Từ việc phân làn giao thông trục đường Nguyễn Trãi: Không làm quyết liệt, thí điểm khó thành công!
“Điểm nóng” vẫn chưa hạ nhiệt
Trục giao thông Nguyễn Trãi - Trần Phú - Quang Trung là trục đường hướng tâm, huyết mạch giao thông phía Tây của Thủ đô. Trục giao thông này đi qua nhiều quận như Thanh Xuân, Hà Đông, Nam Từ Liêm. Đây cũng là một trong những trục đường được đầu tư xây dựng hiện đại và rộng rãi nhất Thủ đô với 5-6 làn xe.
Giao thông trên trục đường Nguyễn Trãi sau thí điểm phân tách làn chưa đạt kết quả như kỳ vọng. Ảnh: Giang Nam |
Tuy nhiên, tuyến đường cũng thường xuyên phải gánh áp lực giao thông lớn. Ở khung giờ cao điểm, sáng từ 6h30 – 8h30, chiều từ 16h30 – 18h, tuyến đường lại trở thành nỗi “khiếp sợ" với người tham gia giao thông. Dòng phương tiện đi hỗn hợp, ken đặc và thường xuyên ùn ứ.
Để xử lý vấn đề này, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội đã tổ chức thí điểm phân làn phương tiện bằng dải phân cách trên đường Nguyễn Trãi với mục đích tách làn riêng ô tô, xe máy. Thời gian thí điểm đợt đầu từ ngày 6/8 đến 6/9. Việc phân làn được thực hiện theo hướng gồm: 2 làn sát vỉa hè sẽ cho phép xe máy, xe thô sơ và xe buýt hoạt động; làn 3, 4 sát dải phân cách dành riêng cho ô tô. Hà Nội cũng điều chỉnh phân làn linh hoạt bằng mũi tên phản quang, trụ chống va xô bằng lốp, hàng rào di động... kết hợp điều chỉnh hệ thống biển báo, sơn kẻ.
Qua ghi nhận thực tế, một trong những yếu tố không chỉ khiến việc phân làn trục Nguyễn Trãi chưa hiệu quả mà hầu hết các tuyến phố hay xảy ra ách tắc, thậm chí tai nạn đó là ý thức người tham gia giao thông. Đây là câu chuyện nói hoài, nói mãi mà không có hồi kết. Với người lái xe ô tô, dẫu 100% đều được học luật và có bằng lái song “kỳ lạ” khi tham gia giao thông cứ thấy đường hở chỗ nào là đi vào chỗ đó. Phần làn cho người đi xe máy, xe thô sơ cũng lấn làn vào. Với người đi xe máy, làn đường dành cho ô tô, người đi bộ cũng chẳng tha. Tắc nghẽn càng thêm tắc nghẽn. Đặc biệt, đến lúc cơ quan chức năng cần có biện pháp chấn chỉnh hành vi tham gia giao thông của đội ngũ lái xe máy Grap, xe ôm, nhân viên chở bàn giao hàng, người dân ngoại thành vào nội đô bán hàng… đây là những “đội quân” xem thường văn hóa giao thông nhất, dễ gây ra tai nạn giao thông nhất! |
Tuy nhiên, thí điểm đã diễn ra được hơn 1 tháng, và trong cuộc họp báo được UBND thành phố Hà Nội tổ chức vào chiều 9/9, ông Trần Hữu Bảo - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội chia sẻ, thời gian thí điểm vẫn sẽ tiếp tục được “nới” thêm nhằm đánh giá chính xác hơn tình hình giao thông trên tuyến đường.
Thực tế, việc thí điểm phân làn ở tuyến đường Nguyễn Trãi (địa phận quận Thanh Xuân) là cần thiết và nhận được sự đồng tình cao của dư luận. Tuy nhiên, do chưa có nhiều quyết tâm cải thiện tình hình nên hiệu quả phân làn chưa được như mong muốn.
Theo ghi nhận của Lao động Thủ đô trong các ngày 12 – 14/9, tình hình ùn tắc giao thông trên tuyến vẫn diễn ra phức tạp. Ùn tắc vào giờ cao điểm ở cầu vượt Ngã Tư Sở vẫn diễn ra nghiêm trọng. Tại một số “điểm nóng” như điểm giao đường Khương Đình - Nguyễn Trãi đến cầu vượt Ngã Tư Sở; điểm giao cắt với đường, phố và ngõ nhỏ thường xuyên xảy ra xung đột giao thông giữa các phương tiện. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan khiến ùn tắc, xung đột các dòng phương tiện do có nhiều điểm giao cắt thì còn nguyên nhân từ chính ý thức người dân.
