Níu giữ “hồn” chiêng xứ Mường
Giữ tiếng chiêng ngân xa Tiếng chiêng gọi xuân về |
“Níu hồn” cồng chiêng
Nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn năm nay đã ngoài 70, cả cuộc đời bà gắn bó với đất Đồng Dâu, với tiếng chiêng của bản làng mình. Ngày bé, vì nhà nghèo mà khi lên 8, bà Thìn đã phải đi làm thuê kiếm sống. Làng Đồng Dâu khi ấy có gia đình giàu có, lại có dàn chiêng cổ. Để được nhìn thấy dàn chiêng quý, được nghe tiếng chiêng vang lên mỗi ngày, bà Thìn đã xin vào nhà ấy trông trẻ. Những dịp lễ, Tết, nhà chủ đông khách đến đánh chiêng, bà mê mải nghe, vừa bế em vừa học lỏm cách đánh. Dần dần, những nốt chiêng thấm vào tâm hồn bà từ lúc nào. Dù cuộc sống gặp nhiều khó khăn nhưng lớn lên, bà Thìn quyết tâm rời bản làng đi học. Năm 1974, bà trúng tuyển lớp đạo diễn sân khấu - là khoá sinh viên đầu tiên của Trường Lý luận nghiệp vụ trực thuộc Bộ Văn hóa (tiền thân của Trường Đại học Văn hóa ngày nay). Ra trường, bà đã trải qua nhiều môi trường công tác, từ Sở Văn hoá tỉnh Hà Sơn Bình, Phòng văn hoá huyện Lương Sơn (tỉnh Hoà Bình), sau đó tham gia Ban Văn hoá xã Tiến Xuân.
Nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn góp phần gìn giữ, quảng bá nghệ thuật cồng chiêng người Mường. Ảnh: Phương Ngân |
Trong quá trình công tác tại xã Tiến Xuân, nghệ nhân Bích Thìn tích cực tham gia hoạt động văn hóa, xã hội. Trước tình trạng nhiều người đã bán cồng chiêng, lo lắng nguy cơ mai một, bà tìm gặp những người cao tuổi nắm giữ nhiều kiến thức về văn hóa cồng chiêng hỏi han, xin truyền dạy. Tích lũy được kiến thức phong phú, bà đã khôi phục thành công nhiều bản cồng chiêng. Khi đội văn nghệ của xã đi thi ở các địa phương, nghệ nhân Bích Thìn khéo léo lồng các tiết mục cồng chiêng vào các vở diễn. Ðiều đó giúp nhiều người hiểu về giá trị cồng chiêng, nghệ thuật cồng chiêng của người Mường cũng được nhiều người biết đến. Là người có năng khiếu nghệ thuật, lại được đào tạo bài bản, bà Thìn đã dàn dựng cho xã nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc tham dự hội diễn của huyện, tỉnh và đoạt giải cao. Điều đáng quý là trong những tiết mục mà bà vừa làm biên kịch, vừa làm đạo diễn kiêm diễn viên ấy, có nhiều tiết mục khơi gợi lại hình ảnh cồng chiêng của dân tộc Mường. Nhiều năm truyền dạy cồng chiêng cho người dân tộc Mường cũng như truyền đạt văn hóa cồng chiêng tới các đội văn nghệ dân gian của Thủ đô Hà Nội, nghệ nhân Bích Thìn đúc kết rằng, đánh chiêng rất khó, không phải muốn là làm ngay được.
“Hiện nay, xã Tiến Xuân có đến 70% dân số là người Mường, nhiều người dân biết đánh chiêng, nhưng đạt độ điêu luyện, có nghề thì chưa có mấy người. Phải qua rất nhiều buổi hướng dẫn thì bà Thìn mới truyền dạy được một bài chiêng. Nhớ được nhịp, cách đánh rồi, người học phải chăm chỉ luyện tập hàng ngày, hàng tuần thì những nốt chiêng mới trở nên mềm mại, uyển chuyển. Tôi đã cố gắng phổ cập được trong làng, ngoài xã hai bài “Bông trắng bông vàng” và “Sắc bùa”. Đây là những bài chiêng truyền thống của người Mường”, bà Thìn bày tỏ.
