Khơi mở nguồn lực văn hóa từ các lễ hội, sự kiện
Phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô từ tiềm năng lễ hội Hà Nội: Đề xuất nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa |
Phóng viên: Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, ông có nhận định gì về điều này?
Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lê Bros kiêm Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sáng tạo. |
Ông Lê Quốc Vinh: Ngành công nghiệp văn hóa trên thế giới đã được công nhận là tạo ra giá trị rất lớn trong nền kinh tế, chiếm khoảng 7% GDP toàn cầu. Điều đó nói lên văn hóa không chỉ mang giá trị tinh thần đơn thuần mà trở thành một nhóm sản phẩm có thể tạo ra giá trị cho nền kinh tế.
Trước đây, văn hóa ở nước ta vẫn được nhìn nhận mang tính chất tinh thần và là giá trị cộng thêm cho đời sống của con người. Nhưng bây giờ, khi nhìn nhận dưới góc độ công nghiệp văn hóa, thì nghĩa là có người sản xuất, kinh doanh văn hóa, có người tiêu thụ sản phẩm văn hóa. Góp phần tạo nên giá trị cho các cá nhân và xã hội; nâng cao thành tựu, hiệu quả kinh tế.
Hà Nội luôn đi đầu trong cả nước về xây dựng công nghiệp văn hóa. Việc Thành ủy Hà Nội ban hành một Nghị quyết chuyên đề về phát triển ngành công nghiệp văn hóa, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Thành phố, cũng là sự ủng hộ về chính trị, pháp lý đối với các cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này. Hiểu rõ hơn, Nghị quyết chính là “cây gậy” định hình rõ nét hơn hướng phát triển của Thành phố, song song đó, mỗi cấp ngành, địa phương, đơn vị sẽ có kế hoạch, chính sách cụ thể để phát triển công nghiệp văn hoá.
Phóng viên: Trong rất nhiều nội dung Nghị quyết 09-NQ/TU đề cập, theo ông, đâu là “chìa khóa” cho sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô?
Ông Lê Quốc Vinh: Trong Nghị quyết có nhấn mạnh đến việc tổ chức các lễ hội, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch có quy mô lớn, mang tầm khu vực và quốc tế, xem đó như thỏi nam châm tạo sức hút các nguồn lực đầu tư. Tôi cho rằng, đây là điểm rất đáng lưu tâm. Nhìn ra thế giới, tất cả các thành phố sáng tạo đều xem lễ hội, sự kiện là động lực và thương hiệu để thúc đẩy cho các lĩnh vực khác phát triển. Cụ thể, để thúc đẩy ẩm thực thì có lễ hội ẩm thực, liên hoan rượu vang… Hay như muốn làm thành phố âm nhạc thì phải có chương trình âm nhạc đẳng cấp, một lễ hội âm nhạc quy mô tầm cỡ. Ví dụ khi nhắc liên hoan phim Cannes, Busan, những người liên quan đến lĩnh vực điện ảnh thấy đó là sự kiện quan trọng mà mình cần có mặt và biết ngay nó sẽ gắn với địa danh nào.
Tại Việt Nam, chúng ta có Festival Huế với lần đầu tiên tổ chức đã thành công, thu hút hơn 410.000 lượt người tham dự. Trải qua quá trình tích lũy, chọn lọc những tinh hoa văn hóa của dân tộc và xu hướng phát triển của thế giới, Festival Huế ngày nay đã trở thành một lễ hội văn hóa mang tính biểu tượng không chỉ của Huế mà là của cả nước, đặc biệt là mang lại giá trị kinh tế rất cao, góp phần lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển của nhiều lĩnh vực khác.
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về khả năng của Hà Nội trong việc tổ chức các lễ hội, sự kiện văn hóa tầm cỡ?
Ông Lê Quốc Vinh: Tôi khẳng định nếu Hà Nội không làm được thì không đâu làm được. Hà Nội là nơi có điều kiện, cơ sở vật chất, trang thiết bị hạ tầng, con người có sẵn và tốt hơn nhiều địa phương khác. Ví dụ như các sân vận động lớn, không gian công cộng hiện có, nhà hát… trong tương lai còn nhiều dự án đang được xây dựng. Mặc dù chưa đầy đủ nhưng có thể đáp ứng được một số điều kiện và tổ chức. Quan trọng nhất, Hà Nội là nơi hội tụ rất đông đội ngũ sáng tạo, cơ quan doanh nghiệp, cơ sở đào tạo tập trung vào lĩnh vực nghệ thuật. Với vị thế là Thủ đô, Hà Nội cũng là địa phương có mối quan hệ quốc tế hàng đầu.
Song bên cạnh thuận lợi vẫn có những khó khăn, vướng mắc nhất định. Đầu tiên phải nhắc đến là Hà Nội rất đa dạng về văn hóa, có số lượng lễ hội, sự kiện lớn. Thực tế đây là lợi thế nhưng xét ở một khía cạnh nào đó, thì lại là điểm bất lợi, khó khăn cho việc lựa chọn, đầu tư. Trong khi đó, chi phí để tổ chức sự kiện, lễ hội tầm cỡ là một trong những vấn đề cần lưu ý.
