Giao lưu trực tuyến: Giải đáp những vướng mắc về chế độ, chính sách cho người lao động
Đến dự buổi Giao lưu trực tuyến có các đồng chí: Phạm Bá Vĩnh - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội; Nguyễn Bá Châu - Ủy viên Ban Thường vụ, Chánh Văn phòng LĐLĐ Thành phố; Nguyễn Văn Hồng - Phó Trưởng phòng Dân vận nhà nước các cơ quan Dân vận Thành ủy Hà Nội; Đinh Hồng Phong - Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hoàn Kiếm; Phạm Tuấn Long - Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm; Nguyễn Quốc Hoàn - Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND Quận; đại diện Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận Quận ủy.
Các đại biểu tham dự buổi Giao lưu trực tuyến. |
Về phía Ban Tổ chức có các đồng chí: Nguyễn Văn Bình - Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô; Đinh Tuấn Anh - Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô; Lê Hoàng Thủy Vân - Chủ tịch LĐLĐ quận Hoàn Kiếm; Nguyễn Đăng Ninh - Phó Chủ tịch LĐLĐ quận.
Buổi Giao lưu trực tuyến còn có đại diện các ban của LĐLĐ thành phố Hà Nội; LĐLĐ các quận, huyện, Công đoàn ngành, đại diện lãnh đạo doanh nghiệp, các đồng chí là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở và đặc biệt là sự có mặt của hơn 200 đoàn viên, người lao động quận Hoàn Kiếm.
Tham gia giải đáp câu hỏi của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội gồm: Ông Tạ Văn Dưỡng - Trưởng Ban Chính sách Pháp luật và Quan hệ lao động LĐLĐ thành phố Hà Nội; bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội; Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Văn Hà - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
08h30: Phát biểu khai mạc buổi Giao lưu trực tuyến, Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang được kiểm soát, trở lại cuộc sống bình thường mới, việc thực thi các chế độ, chính sách hỗ trợ người lao động sớm ổn định cuộc sống sau đại dịch; việc cập nhật các kiến thức pháp luật, chế độ, quyền lợi của người lao động như các chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế, hợp đồng lao động... là những vấn đề cấp bách, thiết thực được đông đảo đoàn viên Công đoàn và người lao động đặc biệt quan tâm.
Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh phát biểu khai mạc buổi Giao lưu trực tuyến. |
“Giao lưu trực tuyến “Giải đáp những vướng mắc về chế độ, chính sách cho người lao động” với sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực lao động việc làm, BHXH, sẽ cung cấp thông tin mới nhất về các chế độ chính sách tới đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) và người sử dụng lao động. Từ đó, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật để người lao động chủ động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Ban tổ chức mong muốn các đoàn viên, người lao động cùng chia sẻ các vấn đề, băn khoăn của mình, đặt các câu hỏi đối với các chuyên gia”, Phó Tổng Biên tập Đinh Tuấn Anh nhấn mạnh.
8h35: Phát biểu tại buổi Giao lưu trực tuyến, Chủ tịch LĐLĐ quận Hoàn Kiếm Lê Hoàng Thủy Vân cho biết: Trong không khí phấn khởi chào mừng kỷ niệm 61 năm ngày thành lập quận Hoàn Kiếm, 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; Hưởng ứng Tháng Công nhân năm 2022, được sự nhất trí của Thường trực LĐLĐ thành phố Hà Nội, thường trực Quận ủy Hoàn Kiếm, LĐLĐ quận phối hợp với báo Lao động Thủ đô tổ chức cuộc Giao lưu trực tuyến với chủ đề “Giải đáp những vướng mắc về chế độ, chính sách cho người lao động”.
Chủ tịch LĐLĐ quận Hoàn Kiếm Lê Hoàng Thủy Vân phát biểu tại buổi Giao lưu trực tuyến. |
Trong thời gian qua, phong trào CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn Hoàn Kiếm đạt nhiều kết quả quan trọng, qua đó khẳng định được vai trò của tổ chức Công đoàn trong hệ thống chính trị. LĐLĐ quận đã chú trọng thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động; tổ chức sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước, văn nghệ thể dục thể thao, chăm lo toàn diện đời sống vật chất tinh thần cho đoàn viên, người lao động.
Đặc biệt, trong thời gian đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, LĐLĐ quận đã có nhiều hoạt động thiết thực chăm lo, chia sẻ, hỗ trợ đoàn viên, người lao động và đồng hành với doanh nghiệp vượt khó, duy trì sản xuất kinh doanh, qua đó lan tỏa rộng rãi hình ảnh đẹp của tổ chức Công đoàn.