Để tiếng cồng chiêng mãi ngân xa
Nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn cho biết, trong quá trình duy trì và phát triển, nghệ thuật cồng chiêng của người Mường đã bị mai một nhiều. Dấu tích về những bộ chiêng cổ không còn đậm nét nhưng đối với đồng bào Mường, nghệ thuật cồng chiêng không chỉ là tài sản quý mà còn mang giá trị tinh thần vô cùng sâu sắc, cần được khôi phục và gìn giữ, bảo tồn. Chính tiếng chiêng là nguồn sức mạnh tinh thần giúp nhiều người vượt qua những trắc trở trong cuộc sống. Cũng chính tiếng chiêng đã giúp bà và người dân Tiến Xuân được biểu diễn trên những sân khấu lớn. Từ đó, bà quyết tâm thành lập Câu lạc bộ Cồng chiêng và hát múa dân gian xã Tiến Xuân do bà làm chủ nhiệm. Bà vận động những chàng trai, cô gái các thôn bản tham gia tập luyện, truyền dạy cho họ kỹ thuật đánh, cách đo âm vực cồng chiêng bằng sải tay, giảng giải ý nghĩa văn hoá được mã hoá trong chuỗi âm thanh trầm bổng. Ban ngày làm nương rẫy, tối về bà Thìn lại đạp xe đến các thôn bản để dạy đánh chiêng. Không chỉ là người truyền lửa, bà còn kết nối các đội chiêng bằng cách tổ chức những buổi giao lưu biểu diễn.
Bà Thìn nhớ lại, năm 2009, bà và một số chị em được tham gia đoàn biểu diễn của Thủ đô Hà Nội đi dự Festival Văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên. Được biểu diễn trên sân khấu lớn, bà càng thêm tự hào văn hoá cồng chiêng đặc sắc của dân tộc mình. Năm 2014, bà Thìn cùng đội văn nghệ được tham gia Liên hoan các loại hình múa dân gian Hà Nội, được biểu diễn chiêng và tổ hợp các bài hát múa dân gian truyền thống do bà dàn dựng tại Tượng đài Lý Thái Tổ. Những tràng pháo tay không ngớt, những lời khen ngợi của công chúng Thủ đô khiến bà lâng lâng hạnh phúc. Đó chính là động lực để bà giữ lửa nghề.
Để vực dậy điệu “hồn” chiêng xứ Mường, trong nhiều năm liền huyện Thạch Thất đã tổ chức các lớp truyền dạy cách đánh cồng chiêng tập trung cho người dân. Không ai khác, nghệ nhân Bích Thìn là người kiên trì đứng lớp gần chục năm trời. Để thắp lửa đam mê biểu diễn nhạc cụ truyền thống của dân tộc Mường, bà đã miệt mài hướng dẫn người dân cách sử dụng cồng chiêng, đánh được các bài chiêng, học hát dân ca Mường. Thậm chí, năm 2015, ngay khi được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, với phần thưởng 10 triệu là đồng, bà Thìn đã bỏ thêm tiền để mua 1 bộ chiêng về phục vụ cho việc truyền dạy cho người dân. Đến nay, bà Thìn luôn đau đáu làm sao có thể dốc hết vốn liếng cồng chiêng để truyền lại cho các thế hệ sau, để khỏi tiếc xót khi vốn văn hoá dân gian ngày càng rơi rụng. “Tôi mong rằng Nhà nước cũng như Thành phố có thêm chính sách khuyến khích lớp trẻ giữ gìn nghệ thuật truyền thống. Hỗ trợ việc dạy và thực hành di sản để có thể tuyên truyền, quảng bá giới thiệu về di sản cồng chiêng của người Mường nói riêng và các di sản văn hóa phi vật thể của Thủ đô Hà Nội nói chung”, bà Thìn chia sẻ.
