Liệu có “bong bóng” chứng khoán?
Nghẽn lệnh chứng khoán, vì sao? Bộ Tài chính thanh tra HoSE vì liên tục bị nghẽn lệnh |
Kinh tế tăng trưởng chậm do dịch Covid-19
Theo Tổng cục thống kê, từ đầu năm đến nay kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng từ diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 bùng phát, nhưng vẫn ghi nhận sự tăng trưởng ổn định, tuy có chậm lại. GDP 6 tháng đầu năm tăng 5,64% so với cùng kỳ năm trước và được dự báo sẽ cải thiện mạnh mẽ khi nền kinh tế khống chế thành công sự lây lan của đại dịch Covid-19.
Tọa đàm “Kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán”. |
Điểm sáng của kinh tế vĩ mô là hoạt động sản xuất ngành công nghiệp tăng tốt, tháng 5/2021 tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước, diễn biến tăng đã xuất hiện trên tất cả các nhóm ngành. Chỉ số quản lý thu mua (PMI) tháng 5/2021 ở mức 53,1 điểm, cho thấy hoạt động sản xuất, dịch vụ trong nền kinh tế đang dần mở rộng trở lại. Nhiều địa phương, đặc biệt là Hà Nội, đang nới lỏng giãn cách và nhiều người dân mong đợi, dòng chu chuyển của các hoạt động kinh tế, dịch vụ sẽ sớm trở lại bình thường.
Trên trường quốc tế, nền kinh tế các nước châu Âu, Mỹ dần mở cửa trở lại, tạo cơ hội lớn cho dòng chảy xuất khẩu từ doanh nghiệp Việt Nam. Cùng với đó, Ngân hàng trung ương các nước tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ, các nước lớn vẫn duy trì các gói hỗ trợ nền kinh tế, sẽ tiếp tục là lực đỡ cho giới đầu tư tài chính toàn cầu.
Trong khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại thì chỉ số chứng khoán Việt Nam đã tăng 23,4% kể từ đầu năm đến nay. Sự bứt tốc của thị trường chứng khoán liệu có bền vững, có quá nóng xét trong bối cảnh vĩ mô trong nước và quốc tế hay không? Đó là điều mà các nhà kinh tế đang lo ngại.
Tại Tọa đàm “Kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán” diễn ra chiều ngày 29/6, đánh giá về các con số chính nền kinh tế ghi nhận được trong 6 tháng đầu năm. Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Chuyên gia, Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết: “Con số Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/6 với tăng trưởng GDP quý II là 6,61%, 6 tháng đầu năm 5,64% có thấp hơn so với dự báo đầu quý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là 5,8%, nhưng khớp với dự báo của chúng tôi là 5,6% cho 6 tháng đầu năm. Với kết quả trên, rõ ràng mục tiêu tăng trưởng GDP không đạt kế hoạch như Nghị quyết số 01 của Chính phủ đã đề ra, đó là mong muốn quý I/2021 GDP tăng trưởng 5,12%; quý II tăng trưởng trên 6%. Tuy nhiên, kết quả tăng trưởng 6 tháng đầu năm của nước ta rất đáng khích lệ, trong bối cảnh 6 tháng qua xảy ra 2 đợt dịch tương đối nặng so với năm 2020, mặc dù chúng ta đã điều chỉnh chiến lược về kiểm soát dịch bệnh được tốt hơn”.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng, nền kinh tế cuối năm sẽ đạt mức tăng trưởng theo kịch bản cơ sở, GDP tăng từ 6,1 đến 6,3%. Đây sẽ là kết quả tương đồng so với dự báo của một số tổ chức quốc tế, dù có thấp hơn dự báo của Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) hay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dành cho Việt Nam.
Ông Cấn Văn Lực cũng chỉ ra rằng, đóng góp cực kỳ quan trọng của thị trường chứng khoán chính là vai trò kênh dẫn vốn. Theo dõi số liệu của Việt Nam 10 năm vừa qua, ví dụ như năm 2015, kênh chứng khoán chỉ đóng góp khoảng 13-14% tổng lượng vốn toàn xã hội cho đầu tư và phát triển. Đến thời điểm hiện nay, kênh này đã chiếm khoảng 20%. Ông cũng khẳng định, chứng khoán là một kênh đầu tư vô cùng quan trọng cho người dân, doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều lĩnh vực kinh doanh có triển vọng khó khăn kênh đầu tư chứng khoán đã và đang trở nên hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Có hay không “bong bóng” chứng khoán?
Nhìn nhận mối tương quan giữa kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán, tiến sĩ Nguyễn Sơn - Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam cho rằng, thời điểm này không lo “bong bóng” tài sản, bao gồm cả chứng khoán. Đánh giá về sự tăng trưởng gần 25% của chỉ số chứng khoán Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021, ông Nguyễn Sơn cho rằng, đây là sự tăng trưởng tốt, phù hợp vì mục tiêu kép Việt Nam đạt được là vừa kiểm soát được dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế. Trong vòng 3-4 tháng đầu năm dịch bệnh được kiểm soát rất tốt, tăng trưởng GDP mặc dù thấp so với mục tiêu đặt ra nhưng so với các nước trong khu vực lại rất ấn tượng.
Tiễn sĩ Cấn Văn Lực: “Sau một thời gian phấn khích, thị trường có thể có cú điều chỉnh giảm khoảng 7-10%, lúc đó nhà đầu tư phải hết sức bình tĩnh, phải thấy rằng đây là cú điều chỉnh cần thiết để cho thị trường lành mạnh”. |
Theo ông Nguyễn Sơn, báo cáo Ngân hàng Trung ương cho biết, hiện nay dư nợ cho vay chứng khoán chỉ chiếm 0,48% tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế, vẫn đang trong giới hạn kiểm soát. Hiện dòng tiền của khu vực dân cư trước đây đầu tư vào lĩnh vực khác tạm thời đưa vào chứng khoán tạo hiệu ứng tăng cho thị trường chứng khoán.