Tại đây, ở các điểm đầu - cuối dải phân cách, dù có biển báo phân làn bắt buộc và sự điều tiết, hướng dẫn của lực lượng chức năng như Thanh tra Sở GTVT Hà Nội, Cảnh sát giao thông, Công an khu vực… nhưng nhiều phương tiện vẫn cố tình đi ngược chiều, đi sai làn. Tình trạng ô tô dừng, đỗ bất chấp biển cấm vẫn diễn ra phổ biến, làm ảnh hưởng đến luồng lưu thông của làn xe máy, xe thô sơ và xe buýt (2 làn này nằm bên trong, sát mép đường); tình trạng xe máy đi ngược chiều vẫn diễn ra phổ biến.
Cần quyết liệt hơn
Chị Đặng Thị Quyên (sinh năm 1989) cho biết, nhà ở Phú Lương (Hà Đông) nhưng mỗi sáng, bản thân chị thường phải ra khỏi nhà sớm 20 phút bởi cung đường từ nhà đến phố Triều Khúc nơi chị làm việc liên tục xảy ra tình trạng ùn ứ giao thông. Theo chị Quyên, để kịp đến cơ quan làm việc lúc 8h, trước đây chị đi lúc 7h hoặc 7h15, thì nay cũng cùng quãng đường nhưng chị phải đi từ 6h45. Nếu di chuyển chậm hơn 10 - 15 phút thì sẽ không kịp đến cơ quan.
“Về cơ bản tôi đồng ý với quan điểm phân làn, cho dân ta quen với việc tuân thủ luật giao thông, khi tuân thủ rồi thì đường đi sẽ tự thoáng dần. Thế nhưng, do trên tuyến đường Nguyễn Trãi có rất nhiều lối rẽ, lối mở sang đường nên nhiều xe máy, ô tô đi vào giao rẽ. Các cơ quan chức năng cần có thêm giải pháp để phân làn trở nên hiệu quả hơn” - chị Đặng Thị Quyên kiến nghị.
Tại Hà Nội, tình hình dân số có xu hướng gia tăng mạnh, nhưng hiện vẫn tập trung ở khu vực nội đô. Dù nhiều khu đô thị mới đã hình thành, nhưng về cơ bản các cơ quan, đơn vị vẫn nằm trong nội đô. Theo số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tỷ lệ tăng dân số bình quân trong 10 năm (2009 - 2019) của Hà Nội là 2,22% năm, cao hơn mức tăng bình quân cả nước (1,44%/năm). Mật độ dân số của Thành phố là 2.398 người/km2, cao gấp 8,2 lần so với mật độ dân số cả nước. Hệ lụy dễ thấy là tình trạng người dân “ở một nơi, đi làm, đi học một nẻo” và di chuyển cục bộ trong một phạm vi và thời gian khiến áp lực giao thông căng thẳng. Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 235/KH-UBND về việc thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 5/4/2022 của Chính phủ “Về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025" trên địa bàn thành phố Hà Nội. Kế hoạch đặt ra 8 nhiệm vụ trọng tâm và 10 giải pháp cụ thể. Trong đó, chỉ tiêu Hà Nội hướng đến là hằng năm, Thành phố xử lý từ 7 đến 10 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông, hạn chế phát sinh mới các điểm ùn tắc giao thông, không để xảy ra các vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút; Xóa bỏ kịp thời các điểm đen về tai nạn giao thông. |
Ông Lã Văn Ngãi (sinh năm 1950), phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân) cho biết, bản thân có nắm được thông tin qua báo chí về việc tách làn trên đường Nguyễn Trãi. Tuy nhiên, để việc phân làn hiệu quả hơn, ông Lã Văn Ngãi kiến nghị, trước mắt, các ngành chức năng cần kẻ vạch liền ngay từ chân cầu Ngã Tư Sở để xác định làn cụ thể. Có thể bố trí cho ô tô 3 làn riêng, 3 làn trong cùng thì cho phương tiện đi hỗn hợp. Đến chỗ rẽ hay quay đầu thì bố trí vạch sơn đứt và lắp đèn tín hiệu hoặc có lực lượng chức năng điều tiết. Sau khi tuyên truyền, nhắc nhở một thời gian thì các lực lượng tiến hành xử phạt để người dân nâng cao ý thức.
