Ngân vang cồng chiêng ở Thủ đô
Giữ tiếng chiêng ngân xa Níu giữ “hồn” chiêng xứ Mường |
Những người giữ “lửa”
Văn hóa cồng chiêng là di sản đặc trưng mang đậm bản sắc dân tộc Mường, làm phong phú thêm cho nền văn hóa Thủ đô ngàn năm văn hiến. Ở vùng đất Ba Vì, cách diễn tấu cồng chiêng của người Mường mang tính biểu cảm sâu đậm, diễn tả nội tâm sâu lắng. Khi đánh, mỗi chiếc cồng, chiêng phát ra một âm thanh khác nhau, từ âm cao nhất đến âm thanh trầm nhất.
Bà Nguyễn Thị Duyên, Chủ nhiệm Câu lạc bộ bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Mường xã Vân Hòa, huyện Ba Vì. |
Để có bài cồng chiêng hay thì cần những người am hiểu thể hiện. Một trong những người có “công lớn” trong việc lan tỏa tiếng cồng chiêng tại xã Vân Hòa (huyện Ba Vì) là bà Nguyễn Thị Duyên, Chủ nhiệm Câu lạc bộ bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Bà là “hạt nhân” cồng chiêng, mảnh đất này, người “giữ lửa” cho tinh thần đam mê nhiệt huyết.
Bà Duyên cho biết, có một thời gian dài cồng chiêng Ba Vì ít được biểu diễn. Thậm chí có xã, cồng chiêng vắng bóng trong đời sống người dân. Từng là Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách văn hóa, bà Duyên luôn đau đáu việc người đồng bào mình mải mê làm kinh tế, nguy cơ bỏ bẵng truyền thống. Năm 2015, sau khi nghỉ hưu, bà Duyên dồn hết tâm huyết vào việc bảo tồn và phát huy bản sắc của dân tộc mình.
Trên cơ sở đó, bà đã đưa ra ý tưởng thành lập Câu lạc bộ bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Mường, bao gồm tổ trưởng tổ chiêng của các thôn. Từ 11 thành viên khi mới thành lập, đến nay thành viên của Câu lạc bộ đã phát triển lên hơn 20 người. Câu lạc bộ sinh hoạt vào mỗi thứ năm hằng tuần. Các nghệ nhân tích cực truyền dạy về tiết tấu, âm hưởng của tiếng chiêng, khơi lại lời hát ví, hát đối, các bài hát, điệu múa mang đậm bản sắc dân tộc. Hiện xã có 11/14 thôn đều có bộ chiêng (12 chiêng/bộ), thậm chí có vài thôn có 2 bộ.
Nhờ hoạt động đều đặn trong nhiều năm, Câu lạc bộ thường xuyên góp mặt trong những ngày hội của người Mường, giao lưu trong các dịp kỷ niệm, ngày hội các dân tộc Việt Nam. Các thành viên đã đi giao lưu nhiều nơi nên cồng chiêng không chỉ ngân vang ở thôn, làng mà còn có cơ hội được biểu diễn trước đông đảo du khách, góp phần thu hút nhiều du khách đến tìm hiểu về đời sống văn hóa dân tộc Mường.
Xuôi về xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất), không khó để gặp Nghệ nhân ưu tú Bùi Thị Bích Thìn, người đã dành cả cuộc đời gắn bó với tiếng chiêng của bản làng mình. Với vai trò là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cồng chiêng và hát múa dân gian xã Tiến Xuân, bà kiên trì đứng lớp gần chục năm trời để thắp lửa đam mê biểu diễn nhạc cụ truyền thống. Bà vận động những chàng trai, cô gái các thôn bản tham gia tập luyện cồng chiêng, truyền dạy cho họ kỹ thuật đánh, cách đo âm vực cồng chiêng bằng sải tay, giảng giải ý nghĩa văn hoá được mã hoá trong chuỗi âm thanh trầm bổng. Ban ngày làm nương rẫy, tối về bà Thìn lại lóc cóc đạp xe đến các thôn bản để dạy đánh chiêng. Trong nhiều năm, nghệ nhân đã sáng tác, dàn dựng nhiều vở diễn nổi tiếng được khán giả đón nhận và yêu mến.