Hà Nội đã có cơ sở vật chất để tổ chức nhưng lại không đồng bộ, tản mát ở nhiều nơi. Các trung tâm nghệ thuật, nhà hát chưa thật sự có quy mô, rơi vào tình trạng cũ kỹ, cải tạo nhưng cũng không thể mở rộng ra được. Một số địa điểm trên địa bàn Hà Nội nhưng lại do Trung ương quản lý, không sử dụng được là do thiếu cơ chế. Các công trình mang tính đương đại tại Hà Nội gần như không có, hoặc nếu có thì rất khiêm tốn. Những trung tâm sáng tạo đa số nhỏ bé, manh mún, vận hành bằng nỗ lực cá nhân hoặc của các doanh nghiệp nhỏ, do đó không tạo động lực để phát triển đột biến.
Phóng viên: Theo ông, Hà Nội nên đầu tư vào các lễ hội, sự kiện văn hóa như thế nào để mang lại hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế?
Ông Lê Quốc Vinh: Làm gì để phát triển công nghiệp văn hoá thực sự tạo ra giá trị lớn trong các ngành kinh tế là một “bài toán” lớn. Mặc dù Hà Nội, từ năm 2019 đã được UNESCO công nhận là “Thành phố sáng tạo”, nhưng một số cơ quan Nhà nước hay doanh nghiệp Nhà nước vẫn chưa đánh giá cao giá trị của sự sáng tạo. Mà công nghiệp văn hóa lại đòi hỏi rất cao sự sáng tạo. Vì vậy Thành phố cần sớm có chính sách, từ đó sẽ thay đổi tư duy, dẫn đến hành động. Bên cạnh đó, Hà Nội với vị thế là Thủ đô, địa phương tiên phong xây dựng công nghiệp văn hóa, cũng cần có các kiến nghị với Trung ương, để tháo gỡ các vướng mắc đang gặp phải, giúp thúc đẩy các lĩnh vực của ngành công nghiệp văn hóa phát triển.
Trong đó, cần phải xác định lễ hội, sự kiện văn hóa là điểm nhấn, “chất truyền dẫn” quan trọng của cả hệ thống, giúp hội tụ, liên kết, lan tỏa và phát triển các giá trị của ngành, lĩnh vực khác. Bởi vậy cũng đòi hỏi sự thay đổi trong tư duy tổ chức các lễ hội, sự kiện. Chúng ta không thể làm duy ý chí nữa, mà phải đặt câu hỏi đối tượng thụ hưởng muốn gì? Sự kiện mà Thành phố muốn làm phải tính phục vụ cho ai và ai sẽ là người bỏ tiền ra để đến xem, tham dự sự kiện đó, có hợp với mong ước của họ hay không? Trên cơ sở đó xây dựng và tổ chức các hoạt động phù hợp với thị hiếu của đa số công chúng.
Từ kinh nghiệm thực tiễn, tôi cho rằng, đối với mỗi lễ hội, sự kiện, các cơ quan Nhà nước đứng ra tổ chức sẽ đầu tư kinh phí một phần, tập trung làm cái hồn cốt, trung tâm của sự kiện, rồi thu hút các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh các dịch vụ có liên quan, tham gia vào sự kiện đó để tạo nên tính đa dạng, phong phú và thu nguồn lợi từ đó. Khi ấy, sự kiện mới tạo ra được giá trị tốt nhất và tập hợp được nguồn lực từ các bên, đặc biệt là tiềm lực của doanh nghiệp.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Tăng mức hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở đối với người có công
Quyền lợi đặc biệt của lao động nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi
Cách tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng
Tôn vinh giá trị và vị thế của trẻ em gái, thúc đẩy bình đẳng giới
Bắt hai đối tượng bán mật gấu giả
Tài xế sẽ phải kiểm tra lí thuyết, thực hành khi bị trừ hết điểm bằng lái
Hà Nội: Triệt phá đường dây nhập lậu hàng nghìn tấn “khí cười”
Tin khác
Nguồn sức mạnh nội sinh to lớn để phát triển Thủ đô Hà Nội
Nhịp sống Thủ đô 24/11/2024 08:24
Hà Nội: Tuyên dương 68 người con hiếu thảo
Nhịp sống Thủ đô 23/11/2024 21:39
Thành đoàn Hà Nội tuyên dương cán bộ công chức, viên chức trẻ xuất sắc
Nhịp sống Thủ đô 23/11/2024 16:17
Phường đầu tiên của quận Tây Hồ nhận danh hiệu “Phường đạt chuẩn đô thị văn minh”
Thủ đô 23/11/2024 12:52
Sơn Tây: Bảo tồn và khai thác hiệu quả nguồn lực tài nguyên văn hóa
Nhịp sống Thủ đô 22/11/2024 18:56
Nâng cao tính minh bạch, hiệu quả và chuyên nghiệp trong hoạt động cải cách hành chính
Thủ đô 22/11/2024 17:25
Kênh thông tin hữu hiệu tuyên truyền sâu rộng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Nhịp sống Thủ đô 22/11/2024 15:13
Sôi nổi Hội thi Bí thư chi bộ giỏi quận Bắc Từ Liêm năm 2024
Nhịp sống Thủ đô 22/11/2024 14:18
Quận Tây Hồ phát huy và bảo tồn giá trị di sản văn hóa
Thủ đô 22/11/2024 10:53
Quận Hai Bà Trưng góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ quận
Nhịp sống Thủ đô 21/11/2024 08:42