Hiện nay, dịch Covid-19 được kiểm soát, LĐLĐ quận xác định việc tuyên truyền chế độ, chính sách đối với người lao động nói chung, những chế độ chính sách đối với người lao động bị nhiễm Covid-19 nói riêng là những vấn đề cấp bách, thiết thực với đoàn viên người lao động.
"Qua chương trình Giao lưu trực tuyến hôm nay, tôi mong rằng cán bộ, đoàn viên, người lao động sẽ được các chuyên gia giàu kinh nghiệm trao đổi, hướng dẫn và giải đáp các những vướng mắc về pháp luật lao động, những vấn đề hiện đang được đông đảo cán bộ, đoàn viên, người lao động tại các Công đoàn cơ sở rất quan tâm", Chủ tịch LĐLĐ quận cho biết.
08h40: Phát biểu chỉ đạo tại buổi Giao lưu trực tuyến, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Phạm Bá Vĩnh đánh giá buổi Giao lưu trực tuyến “Giải đáp những vướng mắc về chế độ chính sách cho người lao” do báo Lao động Thủ đô phối hợp với LĐLĐ quận Hoàn Kiếm tổ chức là hoạt động thiết thực và ý nghĩa trong bối cảnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động luôn một nhiệm vụ cấp bách của các cấp Công đoàn, đặc biệt, hoạt động này càng ý nghĩa hơn khi được tổ chức ngay trong Tháng Công nhân, Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2022.
Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Phạm Bá Vĩnh phát biểu chỉ đạo tại buổi Giao lưu trực tuyến. |
Theo đồng chí Phạm Bá Vĩnh, khi đi làm, tham gia vào quan hệ lao động, bất cứ người lao động nào cũng rất quan tâm đến những quyền lợi, chế độ chính sách dành cho mình, nhất là tiền lương, thưởng, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, chế độ BHXH, bảo hiểm y tế…
Thực tế hiện nay, với sự giám sát, đôn đốc của tổ chức Công đoàn, hầu hết các doanh nghiệp đã thực hiện tốt chế độ chính sách đối với người lao động. Tuy nhiên, vẫn còn những doanh nghiệp hoặc là do cố tình, hoặc do chưa hiểu biết cặn kẽ, chưa nắm rõ, cập nhật kịp thời những sửa đổi, bổ sung trong quy định của pháp luật dẫn đến việc thực hiện chế độ chính sách cho người lao động chưa đầy đủ, quyền lợi người lao động còn bị vi phạm.
Trong khi đó, cũng còn nhiều người lao động do bận rộn không kịp cập nhật, thậm chí cũng có người còn quá tập trung cho công việc mà xem nhẹ việc trang bị kiến thức pháp luật, dẫn đến chưa hiểu rõ về chính sách pháp luật, từ đó phải chịu nhiều thiệt thòi về quyền lợi. Vì thế, việc phổ biến, giải đáp, trang bị chính sách pháp luật, các chế độ chính sách để cả người lao động và người sử dụng lao động đều nắm rõ là hết sức cần thiết.
Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Phạm Bá Vĩnh đề nghị các đoàn viên, công nhân lao động hãy thẳng thắn, mạnh dạn nêu nhiều câu hỏi để tìm hiểu rõ về các chính sách này và đề nghị các chuyên gia sẽ vận dụng tốt các kiến thức lý thuyết cũng như kinh nghiệm thực tiễn, trang bị thông tin đầy đủ, thiết thực nhất đối với người lao động.
Lãnh đạo LĐLĐ Thành phố, báo Lao động Thủ đô và LĐLĐ quận Hoàn Kiếm tặng hoa các chuyên gia |
08h45: Các chuyên gia trả lời câu hỏi, vướng mắc về chế độ chính sách cho đoàn viên, người lao động và bạn đọc
- Ông Bùi Quốc doanh (Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Tập đoàn T&T): Theo quy định tại Điều 21 Luật An toàn vệ sinh lao động, hàng năm doanh nghiệp phải tổ chức khám sức khỏe cho người lao động. Tại Công ty tôi, điều này được doanh nghiệp thực hiện đầy đủ song tôi vẫn muốn hỏi thêm các chuyên gia việc khám sức khỏe như vậy có phải là bắt buộc hay không và nếu doanh nghiệp không thực hiện thì người lao động có được bồi thường hay có chế độ gì thay thế không?