Giờ đây, tiếng chiêng là âm thanh không thể thiếu trong các dịp lễ, Tết rộn ràng ở Tiến Xuân cũng như các xã miền núi huyện Thạch Thất. Tiếng chiêng ngân lên ngày đầu năm mới để khởi đầu một năm ấm no, trâu bò đầy chiêng, ngô đầy bồ, lúa đầy nương, người người mạnh khỏe, yên vui. Tiếng chuông ngày hội như chào mời, thúc giục du khách xa gần; tiếng chiêng gióng lên chúc phúc hạnh phúc lứa đôi. Nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng dần dần được khôi phục, thôn bản cũng thay da đổi thịt từng ngày./.
Theo ông Nguyễn Văn Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân, Tiến Xuân là một trong 3 địa phương tập trung đông đồng bào dân tộc Mường sinh sống của huyện Thạch Thất. Nhiều nét văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc Mường như: Ném còn, hát ca hát ví và đặc biệt là cồng chiêng vẫn được lưu giữ đến ngày nay. Một trong những người có công gìn giữ loại hình nghệ thuật này suốt hàng chục năm qua phải kể tới là Nghệ nhân ưu tú Bùi Thị Bích Thìn. Từ niềm yêu thích với cồng chiêng, hát múa dân gian, bà Thìn đã sưu tầm, gìn giữ các bài chiêng, lời ca, điệu hát ví cổ. Đồng thời, truyền lại cho các chị em trong đội văn nghệ, giới thiệu và biểu diễn cồng chiêng phục vụ bà con nhân dân các thôn, xã trên địa bàn huyện. |
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Bắt hai đối tượng bán mật gấu giả
Tài xế sẽ phải kiểm tra lí thuyết, thực hành khi bị trừ hết điểm bằng lái
Hà Nội: Triệt phá đường dây nhập lậu hàng nghìn tấn “khí cười”
Festival Ninh Bình lần thứ III: Hé lộ sân khấu gây choáng ngợp
Nguồn sức mạnh nội sinh to lớn để phát triển Thủ đô Hà Nội
Man City 0-4 Tottenham: Thất bại thứ 5 liên tiếp của Man City
Tỷ giá USD hôm nay 24/11: Đồng USD chốt tăng tuần 0,75%, đạt mức 107,49
Tin khác
Nguồn sức mạnh nội sinh to lớn để phát triển Thủ đô Hà Nội
Nhịp sống Thủ đô 24/11/2024 08:24
Hà Nội: Tuyên dương 68 người con hiếu thảo
Nhịp sống Thủ đô 23/11/2024 21:39
Huyện Thường Tín: Khai thác giá trị văn hóa để phát triển du lịch
Tôi yêu Hà Nội 23/11/2024 21:30
Thành đoàn Hà Nội tuyên dương cán bộ công chức, viên chức trẻ xuất sắc
Nhịp sống Thủ đô 23/11/2024 16:17
Phường đầu tiên của quận Tây Hồ nhận danh hiệu “Phường đạt chuẩn đô thị văn minh”
Thủ đô 23/11/2024 12:52
Sơn Tây: Bảo tồn và khai thác hiệu quả nguồn lực tài nguyên văn hóa
Nhịp sống Thủ đô 22/11/2024 18:56
Tổ chức thành công Đại hội Hội Khuyến học quận Bắc Từ Liêm nhiệm kỳ 2024 - 2029
Tôi yêu Hà Nội 22/11/2024 17:29
Nâng cao tính minh bạch, hiệu quả và chuyên nghiệp trong hoạt động cải cách hành chính
Thủ đô 22/11/2024 17:25
Kênh thông tin hữu hiệu tuyên truyền sâu rộng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Nhịp sống Thủ đô 22/11/2024 15:13
Sôi nổi Hội thi Bí thư chi bộ giỏi quận Bắc Từ Liêm năm 2024
Nhịp sống Thủ đô 22/11/2024 14:18