Đuối nước và những hậu quả đáng lo ngại
TP.HCM: Giảm tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước Phòng, chống đuối nước cho trẻ: Điểm nhấn từ một địa phương Kỳ 1: Khi nghỉ hè đi kèm với những nỗi lo |
Tại Khoa Điều trị Tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, ngày 23/9, bé trai L.N. (12 tuổi, ở Hà Nam) vừa được rút máy thở sau 2 ngày điều trị đuối nước. Qua khai thác bệnh sử, các bác sĩ cho biết L.N. đang giúp ông nội lùa vịt thì không may trượt chân ngã xuống ao, ngay lập tức ông nội đã hô hoán người dân xung quanh ra giúp đỡ.
Bé L.N. đã hồi phục nhưng vẫn còn mệt mỏi và đang được mẹ chăm sóc. |
Thời gian trẻ được vớt lên khỏi mặt nước là khoảng 2 phút kể từ khi tai nạn xảy ra, trẻ vẫn còn thở, chưa bị ngừng tim. Trẻ được thực hiện sơ cứu tại chỗ và đưa đến Bệnh viện tuyến tỉnh cấp cứu. Ngay sau đó, bệnh nhi L.N. được đặt ống nội khí quản và chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.
Tại đây, sau khi thực hiện thăm khám và các bước cấp cứu ban đầu, trẻ được thở máy, dùng thuốc vận mạch, chống sốc; kết hợp điều trị viêm phổi. May mắn sau 2 ngày điều trị, trẻ đã qua được cơn nguy kịch, tuy nhiên, sức khỏe còn yếu, tâm lý hoảng loạn và tiếp tục được điều trị viêm phổi bội nhiễm.
Tương tự, cùng nhập viện thời điểm tuần qua, bé M.Q. (10 tuổi, ở Bắc Ninh) và gia đình lại không được may mắn như thế. Do không được sơ cứu kịp thời và đúng cách, thời gian chuyển đến Bệnh viện trẻ đã ngừng tim quá lâu nên dù rất nỗ lực các bác sĩ đã không thể cứu được bé.
Chiều ngày xảy ra tai nạn, bé M.Q. đi học về và đi bơi cùng các em nhỏ hơn, không may trẻ bị đuối nước. Các bé đi cùng quá nhỏ nên rất hoảng sợ, không có khả năng báo động để được giúp đỡ. Khi có người đi tập thể dục phát hiện thì trẻ đã nổi trên mặt nước.
Đặc biệt, trẻ được sơ cứu sai cách bằng việc dốc lên, chạy ngược làm các dịch dạ dày chảy ngược vào đường thở, khiến tình trạng càng nghiêm trọng hơn và bỏ qua mất thời điểm vàng để cứu tim của trẻ. Khi được đưa đến Bệnh viện tỉnh để cấp cứu, các bác sĩ đã nỗ lực để cấp cứu cho tim đập trở lại. Tuy nhiên, do thiếu oxy não kéo dài, trẻ vẫn bất tỉnh và tiên lượng tử vong cao. Trẻ được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương ngay sau đó.
Các bác sĩ Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương đã dùng phối hợp tất cả biện pháp đặt nội khí quản, sử dụng thuốc vận mạch, điều trị suy tuần hoàn, nhưng rất tiếc tất cả đã quá muộn, trẻ đã tử vong ngay để lại nỗi đau và cả bài học lớn cho cả gia đình và xã hội.
Trường hợp thứ 3 là bé Đ.H. (2 tuổi, Vĩnh Phúc) ngã xuống bể cá cảnh. Khi phát hiện ra trẻ nằm ngửa, tím tái. Gia đình cũng sơ cứu sai lầm theo cách dân gian là dốc ngược chạy, sau đó mới hô hấp nhân tạo. Trẻ nhập Bệnh viện huyện trong tình trạng ngừng tuần hoàn, suy hô hấp.
Cùng ngày 24/9, trẻ được bóp bóng qua nội khí quản, sử dụng thuốc vận mạch rồi chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, trẻ cũng được thở máy, điều trị suy tuần hoàn, kiểm soát thân nhiệt chủ động, sử dụng thuốc kháng sinh điều trị viêm phổi một cách tích cực. Các chỉ định cận lâm sàng: Xquang tim phổi, điện não đồ,...cũng được tiến hành. Tuy nhiên, tình trạng trẻ không khả quan, tiên lượng rất xấu.
Các bước hồi sức tim phổi cho người bị đuối nước. |
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Anh Tuấn - Trưởng Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ bị đuối nước có thể ngạt thở, dẫn đến tử vong nhanh chóng. Phần lớn trẻ bị đuối nước tử vong hoặc có các biến chứng nặng như: Suy hô hấp, viêm phổi, hoặc di chứng tổn thương não do thiếu oxy kéo dài là do không được cấp cứu hoặc cấp cứu không đúng cách.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, đây là hồi chuông cảnh tỉnh đến cha mẹ hãy giám sát con cái trong các hoạt động bơi lội, vui chơi gần khu vực ao hồ, sông, suối. Đồng thời người lớn cũng cần trang bị kiến thức về sơ cứu đuối nước để tình trạng trẻ không trầm trọng hơn, tăng cơ hội cứu sống trẻ.