Anh Bùi Quốc Doanh - Công đoàn Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T đặt câu hỏi. |
- Luật sư Nguyễn Văn Hà: Điều 21 Luật An toàn vệ sinh lao động quy định người sử dụng lao động khi sử dụng người lao động sản xuất kinh doanh trong điều kiện thông thường thì 1 năm phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ 1 lần cho người lao động, nếu là ngành nghề nặng nhọc độc hại thì 1 năm doanh nghiệp phải tổ chức khám sức khỏe cho người lao động 2 lần. Điều này có nghĩa việc tổ chức khám sức khỏe cho người lao động là yêu cầu bắt buộc, là trách nhiệm của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Luật cũng không quy định nếu doanh nghiệp không thực hiện thì người lao động có được bồi hoàn bằng tiền hoặc có chế độ nào thay thế mà trong trường hợp doanh nghiệp không thực hiện khám sức khỏe cho người lao động thì phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước và pháp luật. Điều này được quy định Tại Nghị định Nghị định 28/2020/NĐ-CP, mức xử phạt doanh nghiệp không thực hiện khám sức khỏe cho người lao động lên đến 75 triệu đồng.
Thực tế, để quyền lợi người lao động không bị thiệt thòi, thì nếu thấy doanh nghiệp không tổ chức khám sức khỏe cho người lao động, bản thân người lao động có thể phản ánh tới Công đoàn và Công đoàn cần lên tiếng đề xuất, kiến nghị, đôn đốc doanh nghiệp, nếu như người lao động và Công đoàn ý kiến rồi doanh nghiệp vẫn không thực hiện thì người lao động có thể kiến nghị tới cơ quan quản lý về An toàn vệ sinh lao động cấp trên, ví dụ như Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để có hình thức xử lý.
- Đại diện Công đoàn Techcombank: Xin chuyên gia giải đáp giúp, trong hoạt động khám sức khỏe đối với cán bộ công nhân viên thì danh mục khám sức khỏe là bắt buộc theo quy định hay do đơn vị tự đề xuất?
- Luật sư Nguyễn Văn Hà: Theo quy định sẽ có 2 danh mục: Đối với lao động bình thường thì sẽ tổ chức khám sức khỏe định kỳ 1 năm/lần, doanh nghiệp sẽ tự lên danh mục khám cho người lao động. Đối với lao động làm việc trong lĩnh vực độc hại thì công tác có quy định chặt chẽ hơn. Cụ thể là khám 1 năm/2 lần, định kỳ 6 tháng/lần. Đảm bảo đúng quy định về an toàn vệ sinh lao động.
Trong trường hợp các đơn vị đặt ra danh mục khám thấp thì chi phí thấp và ngược lại. Tuy nhiên, với lĩnh vực độc hại thì danh mục khám sẽ chi tiết với các tiêu chí cụ thể.
- Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng bổ sung: Theo quy định chúng ta sẽ có 3 đợt khám, cụ thể là: Khám tuyển dụng trước khi tuyển dụng; khám định kỳ và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.
Riêng khám định kỳ Bộ Y tế có khung khám định kỳ, với các mục cụ thể theo Thông tư 16 về khám sức khỏe cho người lao động. Trong đó phải xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu và riêng lao động nữ thì được khám chuyên khoa về phụ khoa.
- Chị Phan Thị Thu Hà: 1. Công ty tôi có trường hợp người nước ngoài tham gia lao động tại Việt Nam, đây là trường hợp di chuyển nội bộ, Công ty có làm hợp đồng lao động với người nước ngoài, vậy Công ty có thể làm BHXH cho trường hợp này hay không?
2. Thời hạn hợp đồng lao động không thay đổi mà chỉ làm hợp đồng giao kết, ví dụ hợp đồng lần 1 là 1 năm lần 2 là 3 năm, vậy năm thứ 4 có được coi là không thời hạn hay không?
Chị Phan Thu Hà - Đoàn viên công đoàn quận Hoàn Kiếm đặt câu hỏi. |
- Chuyên gia Dương Thị Minh Châu trả lời câu 1: Đối với trường hợp người nước ngoài tham gia lao động tại Việt Nam, đặc biệt là trường hợp di chuyển nội bộ, thì việc đóng BHXH cho người lao động hay không là do chủ doanh nghiệp và người lao động tự thỏa thuận với nhau. Còn đối với trường hợp này không thuộc đối tượng tham gia BHXH.
- Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng trả lời câu 2: Hợp đồng lao động chính, phụ lục hợp đồng không được thay đổi thời hạn.
Đối với hợp đồng lao động ký lần 2, nếu quá 30 ngày mà không ký lại, không gia hạn thì được coi là hợp đồng không xác định thời hạn.
- Chị Nguyễn Thị Thúy Hằng: Năm 2019, người lao động ký hợp đồng lao động thời hạn 1 năm, đến cuối năm 2091 ký phụ lục để gia hạn hợp đồng, thì phụ lục hợp đồng này có hiệu lực không vì thời điểm ký vào năm 2019 thì Bộ luật Lao động 2019 chưa có hiệu lực thi hành?
- Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Như tôi đã giải thích về hợp đồng lao động, phụ lục hợp đồng không được thỏa thuận lại về thời hạn hợp đồng. Vì vậy, hết hạn 1 năm thì các bên có thể ký lại hợp đồng lao động mới lần thứ hai. Nếu đã ký phụ lục thì có thể điều chỉnh.
- Chuyên gia Nguyễn Văn Hà bổ sung: Theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thì khi một văn bản mới ban hành thay thế văn bản cũ, thì tất cả các quy định trái với văn bản mới ban hành đều phải sửa đổi, thay thế, hủy bỏ để phù hợp với văn bản mới.
Trong Bộ luật Lao động 2019, tại điều 220 về điều khoản thi hành đã quy định rõ kể từ ngày Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực pháp luật thì các quy định, vấn đề các bên thỏa thuận với nhau trái với Bộ luật này đều phải sửa đổi, bổ sung, hoặc thay thế để phù hợp với Bộ luật Lao động.
Như vậy, trong trường hợp này, người lao động có quyền yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện điều chỉnh lại phụ lục này. Nếu các bên không thực hiện điều chỉnh thì hợp đồng nói trên sẽ mặc nhiên được chuyển thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
- Chị Phạm Hằng (Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T): Xin chuyên gia giải đáp giúp, bộ phận kỹ thuật đơn vị chúng tôi có nhiều đồ kỹ thuật, nếu nhân viên làm hư hỏng thì chúng tôi có thể yêu cầu bồi hoàn 1 tháng lương và trừ vào lương tháng đó không?
Chị Nguyễn Thị Thuý Hằng đặt câu hỏi. |
- Luật sư Nguyễn Văn Hà: Với trường hợp này nếu người lao động gây thiệt hại thì người lao động phải bồi thường. Tuy nhiên, dù gây thiệt hại song doanh nghiệp áp dụng biện pháp trừ lương thì chỉ được phép trừ không quá 30% lương của người lao động, không thể trừ gộp trong 1 tháng. Điều này được quy định cụ thể trong Bộ luật Lao động 2019. Theo thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động thì sẽ trừ theo số tháng lương cụ thể.
- Ông Trần Minh Tuấn (Cung Thiếu Nhi Hà Nội): Cơ quan tôi là đơn vị sự nghiệp nhưng tự chủ tài chính. Thời gian qua, trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, cơ quan không đủ khả năng trả lương cho người lao động nhưng vẫn muốn duy trì nộp BHXH cho người lao động và có một bộ phận nhân viên làm đơn xin tự nguyện đóng BHXH, trong khi đó có một bộ phận khác không đồng ý viết đơn tự nguyện tham gia BHXH mà mặc định rằng đây là trách nhiệm của cơ quan. Xin hỏi các chuyên gia, việc cơ quan muốn tạo điều kiện cho người lao động đóng BHXH tự nguyện như vậy là đúng hay sai? Ngoài ra, trường hợp một có một số người được phân đi trực một vài buổi trong tháng thì mặc nhiên coi là mình đã đi làm và phải được đóng BHXH là có đúng không?
Anh Trần Minh Tuấn - Cung Thiếu Nhi Hà Nội đặt câu hỏi. |
- Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Đây là câu chuyện tôi chưa thấy có trong tiền lệ, nhất là trường hợp viết đơn lên cơ quan để tự nguyện tham gia đóng BHXH cũng chưa có. Việc đóng BHXH là căn cứ trên hợp đồng lao động, khi người lao động đi làm, có hợp đồng thì đương nhiên đơn vị phải đóng bảo hiểm cho người lao động, còn nợ lương là việc khác. Tất nhiên, ở đây cũng có một chút băn khoăn khó xử là việc đóng BHXH có trích 8% từ tiền lương mà trong khi đơn vị lại không có điều kiện trả lương.
Nếu đơn vị anh không đảm bảo việc làm và tiền lương cho người lao động thì theo tôi có thể thực hiện tạm hoãn hợp đồng lao động để người lao động tham gia BHXH tự nguyện. Còn với trường hợp người lao động đi trực một vài ngày trong tháng, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội thì đi làm chưa đủ 14 ngày công sẽ không đủ điều kiện đóng BHXH.
- Chị Hồ Kim Nga (Ngân hàng Techcombank): Để được hưởng lương hưu cao nhất thì phải đóng bao nhiêu năm BHXH? Người lao động đã đóng BHXH 22 năm, đã đến tuổi nghỉ hưu, thì có thể được đóng BHXH tự nguyện 1 lần không?
- Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Theo quy định hiện hành, từ năm 2022, nữ phải đóng 30 năm BHXH, nam phải đóng 35 năm BHXH thì mới được hưởng lương hưu 75%. Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định tiền lương đóng BHXH để hưởng lương hưu cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở, khoảng 28,9 triệu đồng/tháng.