Quanh câu chuyện tổ chức lại giao thông, có thể thấy hiệu quả sau thời gian hơn 1 tháng thí điểm ở trục đường Nguyễn Trãi chưa đạt được như kỳ vọng. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ tổng thể, thời gian qua, công tác giải quyết các điểm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố là một trong các nhiệm vụ trọng tâm được Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ. Nhờ sự quyết liệt này, ùn tắc giao thông được giảm dần qua từng năm.
Bên cạnh các giải pháp mang tính dài hạn như thu hút người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, đầu tư hạ tầng giao thông, xây dựng cầu vượt nhẹ… thì xén vỉa hè để mở rộng đường và điều chỉnh nút giao, thí điểm phân luồng giao thông, nơi có lưu lượng phương tiện như: Hoàng Minh Giám - Nguyễn Chánh - Trần Duy Hưng; Hoàng Minh Giám - Hoàng Ngân (quận Cầu Giấy và quận Thanh Xuân); nút giao Tố Hữu - Vũ Trọng Khánh (quận Hà Đông)… đã đem lại hiệu quả tích cực.
Theo các chuyên gia giao thông, những động thái vào cuộc của cơ quan chức năng thời gian qua là sự cố gắng lớn. Tuy nhiên, để giảm ùn tắc và hạn chế phương tiện giao thông cá nhân… thì cần toàn xã hội vào cuộc, đặc biệt bản thân mỗi người dân cũng cần phải nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông.
Rõ ràng, việc Hà Nội triển khai phân làn cứng để tách dòng phương tiện trên trục đường Nguyễn Trãi -trục giao thông rộng nhất Thủ đô, là một bước đi cần thiết trong tổ chức giao thông, phù hợp với khuyến cáo của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này. Bởi giao thông hỗn hợp được cho là nguyên nhân của ùn tắc và tai nạn. Tuy nhiên, tại trục này, dù có lực lượng chức năng, dù có dải phân cách, dù có thông tin tuyên truyền… một bộ phận người điều khiển phương tiện giao thông vẫn cố tình đi vào phần đường không phải của mình. Họ len lỏi, luồn lách, rẽ ngang, tạt ngửa. Ùn tắc vẫn hoàn ùn tắc. Thường xuyên di chuyển trên tuyến đường này mới rõ, ở khung giờ cao điểm, nếu có một người tuân thủ và nhường đường, sẽ có hàng chục người khác chèn vào… chỗ trống. Ai cũng muốn nhanh, không ai chịu nhường ai và rồi tất cả cùng “đứng im”. Dẫn như vậy để thấy, trong nhiều hoàn cảnh, ý thức vẫn là yếu tố quyết định đến hiệu quả tổ chức lại giao thông. Nếu không nâng cao được ý thức thì việc tổ chức lại giao thông sẽ khó có hiệu quả./.
Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên: Tiếp tục thí điểm để tìm ra phương cách điều tiết giao thông phù hợp Tôi được nghe nhiều ý kiến cho rằng, việc phân làn trên đường Nguyễn Trãi sau khi tổ chức được hơn 1 tháng thì thất bại. Bản thân tôi cũng đi quan sát và trải nghiệm trên tuyến đường thì thấy rằng, nếu nói thí điểm dựng dải phân cách, phân làn xe máy, ô tô trên đường Nguyễn Trãi thất bại thì quá lời. Cần hiểu rằng, đường Nguyễn Trãi đang thực hiện thí điểm, mà thí điểm thì có thể làm theo cách này hoặc làm theo cách khác, phải thay đổi phù hợp thực tế, hiệu quả có thể chưa thấy rõ ràng ngay được. Phân làn xe máy, ô tô trên đường Nguyễn Trãi là tương đối phức tạp bởi tuyến đường có nhiều nút giao rẽ, gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Để khắc phục thì cần tiếp tục thí điểm để tìm ra phương cách điều tiết giao thông phù hợp và hiệu quả nhất. -------------------------- Ông Nghiêm Quốc Thắng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội: Tăng cường vận tải hành khách công cộng Phân làn xe máy, ô tô trên đường Nguyễn Trãi có ý nghĩa lớn với giao thông Thủ đô. Tuy nhiên, ý nghĩa của hoạt động này tốt nhưng