Mong muốn sớm được tăng lương tối thiểu vùng
Tiếp tục đề xuất tăng lương tối thiểu vùng Để thu hút lao động: Đảm bảo việc làm phải gắn liền với tiền lương và phúc lợi Nên tăng lương để giữ chân và thu hút lao động |
Chật vật xoay sở
Từ đầu năm đến nay, chị Nguyễn Thị Thắng (quê ở tỉnh Vĩnh Phúc) - công nhân tại một nhà máy điện tử ở Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh, Hà Nội) đã thắt chặt chi tiêu khi giá xăng, giá gas tăng mạnh, kéo theo nhiều mặt hàng thực phẩm tăng theo. “Tổng thu nhập của công nhân cả tháng chỉ có 7-8 triệu đồng. Đợt dịch vừa rồi, hai vợ chồng cùng là F0 phải nghỉ làm 10 ngày. Thu nhập bị giảm hơn trong khi tiền thuốc men điều trị cũng tốn kém” - chị Thắng chia sẻ. Câu chuyện “cơm áo gạo tiền” này cũng là vấn đề đang được nhiều công nhân lao động quan tâm.
Công nhân Khuất Thị Hà Công ty TNHH May Mặc Vietpacific phải chật vật xoay sở vì công việc và thu nhập sụt giảm do dịch bệnh. |
“Mỗi tháng, người lao động ngoại tỉnh như chúng em phải chi trả rất nhiều chi phí từ tiền nhà trọ, tiền điện nước, ăn uống hàng ngày, tiền gửi về cho con… Bé nhà em năm nay lên lớp 2 gửi ông bà ở quê nuôi dạy hộ chứ với mức thu nhập hiện tại, chúng em chưa thể đưa con lên ở cùng” - chị Lê Thị Thuỷ (quê ở Tuyên Quang), công nhân tại một nhà máy ở Khu công nghiệp Thăng Long cho biết. Để có thêm thu nhập, chị Thuỷ mong muốn nhà máy có thêm nhiều đơn hàng để người lao động được làm tăng ca, tăng giờ. Với mức lương khoảng 7 triệu đồng/tháng, phải chi tiêu tiết kiệm, người lao động mới lo đủ cuộc sống, các khoản chi tiêu cho việc tái tạo sức lao động hay thư giãn, giải trí gần như không có.
Cũng cảnh chật vật xoay sở với cuộc sống, công nhân Khuất Thị Hà - Công ty TNHH May Mặc Vietpacific (quận Hà Đông, Hà Nội), cho biết, hai năm qua, dịch bệnh Covid-19, thời gian làm việc của chị bị sụt giảm nhiều do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 dẫn đến thu nhập giảm. “Với mức lương cơ bản chưa đầy 6 triệu đồng, không có thu nhập tăng thêm do dịch bệnh, tôi cố gắng chắt bóp cũng không đủ trang trải cho sinh hoạt gia đình, nhất là khi phải nuôi con nhỏ ăn học và thuốc thang chữa bệnh cho chồng bị ung thư. Vì thế tôi đã phải lăn lộn làm thêm rất vất vả.
Thời gian gần đây, tôi có nghe phong phanh thông tin về việc tăng lương tối thiểu năm 2022, tôi cũng như các công nhân rất mong điều đó có thực. Vẫn biết thời điểm này, doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn, nếu tăng lương, cũng chỉ ở mức vừa phải, nhưng đối với chúng tôi lúc này, tăng được một đồng cũng quý, cũng giảm bớt phần nào gánh nặng chi tiêu của chúng tôi”- chị Hà bày tỏ.
