Phân làn, phạt nguội để giảm ùn tắc giao thông
Thí điểm sử dụng dải phân làn “cứng” trên tuyến đường Nguyễn Trãi |
Kỳ vọng giảm ùn tắc
Vừa qua, Sở GTVT Hà Nội đã ban hành văn bản về phương án thí điểm điều chỉnh tổ chức giao thông trên tuyến đường Nguyễn Trãi (đoạn Ngã Tư Sở - Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân). Theo đó, Sở sẽ tổ chức phân làn xe tại tuyến đường Nguyễn Trãi trên cả 2 chiều đường. Thời gian phân luồng giao thông thí điểm từ ngày 6/8 đến 6/9/2022.
Trên tuyến đường Nguyễn Trãi, các làn xe được phân tách với nhau bằng vạch sơn, biển báo nhưng các phương tiện không tuân thủ. |
Xưa khi chưa xây cầu vượt, người dân gọi nút giao thông này là “ngã tư khổ”, vì vấn nạn ách tắc. Nhưng từ khi xây thêm hệ thống đường sắt trên cao, rồi dự án vành đai 2 trên cao, tuyến đường Nguyễn Trãi (từ Khuất Duy Tiến đến Ngã Tư Sở) tình trạng giờ cao điểm “khốn khổ” vì ùn tắc giao thông không kém xưa là bao.
Hàng ngày, anh Trần Anh Tuấn, 72 Nguyễn Trãi, phải mất cả tiếng đồng hồ để nhích từng mét trên tuyến đường Nguyễn Trãi - Ngã Tư Sở, dù nhà chỉ cách cơ quan có 4km. Nhìn vào hai bên hông chiếc xe ô tô với đầy vết xước, anh Tuấn chỉ còn biết thở dài ngao ngán. “Bình thường, buổi sáng từ 7h30 đến 8h30, tuyến đường Nguyễn Trãi hướng về cầu vượt Ngã Tư Sở luôn trong trạng thái đông nghịt các phương tiện. Xe máy và ôtô đan xen nhau. Đến gần đoạn lên cầu thì cả 5 làn ô tô nhập làm 1, chen lấn, chèn ép nhau dẫn đến va chạm là chuyện cơm bữa. Đến buổi chiều tan tầm thì làn ngược lại cũng trong tình trạng tương tự”, anh Tuấn chia sẻ.
Theo quan sát, hiện tuyến đường 2 làn xe ô tô được bố trí sát dải phân cách, 2 làn xe hỗn hợp và 1 làn xe máy - xe đạp sát vỉa hè. Các làn xe được phân tách với nhau bằng vạch sơn, biển báo. Tuy nhiên, các phương tiện vẫn đi lộn xộn, không theo biển báo giao thông. Vào khung giờ cao điểm sáng - chiều, đặc biệt khi có mưa lớn, toàn tuyến Ngã Tư Sở - Nguyễn Trãi - Hầm chui Thanh Xuân trở thành “cơn ác mộng” đối với người tham gia giao thông. Từng hàng dài xe ùn ứ nhích dần về phía trước. Càng sát giờ cao điểm những dòng phương tiện càng kéo dài. Một số phương tiện leo lên hè, lách vào những khoảng trống khiến ùn tắc gia tăng…
Trước thực trạng này, để giảm xung đột và tăng tốc độ lưu thông cho ôtô, xe máy, trong khu vực Sở GTVT Hà Nội đề xuất thành phố Hà Nội cho sử dụng dải phân làn “cứng” tách riêng các loại phương tiện như xe máy, ôtô đi theo làn đường riêng. Cụ thể, tuyến đường Nguyễn Trãi (đoạn từ Ngã Tư Sở đến hầm chui Thanh Xuân) theo cả 2 chiều đường sẽ được tổ chức phân làn phương tiện theo hướng 2 làn sát vỉa hè: Xe máy - xe thô sơ - xe buýt được phép hoạt động. Cùng với 3 - 4 làn sát dải phân cách, xe ô tô được phép hoạt động - Điều chỉnh phân làn phương tiện bằng dải phân cách cứng (mũi tên phản quang, trụ chống va xô bằng lốp), hàng rào di động... kết hợp điều chỉnh hệ thống biển báo, sơn kẻ.