Trường hợp người lao động có 22 năm đóng BHXH, đủ tuổi nghỉ hưu: Việc đóng 1 lần cho những năm còn thiếu chỉ quy định với những người đủ tuổi nghỉ hưu, nhưng chưa đủ 20 năm đóng BHXH. Như vậy, nếu đủ tuổi, đủ 20 năm đóng BHXH thì được nghỉ hưu luôn chứ không phải đóng thêm, trừ khi người lao động chưa có nhu cầu nghỉ hưu, vẫn tiếp tục muốn tham gia BHXH thì sẽ đóng hàng tháng như những người tham gia BHXH tự nguyện bình thường khác cho đến khi muốn hưởng lương hưu. Với trường hợp này, mức lương hưu sẽ khoảng 59%.
Bà Châu cũng giải đáp thêm, nhiều trường hợp người lao động đã nghỉ hưu, nhưng doanh nghiệp có nhu cầu ký hợp đồng tiếp, người lao động cũng có nhu cầu đi làm tiếp thì người lao động vẫn nên hưởng chế độ hưu trí, đồng thời ký hợp đồng lao động tiếp nhưng không cần đóng BHXH nữa.
- Chị Trần Thị Vân (Công ty Nước và Môi trường Việt Nam): Hiện các Đảng viên có được sinh con thứ 3 hay không, nếu sinh con thứ 3 thì có bị kỷ luật hay không và sau bao lâu thì sẽ được xem xét hết kỷ luật?
Chị Phạm Thị Hằng - Công ty CP tập đoàn T&T đặt câu hỏi. |
- Luât sư Nguyễn Văn Hà: Thời gian gần đây, chính sách pháp luật về dân số kế hoạch hóa gia đình của nước ta đã có sự điều chỉnh nhất định. Đối với đảng viên, theo Quy định số 05-QĐi/TW ngày 28/8/2018 của Ban Bí thư về việc kết nạp người vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình vào Đảng thì có 9 trường hợp sinh con thứ 3 mà không bị kỷ luật ví dụ như người sinh lần đầu nhưng sinh 3, 4, 5; người đã có một con nhưng đến lần sinh thứ 2 thì sinh đôi, ba; người sinh thứ 3 nhưng tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống; người sinh hai con nhưng bị dị tật… ngoài những trường hợp sinh con thứ 3 mà không bị kỷ luật như trong Quy định này thì người sinh con thứ 3 vẫn bị xem xét kỷ luận nhưng có thể tùy mức độ: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức hoặc thậm chí khai trừ khỏi Đảng. Về cách xử lý thì trong các quyết định không có hướng dẫn, nhưng trên thực tế có những trường hợp sinh con thứ 3, nếu do bác sĩ chuyên khoa có chỉ định là bắt buộc phải sinh nếu không sẽ ảnh hưởng sức khỏe của mẹ, thì vẫn có thể không bị kỷ luật.
- Anh Nguyễn Văn Hải (Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty Bảo hiểm BSH): Xin chuyên gia giải đáp giúp, doanh nghiệp có bắt buộc phải xây dựng Thoả ước lao động tập thể không, nếu không xây dựng có bị phạt hay không?
Chị Nga công tác tại Techcombank đặt câu hỏi. |
- Ông Tạ Văn Dưỡng: Thực tế, với vấn đề này theo Luật thì không có song định kỳ hàng năm thì công đoàn doanh nghiệp phải thương lượng với doanh nghiệp về các chế độ chính sách liên quan đến người lao động. Thương lượng thành thì phải ký kết thỏa ước lao động tập thể. Nhưng mục đích chính của thỏa ước thì cần hiểu rằng đây là một trong những tác nhân giúp xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa doanh nghiệp và người lao động, giúp người lao động yên tâm làm việc. Nếu Thỏa ước đã ký mà không thực hiện thì lúc đó mới bị xử lý.
- Chị Nguyễn Thị Thanh Trà (Trường Mầm Non A): Tôi có người em sinh năm 1972 đã tham gia đóng BHXH 24 năm 7 tháng, chốt sổ từ tháng 9/2018, vậy bao giờ em tôi được hưởng chế độ hưu và phải làm những thủ tục gì?
- Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Đối với trường hợp này nếu đủ điều kiện nghỉ hưu thì phải đến năm 2030 (58 tuổi). Còn theo quy định, người lao động khi có đủ 20 năm đóng BHXH thì có thể đi giám định y khoa để về nghỉ hưu trước tuổi.
Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Phạm Bá Vĩnh tặng quà cho đoàn viên, NLĐ tham gia trả lời câu hỏi giao lưu. |
Người lao động muốn hưởng chế độ hưu thì phải làm đơn gửi hội đồng giám định y khoa, khi nào có kết quả thì người lao động sẽ nộp đơn, cùng kết quả giám định y khoa, sổ BHXH cho cơ quan BHXH… sẽ được giải quyết thanh toán chế độ hưu.
