Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo Thủ đô
Ngành GD&ĐT Hà Nội tri ân các nhà giáo nhân ngày 20/11 Thủ tướng gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 |
Nhiều tấm gương tiêu biểu
Ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, người thầy luôn có vị trí quan trọng trong việc đào tạo ra những thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước. Thời gian qua, bằng tinh thần trách nhiệm, tâm huyết với sự nghiệp “trồng người”, đội ngũ các nhà giáo Thủ đô đã không ngừng rèn luyện, phấn đấu, sáng tạo để truyền tải kiến thức, đưa những bài giảng chất lượng, giờ học hay đến với lớp lớp các thế hệ học trò.
Thầy, cô giáo là những người truyền cảm hứng, tạo động lực cho học sinh say mê học tập và tham gia các hoạt động trải nghiệm cuộc sống. (Ảnh minh họa, chụp thời điểm chưa có dịch Covid-19) |
Cô giáo Nguyễn Thị Mai (Trường Tiểu học Tân Mai, quận Hoàng Mai) là một ví dụ. Năm 1999, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội (nay là Trường Đại học Thủ đô Hà Nội), cô giáo Nguyễn Thị Mai nhận công tác giảng dạy tại Trường Tiểu học Tân Mai và gắn bó từ đó tới nay. Thế nhưng, ít ai biết rằng, cô giáo Mai từng là một công nhân. Lý giải về việc chọn lại nghề, cô giáo Mai tâm sự: “Khi đi làm, tôi mới nhận ra tôi yêu nghề dạy học, yêu trẻ con biết nhường nào. Được sự động viên của gia đình, tôi quay lại ôn thi vào ngành Sư phạm. Khi ấy, tôi đã 21 tuổi…”.
Được đồng nghiệp tin yêu, cấp trên tin tưởng, cô giáo Nguyễn Thị Mai được Ban Giám hiệu nhà trường giao nhiệm vụ là khối trưởng chuyên môn của khối 3. Với tinh thần trách nhiệm cao, không quản ngại khó khăn và cầu thị, học hỏi đồng nghiệp, cô giáo Mai luôn nhận được sự hỗ trợ, tin tưởng của mọi người. Năm 2001, dù công việc ở trường và gia đình còn bề bộn, cô giáo Mai vẫn cố gắng thu xếp để học đại học, từ đó có thêm kiến thức, kinh nghiệm.
Tinh thần đổi mới, sáng tạo của cô giáo Mai được thể hiện qua nhiều bài giảng đã trở thành tư liệu quý. Năm 2004, cô giáo Mai được giao thực hiện tiết chuyên đề cấp Thành phố môn Địa lý lớp 4 với bài “Dãy núi Hoàng Liên Sơn”. Bài dạy được phát trên sóng truyền hình, giúp các đồng nghiệp có thêm tư liệu về một địa danh nổi tiếng. Năm 2005, bài “Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập”, môn Lịch sử lớp 5 của cô giáo Mai được sử dụng làm tư liệu kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Bài giảng giúp học sinh hào hứng, thêm hiểu ý nghĩa bài học, tạo sự lan tỏa về tinh thần sáng tạo, sự nhiệt huyết, nghiêm túc và dày công đầu tư cho công việc. Cô giáo Nguyễn Thị Mai chia sẻ: “Thời điểm đó, việc tìm kiếm tư liệu trên Internet chưa phổ biến. Để có tư liệu minh họa cho bài dạy, tôi thường tới bảo tàng hoặc tìm kiếm trên sách, báo các hình ảnh, nội dung liên quan…”.
