Thủ tướng yêu cầu TP.HCM đẩy mạnh thực hiện phục hồi, phát triển kinh tế
Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương và TP.HCM.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Là đầu tàu kinh tế, trung tâm văn hóa, xã hội của khu vực phía Nam và cả nước, sự phát triển hay khó khăn của TP.HCM sẽ ảnh hưởng đến tình hình phát triển chung của cả nước. Vì thế Chính phủ thường xuyên có các cuộc làm việc với Thành phố để cùng trao đổi các giải pháp nhằm thúc đẩy TP.HCM phát triển nhanh, bền vững.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận buổi làm việc. Ảnh: Chinhphu.vn. |
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, thị trường của Việt Nam thu hẹp, cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt, giá nguyên nhiên liệu tăng, việc mở cửa trở lại của Trung Quốc cùng các vấn đề nội tại của nền kinh tế bộc lộ sâu sắc hơn sau đại dịch Covid-19, cuộc làm việc này của Thường trực Chính phủ với TP.HCM nhằm đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, nhất là trong thời gian khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19. Đưa ra giải pháp chắc chắn, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố; rà soát việc thực hiện các nghị quyết, quyết định, thông tư mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành vừa ban hành thời gian qua nhằm tháo gỡ khó khăn, cũng như kiểm điểm sự phối hợp giữa TP.HCM với các Bộ, ngành Trung ương.
Sau khi lắng nghe kiến nghị của lãnh đạo TP.HCM, các ý kiến góp ý của Đoàn công tác, kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Thành phố phải tiếp tục theo dõi, nắm chắc tình hình trong nước, ngoài nước, bình tĩnh, chủ động, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, với tinh thần không cầu toàn, không nóng vội, không bi quan. Triển khai quyết liệt, đồng bộ các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Quốc hội, các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ gần đây; tập trung tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ.
Theo Thủ tướng, phải tạo hành lang pháp lý để tạo điều kiện hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp; tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu, bất động sản; tháo gỡ vướng mắc về quy định phòng cháy, chữa cháy đúng tình hình, sát thực tế; đẩy mạnh thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế; kích cầu đầu tư; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công...
Quang cảnh buổi làm việc giữa Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM. Ảnh: Chinhphu.vn. |
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu TP.HCM với sự hỗ trợ của các Bộ, ngành cần tập trung hoàn thành quy hoạch Thành phố; xây dựng các giải pháp để tăng hấp thụ vốn, giãn nợ, khoanh nợ, giảm thuế, phí, lệ phí; giải quyết cụ thể các dự án về bất động sản, nhất là các dự án đã có kết luận; tập trung xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; tập trung giải phóng mặt bằng; cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư. Rà soát lại công tác cán bộ, tránh khuynh hướng sợ trách nhiệm và tham nhũng.
Cùng với đó, các Bộ, ngành, thành viên Chính phủ căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ động phối hợp, hỗ trợ TP.HCM để thực hiện kịp thời, quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để TP.HCM phát triển nhanh, bền vững; trên tinh thần "cả nước vì Thành phố, Thành phố vì cả nước".
Theo báo cáo của Thành ủy TP.HCM: Năm 2022, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) đạt 9,03%, cao hơn bình quân chung cả nước; thu ngân sách nhà nước đạt trên 471.000 tỷ đồng, đứng đầu và chiếm 30% tổng thu ngân sách cả nước; thu nhập bình quân đầu người đạt 6.770 USD/người; vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực đạt 56,5 tỷ USD, đứng đầu cả nước; xuất khẩu đạt 49,5 tỷ USD đứng đầu cả nước. Tuy nhiên, bước sang quý 1/2023, tình hình phát triển kinh tế của Thành phố gặp khó khăn, GRDP trên địa bàn Thành phố chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ 2022. Sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, sụt giảm; tốc độ tăng trưởng chậm dần, dẫn đến vai trò đầu tàu, động lực tăng trưởng kinh tế của cả nước có phần giảm sút. Hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị còn nhiều bất cập; quy hoạch, quản lý đô thị và sử dụng nguồn lực đất đai có mặt chưa hiệu quả; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế, môi trường đầu tư chậm được cải thiện...
Trong năm 2022, Thủ tướng đã tổ chức 2 đoàn công tác làm việc với lãnh đạo Thành phố; có 25 nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao cho các Bộ, ngành và UBND Thành phố thực hiện; đến nay có 21/25 nhiệm vụ cơ bản hoàn thành, có 4/25 nhiệm vụ gần hoàn thành.