Theo các bác sĩ, trẻ bị đuối nước sau khi đưa lên bờ có thể tỉnh hoặc bất tỉnh, cần tiến hành cấp cứu tại chỗ ngay lập tức như sau: Đặt trẻ nằm ngửa trên mặt phẳng trong tư thế đầu thấp. Cởi bỏ quần áo bị ướt và giữ ấm cho trẻ bằng chăn hoặc vải, áo quần khô để tránh trẻ bị hạ thân nhiệt. Tuyệt đối không bế dốc lên hoặc bế chạy ngược như truyền miệng.
Cần đảm bảo đường thở thông thoáng bằng việc lấy sạch đờm dãi và các dị vật ở miệng và mũi. Khi thực hiện, người cứu hộ cần hết sức bình tĩnh, không làm tổn thương thêm đường hô hấp của trẻ.
Đánh giá trẻ bằng cách nhìn nghe và cảm nhận: Lay gọi, quan sát lồng ngực trẻ, nếu không thấy di động hoặc nếu trẻ bất tỉnh, cần tiến hành hồi sức tim phổi ngay lập tức. Thực hiện hô hấp nhân tạo bằng cách hà hơi thổi ngạt liên tục 2 lần cùng với xoa bóp tim ngoài lồng ngực: Hai bàn tay chồng lên nhau và đặt giữa ngực trẻ, ấn mạnh xuống khoảng 2 - 3 cm với nhịp điệu 2 lần/giây.
Ngay sau khi hô hấp nhân tạo cần kiểm tra mạch đập của trẻ tại một trong các vị trí như mạch quay ở cổ tay, mạch cảnh ở cổ và mạch bẹn hoặc sờ vào lồng ngực trái để cảm nhận xem tim còn đập không. Khi không bắt được mạch hoặc thấy tim ngừng đập cần tiến hành ép tim ngoài lồng ngực kèm theo hô hấp nhân tạo.
Trong trường hợp trẻ còn tỉnh táo, cần đặt trẻ tư thế dẫn lưu nghiêng đầu trẻ sang bên, trẻ có thể tự thở trở lại. Cần gọi hỗ trợ cấp cứu 115 hoặc các chuyên gia/bác sĩ quen biết để được hướng dẫn trước khi cho trẻ nhập viện kiểm tra lại hoặc cấp cứu.
Tại Việt Nam, đuối nước là một vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ em, khi mỗi ngày có tới 7 trẻ em dưới 15 tuổi tử vong do đuối nước. Phổ biến nhất là ở nhóm tuổi còn nhỏ từ 0 - 5 tuổi chưa tự ý thức được hành động và trẻ từ 9 - 15 tuổi đã có thể độc lập về mặt hành động, sở thích, ý muốn. Thế nên, dù là ở nhóm tuổi nào, trẻ vẫn cần được sự giám sát của cha mẹ, cảnh báo từ những người xung quanh khi đi bơi, hoặc vui chơi gần các khu vực ao, hồ, bể bơi. Rời mắt một vài giây thôi là những tai nạn thương tâm đã có thể xảy ra với trẻ em. |
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Giá xăng dầu hôm nay (28/11): Giá dầu thế giới ổn định, trong nước dự báo sẽ đảo chiều tăng?
Nâng cao kiến thức pháp luật cho người lao động
Tỷ giá USD hôm nay (28/11): Đồng USD thế giới giảm mạnh
Giá vàng hôm nay (28/11): Sau mấy ngày lao dốc, giá vàng bất ngờ vọt tăng
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 28/11: Đêm và sáng trời rét
Khởi nghiệp sáng tạo có thể tạo ra những thay đổi đột phá
Ngày 1/12, Đại học Bách khoa Hà Nội mở đăng ký thi đánh giá tư duy
Tin khác
Hà Nội đặt mục tiêu tiêm vắc xin uốn ván - bạch hầu đạt tỷ lệ 90% trở lên
Y tế 27/11/2024 06:20
Gia tăng nguy cơ bệnh nặng và tử vong vì kháng thuốc
Y tế 26/11/2024 08:01
Hà Nội tăng cường các hoạt động nâng cao chất lượng dân số
Xã hội 25/11/2024 14:23
Hà Nội ghi nhận thêm 28 ca mắc sởi
Y tế 25/11/2024 14:17
Kháng thuốc đang đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng
Y tế 22/11/2024 15:22
Nam bệnh nhân mất 1/2 lượng máu trong cơ thể vì sốt xuất huyết
Y tế 22/11/2024 06:03
Thêm giải pháp nâng cao sức khỏe các nhóm yếu thế tại Việt Nam
Y tế 21/11/2024 14:15
Báo động xu hướng trẻ hóa đối tượng nhiễm HIV
Y tế 21/11/2024 07:03
“Chúng tôi đánh giá cao tinh thần học hỏi của đội ngũ FPT Long Châu!”
Y tế 20/11/2024 22:40
Chiến lược đào tạo giúp đội ngũ Long Châu tự tin chăm sóc sức khỏe hơn 20 triệu khách hàng
Y tế 20/11/2024 22:39