cách thức triển khai lại chưa tốt. Cần phải khắc phục ở nhiều điểm. Chẳng hạn, với trục đường Nguyễn Trãi, tôi thấy rằng, một bộ phận người tham gia giao thông chưa nghiêm túc chấp hành yêu cầu phân làn của các cơ quan chức năng. Ý thức người dân còn kém. Với hoạt động này, tôi cho rằng cần tổ chức lâu dài và mở rộng đại trà hơn. Nói cách khác, ngoài kéo dài thời gian thí điểm thì nên thí điểm phân làn từ phía khu vực hầm chui Thanh Xuân đến hết tuyến. Việc kéo dài sẽ khắc phục được thói quen đi lại tự do của một bộ phận người dân. Ngoài ra, những người triển khai hướng dẫn phân làn cũng phải nghiêm túc thực hiện. Nếu chỉ túc trực phân làn, hướng dẫn trong khung giờ cao điểm, còn lại các khoảng thời gian khác không bố trí người thì phương tiện tham gia giao thông sẽ không chấp hành. Về lâu dài sẽ dẫn đến cảnh “nhờn luật”. Cần phải nghiêm túc và quyết liệt hơn ở vấn đề này. Nhiều ý kiến cho rằng cần phải xử phạt để nâng cao ý thức chấp hành phân làn trên trục đường, tôi thấy để thực hiện sẽ tương đối khó khăn. Bởi trục đường Nguyễn Trãi có lưu lượng người tham gia giao thông lớn, rất khó có thể xử lý. Cốt lõi bây giờ là Hà Nội phải triển khai đồng bộ các giải pháp giảm phương tiện giao thông cá nhân. Giảm bằng cách tăng cường vận tải hành khách công cộng và dành đường riêng cho xe buýt. Chỉ khi xe buýt đi nhanh, thể hiện được ưu điểm trước các loại hình phương tiện khác thì mới có thể thu hút người dân. -------------------------- Anh Nguyễn Văn Thành, quận Hà Đông: Đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng Vấn đề lớn nhất ở đây chính là cơ sở hạ tầng. Nếu cơ sở hạ tầng đáp ứng được đúng nhu cầu người dân, thì mọi thứ sẽ tự động được giải quyết. Vì bản chất con người luôn sẽ chọn thứ tốt nhất cho mình. Việc phân làn phương tiện là cần thiết. Ở đây việc phân làn phục vụ giảm xung đột giữa xe 2 bánh và xe ô tô, giúp cả 2 loại phương tiện này tăng khả năng lưu thông tức là giảm tắc đường. Nhưng việc phân làn xe hiện nay kém hiệu quả do có quá nhiều điểm mở quay xe trên tuyến và việc chuyển làn theo tôi chưa hợp lý./.
|
Nên xem
Quyền lợi đặc biệt của lao động nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi
Cách tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng
Tôn vinh giá trị và vị thế của trẻ em gái, thúc đẩy bình đẳng giới
Bắt hai đối tượng bán mật gấu giả
Tài xế sẽ phải kiểm tra lí thuyết, thực hành khi bị trừ hết điểm bằng lái
Hà Nội: Triệt phá đường dây nhập lậu hàng nghìn tấn “khí cười”
Festival Ninh Bình lần thứ III: Hé lộ sân khấu gây choáng ngợp
Tin khác
Chia sẻ khó khăn cùng gia đình có người thân bị tai nạn giao thông
Giao thông 22/11/2024 18:44
Tăng cường xử lý xe chở quá tải, cơi nới thành thùng
Giao thông 22/11/2024 12:55
Quyết tâm kiềm chế tai nạn giao thông ở Thủ đô
Giao thông 22/11/2024 12:50
Nỗ lực ngăn chặn tình trạng học sinh vi phạm luật giao thông
Giao thông 22/11/2024 10:41
Giá vé tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên từ 7.000 đồng - 20.000 đồng/lượt
Giao thông 21/11/2024 21:02
Lộ trình phát triển hệ thống giao thông thông minh
Đề án Hà Nội 21/11/2024 08:42
Đồng lòng gỡ “nút thắt” giải phóng mặt bằng Quốc lộ 1A
Giao thông 21/11/2024 07:18
Dự án đường sắt tốc độ cao: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt “vươn mình”
Giao thông 21/11/2024 07:17
Công an xác minh nhóm học sinh đầu trần đi xe máy cầm cờ trên đường Nguyễn Trãi
Giao thông 20/11/2024 11:22
Xử lý nhiều trường hợp điều khiển xe máy đi vào Vành đai 3 trên cao
Giao thông 20/11/2024 09:34