Trước đó vào chiều 15/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kiểm tra dự án nút giao thông An Phú, tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), dự lễ Khánh thành Bệnh viện Ung bướu TP.HCM (cơ sở 2) và đi khảo sát tình hình thực hiện dự án xây dựng mới Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức.
Khảo sát dự án xây dựng Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị TP.HCM tiếp tục đẩy mạnh, hoàn thành sớm việc giải ngân khoản vốn đầu tư công 1.500 tỷ đồng trong năm 2023 dành cho các Bệnh viện Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi. Các Bộ: Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính phối hợp với TP.HCM sớm rà soát, xem xét, điều tiết nguồn vốn từ các dự án khác chậm giải ngân hoặc từ kế hoạch vốn năm 2024 để bố trí thêm ngân sách cho các dự án.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra dự án metro Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: Chinhphu.vn. |
Tại dự án nút giao An Phú, Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư và TP.HCM tập trung nguồn lực, nhân lực, đề ra các kế hoạch, lộ trình cụ thể; thường xuyên kiểm điểm tiến độ, kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh. Đồng thời tính toán, cân đối bố trí ngân sách Trung ương để đầu tư kết nối hoàn thiện đoạn đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (phạm vi nút An Phú).
Tại lễ khánh thành Bệnh viện Ung Bướu TPHCM cơ sở 2, nhấn mạnh Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị TP.HCM huy động các nguồn lực xã hội phục vụ công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của người dân nói chung và bệnh nhân ung thư nói riêng.
Kiến nghị tháo gỡ nhiều khó khăn Tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương nhiều nhóm vấn đề. Cụ thể, Thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét thành lập Tổ công tác của Chính phủ nghiên cứu các động lực, cơ chế phát triển đột phá Thành phố; chỉ đạo triển khai sớm các dự án giao thông trọng điểm vùng, liên vùng (cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, hoàn chỉnh cao tốc TP.HCM - Trung Lương, cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, vành đai 3, vành đai 4, đường sắt TP.HCM - Cần Thơ…) và đầu tư trang thiết bị y tế cho 3 bệnh viện cửa ngõ Thành phố (Thủ Đức, Củ Chi, Hóc Môn). Thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan đến quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, Luật Giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề, điều chỉnh giá điện; cho phép Thành phố thí điểm thực hiện cấp giấy phép lao động điện tử cho người lao động nước ngoài; có cơ chế đặc thù thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà; quyết định giá cụ thể sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi trên địa bàn Thành phố năm 2023. TP.HCM cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước trực thuộc UBND TP.HCM giai đoạn 2021 – 2025; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Tổ công tác tháo gỡ vướng mắc thị trường bất động sản giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến phương án sử dụng đất các doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phẩn hóa, chuyển mục đích sử dụng đất. |
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Hà Nội: Lính cứu hỏa nhường mặt nạ dưỡng khí cho thai phụ trong đám cháy
Hà Nội: Tuyên dương 68 người con hiếu thảo
Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)
Trộm xe của bạn "cắm" lấy tiền trả nợ, chơi game
Quốc hội thông qua Nghị quyết về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội
Huyện Thường Tín: Khai thác giá trị văn hóa để phát triển du lịch
Dự kiến một số điểm mới trong quy định thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ
Tin khác
Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)
Sự kiện 23/11/2024 21:36
Quốc hội thông qua Nghị quyết về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội
Sự kiện 23/11/2024 21:34
Luật Công nghiệp công nghệ số: Luật hóa trí tuệ nhân tạo, tài sản số
Sự kiện 23/11/2024 15:24
Đánh giá kỹ tác động khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường
Sự kiện 22/11/2024 21:31
Phổ biến pháp luật cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài
Tin mới 22/11/2024 19:31
Bình Dương: Điều động, bổ nhiệm nhiều cán bộ chủ chốt
Tin mới 22/11/2024 19:30
Bảo vệ sức khỏe từ sớm, từ xa vì kỷ nguyên vươn mình
Bình luận 22/11/2024 16:49
Quốc hội xem xét tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia, thuốc lá
Sự kiện 22/11/2024 15:25
Phát động Giải báo chí toàn quốc về ngành Tư pháp lần thứ I
Sự kiện 22/11/2024 14:19
Đề xuất các quan điểm, giải pháp xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh
Sự kiện 22/11/2024 09:49