- Nhân viên Công ty cổ phần Tập đoàn T&T: Doanh nghiệp có tổ chức khám sức khỏe định kỳ nhưng người lao động không tham gia và cố tình không tham gia thì phải làm thế nào và mức phạt cụ thể ra sao?
- Chuyên gia Nguyễn Văn Hà: Trong trường hợp này, pháp luật chỉ xử phạt người sử dụng lao động, chứ không bắt buộc, không xử phạt với người lao động.
Doanh nghiệp cần chứng minh là đã tổ chức khám sức khỏe cho người lao động, có hồ sơ đầy đủ. Có thể khi doanh nghiệp đưa ra kế hoạch, chương trình phát động thi đua, đưa tiêu chí tham gia khám sức khỏe vào tiêu chí khen thưởng mà người lao động không tham gia thì có thể xem xét về tiêu chí thi đua khen thưởng. Nhưng đó không phải là điều kiện để xử phạt hành chính, hay vi phạm.
Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh tặng quà cho đoàn viên, NLĐ tham gia trả lời câu hỏi giao lưu |
Người lao động có nhiều lý do khác nhau mà không tham gia khám sức khoẻ, nếu doanh nghiệp không đủ hồ sơ, đã tổ chức khám mà thiếu người đó thì doanh nghiệp sẽ bị xử lý hành chính. Còn nếu doanh nghiệp đã dùng các biện pháp theo đúng quản lý của doanh nghiệp, nhưng người lao động kiên quyết không khám sức khỏe thì chắc chắn không có chuyện cơ quan nhà nước xử phạt doanh nghiệp. Trong trường hợp người lao động chống đối, không khám sức khỏe định kỳ thì doanh nghiệp phải hoàn tất thủ tục giấy tờ để đảm bảo sự chặt chẽ khi bị kiểm tra.
Chúng tôi loại trừ yếu tố doanh nghiệp gian lận, ví dụ có 500 lao động, nhưng chỉ khám cho 300 người, còn lại 200 chưa khám thì có thể có gian lận, nhưng nếu doanh nghiệp có 500 lao động, mà chỉ 1-2 người lao động không khám sức khỏe thì không có căn cứ để cho rằng doanh nghiệp gian lận.
- Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng bổ sung: Tất cả đều phải tuân thủ quy định pháp luật, nếu qua thanh tra mà doanh nghiệp có 500 lao động, nhưng có 300 lao động không được khám sức khỏe thì sẽ bị xử phạt. Không lý do gì người lao động không khám hay cố tình không khám, đấy là do quản lý của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có biện pháp để buộc người lao động tuân thủ quy định của doanh nghiệp và Nhà nước, không thể nói người lao động không khám nên không tổ chức khám.
- Ông Dương Văn Kha (Công ty TNHH MTV Nhà Xuất bản Giáo dục): Tôi sinh tháng 12/1963, tôi đi bộ đội và chuyển về Công ty công tác từ năm 1982. Do điều kiện gia đình, tôi muốn xin nghỉ hưu sớm, xin hỏi các chuyên gia là sau khi tôi chấm dứt hợp đồng lao động thì cần làm thủ tục gì để hưởng bảo hiểm thất nghiệp? Hiện tôi đang hưởng bảo hiểm cựu chiến binh 100%, sau khi nghỉ hưu tôi có được tiếp tục hưởng bảo hiểm cựu chiến binh hay không?
- Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Về thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp thì rất đơn giản. Trong vòng 3 tháng sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tới Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội gồm có: Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định; bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ như quyết định thôi việc và sổ BHXH. Mới đây cơ quan chức năng có quy định là có thể nộp hồ sơ hưởng BHXH trên Cổng dịch vụ Công trực tuyến nhưng người lao động lưu ý là trong thời hạn 3 tháng, quá thời hạn này hồ sơ sẽ không được giải quyết.
Chủ tịch LĐLĐ quận Hoàn Kiếm Lê Hoàng Thủy Vân tặng quà cho đoàn viên, NLĐ tham gia trả lời câu hỏi giao lưu |
Còn về việc hưởng bảo hiểm thất nghiệp, khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động thì thẻ bảo hiểm của người lao động sẽ chuyển sang là thẻ bảo hiểm thất nghiệp, người lao động có thể mang thẻ và hồ sơ cựu chiến binh ra BHXH quận Hoàn Kiếm đổi mã hưởng quyền lợi mà không ảnh hưởng gì.
- Một công nhân hỏi: Xin hỏi chuyên gia, trong Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg về thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê trọ cho người động, nếu trường hợp người lao động đang tạm hoãn hợp đồng lao động thì có được hưởng trợ cấp này không?
- Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Nếu người lao động đang hoãn hợp đồng lao động, thì sẽ không được tham gia BHXH, như vậy trường hợp này sẽ không được hưởng hỗ trợ tiền thuê nhà.
- Ông Nguyễn Khả Hùng (Hội Người mù thành phố Hà Nội): Xin chuyên gia giải đáp giúp, tôi sinh năm 1962, đến tháng 8/2022 sẽ nghỉ hưu, trước đây tôi tham gia trong quân đội 12 năm 9 tháng, tôi tham gia bảo hiểm thêm 11 năm nữa, tôi mong muốn đóng nối để hưởng đủ BHXH được không?
Chị Nguyễn Thị Thanh Trà – Trường Mầm Non A đặt câu hỏi. |
- Bà Dương Thị Minh Châu: Với trường hợp này anh đủ hồ sơ và không làm tại cơ quan nhà nước nào thì thời gian công tác trong quân đội ngày xưa có thể cộng dồn. Trường hợp này, anh cần cung cấp hồ sơ liên quan như quyết định phục viên, xác nhận đơn vị về quá trình công tác… và mang ra đơn vị BHXH quận Hoàn Kiếm để tiếp nhận hồ sơ này.
- Đại diện Techcombank: Tôi muốn hỏi chuyên gia một người trên đường đi làm về có dừng lại 1 chút ăn uống thì bị tai nạn lao động nhưng giám định không có rượu, bia, chất kích thích thì có được hưởng chế độ hay không?
- Luật sư Nguyễn Văn Hà: Hoạt động của doanh nghiệp thì có những trường hợp tăng ca theo yêu cầu của doanh nghiệp. Vấn đề ở trường hợp này đương nhiên người đó vẫn được hưởng các chế độ.
- Chị Nga (Ngân hàng Techcombank): Tôi có người quen đã đóng BHXH 3 năm, sau đó đi nước ngoài 5 năm, trường hợp về có được đóng thêm BHXH hay không có được cộng dồn hay không?
- Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Thời gian đóng BHXH là thời gian đã tham gia BHXH nhưng chưa hưởng BHXH một lần và được cộng dồn, dù ngắt quãng thời gian đóng.
Chị Nguyễn Thị Hằng Nga - Tổng Công ty Bảo hiểm Sài Gòn Hà Nội đặt câu hỏi. |
Có những người có thời gian tham gia BHXH trước năm 1995, nhưng đã thôi việc ở đơn vị cũ, sau năm 1995 trở lại làm việc, thì những trường hợp đã thôi việc ở đơn vị cũ trước năm 1995 thì không được cộng nối nữa. Còn thời gian từ năm 1995 đến nay, khi quỹ BHXH đã tách riêng rồi, thì với những trường hợp đã tham gia BHXH nhưng chưa hưởng BHXH một lần, đều được cộng dồn, bảo lưu thời gian đóng và có thể đóng 1 lần cho đủ thời gian để nghỉ hưu.
- Chị Nguyễn Thị Thúy Hằng: Trường hợp lái xe đi thực hiện công việc công ty, trong buổi trưa có uống rượu bia và gây tai nạn và bị yêu cầu bồi thường. Trường hợp này có lái xe có phải chịu trách nhiệm gì không?
- Chuyên gia Nguyễn Văn Hà: Dù người lao động thực hiện công việc theo quy định của doanh nghiệp, tuy nhiên thời gian gây tai nạn lại vào thời gian nghỉ buổi trưa, vậy lỗi và chịu trách nhiệm hoàn toàn thuộc người lao động. Về trách nhiệm hình sự thì người lao động sẽ chịu trách nhiệm với những hậu quả mình gây ra.
Về trách nhiệm dân sự, vì xe gây tai nạn là thuộc của doanh nghiệp/đơn vị giao cho người lao động, do vậy đơn vị/doanh nghiệp là nguyên đơn dân sự trong vụ án. Như vậy, tiền bồi thường cho người bị tai nạn lao động doanh nghiệp đứng ra chi trả. Còn sau đó, nếu doanh nghiệp có yêu cầu người lao động gây tai nạn thanh toán hay không là do doanh nghiệp quyết định.
- Chị Đỗ Thị Thủy (BHXH quận Hoàn Kiếm): Trên địa bàn quận Hoàn Kiếm hiện có nhiều người lao động đang chờ xin chế độ hưởng BHXH do mắc Covid-19, tuy nhiên giấy cấp với ngày mắc đang bị ghi sai nhau, BHXH quận Hoàn Kiếm cũng đang trình xin ý kiến với BHXH Thành phố nhưng hiện vẫn chưa có văn bản hướng dẫn, tôi muốn hỏi trường hợp này nên giải quyết như thế nào vì nhiều người lao động đang rất sốt ruột hỏi?
