về việc đeo khẩu trang, ai không thực hiện đúng quy định sẽ không được vào.
Bên cạnh việc nhắc nhở, lực lượng trực chốt cũng phối hợp với cán bộ y tế phường tiến hành xử lý các trường hợp cố tình chống đối. Về phía người dân, khi nhận được sự nhắc nhở đa phần đều vui vẻ chấp hành. Một số du khách từ nơi khác đến do chưa nắm được thông tin tỏ ra khá bất ngờ, tuy nhiên, sau khi được giải thích cụ thể đã chủ động mua khẩu trang tại các cửa hàng xung quanh, chấp hành nghiêm quy định.
Đồng tình với quy định đeo khẩu trang nơi công cộng, ông Nguyễn Minh Hòa, người dân phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm cho biết, hiện nay nhiều người đã bắt đầu có tâm lý lơ là trong việc phòng chống dịch Covid-19. “Nhà tôi ở ngay trong khu vực phố đi bộ, vào mỗi cuối tuần, du khách đổ về đây khá đông nhưng dường như có rất ít người nhớ tới việc đeo khẩu trang. Có lẽ thời gian gần đây Việt Nam không có ca nhiễm mới nào nên mọi người đã dần quên đi sự nguy hiểm của dịch bệnh. Chính tôi cũng cảm thấy bản thân mình đã có phần lơ là hơn. Vì vậy tôi nghĩ quy định của thành phố về việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng nói chung và ở phố đi bộ nói riêng là rất kịp thời” – ông Hòa chia sẻ.
Chia sẻ về việc thực hiện quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại phố đi bộ, bà Phùng Thị Phi Nga – Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Hàng Gai cho biết, từ khi nhận được ý kiến chỉ đạo và kết luận của Phó chủ tịch Thành phố, dưới sự triển khai của Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm, phường Hàng Gai cũng như các phường quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm đều đồng loạt tiến hành triển khai tuyên truyền đến người dân. Qua 3 ngày mở cửa phố đi bộ ( tối 23 – 25/10), lực lượng y tế dưới sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân phường đã tiến hành phối hợp với công an, lực lượng trật tự đô thị trực tại tuyến phố đi bộ thuộc địa bàn phường và tiến hành xử phạt được 4 trường hợp không đeo khẩu trang, cố tình chống đối.
Bên cạnh việc xử phạt, phường cũng thực hiện đa dạng các hình thức tuyên truyền như trang bị các loa di động tại các điểm bắt đầu vào tuyến phố đi bộ; dựng các pano tuyên truyền việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng. Đối với người dân sống trên địa bàn phường thì cán bộ phường tiến hành phối hợp với tổ trưởng tổ dân phố đi đến nhà phát tờ rơi và nhắc nhở.
“Về việc quản lý người đã đi vào phía trong khu vực phố đi bộ, ở đây chúng tôi có 6 phường giáp ranh, tại khu vực của phường nào, phường đó sẽ có trách nhiệm để tuyên truyền, nhắc nhở cũng như xử lý hành chính nếu du khách cố tình vi phạm. Đồng thời các phường cũng sẽ phối hợp với Ban quản lý Hồ để có sự quản lý chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, để quy định thực sự có hiệu quả thì ý thức của người dân vẫn là quan trọng hàng đầu. Bởi lực lượng chức năng không thể tiến hành kiểm soát mọi lúc mọi nơi” – bà Nga cho hay.
Nâng cao ý thức trách nhiệm
Thực tế, bên cạnh những ý kiến ủng hộ, vẫn còn tồn tại tình trạng một số người dân chỉ chấp hành quy định đeo khẩu trang một cách đối phó. Theo ghi nhận của phóng viên tại khu vực bên trong phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, tình trạng người dân tháo bỏ khẩu trang ngay sau khi đi qua khu vực trực chốt diễn ra khá phổ biến. Lý giải cho hành động của mình, nhiều du khách đã đưa ra lý do như đeo khẩu trang sẽ gây khó thở trong quá trình đi bộ, tình hình dịch bệnh đã không còn đáng lo ngại như trước hay thậm chí là cần tháo khẩu trang để tiện chụp hình…
Một bộ phận không nhỏ người dân vẫn còn “lơ là” trong phòng dịch. Ảnh: Lê Thắm |
Còn về phía lực lượng trực chốt, các cán bộ ở đây cho rằng, việc xử lý người dân tháo bỏ khẩu trang trong quá trình di chuyển bên trong phố đi bộ là rất khó bởi lực lượng chức năng của các phường còn mỏng, không thể theo sát từng người. Bên cạnh đó, các tổ đội cũng từng có ý kiến sẽ xử phạt theo chiều ngược lại tức là xử phạt những người từ trong phố đi bộ di chuyển ra ngoài mà không đeo khẩu trang. Tuy nhiên, phương án này rất khó để thực hiện vì số lượng người không đeo khẩu trang từ trong khu vực phố đi bộ đi ra quá lớn.
