Có một thời như thế để nhớ thương
Ký ức thanh xuân về "một thời sôi nổi" Ký ức về một thời “Xếp bút nghiên ra trận” |
Đã bước qua tuổi 87 nhưng bà Nguyễn Thu Vân, nguyên bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương (ở Kim Mã, quận Ba Đình) vẫn còn khỏe khoắn, tinh anh. Là một trong những người tích cực tham gia phong trào học sinh, sinh viên kháng chiến (giai đoạn 1947-1954), do vậy bà có rất nhiều kỉ niệm về Ngày giải phóng Thủ đô. “Đó thật sự là mốc son trong lịch sử của cả nước nói chung và của Thủ đô Hà Nội nói riêng. Chúng tôi vinh dự được là những người chứng kiến thời khắc lịch sử. Dẫu 67 năm đã trôi qua, nhưng ký ức sôi động, hào hùng của ngày 10/10/1954 vẫn cứ in đậm trong tâm trí tôi”.
Bà Thu Vân chia sẻ về những ký ức của ngày Giải phóng Thủ đô. Ảnh: Kim Tiến |
Bác sĩ Nguyễn Thu Vân khi ấy mới là cô gái tròn 20 tuổi trẻ trung và nhiệt huyết. Bà kể lại, trước Ngày giải phóng Thủ đô, bà cùng nhiều bạn bè được cử ra ngoài hậu phương học lớp tiếp quản Thủ đô. Mục đích của việc này là để chuẩn bị thật tốt cho ngày giải phóng, đấu tranh, giữ đồ đạc tại các trường học, tuyên truyền để các bạn học sinh, sinh viên lúc bấy giờ không đi Nam, ở lại bảo vệ và xây dựng Thủ đô. Thời điểm đó, trong tâm trí ai cũng tràn ngập sự tự hào, mong ngóng và hướng về ngày giải phóng.
“Trước kia nhà tôi ở phố Nhà Thương Khách (nay là phố Hòe Nhai, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình). Cách ngày 10/10 vài ngày, tôi thường đứng trên gác nhìn ra cầu Long Biên, chứng kiến hình ảnh quân đội Pháp rời khỏi Thành phố, lặng lẽ rút sang phía Bắc cầu Long Biên, trong lòng tôi rất nhiều cảm xúc. Những ngày đó, mọi người chỉ đứng trên gác nhìn xuống, phố xá vắng tanh. Mọi gia đình đều đóng cửa chuẩn bị cho ngày đặc biệt”, bà Thu Vân nhớ lại.
Thế nhưng, đến ngày 10/10, phố xá Hà Nội đã khác hẳn. Các đơn vị bộ đội ta đi đến đâu, gương mặt Thành phố biến đổi đến đó. Cờ Tổ quốc tung bay dưới nắng thu. Nhân dân ùa ra hai bên đường, phất cờ, tung mũ, reo mừng, ca hát, tặng hoa bộ đội. Cổng chào, khẩu hiệu rực rỡ các đường phố, cờ đỏ sao vàng phấp phới trên các số nhà. Hòa chung không khí đó, hai chị em bà Thu Vân cùng với bạn bè ăn mặc tươm tất nhất, thậm chí hầu hết nữ sinh đều mặc áo dài và ra tận hồ Hoàn Kiếm để đón đoàn quân trở về và “ăn mừng” niềm vui chiến thắng. Ở bến tàu điện Bờ Hồ lúc bấy giờ, ban đồng ca hát những ca khúc cách mạng Việt Nam và một số bài do nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ sáng tác. Sau đó, dân chúng từ các phố Cầu Gỗ, Hàng Gai, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang kéo về mỗi lúc một đông, hòa thành một không khí náo nhiệt, vui tươi, người nào cũng tay cờ, tay hoa cùng nhau vỗ tay hát theo ban đồng ca.
“Đặc biệt, tôi nhớ mãi hình ảnh hàng trăm, hàng nghìn người cùng cất tiếng hát bài “Tiến về Hà Nội” của nhạc sĩ Văn Cao: “Trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân tiến về”, lời bài hát thấy sao mà hay thế, mà đúng thế. Sau này, hễ đến ngày Giải phóng Thủ đô, tôi lại nghe đi, nghe lại bài hát này, và mỗi khi trên truyền hình lại giới thiệu góc bờ hồ quen thuộc hát chào đón bộ đội khiến tôi vô cùng xúc động”, bà Vân chia sẻ.
Khoảng 15 giờ, còi trên nóc Nhà hát Thành phố nổi lên một hồi dài. Hàng trăm nghìn người dân Hà Nội dự Lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại sân vận động Cột Cờ với sự tham gia của các đơn vị quân đội. Sau Lễ chào cờ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ trân trọng đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng. Mở đầu Lời kêu gọi, Người viết: “Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào...”, tất cả mọi người đều rưng rưng xúc động. Ngày 10/10/1954 đã trở thành một dấu ấn thật khó quên.
Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 không chỉ ghi dấu một chặng đường phát triển của Thủ đô Hà Nội, mà còn là mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Ký ức về Ngày giải phóng Thủ đô cách đây 67 năm là những hồi ức đẹp, không thể lãng quên trong tâm trí mỗi người dân Thủ đô. Có thể nói, những người đã sống ở Thủ đô, chứng kiến những năm tháng toàn quốc kháng chiến và thời điểm vinh quang 67 năm trước, không chỉ là nhân chứng mà còn là những người viết nên lịch sử, lưu giữ lại những ký ức tuyệt đẹp nhất của Thủ đô. |
Đã 67 năm trôi qua, nhưng ký ức hào hùng của những người được chứng kiến khoảnh khắc thiêng liêng trong Ngày giải phóng Thủ đô vẫn còn mãi. Dù sau thời điểm đó, chiến tranh tiếp diễn, Hà Nội cũng như cả nước gồng mình trong cuộc chiến bảo vệ, kiến thiết, phát triển đất nước, nhưng dấu ấn về những phút giây Hà Nội được giải phóng là không thể quên đối với những người từng được chứng kiến. Còn đối với học sinh, sinh viên như bà Thu Vân lúc bấy giờ, Ngày giải phóng Thủ đô còn đánh dấu bước ngoặt vô cùng quan trọng. “Trước đó, học sinh, sinh viên chúng tôi chỉ hoạt động bí mật, sau đó chúng tôi đã bắt đầu được hoạt động công khai. Rồi sau khi giải phóng, chúng tôi cũng đã có nhiều cơ hội được gặp, trò chuyện với Bác Hồ”, bà Vân rưng rưng nhớ lại.
Giờ đây, khuôn mặt phố phường đã có nhiều đổi thay, 67 năm gần bằng tuổi cả một đời người. Nhưng âm vang những ngày giải phóng vẫn còn mới mẻ rạo rực, hân hoan, hào hứng không chỉ trong những bản nhạc, thước phim mà còn trong cả bao ký ức con người. Những ký ức mà bao giờ cũng được khơi dậy từ âm điệu da diết của tâm hồn, của âm hưởng cuộc sống mới, hòa chung với mùa thu Hà Nội. Năm nào cũng thế, cứ đến dịp này, bà Vân lại bồi hồi như được sống lại những ký ức mùa thu lịch sử.
Bà Thu Vân bày tỏ: “Già nửa thế kỷ trôi qua, giờ đây, người còn, người mất, để lại bao kỉ niệm của tuổi xanh đầy nhiệt huyết. Với tôi, Hà Nội vẫn mãi là một tình yêu đẹp. Hà Nội là nơi tôi luôn cảm thấy tự hào và chẳng còn gì vinh quang, hạnh phúc hơn khi được chứng kiến sự thay đổi của Thủ đô. Tôi cảm nhận rất rõ khát khao hòa bình, tự do của người dân được vỡ òa trong niềm vui, niềm hạnh phúc vô bờ bến. Tôi cảm nhận được sự phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội qua từng thời kỳ. Và hơn hết, tôi nhìn thấy sức mạnh của nhân dân, tinh thần bất khuất của người dân Thủ đô”.
Đây cũng là lý do để hằng năm, cứ đến ngày 10/10, gia đình bà Thu Vân đều có những hoạt động để tưởng nhớ, để hướng về. Năm ngoái, bà cùng con gái đã ra Hồ Gươm chụp một bộ ảnh kỉ niệm. Còn năm nay, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gia đình bà chỉ treo cờ, ôn lại lịch sử và nhắc nhở nhau cùng Thành phố thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch. Đó cũng chính là một cách để bảo vệ, để giữ gìn Thủ đô./.
Bài viết cùng chủ đề
70 năm ngày Giải phóng Thủ đôCó thể bạn quan tâm
Nên xem
Quy định về ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật trên mạng từ 25/12/2024
Bảng giá đất cũ được áp dụng đến hết 31/12/2025
Phản biện Dự thảo Nghị quyết quy định áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp điện, nước
Đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ việc, vụ án về tham nhũng, tiêu cực
Quận Hoàn Kiếm: Khẳng định vị thế trong hệ thống giáo dục Thủ đô
Tái hiện lời căn dặn của Bác Hồ trong đêm diễn đặc biệt tại Hoàng thành Thăng Long
Ông hoàng K-Pop G-Dragon trở lại sau 9 năm vắng bóng tại MAMA 2024
Tin khác
Phản biện Dự thảo Nghị quyết quy định áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp điện, nước
Chỉ đạo - Điều hành 14/11/2024 20:48
Đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ việc, vụ án về tham nhũng, tiêu cực
Chỉ đạo - Điều hành 14/11/2024 20:44
“Mở đường” khai thác, sử dụng không gian ngầm ở Hà Nội trong tương lai
Chỉ đạo - Điều hành 14/11/2024 16:50
Góp phần bảo tồn, quảng bá tranh dân gian Hàng Trống
Nhịp sống Thủ đô 14/11/2024 16:16
Cùng hành động để tạo ra môi trường an toàn và hỗ trợ trẻ sinh non
Nhịp sống Thủ đô 14/11/2024 16:08
Sớm cụ thể hóa Luật Thủ đô 2024 để Hà Nội phát triển nhanh, bền vững
Luật Thủ đô 2024 14/11/2024 16:05
Đảm bảo văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi) được ban hành kịp thời
Luật Thủ đô 2024 14/11/2024 15:46
Triển khai Luật Thủ đô: Kiểm soát chất lượng các văn bản quy định chi tiết
Luật Thủ đô 2024 14/11/2024 14:03
Hà Nội xem xét các Nghị quyết thi hành Luật Thủ đô
Chỉ đạo - Điều hành 14/11/2024 11:21
Gốm Bát Tràng thương hiệu hai trong một
Tôi yêu Hà Nội 14/11/2024 09:08