Ông Nguyễn Khả Hùng - Hội người mù Thành phố Hà Nội đặt câu hỏi. |
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Từ năm 2021, BHXH Việt Nam đã có công văn gửi Bộ Y tế về thanh toán chế độ cho người lao động bị ốm đau do Covid-19. Khó cho người lao động là không kịp đi làm các thủ tục để hưởng BHXH. BHXH Thành phố đã hướng dẫn các đơn vị thực hiện.
Đến nay, những ai bị Covid-19 thời kỳ vừa rồi thì đã được thanh toán hết, nhưng những người bị từ giữa 12/2021 đến giữa tháng 1/2022 thì lại chưa được thanh toán, vì không có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.
Cuối tháng 4/2022, Bộ Y tế xin ý kiến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và được trả lời là những những gì quy định của Luật Bảo hiểm xã hội là những gì thành phần hồ sơ như giấy ra viện, giấy chứng nhận hưởng BHXH, hoặc các giấy tờ khác do Bộ Y tế quy định thì những thành phần đó Bộ Y tế mới có quyền đề nghị...
Đây cũng là vướng mắc và chúng tôi mong rằng những ai chưa lấy được giấy tờ đó thì chờ hướng dẫn vì Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ.
Phát biểu bế mạc buổi Giao lưu trực tuyến, Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh đánh giá, buổi Giao lưu trực tuyến hôm nay đã thành công tốt đẹp và hết sức sôi nổi. “Tại buổi Giao lưu hôm nay, Ban Tổ chức đã nhận được trên 30 câu hỏi trực tiếp tại hội trường và trên 100 câu hỏi bạn đọc gửi trực tuyến qua hộp thư điện tử của báo Lao động Thủ đô, tập trung vào những vấn đề mới, thiết thực, liên quan trực tiếp đến người lao động như chế độ chính sách đối với người bị nhiễm Covid-19, bảo hiểm y tế, BHXH, hợp đồng lao động. Những chế độ chính sách đã được các chuyên gia tháo gỡ một cách thực tế, dễ hiểu. Do thời lượng có hạn, vẫn còn nhiều câu hỏi của bạn đọc gửi đến chưa được trả lời hết tại buổi giao lưu, Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô mong muốn công nhân lao động sẽ tiếp tục gửi câu hỏi, báo Lao động Thủ đô sẽ là cầu nối gửi tới các chuyên gia, các cơ quan chức năng và trả lời bạn đọc”, Đinh Tuấn Anh nói. |
Bài viết cùng chủ đề
Tọa đàm, Giao lưu trực tuyếnCó thể bạn quan tâm
Nên xem
Hà Nội: Lính cứu hỏa nhường mặt nạ dưỡng khí cho thai phụ trong đám cháy
Hà Nội: Tuyên dương 68 người con hiếu thảo
Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)
Trộm xe của bạn "cắm" lấy tiền trả nợ, chơi game
Quốc hội thông qua Nghị quyết về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội
Huyện Thường Tín: Khai thác giá trị văn hóa để phát triển du lịch
Dự kiến một số điểm mới trong quy định thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ
Tin khác
LĐLĐ quận Đống Đa: Nhiều hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn
Vì lợi ích đoàn viên 23/11/2024 16:31
Dư âm đẹp từ Giải bóng đá thường niên Tổng Công ty Vận tải Hà Nội năm 2024
Vì lợi ích đoàn viên 23/11/2024 12:19
Cụm thi đua số 7 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Làm tốt công tác đại diện, bảo vệ người lao động
Vì lợi ích đoàn viên 22/11/2024 21:40
Trao hỗ trợ Mái ấm Công đoàn cho đoàn viên huyện Ứng Hòa
Vì lợi ích đoàn viên 18/11/2024 21:04
Công ty CP Công trình Giao thông Hà Nội: Tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho CNVCLĐ
Vì lợi ích đoàn viên 16/11/2024 10:15
Công đoàn tặng sổ tiết kiệm cho trẻ mồ côi là con đoàn viên, người lao động bị tử vong do bão số 3
Vì lợi ích đoàn viên 15/11/2024 16:09
Giám sát nâng cao chất lượng hoạt động nữ công tại Công đoàn ngành Dệt - May Hà Nội
Vì lợi ích đoàn viên 15/11/2024 15:46
Mang Tết đủ đầy đến người lao động
Vì lợi ích đoàn viên 14/11/2024 13:57
Giám sát chuyên đề Nữ công tại Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội
Vì lợi ích đoàn viên 13/11/2024 17:06
Sân chơi mới cho người lao động luyện tập thể thao
Vì lợi ích đoàn viên 09/11/2024 09:11