Anh Trần Văn Hoàng, một du khách cho biết, sau khi phố đi bộ hoạt động trở lại anh thường xuyên dẫn vợ và con tới đây vui chơi mỗi cuối tuần để hít thở không khí trong lành. “Tôi nghĩ khi đến không gian phố đi bộ mọi người đều có tâm lý muốn hít thở không khí trong lành, hòa mình vào các trò chơi, không gian âm nhạc nên việc đeo khẩu trang khá là bất tiện. Khi được các đồng chí công an, bảo vệ nhắc nhở, tôi vẫn nghiêm túc chấp hành nhưng trong quá trình di chuyển không tránh khỏi việc sơ ý tháo bỏ” – anh Hoàng nói.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Ðức Hạnh, từ ngày 17/8 đến nay, thành phố Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới ngoài cộng đồng. Tuy nhiên, vẫn còn các ca bệnh từ nước ngoài trở về. Ðại diện Sở Y tế Hà Nội cảnh báo nguy cơ dịch bệnh có thể quay trở lại do mầm bệnh có thể tồn tại trong cộng đồng, việc mở lại các đường bay thương mại và từ những người nhập cảnh trái phép. Ðể tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19, Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo các địa phương, đơn vị cần tiếp tục thực hiện nghiêm một số nhiệm vụ: Kiểm soát dịch tại các cửa khẩu; tiếp tục tuyên truyền tới người dân không chủ quan, thực hiện phòng, chống dịch theo thông điệp "5K": Ðeo khẩu trang, khử khuẩn, không tập trung đông người, khai báo y tế, giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh nhiều chuyên gia cũng bỏ ngỏ về khả năng quay trở lại và bùng phát với nhiều lý do. Trong đó, một lý do quan trọng không kém đó là tâm lý chủ quan của một bộ phận người dân, cơ quan, đơn vị, chưa kể thời tiết mùa đông sắp tới sẽ là điều kiện thuận lợi cho tác nhân gây bệnh là virus phát triển. Do đó, các đơn vị cần phải tập trung thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch, không được chủ quan, lơ là khi cảm thấy dịch bệnh đã được kiểm soát.
Cần phải khẳng định, nhờ sự đoàn kết, đồng lòng, trách nhiệm của mỗi người dân, công tác phòng chống dịch trên địa bàn thành phố đã đạt được kết quả tích cực. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh còn có thể kéo dài, chưa có vắc-xin hay thuốc đặc trị thì những thay đổi tích cực trong cuộc sống thường ngày của mỗi người chính là yếu tố cần thiết để tiếp tục phòng, chống dịch bệnh trong tình hình mới. Do đó, việc đeo khẩu trang khi tham gia các hoạt động cộng đồng, thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, hạn chế tập trung đông người là những việc làm cần thiết hiện nay để vừa tiếp tục thực hiện phòng chống dịch bệnh vừa thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội./.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Cách tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng
Tôn vinh giá trị và vị thế của trẻ em gái, thúc đẩy bình đẳng giới
Bắt hai đối tượng bán mật gấu giả
Tài xế sẽ phải kiểm tra lí thuyết, thực hành khi bị trừ hết điểm bằng lái
Hà Nội: Triệt phá đường dây nhập lậu hàng nghìn tấn “khí cười”
Festival Ninh Bình lần thứ III: Hé lộ sân khấu gây choáng ngợp
Nguồn sức mạnh nội sinh to lớn để phát triển Thủ đô Hà Nội
Tin khác
Thành phố Hồ Chí Minh: Công bố 31 điểm sạt lở nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm
Trật tự đô thị 23/11/2024 14:49
Bắt đầu chiến dịch kiểm tra vận tải hành khách cuối năm
Trật tự đô thị 23/11/2024 07:28
Kỳ vọng những bước phát triển mới về nhà ở xã hội tại Hà Nội
Trật tự đô thị 22/11/2024 18:46
Điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung tỷ lệ 1/10.000 thành phố Biên Hòa, Đồng Nai
Trật tự đô thị 20/11/2024 11:18
Quyết liệt dẹp “điểm đen” về trật tự an toàn giao thông tại phố cổ
Trật tự đô thị 19/11/2024 10:33
Rà soát cây xanh bị nghiêng, gãy đổ chưa được khắc phục
Trật tự đô thị 18/11/2024 16:35
Quyết liệt xử lý tình trạng họp chợ, lấn chiếm lòng đường
Trật tự đô thị 18/11/2024 14:32
Cần làm rõ “trường hợp cần thiết” áp dụng ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước
Trật tự đô thị 17/11/2024 20:36
Hà Nội: Xử lý 2.397 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông qua phản ánh từ Zalo
Trật tự đô thị 09/11/2024 17:36
Hà Nội có thêm 14 dự án đủ điều kiện đưa vào kinh doanh
Trật tự đô thị 04/11/2024 15:34