Không những vậy, cô giáo Nguyễn Thị Mai còn là tác giả của nhiều sáng kiến kinh nghiệm mang lại hiệu ứng tích cực. Nhiều sáng kiến kinh nghiệm của cô giáo Mai đã được Sở GD&ĐT Hà Nội xếp loại cấp Thành phố, như: Giúp học sinh tích cực nói và tự tin hơn trong giờ tập làm văn; kinh nghiệm tổ chức hoạt động học, nhằm nâng cao năng lực hợp tác cho học sinh lớp 3…
Bà Đào Kim Dung (phụ huynh em Lê Hải Băng, học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Tân Mai) bày tỏ: “Trong các giờ học trực tuyến, cô giáo Mai rất nhiệt tình và hỗ trợ các con chu đáo, giúp các con có nếp học tốt. Tôi thực sự yên tâm khi thấy con luôn háo hức trước mỗi giờ học…”.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh, trong những năm tới, Thành phố tiếp tục xác định đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba khâu đột phá chiến lược. Mục tiêu đó đã và đang được Thành phố chỉ đạo thực hiện một cách quyết liệt và đồng bộ. Để thực hiện được mục tiêu này, đòi hỏi sự nghiệp GD&ĐT phải đi trước một bước nhằm chuẩn bị nhân tài, lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới. Trước những đòi hỏi đó, hơn ai hết mỗi giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục cần thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Bác Hồ kính yêu về nghề dạy học; từ đó vận dụng sáng tạo và tổ chức tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Người. Đảng bộ và Chính quyền Thành phố đã, đang và sẽ tiếp tục quan tâm phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, có những chính sách đãi ngộ, bảo đảm các điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của sự nghiệp GD&ĐT. |
Hay như thầy giáo Nguyễn Văn Nghiệp (Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phú Châu, huyện Ba Vì) là một tấm gương tiêu biểu người tốt, việc tốt, có ảnh hưởng rộng rãi trong ngành và xã hội, được học sinh, đồng nghiệp và nhân dân tin yêu. Trong những năm qua, mô hình “Tiếng trống học bài” từ sáng kiến của thầy đã được nhiều xã trong huyện Ba Vì triển khai hiệu quả, tác động tích cực đến tinh thần tự học của các em học sinh, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trong thôn, xóm.
Tương tự, thầy giáo Hồ Quốc Việt (nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam) đã có nhiều đóng góp trong việc đổi mới phương pháp quản lý, truyền đạt kiến thức cho học sinh để nâng cao chất lượng giáo dục và hiệu quả đào tạo. Từ những đổi mới này, học sinh đội tuyển Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tích trong nước và quốc tế rất đáng tự hào. Năm 2021, thầy là chủ trì đề tài, sáng kiến phát triển năng lực suy luận của học sinh qua việc giảng dạy bất đẳng thức ở trường phổ thông được Thành phố công nhận và được đề nghị khen thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Cùng với những tấm gương nêu trên, còn rất nhiều cán bộ, quản lý, giáo viên và nhân viên tiêu biểu khác của ngành GD&ĐT Thủ đô - những người “chở đạo”, “trồng người”, “ươm mầm tri thức”.
Nền tảng quyết định chất lượng giáo dục
Những năm qua, ngành GD&ĐT Hà Nội đã có nhiều đổi mới với những bước phát triển nổi bật và đạt được nhiều thành tựu quan trọng; khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn, số học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Mạng lưới trường lớp trên khắp địa bàn Thành phố được quan tâm mở rộng, từng bước chuẩn hóa và hiện đại, đáp ứng đủ nhu cầu học tập cho học sinh các cấp và của tất cả mọi người dân Thủ đô, cũng như yêu cầu đào tạo nhân lực trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Đặc biệt, trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, ngành GD&ĐT đã vượt lên khó khăn, thực hiện mục tiêu “kép” vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, vừa hoàn thành kế hoạch năm học...
Những thành tựu này có đóng góp không nhỏ của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục Thủ đô - những tấm gương thầm lặng đã và đang phấn đấu không ngừng nghỉ vì sự nghiệp giáo dục, vì niềm say mê, yêu nghề, mến trẻ. “Chính sự lao động tận tụy, trách nhiệm và tình yêu nghề nghiệp, những đóng góp thường ngày của mỗi nhà giáo, mỗi cán bộ quản lý cho từng giờ học tốt, cho mỗi bước trưởng thành của học sinh, trong việc xây dựng nhà trường, trong các hoạt động xã hội đã làm nên những thành tích mới của ngành GD&ĐT Thủ đô” - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến bày tỏ.