Chưa biết việc thí điểm này sẽ mang lại những hiệu quả như thế nào, nhưng hiện có nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi. Cụ thể, tuyến đường Nguyễn Trãi (đoạn dự kiến thí điểm từ cầu vượt Ngã Tư Sở đến hầm chui Thanh Xuân) dài 1,5km; hướng đi Ngã Tư Sở có 5 làn đường; hướng đi Khuất Duy Tiến có 6 làn đường. Trên tuyến có 3 điểm mở quay đầu tại dải phân cách giữa, tại các vị trí: Trước Công ty thuốc lá Thăng Long, trước Công ty cao su Sao Vàng, trước ngân hàng Agribank. Hướng từ Khuất Duy Tiến đi Ngã Tư Sở: Giao cắt với 3 đường, 8 ngõ, 15 điểm giao cắt với lối vào các công ty, cơ quan, cây xăng… Hướng từ Ngã Tư Sở đi Khuất Duy Tiến: Giao cắt với 6 đường, 15 ngõ, 8 điểm giao cắt với lối vào các cơ quan, trường học… Như vậy, với nhiều lối giao cắt giao thông, việc phân làn cứng trên tuyến đường là không hề dễ dàng, nếu không muốn nói là tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây xung đột giao thông.
Xử phạt nặng sẽ nâng cao ý thức người dân
Nhiều chuyên gia giao thông đô thị cho rằng, hiện nay, đa phần các phương tiện lưu thông trên các đường phố Thủ đô đều là dòng giao thông hỗn hợp, điều này không chỉ ảnh hưởng đến tốc độ giao thông mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, việc tách làn đường đi riêng cho ôtô, xe máy và xe thô sơ là cần thiết nhằm duy trì trật tự lưu thông, hạn chế xung đột, góp phần giảm ùn tắc và tai nạn.
Xét cho cùng việc kẻ vạch, phân làn mục đích là để quy định các phương tiện tham gia giao thông đi đúng làn, nhằm giảm tối đa ùn tắc giao thông. Điều này đúng, nhưng nếu chỉ “kẻ làn” ra mà ý thức người tham gia giao thông không cao, hoặc những lý do bất khả kháng như trời mưa, giờ cao điểm lượng phương tiện lưu thông mật độ quá cao không thể “tuân thủ” nguyên tắc phân làn thì sẽ thế nào? Vì vậy, mấu chốt quan trọng nhất vẫn là tính nghiêm minh trong việc xử phạt người tham gia giao thông nếu không tuân thủ đúng quy định. Thời đại 4.0, hầu hết các tuyến phố đều lắp camera, chỉ cần kiểm tra hệ thống camera, phương tiện nào vi phạm Luật Giao thông sẽ phạt nguội thật nặng. Phạt 2-3 lần mà vẫn vi phạm, tiến hành thu bằng lái. Nếu cần xử vài trăm vụ điển hình rồi thông tin trên các phương tiện truyền thông, ắt người tham gia giao thông sẽ chấp hành nghiêm chỉnh ngay. |
Tuy nhiên, thực tế tại những tuyến đường đã được “thí điểm” phân làn cứng trước đây như: Giải Phóng, Kim Liên, Xã Đàn, Trần Khát Trân, Đại Cồ Việt… hay như những tuyến đường được phân làn mềm hiện nay như Nguyễn Trãi, Phố Huế, Hàng Bài... việc chấp hành quy định của người tham gia giao thông chưa cao. Nhiều người điều khiển xe máy, xe đạp đi sang làn đường dành cho xe ôtô. Việc chuyển hướng đi, chuyển làn đường của các phương tiện vẫn còn tùy tiện. Do vậy, vai trò của các dải phân làn trong việc hạn chế tình trạng va chạm giữa các phương tiện và ùn tắc giao thông chưa được ghi nhận. Bảo đảm trật tự giao thông trên các tuyến đường vẫn phải dựa vào sự kiểm soát của lực lượng chức năng là chính.
Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này trước hết là do ý thức của người dân còn hạn chế. Phần lớn người điều khiển phương tiện, nhất là xe máy và xe thô sơ, ít có thói quen quan sát biển báo, biển chỉ dẫn giao thông trên đường, vẫn tiện đâu đi đấy. Ngay cả khi làn đường dành cho xe máy thông thoáng thì người điều khiển phương tiện này vẫn đi sang phần đường dành cho ôtô, phớt lờ biển chỉ dẫn. Thực tế, không ít trường hợp thiếu quan sát đến mức độ lao thẳng vào dải phân cách cứng phân làn đường, dẫn đến những tai nạn không đáng có.
Ngoài ra, hiện mức độ giao thông hỗn hợp trên địa bàn Thành phố còn phức tạp, việc phân chia diện tích làn đường dành cho các phương tiện sao cho phù hợp không dễ. Vào giờ cao điểm, khi tuyến đường trở nên quá tải, trong đó lượng xe máy rất lớn, khó có thể bắt người điều khiển phương tiện này chỉ đi trong làn đường hẹp dành cho loại xe của mình. Chưa kể, các tuyến đường phố thường có nhiều điểm giao cắt, các phương tiện thường xuyên phải chuyển làn đường để chuyển hướng đi tạo ra những bất cập trong lưu thông nếu như cứ bắt buộc phải đi đúng làn đường.
Với những nguyên nhân trên, có thể thấy, việc thực hiện phân luồng phương tiện với dải phân làn cưỡng bức là có lý do nhưng chỉ hiệu quả nếu các phương tiện tham gia giao thông chấp hành nghiêm quy định. Do đó, bên cạnh các giải pháp cụ thể, cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ, phát triển hạ tầng giao thông và phương tiện giao thông công cộng, nhằm hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Khi đó việc áp dụng phân làn phương tiện sẽ đạt hiệu quả cao, bởi có đủ các điều kiện về hạ tầng, đủ khả năng cưỡng chế hành vi tham gia giao thông của người dân, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn giao thông./.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Bắt hai đối tượng bán mật gấu giả
Tài xế sẽ phải kiểm tra lí thuyết, thực hành khi bị trừ hết điểm bằng lái
Hà Nội: Triệt phá đường dây nhập lậu hàng nghìn tấn “khí cười”
Festival Ninh Bình lần thứ III: Hé lộ sân khấu gây choáng ngợp
Nguồn sức mạnh nội sinh to lớn để phát triển Thủ đô Hà Nội
Man City 0-4 Tottenham: Thất bại thứ 5 liên tiếp của Man City
Tỷ giá USD hôm nay 24/11: Đồng USD chốt tăng tuần 0,75%, đạt mức 107,49
Tin khác
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 24/11: Đêm và sáng trời lạnh
Môi trường 24/11/2024 06:07
Hà Nội: Lính cứu hỏa nhường mặt nạ dưỡng khí cho thai phụ trong đám cháy
Phòng chống cháy nổ 23/11/2024 21:40
Thành phố Hồ Chí Minh: Công bố 31 điểm sạt lở nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm
Trật tự đô thị 23/11/2024 14:49
Bắt đầu chiến dịch kiểm tra vận tải hành khách cuối năm
Trật tự đô thị 23/11/2024 07:28
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 23/11: Trời nhiều mây, trưa chiều giảm mây trời nắng
Môi trường 23/11/2024 06:04
Mối đe dọa từ những vật lạ rơi xuống từ nhà cao tầng
Môi trường 22/11/2024 23:37
Kỳ vọng những bước phát triển mới về nhà ở xã hội tại Hà Nội
Trật tự đô thị 22/11/2024 18:46
Chia sẻ khó khăn cùng gia đình có người thân bị tai nạn giao thông
Giao thông 22/11/2024 18:44
Bắt giữ nhóm thanh thiếu niên cầm dao kiếm, hò hét đuổi đánh nhau
Phòng chống cháy nổ 22/11/2024 15:15
Kịp thời cứu nạn 2 người thoát khỏi đám cháy trong đêm
Phòng chống cháy nổ 22/11/2024 15:08