“Xã Tiến Xuân có đến 70% dân số là người Mường, nhiều người dân biết đánh chiêng, nhưng đạt độ điêu luyện, có nghề thì chưa có mấy người. Phải qua rất nhiều buổi hướng dẫn thì tôi mới truyền dạy được một bài chiêng. Nhớ được nhịp, cách đánh rồi, người học phải chăm chỉ luyện tập hàng ngày, hàng tuần thì những nốt chiêng mới trở nên mềm mại, uyển chuyển. Tôi đã cố gắng phổ cập được trong làng, ngoài xã hai bài “Bông trắng bông vàng” và “Sắc bùa”. Đây là những bài chiêng truyền thống của người Mường”, bà Thìn bày tỏ.
Bà Thìn cho hay, năm 2009, huyện Thạch Thất đã đầu tư cho ba xã miền núi Tiến Xuân, Yên Bình và Yên Trung, mỗi xã 2 bộ cồng chiêng để đồng bào sử dụng. Cùng với đó, huyện Thạch Thất đã mời các nghệ nhân đánh cồng chiêng uy tín của tỉnh Hòa Bình mở lớp dạy nghệ thuật cồng chiêng cho đồng bào Mường, thu hút hàng trăm người tham gia. Cho đến nay, tất cả 35 thôn thuộc 3 xã đều đã có cồng chiêng.
Câu lạc bộ Cồng chiêng và hát múa dân gian xã Tiến Xuân do nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn chủ nhiệm đã nỗ lực hết mình để lan tỏa “tiếng nói” của cồng chiêng đến với mỗi người dân ở 3 xã và trên khắp Thủ đô. Cứ hai năm, Câu lạc bộ lại tổ chức giao lưu văn hóa cồng chiêng một lần để tạo cơ hội cho dân bản Mường được giao lưu, chiêm ngưỡng, thi tài. Tâm huyết, cống hiến cả cuộc đời cho nghệ thuật cồng chiêng, năm 2015, bà Thìn vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.
Cần thêm chiến lược bảo tồn
Ðối với người Mường, cồng chiêng không đơn thuần là nhạc khí dân tộc mà còn là thanh âm quan trọng nhất, linh thiêng nhất trong sinh hoạt văn hóa. Tiếng chiêng Mường không mang nét cuồng nhiệt, hào hùng của những chàng Đam San nơi đại ngàn hùng vĩ, mà toát lên vẻ dịu dàng, đằm thắm của người con gái xứ Mường nơi mảnh đất Thủ đô… Tiếng cồng, chiêng lễ hội vang lên xua tan hết mệt mỏi, buồn phiền của con người. Với người Mường, tiếng chiêng của lễ hội là tiếng chiêng của may mắn, của những ước nguyện ấm no, hạnh phúc.
Muốn giữ gìn bản sắc văn hóa, thì mỗi con người đều phải có đam mê với văn hóa và cảm nhận nó như một phần của cuộc sống, như máu thịt của mình. Đến nay, bà Thìn luôn đau đáu làm sao có thể dốc hết vốn liếng cồng chiêng để truyền lại cho các thế hệ sau. “Tôi mong rằng Nhà nước cũng như Thành phố có thêm chính sách khuyến khích lớp trẻ giữ gìn nghệ thuật truyền thống. Hỗ trợ việc dạy và thực hành di sản để có thể tuyên truyền, quảng bá giới thiệu về di sản cồng chiêng của người Mường nói riêng và các di sản văn hóa phi vật thể của Thủ đô Hà Nội nói chung”, bà Thìn chia sẻ.