Dẫn chứng thị trường chứng khoán Mỹ đang trong giai đoạn tăng trưởng cao nhất mọi thời đại, dù kinh tế Mỹ cũng có khó khăn do đại dịch, ông cho rằng không có cơ sở để lo về vấn đề bong bóng tài sản, trong đó có chứng khoán trong thời điểm này. Ông cũng lưu ý, đây là giai đoạn cần kiểm soát chặt dòng tiền, đồng thời cảnh báo nhà đầu tư cẩn trọng vì tăng trưởng giá cổ phiếu phụ thuộc vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Toàn thị trường chứng khoán Việt Nam hiện có khoảng 3,3 triệu tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước, trong đó có 500 nghìn tài khoản mới thành lập trong 6 tháng đầu năm 2021 và con số này đang tăng lên. Bên cạnh đó, giá trị danh mục của khối ngoại hiện ở mức 49,5 tỷ USD. Về cơ bản, dòng vốn ngoại đang bán ròng, nhưng mức độ bán ròng không nhiều, đồng thời dòng tiền không rút khỏi Việt Nam mà để trên tài khoản tiền mặt đang chờ đợi cơ hội đầu tư mới. Ông Nguyễn Sơn dự báo, với mức tăng trưởng hiện nay, Việt Nam vẫn còn dư địa tiếp tục tăng trưởng.
Song với kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và chứng khoán, tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu - Chuyên gia độc lập, lại có cái nhìn thận trọng và khá quan ngại về việc dòng tiền đang dồi dào trên thị trường tài chính nhưng chưa thực sự đến “túi” các nhà sản xuất, kinh doanh. Điều này tiềm ẩn rủi ro lớn và nếu diễn biến này không được kiểm soát sẽ dẫn đến hình thành “bong bóng” chứng khoán và có thể gây ra nhiều rủi ro cho nền kinh tế.
“Trong nước, mặt bằng lãi suất huy động tại các ngân hàng thấp, nhiều người thay vì gửi tiết kiệm đang đổ vào đầu tư chứng khoán… Thị trường chứng khoán không thực sự là hàn thử biểu phản ánh “sức khoẻ” của nền kinh tế, bởi GDP năm 2020 chỉ tăng 2,91% và 6 tháng đầu năm nay tăng 5,64%. Tốc độ tăng trưởng GDP đã suy giảm do nền kinh tế bị tác động mạnh bởi Covid-19, nhưng VN-Index lại tăng “nóng” lên mốc 1.405 điểm (ngày 28/6). Điều này gây nên lo ngại về nguy cơ xuất hiện “bong bóng” trên thị trường chứng khoán”, ông Hiếu phân tích.
Ông Hiếu cũng tỏ ra e ngại về diễn biến tiền đang đổ quá nhiều vào chứng khoán, nhất là dòng tiền tập trung trên thị trường thứ cấp, chứ không phải sơ cấp, có nghĩa là tiền chưa đến túi của các nhà sản xuất, kinh doanh.
Tại tọa đàm, các chuyên gia có chung mối lo ngại về việc 90%-95% nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán vẫn là nhỏ lẻ, thiếu chuyên nghiệp, có tâm lý đám đông, hệ số đòn bẩy tài chính của họ tương đối cao. Do đó khi thị trường điều chỉnh, các chuyên gia cho rằng nhiều khả năng các nhà đầu tư sẽ có những phản ứng thái quá. Mặt khác, một số doanh nghiệp cũng đang “té nước theo mưa”, tranh thủ cơ hội thị trường nhằm “đánh bóng” những kết quả kinh doanh để phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu./.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Cách tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng
Tôn vinh giá trị và vị thế của trẻ em gái, thúc đẩy bình đẳng giới
Bắt hai đối tượng bán mật gấu giả
Tài xế sẽ phải kiểm tra lí thuyết, thực hành khi bị trừ hết điểm bằng lái
Hà Nội: Triệt phá đường dây nhập lậu hàng nghìn tấn “khí cười”
Festival Ninh Bình lần thứ III: Hé lộ sân khấu gây choáng ngợp
Nguồn sức mạnh nội sinh to lớn để phát triển Thủ đô Hà Nội
Tin khác
Hỗ trợ tối đa cho người nộp thuế và các sàn thương mại điện tử
Tài chính 24/11/2024 06:17
Từ 1/1/2025, ứng dụng ngân hàng không được ghi nhớ mật khẩu đăng nhập
Tài chính 23/11/2024 08:11
Ngân hàng không được khuyến mại cho người gửi tiền
Tài chính 20/11/2024 18:27
TP.HCM: Nhiều giải pháp chống thất thu thuế thương mại điện tử
Tài chính 19/11/2024 10:18
Vẫn còn bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân 0%
Tài chính 19/11/2024 06:18
Cơ quan thuế sắp triển khai hoãn xuất cảnh tự động
Tài chính 14/11/2024 06:38
Đề xuất bãi bỏ miễn thuế hàng nhập khẩu dưới 1 triệu đồng qua đường chuyển phát nhanh
Tài chính 09/11/2024 12:15
Đề xuất chủ sàn thương mại điện tử nộp thuế thay cho hộ kinh doanh
Tài chính 09/11/2024 07:19
Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công để đưa dòng tiền vào thị trường
Tài chính 09/11/2024 07:12
Công ty CP Kinh doanh than Miền Bắc - Vinacomin bị xử phạt liên quan đến lĩnh vực thuế
Tài chính 07/11/2024 14:47