Tương tự, công nhân Trần Thị Thanh Nga - Công ty TNHH Điện tử Mekio Việt Nam (Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai, Hà Nội) cũng chia sẻ, do dịch bệnh, thời gian qua, chị không tăng ca, làm thêm, thu nhập chỉ trông vào mức lương cơ bản. Với xấp xỉ 10 triệu đồng tiền lương cơ bản, chị Nga phải cố gắng cân đối, tiết kiệm thì cũng đủ trang trải cho các khoản tiền nhà trọ, điện nước, ăn uống, sinh hoạt phí, nhưng đấy là chị Nga còn độc thân, chưa vướng bận gia đình, chưa có con nhỏ. Còn với các công nhân khác đã có gia đình, nuôi con nhỏ thì mức thu nhập đó thực sự hạn hẹp, không đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống.
“Thời gian qua, dẫu khó khăn, công nhân chúng tôi vẫn gắn bó, đồng hành cùng doanh nghiệp. Hiện nay, trong trạng thái bình thường mới, thích ứng linh hoạt, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang dần phục hồi, ổn định trở lại. Vì thế công nhân chúng tôi rất mong muốn Chính phủ xem xét, tiếp tục thực hiện tăng lương tối thiểu vùng. Dù ít, dù nhiều thì việc tăng lương tối thiểu vùng cũng có ý nghĩa “góp gió thành bão”, giúp san sẻ phần nào khó khăn trong đời sống công nhân”- chị Nga thổ lộ.
Ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Chủ tịch Công đoàn Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội thông tin: Tuy lương tối thiểu vùng chưa được điều chỉnh từ 2 năm nay nhưng về cơ bản, các doanh nghiệp trong các Khu công nghiệp tại Hà Nội đã trả lương cho người lao động cao hơn so với mức lương tối thiểu vùng; tùy vào tình hình sản xuất kinh doanh, mỗi công ty lại chi trả một mức khác nhau cho thấy sự chia sẻ lẫn nhau trong lúc khó khăn của người lao động với doanh nghiệp và ngược lại. Thế nhưng, mức tăng này không bằng với mức trượt giá và chưa đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động.
Tăng lương để san xẻ khó khăn của người lao động
Bày tỏ quan điểm cần phải tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động, ông Tạ Văn Dưỡng- Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Chính sách Pháp luật LĐLĐ thành phố Hà Nội cho biết, quy định về chuẩn mức sống tối thiểu hiện nay là những nhu cầu tối thiểu nhất mà mỗi người cần phải có để sinh sống, bao gồm nhu cầu về tiêu dùng lương thực - thực phẩm và tiêu dùng phi lương thực - thực phẩm như giáo dục, văn hóa, thể thao.
Tỉ lệ 2 yếu tố này hiện nay là 50/50. Tuy nhiên, khi cuộc sống phát triển, các tiêu chí về phi lương thực phải cao hơn tiêu chí lương thực, ngoài ra còn phải tính đến yếu tố tích lũy cho người lao động. "Theo tôi, xác định được mức sống tối thiểu hiện nay rất khó, vì bên cạnh nhu cầu về lương thực - thực phẩm thì giá trị nhu cầu về tinh thần của người lao động cũng rất lớn: Nhà cửa, con cái, học hành, vui chơi - giải trí... Vì vậy, hiện tại mức lương tối thiểu vùng chưa đáp ứng mức sống tối thiểu, phải tăng từ 15%-20% nữa mới đáp ứng được mức sống tổi thiểu" - ông Dưỡng bày tỏ.
Cũng theo ông Dưỡng, lương tối thiểu vùng chỉ là mức Chính phủ đưa ra để làm căn cứ cho các doanh nghiệp thương lượng, sắp xếp trả lương không thấp hơn mức đó. Thực tế, nhiều doanh nghiệp trả lương cao hơn mức lương tối thiểu khoảng 30%, song có không ít doanh nghiệp không hiểu hoặc cố tình không hiểu chỉ trả bằng hoặc không cao hơn lương tối thiểu vùng bao nhiêu, đặc biệt là trong thời gian vừa qua, khi Chính phủ không chủ trương tăng lương tối thiểu vùng, nhiều doanh nghiệp cũng không tăng lương cho người lao động. Đây chính là điều thiệt thòi, khiến đời sống người lao động thêm khó khăn.