Nghệ nhân cũng mong muốn các cấp chính quyền cần quan tâm hơn nữa và tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho công tác bảo tồn và phát triển nghệ thuật cồng chiêng Mường. Cùng với đó, thường xuyên tổ chức các hội thi, sự kiện văn hóa để các đội cồng chiêng có thêm sân chơi bổ ích, giao lưu, học hỏi, thắp thêm ngọn lửa đam mê trong giữ gìn vốn di sản văn hóa đặc biệt quý giá của dân tộc Mường…
Trên thực tế, nhiều năm qua, thành phố Hà Nội luôn coi trọng, xem việc gìn giữ và phát huy giá trị các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống là nhiệm vụ trọng tâm, song hành cùng nỗ lực cải thiện đời sống cho vùng đồng bào dân tộc của Thủ đô. Nhất là từ khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính thì nghệ thuật chiêng Mường nói riêng và các loại hình văn hóa - nghệ thuật của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn nói chung đã được thành phố Hà Nội rất quan tâm đầu tư để phát huy giá trị.
Cả huyện Thạch Thất và Ba Vì đều đã có những đề án, kế hoạch bảo tồn, khôi phục và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường. Tuy nhiên, khi tiếp xúc, trò chuyện với các nghệ nhân, diễn viên cồng chiêng ở các câu lạc bộ thì việc lưu giữ bộ môn nghệ thuật này cũng gặp không ít khó khăn. Chính vì vậy, muốn tạo sức sống bền vững lâu dài của bộ môn nghệ thuật này cần sự chung tay hơn nữa; cần có chiến lược bảo tồn, tổ chức truyền dạy và tạo sân chơi thiết thực để tiếng cồng chiêng mang âm hưởng cuộc sống của đồng bào Mường ngày càng ngân vang trên mảnh đất ngàn năm văn hiến.
Phương Ngân
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Tăng mức hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở đối với người có công
Quyền lợi đặc biệt của lao động nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi
Cách tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng
Tôn vinh giá trị và vị thế của trẻ em gái, thúc đẩy bình đẳng giới
Bắt hai đối tượng bán mật gấu giả
Tài xế sẽ phải kiểm tra lí thuyết, thực hành khi bị trừ hết điểm bằng lái
Hà Nội: Triệt phá đường dây nhập lậu hàng nghìn tấn “khí cười”
Tin khác
Nguồn sức mạnh nội sinh to lớn để phát triển Thủ đô Hà Nội
Nhịp sống Thủ đô 24/11/2024 08:24
Hà Nội: Tuyên dương 68 người con hiếu thảo
Nhịp sống Thủ đô 23/11/2024 21:39
Thành đoàn Hà Nội tuyên dương cán bộ công chức, viên chức trẻ xuất sắc
Nhịp sống Thủ đô 23/11/2024 16:17
Phường đầu tiên của quận Tây Hồ nhận danh hiệu “Phường đạt chuẩn đô thị văn minh”
Thủ đô 23/11/2024 12:52
Sơn Tây: Bảo tồn và khai thác hiệu quả nguồn lực tài nguyên văn hóa
Nhịp sống Thủ đô 22/11/2024 18:56
Nâng cao tính minh bạch, hiệu quả và chuyên nghiệp trong hoạt động cải cách hành chính
Thủ đô 22/11/2024 17:25
Kênh thông tin hữu hiệu tuyên truyền sâu rộng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Nhịp sống Thủ đô 22/11/2024 15:13
Sôi nổi Hội thi Bí thư chi bộ giỏi quận Bắc Từ Liêm năm 2024
Nhịp sống Thủ đô 22/11/2024 14:18
Quận Tây Hồ phát huy và bảo tồn giá trị di sản văn hóa
Thủ đô 22/11/2024 10:53
Quận Hai Bà Trưng góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ quận
Nhịp sống Thủ đô 21/11/2024 08:42