Những thành tựu ngành GD&ĐT Thủ đô đạt được trong thời gian qua có đóng góp không nhỏ của đội ngũ các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục - những tấm gương thầm lặng đã và đang phấn đấu không ngừng nghỉ vì sự nghiệp giáo dục, vì niềm say mê, yêu nghề, mến trẻ. (Ảnh minh họa, chụp thời điểm chưa có dịch Covid-19) |
Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2021-2022, quy mô giáo dục của Hà Nội tiếp tục mở rộng và phát triển. Đến thời điểm hiện tại, toàn Thành phố có hơn 2.800 trường mầm non, phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp với gần 2,2 triệu học sinh. Trong năm học này, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tiếp tục được tăng cường, phát triển cả về số lượng và chất lượng, đảm bảo đồng bộ về cơ cấu. Công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và chức danh nghề nghiệp được chú trọng, tập trung vào nâng chuẩn về trình độ đào tạo cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, bồi dưỡng về tin học, ngoại ngữ đồng thời với bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ.
“Kế thừa truyền thống tự hào của dân tộc, tiếp bước các bậc hiền nhân, mỗi nhà giáo của Thủ đô cùng tập thể cán bộ, giáo viên, người lao động toàn ngành nỗ lực quyết tâm thực hiện tốt sứ mệnh thiêng thiêng của sự nghiệp “dạy chữ, dạy người”, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, chỉ tiêu, chương trình công tác của Bộ GD&ĐT, Thành phố giao trong năm học 2021-2022. Để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục Thủ đô, trong bối cảnh thuận lợi và khó khăn đan xen, ngành GD&ĐT tiếp tục khắc phục những tồn tại, hạn chế từ những năm học trước, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm” - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng hy vọng, toàn thể đội ngũ nhà giáo hãy phát huy phẩm chất tốt đẹp, luôn nêu cao tấm gương đạo đức trong sáng của người thầy, cùng quyết tâm, thống nhất hành động để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuy nặng nề nhưng không kém phần vinh quang của mình. /.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Tôn vinh giá trị và vị thế của trẻ em gái, thúc đẩy bình đẳng giới
Bắt hai đối tượng bán mật gấu giả
Tài xế sẽ phải kiểm tra lí thuyết, thực hành khi bị trừ hết điểm bằng lái
Hà Nội: Triệt phá đường dây nhập lậu hàng nghìn tấn “khí cười”
Festival Ninh Bình lần thứ III: Hé lộ sân khấu gây choáng ngợp
Nguồn sức mạnh nội sinh to lớn để phát triển Thủ đô Hà Nội
Man City 0-4 Tottenham: Thất bại thứ 5 liên tiếp của Man City
Tin khác
Dự kiến một số điểm mới trong quy định thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ
Xã hội 23/11/2024 18:17
Học bổng ABG Future Leaders cho các nhà lãnh đạo trẻ
Giáo dục 23/11/2024 15:25
Lịch thi đánh giá năng lực năm 2025 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Giáo dục 22/11/2024 19:28
Trao giải cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024
Giáo dục 22/11/2024 19:01
Cô giáo mầm non với nỗ lực giữ gìn nét đẹp dòng tranh dân gian Hàng Trống
Giáo dục 22/11/2024 06:05
Chung tay nâng cao chất lượng giáo dục Thủ đô
Giáo dục 21/11/2024 07:42
Lớp học tiếng Anh miễn phí dành cho các học viên khiếm thị
Xã hội 20/11/2024 14:20
Lời tri ân gửi đến những người “lái đò” thầm lặng
Giáo dục 20/11/2024 06:36
Hà Nội: Biểu dương nhiều nhà giáo lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp
Giáo dục 19/11/2024 22:02
Ba Đình: Tuyên dương điển hình tiên tiến, nhà giáo tiêu biểu năm 2024
Giáo dục 19/11/2024 18:50