“Sau thời gian dịch bệnh, hiện nay, hoạt động sản xuất kinh doanh đang dần được phục hồi, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng sản xuất, thu hút thêm nguồn nhân lực nên tôi nghĩ đây chính là thời điểm thích hợp để tăng lương tối thiểu vùng. Tại cuộc họp đầu tiên của Hội đồng Lương Quốc gia vừa diễn ra mới đây, tổ chức Công đoàn đã đề xuất tăng lương tối thiểu vùng kể từ 1/7/ 2022, theo tôi là hơi muộn, lẽ ra phải đề nghị áp dụng ngay từ đầu năm 2022. Lương và thu nhập có tăng lên, mới giảm bớt được khó khăn cho người lao động và điều này cũng sẽ giúp hạn chế các cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể và là yếu tố để giữ chân người lao động gắn bó với doanh nghiệp”- ông Dưỡng nói.
Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Nguyễn Đình Thắng cũng cho rằng: “Với việc thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, hầu hết các doanh nghiệp đã đi vào hoạt động bình thường. Bên cạnh một số doanh nghiệp còn khó khăn thì đa số doanh nghiệp đã phục hồi trở lại và phát triển tốt.
Trong các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, nhiều doanh nghiệp tuyển dụng số lượng lớn công nhân để phục vụ lượng đơn hàng mới bắt đầu dồi dào. Do đó, tôi nghĩ, đây chính là thời điểm thích hợp để tăng lương tối thiểu cho người lao động, mức tăng có thể là không quá cao, phù hợp với khả năng của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, nhưng vẫn rất cần tăng lương để bù đắp, san sẻ bớt khó khăn cho người lao động. Đây cũng chính là cách để giúp người lao động yên tâm sản xuất, gắn bó với doanh nghiệp, hạn chế tình trạng nhảy việc, nghỉ việc…” - ông Thắng nói. /.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Tài xế sẽ phải kiểm tra lí thuyết, thực hành khi bị trừ hết điểm bằng lái
Hà Nội: Triệt phá đường dây nhập lậu hàng nghìn tấn “khí cười”
Festival Ninh Bình lần thứ III: Hé lộ sân khấu gây choáng ngợp
Nguồn sức mạnh nội sinh to lớn để phát triển Thủ đô Hà Nội
Man City 0-4 Tottenham: Thất bại thứ 5 liên tiếp của Man City
Tỷ giá USD hôm nay 24/11: Đồng USD chốt tăng tuần 0,75%, đạt mức 107,49
Arsenal 3-0 Nottingham: Chấm dứt chuỗi 4 trận không biết mùi chiến thắng
Tin khác
Đề xuất, khuyến nghị Chính phủ phương án lương tối thiểu vùng phù hợp
Đời sống 22/11/2024 06:02
Yêu cầu các địa phương báo cáo thưởng Tết trước ngày 15/12
Đời sống 07/11/2024 16:30
Hà Nội: 30 nhà giáo tham gia Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2024
Đời sống 30/10/2024 22:30
Đề xuất tiêu chí xác định người lao động có thu nhập thấp
Đời sống 23/10/2024 16:06
Trình Thủ tướng phương án nghỉ Tết Âm lịch 9 ngày
Đời sống 23/10/2024 06:00
Giá điện, giá chung cư đều tăng: Người lao động càng thêm gánh nặng!
Lao động 12/10/2024 21:01
Thu nhập của người lao động tiếp tục được cải thiện
Đời sống 08/10/2024 06:17
Hàn Quốc ân hạn với lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp tự nguyện về nước
Đời sống 05/10/2024 11:45
Hà Nội: Hộ gia đình nuôi 2 con học đại học, cao đẳng được hỗ trợ vay vốn chính sách
Đời sống 04/10/2024 15:49
Đề nghị bỏ đề xuất sinh viên làm thêm không quá 24 giờ mỗi tuần
Đời sống 25/09/2024 22:33